Trà là văn hóa viết ra bằng nước, không những gột sạch bụng mà còn tẩy sạch lòng. Bất kể là nơi đô hội phồn hoa hay chốn hoang dã nương mình, chúng ta đều uống trà.

Trà thiền nhất vị

Khi hòa thượng Triệu Châu thuyết giảng về Phật Pháp, ông chỉ nói: “Uống trà đi”.

Triệu Châu là một vị thiền sư danh tiếng thời xưa, người học đạo từ khắp mười phương thường đến học hỏi ông. Một hôm có hai vị tăng đến, Triệu Châu chỉ vào một vị và hỏi: “Thượng tọa đã từng đến đây hay chưa?”.

Vị tăng thưa: “Chưa từng đến”.

Triệu Châu bảo: “Uống trà đi”.

Nói rồi ông lại hỏi vị tăng khác: “Vậy còn ngài đã từng đến đây chưa?”.

Vị tăng ấy thưa:  “Đã từng đến”.

Triệu Châu lại bảo: “Uống trà đi”.

Viện chủ bạch: “Người chưa từng đến dạy uống trà còn có thể được, người đã từng đến vì sao cũng dạy uống trà?”.

Triệu Châu gọi: “Viện chủ”.

Viện chủ đáp: “Dạ”.

Triệu Châu bảo: “Uống trà đi”.

Đây là công án “Uống trà đi” nổi tiếng trong Thiền tông. Tại sao người vấn thiền lại phải uống trà? Bởi vì “Trà thiền nhất vị”:

Uống trà chẳng nhập thiền
Nói chuyện đều ‘việc tục’
Học thiền chẳng nhập tâm,
Văn tự suông vô nghĩa.
Ngắm nhành hoa mỉm cười
Uống chén trà ngộ Đạo.

Rượu càng uống càng lơ mơ, trà càng uống càng thanh tỉnh. Thưởng thức trà chí thanh chí khiết, ngộ được tâm chí linh chí tĩnh.

Trước khi uống trà thì phải kính Thần Nông. Theo cuốn Trà Kinh của Thánh trà Lục Vũ: “Uống trà, bắt đầu từ Thần Nông, nổi danh bởi Lỗ Chu Công”. Ngay từ thời Thần Nông, trà và giá trị dược tính của nó đã được phát hiện. Thần Nông nếm hàng trăm loài cây cỏ, một hôm nếm phải 72 cây độc, ngẫu nhiên bứt được lá trà nhai mà giải độc.

Uống trà thì cũng nên học Lư Đồng:

Chén đầu hầu vị đượm nồng,
Chén hai nhất tảo sạch không muộn phiền.
Chén thứ ba rửa liền thực vị,
Chừa lại chăng nghìn quyển thi thơ.

Chén tư vừa cạn không chờ,
Mồ hôi theo đấy lững lờ tuôn rơi.
Chuyện bất bình trong đời mấy độ,
Cũng do đây phát lộ chân lông.

Chén năm kinh mạch đều thông,
Chén trà thứ sáu cõi lòng khinh an.
Chén thứ bảy xem đàng chẳng đặng,
Nghe bên tai văng vẳng khinh phong.

(Lê Ngọc Đình dịch)

Uống trà người nhã kẻ tục cùng thưởng thức, nhâm nhi hương vị cuộc đời.

Thưởng trà

Trà không phân giàu nghèo, sang hèn. Uống trà cũng có thể mộc mạc, chất phác, đơn giản, kiệm ước. Thưởng trà cũng có thể tinh tế, nho nhã, yên tĩnh. Thưởng trà để bày tỏ tâm tình, hàn huyên tình bạn bè ấm áp. Thưởng trà không phân biệt cao thấp, mỗi người đều có thể có sở cầu sở thích riêng, có niềm vui riêng của mình trong trà. Thưởng trà còn để minh tỏ bản tính, tu dưỡng đức hạnh, nhưng có thể đắc Đạo hay không còn phải dựa vào ngộ tính cá nhân.

Người xưa coi trọng tu thân cách vật, nuôi dưỡng tính tình, hun đúc tiết tháo, vào cảnh khốn cùng thì tu dưỡng để bản thân mình tốt đẹp, khi hiển đạt thì giúp cho cả thiên hạ đều tốt đẹp như mình. Vừa có lý tưởng nhập thế, lại vừa có cảnh giới tâm hồn khoáng đạt. Người yêu trà thường có đặc tính thanh khiết, tao nhã. Thưởng trà ngoài thưởng thức về cảm quan thì còn có thể tĩnh tâm, tĩnh thần, giúp nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo, trừ bỏ tạp niệm, tu thân dưỡng tính.

Thưởng trà nên học Lục Du:

Tuyết tan thanh ngọt suối nước trong,
Trà bếp bày ra chuẩn bị xong,
Sự đời thoáng chốc tâm tẩy sạch,
Trăm năm chẳng uổng cũng chẳng mong.

Trà xanh và hồng trà

Nói đến trà thì nhiều người sẽ nghĩ đến trà xanh. Đây là loại trà có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, được đông đảo người dân các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản sử dụng làm đồ uống hàng ngày bao đời nay.

