Văn hoá Đạo gia có ảnh hưởng sâu rộng ở châu Á và trên thế giới. Ở phương đông, khái niệm thời gian là ‘tròn’ giống Thái Cực Đồ, 60 năm quay lại vòng Hoa Giáp/Giáp Tý.
Trong khoa học, người ta đã chứng minh “tam sinh vạn vật” là ứng với electron mang điện tích âm, proton mang điện tích dương và notron không mang điện cấu thành nên vật chất. Hay như thiết kế Tam quyền phân lập của Hoa Kỳ/phương tây là dựa trên lý tương sinh tương khắc của Đạo gia.
Còn riêng văn minh Trung Hoa chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn hoá Đạo gia. Vậy văn hoá Đạo gia có những đặc điểm gì?
- Trọn bộ Trung Hoa văn minh sử
Đặc điểm thứ 4 (trong 5) đặc điểm của văn minh Trung Hoa chính là: văn hoá Đạo gia vô cùng phát triển.
Ở bài trước khi nói đến võ thuật, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã từng đề cập đến việc: khi võ thuật đạt đến một cảnh giới rất cao, thì nó quay về tu luyện Phật gia hoặc Đạo gia, ví như công phu Thiếu Lâm khi lên đến tầng rất cao thì quy về tu luyện Phật gia, còn công phu của Võ Đang thì quy về Đạo gia.
Kỳ thực nếu tiếp tục tra cứu, thì rất nhiều hiện tượng trong văn hoá Trung Hoa có nhân tố của Phật gia hoặc Đạo gia. Mà văn hoá Đạo gia của Trung Quốc lại vô cùng phát triển, đặc điểm này không có hoặc không rõ ràng ở các dân tộc khác.
Theo truyền thống, Đạo gia tuyển chọn đồ đệ, là Sư Phụ truyền lại theo con đường như thế, chứ không phải là hình thức phổ độ chúng sinh của Phật gia. Bởi vì đơn truyền qua các thời đại thậm chí có thể tu luyện trong núi sâu, nên theo đạo lý mà giảng thì không chịu ảnh hưởng xã hội quá lớn. Nhưng tình huống thực tế lại không như vậy, văn hoá Trung Quốc từ lúc bắt đầu là văn hoá Đạo gia.
Người Trung Quốc coi Hiên Viên Hoàng Đế là ‘nhân văn sơ tổ’ (ông tổ đầu tiên) của Trung Hoa. Phàm là những phát minh sáng tạo có ảnh hưởng trong lịch sử hoặc trong cuộc sống, hầu như đều bắt nguồn từ Hiên Viên Hoàng Đế, ví như: lịch, xe thuyền, cung điện, trang phục, âm nhạc v.v. đều là Hiên Viên Hoàng Đế lưu lại. Cho nên ảnh hưởng của ông đối với văn hóa Trung Quốc rất to lớn.
Nhưng Hiên Viên Hoàng Đế lại là một vị tu luyện Đạo gia. Theo ‘Sử ký – Phong thần thư’, Hoàng Đế từng tu đạo ở dưới núi Kinh Sơn, sau khi tu thành có rồng tiếp dẫn. Hiên Viên Hoàng Đế cưỡi rồng bay đi. Khi đó rất nhiều đại thần không nỡ để Hoàng Đế đi, bèn nắm lấy râu rồng, kết quả râu rồng bị kéo đứt và Hoàng Đế vẫn bay đi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Hiên Viên Hoàng Đế là người tu luyện Đạo gia, bởi vì Đạo gia Trung Quốc coi học thuyết của mình là ‘Hoàng Lão chi học’. Hoàng là chỉ Hiên Viên Hoàng Đế, còn Lão là chỉ Lão Tử. Do đó văn minh Trung Hoa từ đầu đã là văn hoá Đạo gia, điểm này không có gì phải dị nghị.
