Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

21. Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi (Luận ngữ – Vi chính).

Dịch nghĩa: Học mà không suy nghĩ thì mờ tối, suy nghĩ mà không học thì nguy hại.

22. Tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ (Luận ngữ – Tử Hãn).

Dịch nghĩa: Người hiểu biết thì không nghi hoặc, người nhân đức thì không lo âu, người dũng cảm thì không sợ hãi.

23. Nhân thuỳ vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên (Luận ngữ).

Dịch nghĩa: Làm người ai mà không mắc lỗi lầm chứ? Mắc lỗi rồi có thể sửa, còn gì tốt đẹp bằng.

24. Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (Luận ngữ – Vi chính).

Dịch nghĩa: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết.

25. Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả (Luận ngữ – Ung dã).

Dịch nghĩa: Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học.

Học thuộc những câu cổ thi này, bạn có thể thăng hoa tầng thứ sinh mệnh (P.2)
Tranh minh họa Khổng Tử và các học trò (Ảnh: blog.daum.net)

26. Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng (Luận ngữ – Tử Lộ).

Dịch nghĩa: (Người cầm quyền) tự mình đúng đắn ngay thẳng, không ra lệnh mà dân vẫn làm, tự mình không đúng đắn ngay thẳng, thì dù ra lệnh, dân cũng không theo.

27. Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kỳ thiện nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi (Luận ngữ – Thuật nhi).

Dịch nghĩa: Ba người cùng đi, ắt có người là thầy ta. Chọn người hay mà bắt chước, người dở mà sửa mình.

28. Đại đạo chi hành, thiên hạ vi công (Lễ ký – Lễ vận).

Dịch nghĩa: Khi đại đạo được thi hành, thì tất cả thiên hạ là của chung.

29. Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế (Lễ ký – Trung dung).

Dịch nghĩa: Việc gì có chuẩn bị thì nên, không có chuẩn bị thì hỏng.

30. Học nhiên hậu tri bất túc, giáo nhiên hậu tri khốn. Tri bất túc nhiên hậu năng tự phản dã; tri khốn, nhiên hậu năng tự cường dã. Cố viết giáo học tương trưởng dã (Lễ ký – Học ký).

Dịch nghĩa: Học rồi sau đó mới biết không đủ, dạy rồi sau đó mới biết là khó khăn. Biết không đủ sau đó mới tự kiểm điểm lại mình; biết khó khăn, sau đó mới tự phấn đấu thêm lên. Cho nên nói việc dạy và học hỗ tương giúp nhau tăng trưởng.

31. Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri đạo (Lễ ký – Học ký).

Dịch nghĩa: Ngọc không đẽo gọt không thành món đồ (quý), con người không học thì không biết đạo lý.

Ngọc không đẽo gọt không thành món đồ (quý), con người không học thì không biết đạo lý.
Ngọc không đẽo gọt không thành món đồ (quý), con người không học thì không biết đạo lý. (Ảnh: gettyimages.com)

32. Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách (Khuất Nguyên – Ly tao).

Dịch nghĩa: Đường mênh mang và thăm thẳm hề, ta muốn lên xuống mà tìm tòi.

Dịch thơ:

Quản bao nước thẳm non xa,

Ðể ta tìm kiếm cho ra bạn lòng!

33. Xích hữu sở đoản, thốn hữu sở trường (Sở từ – Bốc cư).

Dịch nghĩa: Thước có sở đoản của thước, tấc có sở trường của tấc (Chú thích: 1 thước = 10 tấc).

Thời Sở Hoài Vương, Khuất Nguyên ba năm rồi không được gặp lại vua, tận trí tận trung mà bị lời gièm pha che lấp, lòng phiền ý loạn mà không biết nên làm sao. Ông bèn đến gặp quan thái bốc là Trịnh Thiềm Doãn xin chỉ giáo. Thiềm Doãn đặt cỏ thi xuống mà tạ rằng: “Thước có khi ngắn, mà tấc có khi dài, vật có chỗ không đủ mà trí có chỗ không sáng, số có chỗ đoán không tới mà thần có chỗ không thông. Ông cứ theo lòng mình mà làm cho đúng ý muốn. Cỏ thi và mai rùa thật không biết được việc ấy”.

34. Tận tín thư, bất như vô thư (Mạnh Tử – Tận tâm hạ).

Dịch nghĩa: Tin hoàn toàn vào những điều sách nói thì chẳng thà không đọc sách còn hơn.

35. Sinh ư ưu hoạn, tử ư an lạc (Mạnh Tử – Cáo tử hạ).

Dịch nghĩa: Sống là do ở ưu hoạn cần lao, chết là do ở yên nhàn cật lạc.

Người đời thường sống về những khi lo lắng cần khổ, mà chết về những lúc sung sướng yên nhàn. Lã Đông Lai, học giả nổi tiếng đời Tống, nói:

“Những lúc rỗi việc, thử nghĩ mà coi. Vì đâu mà chí khí ta phải suy kém? Vì đâu mà công việc ta phải hư hỏng. Vì đâu mà uổng mất một đời rồi cùng nát với cỏ cây? Vì đâu mà hoá ra hôn mê, không biết quay đầu lại, rồi lại đeo thêm cái tiếng xấu về sau? Vì đâu thành chểnh mảng không biết lo xa rồi đến nỗi mắc vào tội vạ? Ấy rút lại mấy điều là chỉ bởi ăn không ngồi rồi mà ra cả. Sự ăn không ngồi rồi quả là cái cửa những điều ác. Cửa ấy người giỏi vào, đến lúc ra thì dở, người tỉnh vào, đến lúc ra thì mê, người cương trực vào đến lúc ra thì liệt nhược, người thanh khiết vào đến lúc ra thì ô uế, sự ăn không ngồi rồi hại thân, hại nhà, hại nước, nghĩ chẳng đáng sợ lắm ru!”

36. Đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu).

Dịch nghĩa: Giữ được đạo thì nhiều người hỗ trợ; đánh mất đạo thì ít người hỗ trợ.

Một người sống phù hợp với đạo Trời, lấy chân thành, lương thiện và bao dung làm nguyên tắc hành xử, dưới thì được người người trợ giúp, trên thì có Thiên Thần bảo hộ, việc lớn nhỏ ắt đều thành tựu. Ngược lại, nếu một người đánh mất đạo, rời xa đạo, anh ta sẽ khó có được sự hỗ trợ từ người khác. Vậy nên Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị, thường giúp người lành.

Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị, thường giúp người lành.
Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị, thường giúp người lành. (Ảnh: pinterest.com)

37. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Mạnh Tử – Tận tâm hạ).

Dịch nghĩa: Nhân dân là quý (nhất), xã tắc xếp thứ hai, vua thì không quan trọng.

38. Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tế thiên hạ (Mạnh Tử – Tận tâm thượng).

Dịch nghĩa: Khi chưa gặp thời thì riêng làm tốt cho mình, lúc hiển đạt thì cứu giúp khắp thiên hạ.

39. Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu).

Dịch nghĩa: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà.

Trong cùng tác phẩm trên, Mạnh Tử giải thích rằng: “Cái thành nhỏ có ba dặm, cái quách nhỏ có bảy dặm, vây mà đánh đấy, mà không đánh được. Ôi vây mà đánh đấy, là chắc cậy được ngày tốt vậy. Thế mà không được, ấy là thiên thời không bằng địa lợi vậy.

Thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, áo giáp đồ binh không phải là không bền và sắc, gạo thóc không phải là không nhiều, thế mà không được lòng dân, dân bỏ cả thành hào, giáp binh, gạo thóc mà đi; ấy là địa lợi không bằng nhân hoà vậy”.

40. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (Mạnh Tử – Đằng Văn Công).

Dịch nghĩa: Giàu sang không làm cho dâm dật, buông thả; nghèo hèn không làm thay đổi chí hướng; quyền uy không thể khuất phục. Làm được như thế thì đáng gọi là bậc đại trượng phu.

(Còn nữa)

Theo Soundofhope
Như Ý biên dịch và chú giải