Gần đây các nhà khoa học trên thế giới khi nghiên cứu trà xanh, đã tìm thấy những bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng của trà xanh đối với sức khỏe, như phòng chống các bệnh lão hóa, viêm khớp, ung thư, tim mạch… PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh “Hoạt chất EGCG có rất nhiều trong lá trà xanh và có vai trò của chất EGCG trong việc giảm căng thẳng, giúp tinh thần thư thái, hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ ung thư, chống lão hóa, chống tăng cholesterol…”.

Tuy nhiên còn có một loại trà khác mà chỉ có ít người Việt biết đến, nhưng lại có những lợi ích và tác dụng đặc biệt không kém, thậm chí về một số phương diện còn tốt hơn trà xanh — đó là hồng trà. Khi nói đến hồng trà thì những người sành trà thường nghĩ đến hồng trà Phìn Hồ ở Hà Giang, hay trà Phổ Nhĩ ở Vân Nam, Trung Quốc.

Nhắc đến trà Phìn Hồ thì trước hết phải nhắc đến trà Phổ Nhĩ. Đàn ông uống trà Phổ Nhĩ tăng cường sức khỏe, phụ nữ uống trà Phổ Nhĩ thân thể thon thả. Người già uống trà Phổ Nhĩ giúp ích khỏe mạnh sống lâu, trẻ em uống trà Phổ Nhĩ khai vị kích thích tiêu hóa. Một nhà khoa học đã nói, trà Phổ Nhĩ tốt chính là vì nó giữ được sinh thái ban sơ, không bị tác động bởi vật chất nhân tạo nào.

Trà Phổ Nhĩ là loại trà gì mà được ưa chuộng như vậy? Thực ra nó chính là hồng trà sản xuất ở vùng Phổ Nhĩ (Vân Nam, Trung Quốc). Nguồn gốc của trà Phổ Nhĩ cũng khá thú vị.

Xưa kia, người dân tộc miền núi thuộc vùng Phổ Nhĩ đã hái lá trà Shan, chế biến thành trà vàng theo kinh nghiệm riêng của họ. Sau đó đóng thành bánh, gói trong lá khô và dùng lạc đà, ngựa thồ mang trà sang tận vùng Trung Á và Tây Nam Á để bán.

Con đường buôn bán trà xa xôi ấy đã trở thành huyền thoại với cái trên “Con Đường Trà” tồn tại cùng “Con Đường Tơ Lụa” nổi tiếng. Thời gian đi trên đường phải mất vài ba tháng. Một điều đặc biệt là trà được chuyên chở đến nơi bán, không bị hư hỏng mà lại trở nên ngon hơn, được ưa dùng hơn. Nước trà biến từ màu vàng đậm sang màu nâu. Vị trà từ chát sang chát dịu. Mùi thơm của trà chuyển thành mùi thơm rất đặc biệt.

Người mua trà đã lấy tên “Phổ Nhĩ” là nơi sản xuất ra thứ nước uống đặc biệt này để đặt tên cho sản phẩm.

Nguồn gốc của trà Phổ Nhĩ từ Trung Quốc, nhưng thực ra loại trà này là tri thức kinh nghiệm hàng nghìn đời của các dân tộc thiểu số sống ở miền nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam, như người Thái, Tày, Dao, Nùng. Tại Việt Nam gọi là Trà Ống Lam (nhồi trà trong ống tre, nứa rồi sấy lâu năm trên gác bếp). Tại Việt Nam, những cây trà Shan tuyết cổ thụ là nguồn nguyên liệu tuyệt vời để làm nên loại trà này, vì trà Shan tuyết có lá to, dày, chứa nhiều vi chất và hàm lượng tinh bột cao, nên quá trình lên men sẽ diễn ra hoàn toàn, tạo nên trà Phổ Nhĩ chất lượng tốt.

Như vậy trà Phổ Nhĩ cũng không lạ gì với người sành trà ở Việt Nam. Nó chỉ là loại hồng trà được các dân tộc phía bắc chế biến từ giống trà Shan và ủ trữ, bảo quản đặc biệt mà thành. Do đặc điểm xưa Trung Quốc vận chuyển đi xa đến các nước Trung Á, Ả Rập bán nên họ ép lại thành bánh, còn ở Việt Nam thì chỉ chứa trong các ống tre, nứa, vẫn để rời.

Hiện nay Hồng trà Phìn Hồ Hà Giang có thể coi là một trong những sản phẩm trà “Phổ Nhĩ” như vậy. Sau khi hái trà, làm héo và định hình sợi trà, người ta sẽ ủ trà lại trong những khoảng thời gian nhất định, và kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình ủ. Chính quá trình này làm cho trà bị oxy hoá, làm thay đổi hương vị của hồng trà, tạo ra mùi thơm và ngọt như vị trái cây. Đặc biệt loại trà này do đã được oxy hóa 100% nên không còn vị chát, có thể uống lúc đói và buổi tối mà không sợ gây mất ngủ.

Khi làm việc căng thẳng, mệt mỏi, hãy tạm nghỉ ngơi chốc lát, tự tay pha ấm trà độc ẩm. Thưởng thức hương vị trà, cũng chính là tận hưởng dư vị cuộc sống.

Hòa cùng sông biển suối ngàn nương,
Tươi tốt ngàn năm bốn mùa sương.
Ngoài cửa gió mây hay nóng lạnh,
Ấm trà bạn hữu vẫn tỏa hương.

Nguồn ảnh: lovepik.com

Triêu Lộ

videoinfo__video3.dkn.tv||__