“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc “huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.

Mời xem thêm:

Tại non thiêng Yên Tử, 5 năm sau khi vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn, còn chứng kiến một lần khảo nghiệm nữa với ý chí kiên định của người tu hành nơi đây, đó là khảo nghiệm với Huyền Quang Tôn Giả, Đệ Tam Sư Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Huyền Quang Tôn Giả (1254-1334) tên là Lý Đạo Tái, đỗ Trạng Nguyên năm 21 tuổi, được bổ về Hàn Lâm Viện .

Theo Tam tổ thực lục (三祖實錄), mẹ của Huyền Quang là bà Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: ‘Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa.

Năm ấy bà Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên Sư dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.

Một hôm, Sư cùng vua Trần Anh Tông (kế vị vua Trần Nhân Tông) đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa (tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm) giảng kinh, liền nhớ lại “duyên xưa“, xin xuất gia thụ giáo. Sư được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà (Trần Nhân Tông) và được ban pháp hiệu là Huyền Quang.

Năm Quý Sửu (1313), khi ấy Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông đã tọa hóa (1308), sư Huyền Quang bị cung nữ Điểm Bích thời vua Trần Anh Tông gây ra câu chuyện oan tình.

Điểm Bích là ai?

Điểm Bích- Người con gái sắc nước hương trời của huyện Đường An. (Ảnh minh họa)
Điểm Bích- Người con gái sắc nước hương trời của huyện Đường An. (Ảnh minh họa)

Theo các sách cổ và bia ký ghi lại thì Điểm Bích họ Nguyễn, lấy theo họ mẹ, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sinh vào cuối thế kỷ XIII.

Điểm Bích lớn lên ngày càng xinh đẹp, lại thông minh, 9 tuổi đã đ­ược tuyển làm cung nữ, vua khen là nữ thần đồng.

Vụ án oan tình chùa Hoa Yên: Yên Tử chứng kiến lòng kiên định trong sáng của Huyền Quang

Đất trời Yên Tử chứng kiến lòng kiên định trong sáng của sư Huyền Quang.
Đất trời Yên Tử chứng kiến lòng kiên định trong sáng của sư Huyền Quang.

Đương thời từ dân gian đến quan triều người ta cho rằng Huyền Quang là một người chân tu. Ông cũng đã từ chối hôn nhân với công chúa Liễu. Vì thế mà suốt 30 năm làm việc ở triều đình ông chưa hề cùng ai. Cuộc đời trong sáng đó không dễ ai cũng tin, nhất là tầng lớp Nho sĩ.

Bấy giờ trong triều Điểm Bích đang độ thanh xuân, tài sắc tuyệt vời. Vua Trần Anh Tông quyết định chọn Điểm Bích làm người kiểm nghiệm sự chân tu của Huyền Quang và dặn: “Phải lấy được vàng của Huyền Quang, nếu lão tăng còn dục vọng sắc tình”. Khi Huyền Quang ở Yên Tử tuổi đã ngoài 60, nhưng chỉ là đệ tử của Pháp Loa, vì khi ông xuất gia đã 52 tuổi. Nếu Điểm Bích “lấy được vàng của lão tăng”, sẽ mặc định là Huyền Quang phải động lòng trước giai nhân, tức chưa bỏ được dục vọng trần tục.

Từ kinh thành Thăng Long, Điểm Bích cùng một tiểu tì đến chùa Hoa Yên (Vân Yên), xin ở nhờ một bà vãi già. Lấy cớ xuất gia học đạo, ngày ngày nàng mang nước đến chỗ Huyền Quang. Qua nhiều lần tiếp xúc, Huyền Quang như không để ý đến người con gái xinh đẹp, dịu dàng hiếm thấy, nhưng thực tế thì sư quan sát rất kỹ nên hiểu thấu nội tâm nàng. Sư khuyên Điểm Bích hãy trở về, khi nào cao tuổi mới có thể tu được.

Chùa Hoa Yên (Vân Yên), Yên Tử. (Ảnh: Internet)
Chùa Hoa Yên (Vân Yên), Yên Tử. (Ảnh: Internet)

Một hôm, nàng tự xưng là con quan huyện thừa huyện Cẩm Hoá. Nàng kể cha nàng mang 15 cân vàng nộp công khố, không may bị kẻ gian lấy cắp, may nhờ người thân và xóm giềng giúp đỡ đã gần đủ, nay nhờ sư phát tâm làm phúc cho chút đỉnh để trọn đạo với cha, nếu không, cha nàng sẽ mang trọng tội.

Huyền Quang động lòng thương cảm, nói với tăng ni: “Ta vì người này để quảng đức hiếu sinh của Hoàng đế và làm một lương đồ cứu khổ cho chúng sinh”.

Một tiểu tăng nói: “Pháp luật là công cộng của thiên hạ, kẻ có của không biết giữ gìn cẩn thận, theo pháp luật mà trị là điều lệ công. Nay ta mang vàng công đức để lấy ơn riêng. Vậy có nên lấy ơn riêng mà bỏ phép công không?”. Huyền Quang thấy thế là phải, song vì lòng thương, người vẫn lấy một dật vàng (nén vàng) cho Điểm Bích.

Lấy được vàng, Điểm Bích trở về kinh đô, dựng nên một chuyện hoàn toàn khác sự thật, tâu vua: “Một hôm sư lên chùa tụng kinh, đến trống canh ba, sư cùng các tăng ni về buồng ngủ. Thần thiếp đến bên cạnh phòng của sư, xem sư làm gì. Một lúc sau, sư ngâm một bài kệ rằng:

Vằng vặc trăng soi đáy nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ,
Mâu Thích Ca nào thú hữu tình.