Giáo sư Chương tổng kết đặc điểm của văn hoá Đạo gia thành 2 điều đó là: có tính ‘ly tán’ (rời rạc) và tính ‘toàn tức’ (toàn bộ thông tin). Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến điều đầu tiên là tính ‘ly tán’.
Giáo sư Chương mượn khái niệm ‘rời rạc’ trong Toán học – Discrete mathematics để nói về tính ‘ly tán’ trong văn hoá Đạo gia.
‘Ly tán’ là không liên tục, điều này có ý nghĩa gì? Bởi vì Đạo gia là tuyển chọn đồ đệ, cho nên đồ đệ được chọn nhất định phải có ngộ tính đặc biệt tốt. Tốt đến mức độ nào? Giống như Nhan Hồi – một trong 72 cao đồ của Khổng Tử.
Giáo sư Chương lấy một đoạn đối thoại trong ‘Luận ngữ’ để chúng ta cùng xem.
Có một lần Khổng Tử cùng với đồ đệ Tử Cống (tên Tứ) nói chuyện với nhau. Tử Cống là người đặc biệt thông minh, dùng lời hiện nay mà nói chính là người có IQ (chỉ số thông minh) và EQ (trí tuệ cảm xúc) đều cao, lại rất biết làm ăn, và là người có nhiều tiền. Nhưng đôi lúc Tử Cống có chút phô trương đắc ý.
Khi thầy trò nói chuyện, Khổng Tử hỏi anh ta rằng: ‘A Tứ à, con so với A Hồi (Nhan Hồi) như thế nào?’. Tử Cống khiêm tốn một chút rồi trả lời rằng: ‘Tứ con sao dám sánh với Hồi. Hồi nghe một biết mười, còn Tứ con đây nghe một chỉ biết hai’. Khổng Tử nói: ‘Cả con và ta đều không bằng cậu ta rồi’.
Giáo sư Chương kể câu chuyện này chính là muốn nói, khi Khổng Tử giảng đạo lý cho Nhan Hồi, ông giảng xong một, không cần giảng hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười, thì Nhan Hồi tự hiểu đến đó rồi.
Khổng Tử giảng xong một, có thể trực tiếp giảng đến mười một, vậy thì từ hai đến mười phải làm thế nào? Chính là đệ tử phải tự mình suy nghĩ.
Đạo gia chọn đồ đệ chính là chọn người như vậy, nghe một biết mười; cho nên khi giảng cho đồ đệ, ông không cần giảng quá rõ ràng, điểm ngộ đến đó là dừng, đồ đệ đã tự minh bạch. Từ đó thấy được đặc điểm của văn hoá Trung Quốc: khi các giác giả hoặc nhà triết học biểu đạt tư tưởng của họ, thì phương thức biểu đạt/diễn tả không liên tục.
Do đó khi chúng ta đọc “Luận ngữ” của Khổng Tử, “Đạo đức kinh” của Lão Tử hay “Binh pháp Tôn Tử” sẽ phát hiện từng đoạn từng đoạn không liên tục, đều là những điều mang tính kết luận, cơ bản không có quá trình suy luận, độ dài cũng rất hữu hạn. Ví như “Đạo đức kinh” 5000 chữ, “Binh pháp Tôn Tử” tầm 6000 chữ. Nhưng trong “Đạo đức kinh” bao hàm sự sản sinh của vũ trụ; làm thế nào trị lý quốc gia, dụng binh, xử lý quan hệ người với người v.v. đều có trong ‘Ngũ thiên ngôn’.
Đạo lý thâm sâu huyền ảo như vậy, người khác có thể xem hiểu không? Điều này lại dựa vào ngộ tính của bạn để khoả lấp vào. Mà những điều ấy theo Lão Tử thì không cần giảng hoặc… không thể giảng.
Chúng ta thấy trong “Luận ngữ” cũng như thế, chỉ là tập hợp các cuộc đối thoại giữa thầy – trò, ở giữa không thấy có quan hệ logic nào cả, nhưng trong đó bao hàm đạo lý ‘trị quốc bình thiên hạ’ sâu sắc. Đạo gia tuyển chọn đồ đệ là mang theo đặc điểm như thế. Khổng Tử còn giảng: “Đưa một mà không nghĩ ba thì không dạy”.
