Mục lục bài viết
Giá trị lớn nhất mà Bàn Vương để lại là một cộng đồng dân tộc Dao với đặc sắc văn hóa riêng chứ không phải ở Vương vị. Có lẽ Vương vị chỉ là phương tiện để ông đem những điều từ trên Trời (còn gọi là Thiên thượng) tới nhân gian để tạo dựng một nền văn hóa riêng làm phong phú hơn cho địa cầu này…
Sự hình thành mỗi dân tộc đều gắn với một truyền thuyết, dân tộc nào cũng có bản sắc riêng. Mỗi sắc tộc cũng có thể nhận biết một cách dễ dàng, thông qua ngôn ngữ hay phục trang, thậm chí là chữ viết… Nước Việt Nam có hơn 54 dân tộc sinh sống, phân bố khắp các vùng núi cao và đồng bằng, ven biển. Có thể nói, Âu Lạc xưa và Việt Nam ngày nay là một chủng tộc có nền văn hoá đa sắc rất phong phú với bề dày trên bốn nghìn năm lịch sử.
Cũng như các dân tộc khác cư trú trên các khu dải miền núi phía Bắc Việt, dân tộc Dao cũng là một tộc người có một đời sống văn hoá rất phong phú mang đậm tính nhân văn, và một đời sống tín ngưỡng; kính Thiên, thờ Thần…. được kế tục và phát huy cho đến tận ngày nay.
Truyền thuyết về thuỷ tổ của người Dao
Tương truyền rằng, Thuỷ tổ của người Dao là Bàn Vương, hay còn gọi là Bàn Hồ. Bàn Hồ nguyên là con “Long Khuyển”; đầu rồng thân khuyển, mình dài ba thước, lông đen vằn vàng. Long Khuyển từ trên Trời giáng xuống trần, và được vua Bình Hoàng yêu quý!
Thời bấy giờ, vùng đất do Bình Vương cai trị thường xuyên bị quân lân bang của Cao Vương xâm lược. Người dân khắp vùng phải sống trong cảnh lầm than, can qua sớm tối, nơm nớp lo sợ. Bình Vương rất lo lắng cho vận nước, và đau xót cảnh con dân lầm than. Vu truyền khắp chốn gần xa: Các anh tài trong thiên hạ, ai trừ được Cao Vương, thì được làm phò mã.
Long Khuyển – Bàn Hồ hay tin, đã bơi suốt bảy ngày bảy đêm mới tới được đất của Cao Vương. Thấy con chó lạ mắt nên Cao Vương đem về nuôi và sớm tối cho theo bên mình. Thừa lúc Cao Vương say rượu, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương rồi ngoạm lấy đầu đem về, được Vua Bình Vương gả con gái và sau biến thành người.
Bàn Hồ sau khi lấy con gái của Bình Vương, được phong đất riêng xưng là Bàn Vương. Bàn Vương có 12 người con và ban cho mỗi người một họ riêng, khởi thủy của 12 họ người Dao sau này: Bàn, Mãn, Trần, Đặng, Tống, Lương, Hoàng, Triệu, Lưu, Lý, Uyển, Lam… Khi vua Bình Vương chết, Bàn Vương lên làm Vua. Tuy vậy, Bàn Vương vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy người Dao cách trồng lúa, dệt vải…. Sau khi Bàn Vương qua đời, người Dao tổ chức thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên và lễ cúng Bàn Vương.
Mạn đàm về thần tích nguồn gốc người Dao
Thần tích về nguồn gốc đối với mỗi dân tộc là những giá trị thiêng liêng, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa thần truyền là trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng. Người viết xin trao đổi một vài lĩnh hội khi nghiên cứu về nguồn gốc người Dao như sau:
Theo truyền thuyết thì thủy tổ của người Dao vốn là con “Long Khuyển” (hình dáng đầu giống chó nhưng thân hình rồng) có nguồn gốc từ trên trời, đến nhân gian gọi tên là Bàn Hồ được an bài bên Vua Bình Vương.
Ngày nay khi nghe về những thần tích có người cho rằng đó là những điều hư cấu không có thật, do con người tưởng tượng ra với mục đích gì, gì đó. Cách lý giải như thế vô hình trung làm giảm đi tính thiêng liêng và thần thánh của những câu chuyện thần thoại, vì thế sẽ thiếu đi sự kính trọng đối với những giá trị văn hóa thần truyền, dần dần sẽ xa rời và không tin vào nguồn gốc xuất sinh của dân tộc mình. Mỗi thế hệ tự làm vơi đi một chút, “nước chảy đá mòn” đến một lúc nào tự làm mất đi nguồn gốc văn hóa thiêng liêng về nguồn gốc của mình. Lúc đó, chỉ còn nhục thân là người của dân tộc nào đó nhưng trong tâm hồn đã là người của dân tộc khác. Đây có lẽ là sự phá hủy lớn nhất đối với văn hóa của các dân tộc, nguyên nhân khiến một dân tộc biến mất.
Những tri thức người ta biết chỉ là hạt bụi so với vũ trụ bao la này, nên điều bạn cho là đúng chưa hẳn đã là tuyệt đối, là chân lý. Nếu nhảy thoát ra khỏi cái khung tri thức hiện tại, đứng trên quan điểm hữu thần (thừa nhận thuyết sáng thế) để nhận thức về đoạn thần tích này thì không có gì là thần bí hay hoang đường gì cả.
Lý giải quá trình Thần giáng hạ làm người
Để lý giải, ta có thể dựa vào các thần tích tương tự kể về quá trình chuyển sinh của những nhân vật có thật nổi tiếng trong lịch sử: ví dụ, về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong “Tạp Bảo Tạng Kinh” có nói: tiền thân của Ngài đã từng là một chú voi trắng sáu ngà; anh hùng Nhạc Phi là con chim Đại bàng đầu thai vào nhà họ Nhạc, Tản Viên Sơn Thánh thờ trên núi Ba Vì cũng là từ thần chuyển sinh đến thế gian với sứ mệnh giúp dân, sau đó được Thái Bạch Kim Tinh nhận làm đồ đề và truyền dạy phép thuật. Điều này đem so sánh với truyền thuyết về “Long Khuyển” thì có gì thần bí, khác nhau chỉ là sự biểu đạt.
Từ “Long Khuyển” trở thành “Bàn Hồ” phải có một quá trình trung gian, vậy thì diễn ra như thế nào? Qua giai thoại về sự chuyển sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni và anh hùng Nhạc Phi, ta có thể lý giải quá trình chuyển giao từ “Long Khuyển” sang Bàn Hồ như một quá trình đầu thai, chuyển thế từ “Thần” sang người, nghĩa là Bàn Hồ là người, không còn mang hình dáng của “Long Khuyển” nữa.
Nhận định này có lý hơn khi dựa vào chi tiết “Vua Bình Hoàng hứa là ai giết được Cao Vương sẽ được vua gả con gái. Nghe thế, Bàn Hồ xung phong lãnh nhiệm vụ”. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Vua, Bàn Hồ xung phong nhận nhiệm vụ, điều đó khẳng định Bàn Hồ phải là người có bản sự nên trước nhiệm vụ khó khăn này mới xung phong, người thường ai dám nhận? “Bàn Hồ bơi suốt bảy ngày bảy đêm mà đến được vùng đất của Cao Vương”; “Sau khi giết được Cao Vương, Bàn Hồ biến thành người kết hôn cùng con gái Bình Vương”. Hai chi tiết này cho thấy Bàn Hồ có sức mạnh, rất lợi hại, có thể biến hóa qua lại giữa người và thần thú (chó lạ mắt). Điều này khẳng định ông là người có thần thông, có thể biến hóa theo ý muốn, nói theo cách khác là “nửa người, nửa thần”.
Vì sao Bàn Hồ phải dùng biện pháp như vậy? Xuất phát từ lý do “Cao Vương thường xuyên xâm phạm bờ cõi của Bình Vương, dân phải sống trong cảnh can qua”, điều này chỉ rõ Cao Vương là người xấu, về lý phải bị diệt thì người dân mới có thể sống yên ổn, an cư lạc nghiệp. Vậy phải làm thế nào đây?