Sư ngâm nga mấy lần. Thần thiếp thấy sư còn thức, vào phòng xin phép sư về thăm mẹ, sang năm lại đến học đạo. Sư giữ thần thiếp lại một đêm và cho thần thiếp một dật vàng”.

Nghe xong, vua uất ức, nói: “Nếu việc ấy có thực thì ta đã đạt được kế giăng lưới bắt chim. Nếu việc ấy không có, thì sư này cũng không tránh khỏi cái nghi ngờ qua ruộng dưa mà sửa giày.”

Tấm lòng trong sáng được trời đất chứng minh: mối oan tình được rửa sạch

Vua sai mở hội Vô già ở phía tây kinh thành, mời Huyền Quang về làm án pháp. Sư về đến Thăng Long, thấy sự thể, biết mình đã bị lừa. Sư ngửa mặt lên trời, than vãn, lạy ba lần; cúi xuống đất, lạy ba lần; rồi đứng lên đàn tràng vọng bái mười phương.

Kinh thành Thăng Long (Ảnh: Wikipedia)
Kinh thành Thăng Long (Ảnh: Wikipedia)

Chuyện kỳ lạ bỗng xảy ra: Đang trời quang mây tạnh, vậy mà khi sư Huyền Quang cầu đảo, phút chốc gió mây mịt mù cuốn trôi hết đồ vàng bạc tạp phẩm, chỉ còn lại hương đèn đại lễ. Vua Trần Anh Tông trước cảnh tượng trời đất minh chứng cho tấm lòng trong sạch của Huyền Quang, thấy nỗi oan khiên thông thấu lòng người cùng đất trời, liền vội vàng xuống đàn, xin lỗi sư và giáng Điểm Bích làm người quét chùa Cảnh Linh ở nội điện.

Từ đó mối oan tình của quốc sư được rửa sạch.

Ngày 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ hai (1330), Pháp Loa đang giảng kinh ở Viện An Lạc thì đột ngột mắc bệnh. Sư về Viện Quỳnh Lâm tĩnh dưỡng nhưng bệnh càng trở lên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, sư cho mời Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Điều ngự Đầu đà Trần Nhân Tông đã trao cho sư trước khi nhà vua băng hà, như: áo cà sa, tâm kệ, và nói rằng: “Huyền Quang sẽ là người hộ trì, thừa kế sự nghiệp“. Đêm mồng 3 tháng 3 năm ấy, Pháp Loa viên tịch tại Viện Quỳnh Lâm. Kể từ đó, sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái này.

Tượng tam tổ Huyền Quang tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. (Ảnh: wikipedia)
Tượng tam tổ Huyền Quang tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. (Ảnh: wikipedia)

Huyền Quang từng ở chùa Thanh Mai 6 năm, rồi về trụ trì chùa Côn Sơn. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), sư viên tịch tại chùa Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cho 10 lạng vàng xây tháp ở bên tả phía sau chùa, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả, Tháp Huyền Quang hiện nay vẫn còn, ở sau chùa Côn Sơn, trên đường lên Bàn Cờ tiên và Thanh Hư động.

Oan Tình

Đệ tam Tổ Trúc Lâm – Huyền Quang
Oan tình Điểm Bích bởi giật vàng
Anh Tông sao nỡ gây phiền lụy
Quốc Sư khó tránh mối ngờ oan
Vua bèn cho mở hội Vô Già
Đồi mồi vàng bạc với cà sa
Quyến vàng căng lụa, nhang đèn lễ
Thiền sư vọng bái, nổi phong ba
Cát bụi bay tung cả đất trời
Bạc vàng châu ngọc gió cuốn trôi
Chỉ còn sót lại đèn nhang lễ
Oan tình cháy mãi, mãi không thôi.

(Tác giả: Hoàng Quang Thuận)

Đăng Minh Bảo Tháp, tức Tháp Huyền Quang- chùa Côn Sơn
Đăng Minh Bảo Tháp, tức Tháp Huyền Quang- chùa Côn Sơn
Tháp Huyền Quang, Yên Tử
Tháp Huyền Quang, Yên Tử

Lại ngẫm, nước chảy sông trôi, nếu thực sự đệ tam sư tổ của Trúc Lâm Thiền Phái Huyền Quang là An Nan Đà đầu thai, thì mục đích để làm gì? Liệu có phải chỉ đơn giản để lưu lại một câu chuyện oan tình trong lịch sử cho người đời sau? Có lẽ, là để lưu lại mãi mãi một câu chuyện về tấm lòng thanh sạch và kiên trung của một người, như gương sáng không bụi bẩn không tì vết, có thể cảm động thấu trời đất, có thể hóa giải mọi nỗi oan khiên. Cũng có lẽ là mong con người ngày nay, vào thời loạn thế này, dù vấp ngã hay oan ức, khổ đau, hãy giữ tín niệm kiên định với Thần Phật, sống đức hạnh thủy chung, như câu thành ngữ “Trời nào phụ kẻ có nhân?”
———————————————-

Tỉnh mộng

Luân hồi chuyển thế mấy nghìn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi?
Thế đạo hưng suy định bởi Trời
Sinh mệnh vốn là Tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.

(Tác giả: Minh Tịnh)

Hà Phương Linh

Xem thêm: