Trong các đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni thì Tôn giả Mục Kiền Liên là đệ nhất Thần thông, có thể lên Trời, xuống lòng Đất, nhưng lại bị người ta dùng đá đập chết.

Các tỳ kheo không thể nào lý giải nổi: “Một đệ tử của Phật có Thần thông quảng đại, hoằng dương Phật Pháp oanh liệt, sao lại có thể chết thảm như thế này? Tại sao ông không được Phật Thích Ca Mâu Ni bảo hộ?”.

Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni mới giảng kinh hoằng Pháp thì người theo hầu bên trái chính là đại đệ tử Mục Kiền Liên.

Tôn giả Mục Kiền Liên không chỉ có Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, mà còn có thể biết được trong lòng người khác nghĩ gì. Bất kể là đường xa đến đâu, trong nháy mắt ông lập tức đến nơi. Ông còn có thể lên trên Trời, xuống lòng Đất, nước ngập không chết, lửa thiêu không cháy. Thần thông của Tôn giả Mục Kiền Liên chỉ sau Phật Đà, nên được gọi là đệ nhất Thần thông. Ông đã từng một chân đứng trên địa cầu, một chân bước lên Phạm Thiên, làm rung động núi Tu Di, rung chuyển Trời Đất, các tỳ kheo không ai không thán tán khâm phục.

Tôn giả Mục Kiền Liên toàn tâm trợ giúp Phật Thích Ca Mâu Ni hoằng dương Phật pháp, công đức vĩ đại, do đó cũng bị đố kỵ ghen ghét. Một số người ngoại đạo cho rằng, chỉ cần trừ khử được Mục Kiền Liên thì có thể hủy hoại được thanh danh Phật Thích Ca.

Một lần Tôn giả Mục Kiền Liên vào thành La Duyệt (Rāja-gṛha – cũng gọi là thành Vương Xá) hóa duyên, những người ngoại đạo mình trần luôn tìm thời cơ ám sát ông liền đem theo đá, gậy vây lấy ông đánh túi bụi. Đá như mưa rơi tới tấp ném vào ông. Ông bị đánh đến mức máu thịt nát bét, xương sọ vỡ nát, đau đớn vô cùng, cuối cùng bị đánh đến chết.

Các tỳ kheo vô cùng đau lòng, không thể chịu nổi: “Thế gian quá bất công, Mục Kiền Liên dốc sức duy hộ Phật pháp, sao lại chết thảm thế này? Tại sao không được Phật Thích Ca bảo hộ?”.

“Hơn nữa, Tôn giả Mục Kiền Liên có đủ Pháp lực Thần thông, dẫu tất cả chúng sinh trong tam giới nổi dậy tấn công, ông cũng có đủ năng lực trốn thoát, tại sao ông không dùng Thần thông kháng cự lại với những người ngoại Đạo? Tại sao không thoát được khỏi sự ám sát của ngoại Đạo?”.

Các tỳ kheo rất đau lòng và khó hiểu trước cái chết của Tôn giả Mục Kiền Liên. (Ảnh minh họa: mettapage.org)

Hết thảy mọi việc thế gian, Phật Thích Ca đều biết trước, Ngài không xúc động như các tỳ kheo, rất bình tĩnh khai thị cho các tỳ kheo: “Thần thông rốt cuộc cũng không chống lại được nghiệp lực, nghiệp báo cuối cùng cũng phải hoàn trả. Đời này, Mục Kiền Liên chết thảm bởi ném đá cũng không trái với tội nghiệp trước kia đã tạo”.

“Trong đời quá khứ, Mục Kiền Liên đã từng bắt cua cá bên bờ biển để mưu sinh, những sinh mệnh bị giết nhiều không đếm xuể. Những món nợ này đều phải trả hết”.

“Ngoài ra trong một đời, vợ Mục Kiền Liên bất hảo đối với cha mẹ chồng bị mù. Một lần vợ tố cha mẹ chồng với Mục Kiền Liên, nói xấu ông bà. Thế là Mục Kiền Liên bị mê hoặc đã nảy sinh ác niệm: ‘Nếu cha mẹ bị đánh tơi bời như cỏ lau thì tốt quá’. Thậm chí Mục Kiền Liên còn bị ác niệm khống chế, muốn giả dạng kẻ cướp giết chết cha mẹ”.

“Mục Kiền Liên đưa cha mẹ vào trong rừng, sau đó giả dạng kẻ cướp, một mặt thét: “Có cướp, có cướp”, một mặt cầm gậy đánh cha mẹ. Cha mẹ đầu tiên lo lắng cho an toàn của con, lại không nhìn được ai đang đánh mình, họ thét to: “Con trai, mau chạy trốn đi, mau chạy trốn đi”. Mục Kiền Liên cảm động, cuối cùng lương tâm xuất hiện, quỳ trước cha mẹ hối hận khôn nguôi, cuối cùng được cha mẹ tha thứ”.

“Lần tạo nghiệp này khiến Mục Kiền Liên bị rớt xuống địa ngục rất nhiều năm, nghiệp báo vẫn chưa hết. Mục Kiền Liên bị ném đá không thể nào chống lại được, Thần thông đều mất hết, thực tế là có nguồn gốc từ nghiệp lực chưa trả hết này”.

Phật Đà giảng giải về mối ân oán nhân duyên của Mục Kiền Liên. (Ảnh minh họa: uteeni.com)

Một người tu luyện thì chết cũng chẳng sợ, sống cũng chẳng mừng, sống chết đều có thể buông bỏ được. Hơn nữa Mục Kiền Liên từ trước đây đã phát nguyện hiến dâng sinh mệnh cho Phật pháp, nên đời này phải thực hiện lời thề nguyện của mình, trở thành vị Giác giả đầu tiên đổ máu hy sinh cho môn giáo trong lịch sử Phật giáo.

Hết thảy những nhân duyên tao ngộ của chúng sinh đều là nghiệp lực thiện ác, tự làm tự chịu. Dẫu Thần thông lớn đến mấy cũng không thể phá hoại phép tắc nhân quả được.

Thậm chí bản thân Phật Thích Ca, cũng vì đời trước tạo nghiệp, gõ đầu một con vua cá ba cái, tuy chưa ăn nó, nhưng sau khi thành Phật cũng vẫn phải chịu quả báo đau đầu ba ngày.

Ngày nay có người không tin quả báo, cho rằng người tốt sao lại gặp vận hạn, kẻ xấu sao vẫn cứ ngày ngày hưởng lạc?

Nhân quả thông 3 đời hoặc còn lâu hơn. Những người ác hiện nay đang hưởng lạc, cũng bởi vì xưa kia họ tu thiện, nên phúc báo hiện nay vẫn còn tiếp tục do nhân thiện. Hiện nay họ làm ác, tương lai ắt sẽ chịu quả báo khổ, không phải là không báo mà là chưa đến lúc mà thôi.

Nguồn: “Phật thuyết đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh”, “Bản sinh kinh”, “Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da”, “Thập đại đệ tử truyện”, “Ba lê tam tạng”.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch