Mục lục bài viết
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm, Đặng Tiểu Bình đã hai lần bị Mao Trạch Đông đả đảo. Cách mạng Văn hóa kết thúc, khi Đặng Tiểu Bình nắm đương quyền, ông ta trước sau đã đánh gục cả ba nhà lãnh đạo của ĐCSTQ là Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.
Triệu Tử Dương bị vu oan, bị quản thúc tại gia đến chết, khiến con cháu phải tán thán: “Cổ nhân có câu: ‘Dã vô dị hiền, nãi thịnh thế chi khí tượng’ – thời hoang dã cũng không bỏ hiền nhân, nói chi đến thời thịnh thế. Vậy mà nay, kinh qua bao năm ‘đào thải nghịch hướng’ ưu liệt bại thắng, lại có đạo là: Người cảnh giới cương chính thì cô đơn vắng lặng; Kẻ vô lương tâm vô liêm sỉ thì dương dương nắm giữ đại quyền!”
Xin chào tất cả quý vị khán giả, chào mừng đến với chuyên mục “Trăm năm chân tướng”. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn về câu chuyện của Đặng Tiểu Bình, người đã suýt gán tội cho Triệu Tử Dương, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, là “gián điệp Mỹ”.
Triệu Tử Dương bị cách chức vào năm 1989

Triệu Tử Dương là một nhân vật đại biểu cho “cải cách và khai phóng” của ĐCSTQ. Hồi đó Trung Quốc có một câu nói: “Muốn ăn ngũ cốc hãy tìm Vạn Lý, muốn ăn lương thực hãy tìm Tử Dương”. Tại sao vậy? Sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976, người dân ở tỉnh An Huy quá nghèo không còn ngũ cốc để ăn; người dân ở tỉnh Tứ Xuyên thì quá đói không còn lương thực để ăn; Mà Vạn Lý và Triệu Tử Dương lúc đó được phân đến hai tỉnh này làm Bí thư tỉnh ủy thứ nhất đều tiến hành “cải cách”. Kết quả là, lão bách tính của hai tỉnh này cuối cùng đã có cơm ăn.
Triệu Tử Dương từng là Tổng lý của Quốc Vụ Viện từ năm 1980 đến năm 1987, và Tổng Bí thư của ĐCSTQ từ năm 1987 đến năm 1989. Ông đã chủ đạo cuộc cải cách thể chế kinh tế trong những năm 1980 và có những cống hiến trọng đại. Tuy nhiên, trong thời kỳ vận động dân chủ của sinh viên năm 1989, Triệu Tử Dương vì phản đối Đặng Tiểu Bình dùng vũ lực đàn áp sinh viên, mà bị triệt tiêu chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương; sau đó ông bị quản thúc tại gia một mạch cho đến ngày 17/1/2005 khi ông qua đời.
Triệu Tử Dương bị buộc vào hai tội danh lớn
Nói về Sự kiện Lục Tứ, ngày 4/6/1989, theo mệnh lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương đương thời là Đặng Tiểu Bình, quân đội ĐCSTQ đã triển khai đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để tiến hành tàn sát đẫm máu những sinh viên đang biểu tình yêu cầu “tự do”, “dân chủ”, “chống hủ bại”, “chống tham nhũng”.
Trong một tập tin ghi âm do Triệu Tử Dương lưu lại, ông hồi ức: “Vào đêm ngày 3/6, tôi đang tận hưởng bóng râm trong sân với gia đình thì nghe thấy tiếng súng nổ dồn dập trên đường phố. Một thảm kịch gây kinh động cả thế giới cuối cùng đã xảy ra!”
Sau khi sinh viên bị đàn áp, ông, người đồng tình với sinh viên, cũng không thoát khỏi bức hại chính trị. Ngay sau đó, vào ngày 24/6/1989, Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 13 đã thông qua “Báo cáo về những sai lầm phạm phải của Triệu Tử Dương trong cuộc bạo loạn phản đảng phản chủ nghĩa xã hội”.
Đương thời, Triệu Tử Dương đã đưa ra lời biện bạch tại cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị trước phiên họp toàn thể Trung ương rằng: Đối với hai đại tội danh là “chia rẽ đảng” và “ủng hộ bạo loạn”, ông “không đồng ý, không chấp nhận”. Thái độ này không thay đổi cho đến khi ông qua đời. Diêu Giám Phục, cấp dưới cũ của Triệu và là cựu nghiên cứu viên của Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Nông thôn thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, từng tiết lộ chi tiết về cuộc gặp với ông Triệu với phóng viên của tờ VOA.