Nếu như Bình Vương sử dụng quân đội chinh phạt Cao Vương thì chiến tranh sẽ nổ ra, thiệt hại về nhân lực và vật lực sẽ rất lớn nhưng chưa chắc đã đánh bại được Cao Vương. Xét cho cùng thì chỉ Cao Vương mới là người xấu, người dân do Cao Vương cai quản cũng là phụng mệnh ông ta hành sự mà thôi, không lý gì mà bắt họ phải nhà tan cửa nát, vợ mất chồng, con mất cha nếu như có sự lựa chọn tốt hơn. Do đó, cách làm của Bàn Hồ là hiệu quả nhất và ít thiệt hại nhất.
Bàn Hồ trở thành Vua vì ông là người hiền đức
Sau khi Bình Vương chết, Bàn Vương trở thành Vua, tại sao Bàn Vương có thể trở thành Vua? theo lẽ thường đã là Vua thì không chỉ có duy nhất một người con, nghĩa là Bình Vương còn một số người con khác, theo lý họ cũng là Vương của một vùng ngang với Bàn Hồ.
Vậy tại sao Vua Bình Hoàng lại truyền ngôi cho Bàn Hồ? Từ xưa đến nay, bất kỳ vương triều nào muốn tồn tại lâu dài cũng đều phải tìm người hiền đức để truyền ngôi; đến cả thời hiện đại sử dụng hình thức bầu cử cũng với một mục đích là tìm ra người hiền tài để quản lý đất nước. Xuất phát từ đạo lý này nên Bình Vương, Vương tộc của Bình Vương và quần thần muốn vương quốc của mình phồn thịnh cũng phải tìm người hiền đức để truyền ngôi.
Mặc dù truyền thuyết không ghi chép về những người con khác của Vua Bình Vương nhưng qua hai chi tiết: Bàn Hồ giết được Cao Vương – xét về lý ông là người có công trạng hiển hách, nghĩa là có thực tài; và “mặc dù làm Vua nhưng ông vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy người Dao cách trồng lúa, dệt vải…”, chi tiết này thể hiện ông là người hiền đức. Tài năng và đức độ của Bàn Hồ vượt trội hơn những người con khác của Bình Vương, do đó được truyền ngôi là hợp với lẽ tự nhiên.
Sau khi Bàn Vương lên làm Vua, nếu không có những biến động bất thường thì một trong số 12 người con của ông sẽ tiếp tục kế vị ngôi Vua, và vương triều do ông sáng lập sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Từ đó tạo dựng nên một cộng đồng người Dao với những đặc sắc văn hoá riêng về trang phục, tiếng nói và tín ngưỡng, phương thuốc chữa bệnh… được lưu giữ cho đến ngày nay.
Giá trị lớn nhất mà Bàn Vương để lại là một cộng đồng dân tộc Dao với đặc sắc văn hóa riêng chứ không phải ở Vương vị. Có lẽ Vương vị chỉ là phương tiện để ông đem những điều từ trên Trời (còn gọi là Thiên thượng) tới nhân gian để tạo dựng một nền văn hóa riêng làm phong phú hơn cho địa cầu này. Phải chăng đây mới là mục đích thực khi ông chuyển sinh từ “Long Khuyển” thành “Bàn Hồ” ở nhân gian?
Khi rời khỏi nhân gian, ông để lại “sợi dây” làm mối liên hệ giữa Người và Thần, chính là ở Lễ cấp sắc: mỗi người Dao trưởng thành phải qua Lễ cấp sắc mới được thừa nhận là con cháu Bàn Vương. Ngày nay người Dao sinh sống khắp mọi nơi, mang quốc tịch khác nhau, nhưng dù ở đâu, nhờ “sợi dây” liên hệ giữa người và Thần họ vẫn nhớ mình là con, cháu của Bàn Vương, họ trân trọng và giữ gìn nguyên vẹn các giá trị văn hóa từ xa xưa truyền lại, đời này nối tiếp đời kia như dòng sông chảy mãi mãi không dừng.
>> Mời quý vị đón xem “Phần 2: Lễ cấp sắc của người Dao “sợi dây” liên hệ giữa người và Thần”.
Tĩnh Văn