Trong cuốn “Trung Quốc triết học giản sử”, Phùng Hữu Lan có viết một đoạn như thế này:
“Khi người ta bắt đầu đọc tác phẩm triết học Trung Quốc, ấn tượng đầu tiên có thể là: ngôn ngữ và văn chương rất ngắn, không có mối liên hệ gì.
Mở ‘Luận ngữ’, bạn sẽ thấy mỗi chương chỉ có vài câu thưa thớt, hơn nữa trên/dưới bài viết không có bất cứ liên hệ gì. Mở ‘Lão Tử’, bạn sẽ thấy trong sách chỉ tầm 5000 chữ, không nhiều hơn một chương của cuốn tạp chí, nhưng từ trong đó lại có thể thấy được toàn bộ triết học của Lão Tử.
Học sinh mà quen với việc suy luận chính xác và luận chứng chi tiết, khi liễu giải triết học Trung Quốc rốt cuộc là gì, họ đơn giản là cảm thấy… mơ hồ mù tịt. Họ sẽ có khuynh hướng cho rằng, bản thân những tư tưởng này chính là không có mối liên hệ nội bộ. Nếu thật sự như vậy (rõ ràng quá), còn gì là triết học Trung Quốc, bởi vì không có tư tưởng liên hệ thì không đáng gọi là triết học”.
Giáo sư Chương từng đọc qua cuốn ‘Đất nước và dân tộc tôi’ của Lâm Ngữ Đường. Lâm tiên sinh dùng tiếng Anh để giới thiệu văn hoá Trung Quốc đến phương Tây, trong sách ông đề cập đến việc: “Người Trung Quốc rất hàm súc. Người phương Tây rất hướng ngoại, nghĩ sao nói vậy. Người Trung Quốc không như thế. Họ rõ ràng là nghĩ mười nhưng chỉ nói có một, chính là giữ lại tính hàm súc”.
Giáo sư Chương nhìn nhận, Lâm Ngữ Đường chỉ đề cập đến một hiện tượng, kỳ thực Giáo sư Chương cảm thấy điều Lâm Ngữ Đường nói ở trên rất có thể liên quan đến đặc điểm văn hoá Đạo gia, kiểu như “Sau khi tôi nói một, nếu bạn đủ thông minh, bạn nên nghĩ từ hai đến chín”.
Thơ Trung Quốc cũng giống như thế. Chúng ta xem thơ của phương Tây như Sử thi Homer hoặc thơ 14 hàng, nó là ‘tự sự’, tức ‘kể chuyện’ cho bạn. Thơ Trung Quốc thì không như thế. Đương nhiên Trung Quốc cũng có thơ tự sự giống như tập thơ ‘Khổng tước đông nam phi’, nhưng loại tự sự cực kỳ ít. Còn phần lớn thơ là dùng chữ vô cùng giản lược để miêu tả hoặc vẽ ý cảnh, cho nên thơ Trung Quốc càng chú trọng một loại thể nghiệm tâm linh.
Vì thế Phùng Hữu Lan viết rằng:
“Bởi thế mà ‘danh ngôn tuyển ngữ’, ‘ẩn dụ so sánh’ không đủ rõ ràng. Nó không đủ rõ ràng nhưng có thừa khả năng gợi ý (ám thị – 暗示), câu trước nối câu sau mà có được bổ sung. Đương nhiên ‘rõ ràng’ và ‘ám thị’ không thể kiêm cả hai, càng ‘rõ ràng’ thì ‘ám thị’ càng ít; giống như một loại biểu đạt, càng đi về hướng tản văn thì ý thơ càng ít. Chính vì ngôn luận, văn chương của các triết học gia Trung Quốc không đủ rõ ràng, cho nên ám thị của họ hầu như là… vô cùng”.
Giáo sư Chương đưa ra ví dụ, khi đề cập đến nước, trong tưởng tượng của bạn có thể là nước sôi, nước lạnh, nước ấm, nước đá, nước đường, nước muối… bạn có thể nghĩ ra rất nhiều các loại nước khác nhau.
Điều này dẫn đến kết quả do sự mơ hồ mang lại đó là: cho bạn rất nhiều không gian phát huy trí tưởng tượng. Nhưng nếu nói đây là một cốc nước 20 độ C, thì điều đó lại hạn định trí tưởng tượng của bạn. Bạn biểu đạt càng rõ ràng, thì người nghe càng có ít không gian để tưởng tượng. Người Trung Quốc thường dùng từ rất mơ hồ, việc lý giải được bao nhiêu là dựa vào ngộ tính của mỗi người. Đây là một đặc điểm vô cùng điển hình của văn hoá Đạo gia.
Phùng Hữu Lan viết tiếp:
“‘Nhiều ám thị mà không rõ ràng’ đem đến một cái nhìn… rõ ràng rằng: điều ấy là hết thảy lý tưởng nghệ thuật, thi ca, hội hoạ cho đến những điều khác của Trung Quốc. Lấy thơ làm ví dụ, điều thi nhân muốn truyền đạt thông thường không nói trực tiếp trong thơ….
Theo truyền thống Trung Quốc, thơ hay phải là ‘lời đã hết nhưng ý vô cùng’. Cho nên độc giả thông minh có thể đọc được ‘ý ở ngoài lời’ trong thơ, cũng có thể đọc được ‘ý giữa các hàng’ trong sách. Lý tưởng nghệ thuật của Trung Quốc cũng phản ánh trong phương thức biểu đạt ý tưởng của triết học gia Trung Quốc”.
‘Ý ở trong chữ/hàng’ dựa vào trí tưởng tượng của độc giả, Giáo sư Chương thấy rằng điều này có quan hệ với phương thức truyền thừa là mang theo đồ đệ của Đạo gia.
So với việc Đạo gia nhắm vào đồ đệ, thì Cơ Đốc giáo hay Phật giáo lại nhắm vào đại chúng. Ví như Chúa Giê-su muốn giảng minh bạch một sự việc nào đó cho đại chúng, ngài phải giảng đạo lý rất tỏ tường. Phật gia cũng như thế, mang theo nguyện vọng phổ độ chúng sinh. Khi họ đối mặt với rất nhiều người, họ phải giảng rất rõ ràng, cho nên bạn sẽ thấy Phật gia có ‘nhân minh học’ (因明學 – Buddhist logic: logic Phật giáo), rất chú trọng logic. Họ muốn giảng cho hết thảy, bao gồm những người có tư chất khác nhau, thông minh hay không, tất cả đều có thể hiểu được.
Có thể điều này hơi trừu tượng, Giáo sư Chương sẽ lấy ví dụ thường nhật. Ví như bạn muốn đến McDonald’s ăn, dù là ở New York, San Francisco, Toronto, Paris hay Bắc Kinh, thì khoai tây chiên cơ bản là cùng một vị. Vì sao? Bởi vì đối với việc lựa chọn nguyên liệu, cắt to nhỏ thế nào, nhiệt độ dầu chiên, chiên trong bao lâu v.v. hết thảy quy trình đều được thiết kế chính xác.
Do đó khi bạn làm món tây, có các chủng các dạng cốc đong, cân đo, hẹn giờ. Chỉ cần bạn theo đó mà làm, kết quả sẽ không khác nhau nhiều. Chính là càng chính xác trong các khâu, thì khi đến bước cuối cùng món ăn làm ra có mùi vị càng thống nhất. Cho nên bạn ăn Big Mac ở chuỗi cửa hàng nào, mùi vị đều không khác nhau nhiều.
Người Trung Quốc không như vậy. Họ nói với bạn làm cá phi lê, chọn miếng cá đại khái nặng bao nhiêu; cắt ra, cắt to nhỏ dày mỏng thế nào… họ cũng không nói; bỏ vào chảo dầu chiên, nhiệt độ bao nhiêu cũng không nói; chiên cá đến vàng, nhưng vàng như thế nào họ cũng không nói. Họ nói tiếp là bỏ thêm hành lá, một chút muối, một chút đường, một chút giấm… nhưng chính xác bao nhiêu họ không nói, không có một định nghĩa chính xác nào. Vậy làm sao đây? Chỉ có thể xem ‘ngộ tính’ của bạn.
Nếu bạn có ngộ tính tốt, bạn sẽ làm rất ngon, nếu ngộ tính kém sẽ làm rất khó ăn. Nhưng đầu bếp có ngộ tính tốt, thì cùng một món ăn, 10 người có thể làm ra 10 món ngon có mùi vị khác nhau. Còn món tây trên cơ bản có mùi vị thống nhất.
Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, giữa tư duy mơ hồ của người Trung Quốc và tư duy chính xác của người phương tây có quan hệ với tu luyện Đạo gia và Phật gia. Về tư duy Đạo gia Giáo sư Chương không giảng, ở đây chỉ nói đến tính ‘ly tán’ (rời rạc) trong văn hoá Đạo gia.
Lúc nhỏ Giáo sư Chương từng đọc ‘Liên hoàn hoạ báo’ (báo Liên hoàn hoạ), trong đó có câu chuyện về người chủ tiệm bán tranh. Một hôm có một người khách đến xem bức tranh dẫn ngựa qua cầu, tức là có một người dùng sức kéo ngựa qua cầu.

Vị khách nói: ‘Tôi thích bức tranh này. Giá bao nhiêu?’. Chủ tiệm nói: ‘500 lượng bạc’. Người khách nói hiện tại không đủ tiền, anh ta sẽ quay về lấy, một lúc sau quay lại.
Khi người khách đi, chủ tiệm nhìn lại bức tranh này cảm thấy không đúng. Tại sao? Bởi vì trong tranh có người đang kéo ngựa nhưng không thể nhìn thấy… sợi dây trong bức tranh. Chủ tiệm thấy không thuận mắt, bèn lấy bút lông vẽ thêm sợi dây bổ khuyết vào.
Kết quả người mua tranh sau khi quay lại nói không mua. Chủ tiệm cảm thấy kỳ lại mới hỏi, người đó đáp: ‘Tôi tốn 500 lượng bạc để mua, thứ tôi mua chính là sợi dây tuy vô hình nhưng vẫn cảm nhận được’.
Tiếp theo chúng ta cùng xem bức tranh ‘Mục ngưu đồ’ (tranh chăn trâu) của Lý Khả Nhiễm. Trong tranh không vẽ nước, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được nước và trâu bơi qua sông.

Tranh sơn dầu của phương tây phải vẽ đầy đủ. Nếu có chỗ chưa tô thì bạn chưa hoàn thiện bức tranh. Tranh Trung Quốc phải để trống, để có không gian sáng tạo và tưởng tượng. Đây chính là tính ‘ly tán’ – đặc điểm của văn hoá Đạo gia mà Giáo sư Chương giảng.
***
Trong ‘Cao sơn lưu thuỷ’, Tử Kỳ nghe Bá Nha đánh đàn biết được người bạn của mình đang nghĩ gì; Khổng Tử học đàn mà biết được người sáng tác là Chu Văn Vương; hay như khi cắt tế bào chuột bạch, dùng truyền dẫn để thu ảnh thì phát hiện hình tượng của chuột bạch…
Những hiện tượng hay câu chuyện như vậy có thể chúng ta đã từng nghe. Đây lại là đặc điểm thứ hai trong văn hoá Đạo gia: từ bộ phận thấy được chỉnh thể. Rốt cuộc sự việc ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
Link Trung Hoa văn minh sử tập 7.