Tháng 3/2004, Diêu Giám Phục đến thăm hỏi Triệu gia. Khi chia tay, ông nói với Triệu Tử Dương: Lý Duệ nói, các tổng bí thư kế tiếp của ĐCSTQ đều nguyện ý kiểm điểm, thừa nhận sai lầm mà cáo chung rồi hạ đài. Tuy nhiên, chỉ có hai vị tổng bí thư là không như vậy, một người là Trần Độc Tú và người còn lại là Triệu Tử Dương.
Nghe xong lời này, Triệu Tử Dương lúc đó đang hít oxy, rút ống dưỡng khí đứng dậy khỏi ghế tựa, đi hai bước, đến trước mặt Diêu, chỉ tay vào mũi Diêu rồi hỏi: “Có phải ông nói đến Trần Độc Tú?” Diêu nói, không phải, là lời của Lý Duệ, cựu thư ký Mao Trạch Đông nói. Sau đó Triệu Tử Dương quay lưng lại, hai tay hướng lên trần nhà cười thật to, vô cũng đắc ý nói: “Hahahahaha, Trần Độc Tú, Trần Độc Tú!”
Trần Độc Tú là người sáng lập và là tổng bí thư đầu tiên của ĐCSTQ. Ông đã từng có huyễn tưởng vô tận về đảng chính trị này, cuối cùng phát hiện ra rằng tổ chức này chỉ nghe lệnh của ĐCS Liên Xô, không làm gì khác ngoài việc bán nước và lật đổ chính quyền quốc gia hợp pháp. Vì vậy, Trần Độc Tú đã công khai tuyên bố thoát ly ĐCSTQ. Khi ĐCSTQ yêu cầu ông ta tự “kiểm điểm” hành vi của mình, Trần Độc Tú nhất quyết cự tuyệt, cuối cùng ông đã bị ĐCSTQ tung tin đồn thất thiệt, bị bôi nhọ vì điều này.
Triệu Tử Dương suýt bị buộc tội là “gián điệp Mỹ”
Những thủ đoạn hạ lưu mà ĐCSTQ thường dùng, Triệu Tử Dương cũng đều từng trải qua. Ngoài việc bị buộc “hai đại tội danh” đề cập trên, Trình Hiểu Nông, một học giả Mỹ học và là cựu Sở phó Sở nghiên cứu cải cách thể chế Kinh tế Trung Quốc, cũng tiết lộ với Epoch Times việc Triệu Tử Dương suýt bị Đặng gán cho là “gián điệp Mỹ”.
Trình Hiểu Nông nói rằng trước ngày 4/6/1989, Đặng Tiểu Bình đã điều động quân đội tiến vào Bắc Kinh mà không có sự đồng ý trước của Cục Chính trị ĐCSTQ, cũng không được sự đồng ý của Hội đồng Thường ủy Cục Chính trị ĐCSTQ. Ông ta chỉ gặp riêng một số nguyên lão của ĐCSTQ, thản nhiên quyết định điều 50 vạn lính dã chiến tiến vào Bắc Kinh và phân lộ bao vây Quảng trường Thiên An Môn.
Sau vụ thảm sát Lục Tứ, Đặng Tiểu Bình biết rằng hình tượng quốc tế và trong nước của ông ta về cơ bản đã bị hủy hoại, vì vậy ông ta nghĩ ra một biện pháp “bổ cứu” là vu hãm Triệu Tử Dương là “gián điệp Mỹ”. Nếu việc vu hãm thành công, liền có thể nói rằng việc quân đội tiến vào Bắc Kinh là một hành động được thực hiện để trấn áp sự can thiệp của nước ngoài.
Trần Nhất Tư, nguyên Sở trưởng Sở nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc, là một trong những nhân sự liên quan đến sự kiện này. Sau sự kiện Lục Tứ, hơn một chục người trong số họ bị bắt và bị tống giam tại nhà tù Tần Thành. Trần Nhất Tư lưu vong hải ngoại, đã đồng thời tiết lộ thêm một số chi tiết sự kiện với giới truyền thông Hồng Kông và Mỹ.
Ông hồi ức lại, rằng tại đại hội mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 28/6/1989, Bộ trưởng Bộ Công an Vương Phương đã làm một báo cáo, nói rằng Triệu Tử Dương là gián điệp của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA, vì Triệu Tử Dương và thư ký của ông ta là Bào Đồng đã thông qua Trần Nhất Tư, chủ tịch Trung phương của “Quỹ Soros”, câu kết với Soros, một doanh nhân tỷ phú người Mỹ; mà Soros là do CIA thao túng; Triệu câu kết với Hoa Kỳ trong một nỗ lực nhằm lật đổ chuyên chính của giai cấp vô sản.
Ngày 2/7/1989, bản báo cáo của Vương Phương được gửi đến các cấp quân sự tỉnh như một văn kiện tuyệt mật của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Toàn bộ các cá nhân, hạng mục và tổ chức đã sử dụng tiền của Quỹ Soros đều bị thẩm tra. Sau đó, báo cáo bí mật của Vương Phương đã bị ai đó tiết lộ ra hải ngoại.
