Văn hóa Thần truyền Á Đông vô số huyền bí, kỳ diệu, ắt là không thể thiếu vai trò của âm nhạc truyền thống. Tiểu thuyết Kim Dung là một pho đại từ điển sống động về Văn hóa Thần truyền, dĩ nhiên không thể thiếu những tình tiết về âm nhạc thật tinh vi, ảo diệu. Ai đọc Kim Dung chẳng khắc sâu ấn tượng về bài ca sầu khổ của Lý Mạc Sầu; trận đấu âm nhạc kinh tâm động phách giữa Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái trên đảo Đào Hoa; Khúc ca buồn thảm của Tiêu Phong nơi biên ải Nhạn Môn Quan… nhưng không có tác phẩm nào mà âm nhạc được đề cập xuyên suốt, sâu sắc và tinh tế như trong Tiếu Ngạo Giang Hồ – tên gọi của tiểu thuyết cũng là tên một nhạc phẩm.

Âm nhạc trong Tiếu Ngạo Giang Hồ thật đa diện: tình tri âm tri kỷ, tiêu chuẩn của âm nhạc chân chính, âm nhạc là vũ khí đả thương, âm nhạc là thánh dược trị thương v.v. Chỉ xét riêng về âm nhạc, đã hé lộ công lực cực kỳ thâm hậu của Kim Dung trong Văn hóa Thần truyền. Hãy bắt đầu bằng bản nhạc mở đầu và kết thúc: bản “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.

“Tiếu Ngạo Giang Hồ” – Tà đạo tất chẳng có tri âm, tri âm ắt không sinh tà đạo

Chính tà xưa nay vốn chẳng đội trời chung, nhưng ai chính ai tà lại chẳng dễ phân biệt. Có phải thân ở phe chính thì gọi là chính, còn ở phe tà thì là tà? Sự đời không đơn giản như lối phân loại toán học.

Lưu Chính Phong là cao thủ số hai ở phái Hành Sơn – một trong năm kiếm phái của liên minh Ngũ nhạc kiếm phái. Khúc Dương là một trong 8 trưởng lão có vai vế rất cao trong Nhật Nguyệt thần giáo.

Ngũ Nhạc kiếm phái và Nhật Nguyệt thần giáo bên chính – bên tà như nước với lửa. Vậy mà Lưu Chính Phong và Khúc Dương lại có thể làm bằng hữu qua lại với nhau, thậm chí đến mức tri âm tri kỷ. Vì cái gì? Vì họ thấu hiểu lẫn nhau trong âm nhạc, và kẻ tri âm tri kỷ trong âm nhạc xưa nay đâu dễ tìm được.

Dân gian vẫn nói “nghìn vàng dễ kiếm, tri kỷ khó tìm”. Bá Nha xưa có ngón đàn cổ cầm ở cảnh giới cao siêu kỳ tuyệt nhưng chỉ riêng có Tử Kỳ nghe mà hiểu thấu được lòng ông. Khi Tử Kỳ mất đi, Bá Nha đã đập vỡ đàn, thề rằng không bao giờ còn chơi đàn nữa. Họ Lưu, họ Khúc nay cũng tương đồng.

Lưu Chính Phong biết các nhân sĩ võ lâm chính phái ắt chẳng ủng hộ mối quan hệ này, thậm chí còn gây khó dễ. Ông tìm cách rút khỏi Ngũ Nhạc kiếm phái bằng nghi lễ “rửa tay chậu vàng”, để từ nay tự do qua lại với người bạn tri âm Khúc Dương.

Nào ngờ, minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái, trưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền dò biết được, bố trí lực lượng xử tử toàn gia của Lưu Chính Phong. Kể ra hắn chẳng thể làm nổi việc ấy nếu các cao thủ Ngũ Nhạc kiếm phái có mặt hôm đó không khoanh tay rủ áo đứng nhìn. Vì sao như thế? Cuộc đối thoại giữa Nhạc Bất Quần – trưởng môn phái Hoa Sơn và Lưu Chính Phong trước cuộc thảm sát của phái Tung Sơn hé lộ nhiều điều thú vị:

“Nhạc Bất Quần lắc đầu nói:

– Lưu hiền đệ! Hiền đệ nói thế là sai! Lưu hiền đệ giữ vẹn nghĩa khí bằng hữu khiến cho người ta bội phục thiệt, nhưng hiền đệ bất luận chính tà, không chia phải trái. Bọn Ma giáo làm ác đã nhiều, tàn hại nhiều chính nhân quân tử trên chốn giang hồ, cùng lương dân vô tội. Thế mà Lưu hiền đệ chỉ vì tiếng đàn, tiếng sáo hợp trong lúc nhất thời, nỡ đem cả tính mạng toàn gia giao cho y thì là hiểu lầm hai chữ “nghĩa khí”.

Lưu Chính Phong cười lạt nói:

– Nhạc đại ca! Ðại ca không thích âm nhạc nên không hiểu ý tứ của tiểu đệ. Về ngôn ngữ, văn tự còn có thể trá ngụy, nhưng tiếng đàn tiếng tiêu là tiếng nói tự cõi lòng, chẳng ai có thể giả mạo được. Tiểu đệ và Khúc đại ca kết bạn với nhau xướng họa đàn sáo, tâm giao thông. Tiểu đệ xin lấy tính mạng toàn gia ra mà bảo đảm: Khúc đại ca là người trong Ma giáo nhưng tuyệt không có chút tâm địa tà ác của môn phái y.”

Nhân sĩ võ lâm hầu như ai chẳng nghĩ như Nhạc Bất Quần – nghĩa là hễ ở chính phái thì là chính nhân, còn ở tà phái thì là tà ma. Nhưng Lưu Chính Phong – kẻ am tường âm nhạc, có cách phân biệt tinh tế hơn nhiều. Người ta kết thành tri âm là bởi hiểu thấu lòng nhau qua âm nhạc, sao có thể lầm lẫn người ngay với kẻ gian? Ý ông nói rằng “nhạc chính là người”, không thể có “người tốt nhạc xấu” và ngược lại.

Người xấu không thể giả bộ tốt trong âm nhạc; chỉ có thể đạo đức giả bằng ngôn ngữ, văn tự, dáng vẻ, hành vi… Khúc Dương là loại người thứ nhất, trớ trêu thay, như một lời tiên tri, về sau này Nhạc Bất Quần ứng vào loại người thứ hai trong cách phân loại của Lưu Chính Phong.

“Người đời ai là không chết? Được một người tri kỷ thì chết cũng hài lòng” – Lưu Chính Phong nói vậy đấy, lời ấy vang vọng hào khí ngất trời của Dự Nhượng ngày xưa: “kẻ sĩ chết vì người tri kỷ”. Than ôi! Trên đời này, còn ai đáng kết giao hơn kẻ tri âm tri kỷ nữa đây?…

Chỉ một đoạn văn ngắn mà chứa đựng quá nhiều hàm ý, sự am tường âm nhạc và cả “phục bút” điêu luyện của Kim Dung.

“Tiêu tương dạ vũ” – người buồn nhạc có vui đâu bao giờ

Giả như trong một đêm mưa tầm tã, nơi bến đò vắng sông Tiêu Tương, trong một tửu điếm hiu quạnh, ta gặp một ông lão gầy khẳng khiu, sắc mặt tiều tụy khắc khổ, mặc chiếc áo dài xanh cũ đến bạc trắng, ngồi còng lưng uống rượu một mình. Khi ngưng chén, cánh tay ông run run dạo phím hồ cầm, âm thanh cất lên thê thiết nỉ non. Ta tưởng đó chỉ là một lão du ca hành khất bình thường. Nhưng đến khi hữu sự, một ánh thanh quang lóe lên, vài tiếng kêu đinh đinh, 7 chén trà đã bị hớt miệng vẫn đứng yên không đổ, rồi thanh trường kiếm được cài lại vào đáy cây hồ cầm. Trong lúc thiên hạ hốt hoảng nhớn nhác, ông lão đã từ từ mất hút sau màn mưa, mà tiếng hồ cầm còn văng vẳng vọng lại.

Đích thị là Mạc Đại tiên sinh.

Ông là trưởng môn phái Hành Sơn, một cao nhân kỳ dị trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, nổi tiếng với thủ pháp “trong đàn giấu kiếm – trong kiếm có đàn”. Tiếng đàn da diết, lê thê mà kiếm pháp nhanh không tưởng.

Mạc Đại hành tung bí ẩn, đàn nghe như khóc, song con người lại hành hiệp trượng nghĩa. Tuy thế, dẫu bí ẩn cũng chẳng giấu nổi kẻ tinh thông âm nhạc, tiếng đàn đã tiết lộ con người ông như lời bình của Khúc Dương: “Kiếm pháp tinh thông, nhưng âm nhạc đau khổ, con người vẫn bị trói buộc trong vòng tục lụy”. Hay như lời của Lưu Chính Phong: “Mạc Ðại sư ca tấu hồ cầm chỉ có đi mà không trở lại. Khúc điệu vô cùng não ruột chạy thẳng một chiều trên đường sầu thảm. Những thi từ hay thì phải vui vẻ mà không dâm dật, bi ai mà không thảm đạm thì khúc nhạc cũng vậy. Hễ tiểu đệ nghe y dạo hồ cầm là lập tức muốn tránh xa.”

Nguyễn Du từng viết về Kiều:

“Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

Nhạc là người, nhạc cũng vận vào người, Thúy Kiều chơi thiên “bạc mệnh” ảo não như tiên báo về cuộc đời long đong sau này, “Tiêu Tương dạ vũ” của Mạc Đại nào có khác gì một thiên ”bạc mệnh”?

“Vui tươi nhưng không phóng túng, buồn đau nhưng không ủy mị” là tiêu chuẩn của văn nghệ thời xưa. Những tác phẩm văn nghệ như vậy mới đem lại sự cân bằng, sáng suốt và năng lượng tích cực. Âm nhạc của Mạc Đại đắm chìm trong nỗi bi thương của kiếp người, cách xa cảnh giới cao nhã thoát tục của bản “Tiếu Ngạo giang hồ”. Chẳng trách lũ người lắm chuyện trên giang hồ cứ bàn tán về sự bất hòa giữa huynh đệ Mạc Đại – Lưu Chính Phong, nào ai biết được rằng, ngay từ trong âm nhạc họ đã khác nhau đến thế.

“Sơn ca Phúc Kiến” – ai ngờ nghe nhạc vui vẫn có kẻ si tình đau khổ

Âm nhạc buồn của Mạc Đại khiến người nghe não nùng, nhưng ai ngờ một ca khúc vui tươi lại có thể gây nên vết thương lòng không kém gì một hung khí?

Lệnh Hồ Xung phạm lỗi với sư môn, phải chịu phạt giam mình một năm trên ngọn sám hối của núi Hoa Sơn, Nhạc Linh San vẫn thường đưa cơm lên cho chàng. Trong khi kẻ si tình ở trên núi ngày ngày nhớ mong cô tiểu sư muội yêu dấu, thì ở dưới kia, nàng đã dần dần phải lòng một một kẻ đến sau: Lâm Bình Chi, đến từ Phước Oai tiêu cục tỉnh Phúc Kiến.

Lệnh Hồ Xung có cái tâm trạng bồn chồn của người dự cảm thấy điều chẳng lành.

Hôm ấy, Nhạc Linh San xuống núi, Lệnh Hồ Xung bần thần nhìn theo bóng nàng khuất dần. Đột nhiên, sau góc núi có tiếng ca líu lo yêu đời của Nhạc Linh San cất lên. Khúc ca này không có âm điệu kéo dài theo kiểu vùng Hoa Sơn Thiểm Tây quen thuộc, mà mang thổ âm khác lạ từng chữ từng chữ tròn trĩnh dứt khoát như “giọt bắn châu rơi” của vùng Phúc Kiến, trong đó có đoạn “chị em lên núi hái trà”

Lệnh Hồ Xung cảm thấy đau nhói như ngực bị giáng một chùy nặng. Đêm ấy trong lòng nhộn nhạo không thể nào ngủ được, bên tai lúc nào cũng văng vẳng khúc sơn ca Phúc Kiến. Sau này, vào phút lâm chung của Nhạc Linh San, Lệnh Hồ Xung còn được nghe khúc ca ấy mấp máy trên môi nàng lần nữa, khúc ca học từ kẻ bạc hãnh Lâm Bình Chi mà nàng không sao quên được.

Người xưa vẫn nói: “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” chính là tình cảnh này vậy.

Nhưng “rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Thay vì rút dao chém nước, gã đại sư ca thất tình đau khổ rút dao chém đá, vô tình lại lộ ra hậu động và những cơ duyên không ngờ. Quả là trong cái rủi vẫn có cái may… tình tiết thật nhịp nhàng, tự nhiên, kín kẽ liền lạc thể hiện tài hoa xuất chúng của Kim Dung.

Nghe hát nhạc vui mà cũng thành tâm bệnh, kẻ thân tâm bầm dập như Lệnh Hồ Xung lại phải nhờ đến âm nhạc chữa trị.

“Thanh tâm phổ thiện trú” – khúc nhạc an ủi như lòng mẹ từ bi

Trong đời Lệnh Hồ Xung đã hai lần nhận di ngôn, lần thứ nhất của vợ chồng Lâm Chấn Nam, người được cho rằng đang giữ bộ Tịch Tà kiếm phổ; lần thứ hai là từ đôi bạn tri âm Lưu Chính Phong – Khúc Dương.

Lâm Chấn Nam vô tình để lại cho chàng tai tiếng kẻ trộm “Tịch Tà kiếm phổ”, nhạc phổ “Tiếu Ngạo Giang Hồ” nhận từ tay Lưu, Khúc vừa hay lại biến thành bằng chứng, bởi nhân sĩ võ lâm đa phần không hiểu nhạc, cứ tưởng nhạc phổ kỳ lạ kia chính là kiếm phổ. Không ai biết kiếm pháp tuyệt đỉnh của chàng chẳng liên quan gì đến “Tịch Tà kiếm phổ” mà do Phong Thanh Dương truyền thụ. Hai chữ tín nghĩa khiến chàng phải giữ kín cuộc gặp với Phong Thanh Dương cũng như họ Lưu họ Khúc, khiến oan khiên chồng chất.

Bên ngoài bị võ lâm săn đuổi vu hãm; bên trong bị những người thân yêu nhất nghi kỵ, hắt hủi; thân thể lại bị nội thương hành hạ thừa sống thiếu chết… đến một lúc, người hán tử họ Lệnh Hồ cứng cỏi mà giàu tình nghĩa cơ hồ đã không thể chịu đựng nổi nữa.

Một khúc “Thanh tâm phổ thiện trú” nơi ngõ trúc xanh um thành Lạc Dương dìu Lệnh Hồ Xung vào trong giấc mộng, xoa dịu cả những luồng chân khí dị chủng xung đột trong người và nội tâm đang bị giằng xé. Lệnh Hồ Xung mơ hồ cảm thấy tiếng đàn như bàn tay mềm mại vuốt tóc mình, như thời thơ ấu được bồng bế âu yếm trong lòng sư nương, như trở lại những ngày xưa êm ái của đứa trẻ mồ côi mà vẫn có một mái ấm gia đình.

Khi Lệnh Hồ Xung đau đớn ngã quỵ sau cái chết của tiểu sư muội bạc mệnh, lại chính khúc “Thanh Tâm phổ thiện trú” ấy an ủi chàng, khi thần trí đang còn mê man, chàng vẫn cảm nhận được tiếng đàn thanh tao thánh thót vô cùng dễ chịu, chỉ muốn trạng thái này kéo dài không bao giờ dứt. Giữa thanh khê đại ngàn bướm bay hoa nở và âm nhạc dịu dàng, bên mình lại có hồng nhan tri âm tri kỷ, Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh cảm thấy đây mới là nơi hạnh phúc nhất thế gian, tuyệt không muốn rời xa chốn đào nguyên phúc địa này để quay lại giang hồ gió tanh mưa máu.

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, chữ “Dược” 藥 bao gồm chữ “Nhạc” 樂 và bộ “Thảo” 艹, ý rằng thuốc chính là thảo mộc có tác dụng chữa bệnh như nhạc. Trước khi có thuốc, đã có nhạc để chữa bệnh rồi.

Âm nhạc Trung Hoa có thanh âm ngũ cung: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Nó tương ứng với Ngũ hành: Thổ, Kim, Mộc, Hỏa, Thủy; tương ứng với Ngũ tạng: Tỳ, Phế, Can, Tâm, Thận. Khi cảm xúc thái quá, mất cân bằng sẽ gây thương tổn ngũ tạng, thì dùng thanh âm tương ứng để cân bằng lại, khiến thân tâm khỏe mạnh.

Phải chăng khúc “Thanh Tâm phổ thiện trú” chính có tác dụng ấy?

Cầm âm hòa quyện với võ công, nhạc khí cổ cầm đáng sợ không?

Lệnh Hồ Xung vô tình bị sắp xếp vào một âm mưu mà chàng không ngờ được, đó là vào Cô Sơn Mai Trang để cứu giáo chủ cũ của Nhật Nguyệt thần giáo là Nhậm Ngã Hành.

Tại đây, Lệnh Hồ Xung đả bại ba vị cao thủ trong “Giang Nam tứ hữu”, những vẫn còn người thứ tư lợi hại nhất tên là Hoàng Chung Công, một nhân vật biết lấy âm nhạc hòa vào võ công trở thành một vũ khí cực kỳ lợi hại.

Hoàng Chung Công sử dụng một cây Thất huyền cầm làm vũ khí, tấu ra “Thất huyền vô hình kiếm”. Tiếng đàn càng mau thì kiếm chiêu càng chậm, tiếng đàn chậm rãi thì kiếm múa càng nhanh. Đáng sợ hơn, ông ta còn dồn nội lực thượng thừa vào trong tiếng đàn, đối thủ nội lực càng cao thì chịu chấn thương càng nặng.

Âm nhạc vừa có sức mê hoặc về tâm lý, vừa có năng lượng để phá hủy thân tâm.

Ngày nay, những thanh âm dữ dội, chói tai của nhạc sàn, nhạc hard Rock v.v. với những nội dung phức tạp bất thuần có thể khiến người nghe choáng ngất, hoặc tâm lý biến đổi bất thường, chẳng phải là một thứ vũ khí đáng sợ là gì?

“Thành ư Nhạc – Tiếu Ngạo Giang Hồ nhờ âm nhạc mà kết thúc có hậu”

“Từ đây về sau hàng ngàn năm nữa, dù trên đời này lại nảy Khúc Dương khác nhưng khó lòng có Lưu Chính Phong. Hay là có những nhân vật như Lưu Chính Phong song không thể đồng thời có cả hai được. Hai người đã tinh thông âm luật lại nội công thâm hậu, thanh khí tương đồng để cùng sáng chế ra một khúc nhạc thì thật là một điều thiên niên vạn nan. Khúc nhạc kỳ tuyệt này khiến cho ta cùng Lưu hiền đệ ở dưới suối vàng không khỏi ngậm ngùi.”

Kẻ sĩ có thể chẳng tiếc mạng mình, sẵn sàng chết cho người tri kỷ, nhưng người nghệ sĩ tài hoa lại ôm mối hận lòng rằng từ nay âm nhạc cao đẹp chẳng còn ở trên nhân thế nữa. Tâm tình của Lưu, Khúc lúc lâm chung so với Kê Khang xưa, sau khi chơi bản đàn vĩnh biệt “Quảng Lăng tán” nào có khác gì?

Nếu Lưu Chính Phong và Khúc Dương biết được rằng mình đã có truyền nhân để chơi khúc “Tiếu Ngạo giang hồ”, không biết hai ông mừng đến mức nào? Nếu lại biết thêm rằng hai kẻ tri âm tri kỷ ấy có thể vượt qua cản trở của định kiến thế gian để kết thành phu phụ, không hiểu hai vị có cảm thán mãi không thôi? 

Và nếu biết rằng, cuối cùng thế gian đã tạm quên cơn say nghiện về võ công độc bộ, võ lâm chí tôn; những ảo vọng chính trị “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”; những thứ bùa bả Tịch tà kiếm phổ, Quỳ Hoa bảo điển; những thù hận, chia rẽ, định kiến v.v. để cùng nhau lắng nghe tuyệt phẩm “Tiếu Ngạo giang hồ”, thì chắc không chỉ có hai vị, mà thế giới oan hồn nhân sĩ võ lâm bỏ mạng vì can qua vô nghĩa đã có thể thở phào mà tan biến như mây bay khói tản.

Đức Khổng tử từng nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc – “Con người tu dưỡng thì bắt đầu ở học Kinh Thi, lập thân bởi học lễ, và hoàn thành, thành tựu bởi học nhạc”. Âm nhạc chí cao vô thượng của “Tiếu Ngạo Giang Hồ” có thể thành tựu hạnh phúc cho nhân thế vì đã đạt đến chữ “hòa”. Sách Nhạc Ký viết: “Nhạc là sự hài hòa của trời đất”. Còn Kê Khang từng nói: “Cổ cầm cảm ứng trời đất bởi đạt đến tận cùng của sự hài hòa”. Âm nhạc có đạt đến chữ “hòa”, lòng người mới không tương tranh, thiên hạ mới thái bình.

Chẳng phải đó mới là ước nguyện chân chính của bao thế hệ hiền nhân thánh triết, nghệ sĩ chân chính hay sao?

Hồi Hương