Soros đã vô cùng thất kinh khi biết về điều này, ngay lập tức viết một lá thư cho Đặng Tiểu Bình, trong đó đề cập rằng: Thứ nhất, ông thành lập một tổ chức quỹ ở Trung Quốc không vì một nguyên nhân nào khác, mà là vì cải cách khai phóng của Trung Quốc; Thứ hai, tất cả các hoạt động của Quỹ và tất cả các hạng mục đều là công khai; Thứ ba, tiền Quỹ là của riêng ông ta, ông ta có tất cả các minh chứng, và không có bất cứ quan hệ gì đến CIA. Soros cũng tuyên bố rằng ông sẵn sàng chấp nhận việc Đặng Tiểu Bình cử người sang Hoa Kỳ điều tra, đồng thời ông cũng sẵn sàng sang Trung Quốc để phối hợp điều tra; nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cải cách khai phóng, ông sẵn sàng tiếp tục cung cấp tư trợ.
Khi Soros viết thư cho Đặng Tiểu Bình, ông ấy cũng cử cố vấn pháp luật của mình là Cohen đến Bắc Kinh để trực tiếp thảo luận vấn đề với các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Đặng Tiểu Bình lo lắng nếu tiếp tục truy tra sẽ tự bắn vào chân mình, nên đành bỏ kế hoạch hãm hại Triệu Tử Dương.
Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia trong 16 năm
Sau khi Triệu Tử Dương hạ đài, ông bị quản thúc tại nhà ở số 6 Phú Cường, Hồ Đồng, quận Đông Thành, Bắc Kinh, ngôn hành nhất cử nhất động của ông đều bị chính quyền ĐCSTQ giám khống nghiêm mật và hạn chế tuyệt đối. Ông đã nhiều lần viết thư cho Giang Trạch Dân, người kế nhiệm Đặng, yêu cầu giải trừ lệnh quản thúc tại gia, nhưng đều bị Giang cự tuyệt.
Triệu Tử Dương cho biết trong hồi ký “Lịch trình cải cách” của mình rằng, vào ngày 12/9/1997, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 15 của ĐCSTQ, theo thỉnh cầu của các bà mẹ của các sinh viên bị tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn trong Sự kiện Lục Tứ, ông đã phát ra “Thư gửi đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 15 của ĐCSTQ và chuyển tới tất cả các đại biểu”, đôn đốc ĐCSTQ đánh giá lại Sự kiện Lục Tứ.
Bức thư nói rằng, vấn đề Lục Tứ sớm muộn gì cũng sẽ được giải quyết, bất luận chậm trễ bao lâu thì mọi người cũng không bao giờ quên được, giải quyết sớm tốt hơn là giải quyết muộn, chủ động giải quyết tốt hơn là bị động mà giải quyết; lúc hình thế ổn định mà giải quyết thì tốt hơn là lúc xuất hiện mâu thuẫn rồi mới giải quyết. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân đối với phong thư này không có bất cứ hồi ứng chính diện nào, trái lại, ông ta đối với việc quản thúc ông Triệu tại gia càng nghiêm ngặt hơn.
Ngày 13/10/1997, Triệu Tử Dương viết thư cho Giang Trạch Dân và bảy thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cáo buộc việc quản thúc tại gia này đối với ông là vi phạm thô bạo pháp chế. Ông viết:
“Kể từ khi lá thư (trước đó) được gửi đi, tôi liền bị cấm gặp khách và đi ra ngoài, hoàn toàn hạn chế quyền tự do của tôi, nâng cấp tôi từ quản thúc bán tại gia thành quản thúc hoàn toàn tại gia… Là một đảng viên, tôi có một vấn đề kiến nghị với đại hội đảng là hãy thực hiện quyền lợi hành xử chính thường của đảng viên, điều này đã được quy định rõ trong đảng chương… Tôi không biết mình đã vi phạm pháp luật gì?”
Ông cũng viết: “Kể từ tháng 6/1989, tôi đã bị quản thúc tại gia hoặc bán tại gia phi pháp trong tám năm. Tôi không biết việc tước quyền tự do này sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu? Điều này đối với tôi, một người đàn ông đã gần 80 tuổi, đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi, chắc chắn là một tổn hại lớn… Tôi hy vọng rằng lệnh quản thúc tại gia của tôi sẽ được dỡ bỏ càng sớm càng tốt, mong rằng tự do nhân thân của tôi sẽ được khôi phục, và tôi sẽ không còn phải dành phần đời còn lại trong tình cảnh cô tịch và uất ức… ”
Giang Trạch Dân hoàn toàn không hồi âm bức thư này.
Kỉ niệm của năm anh chị em nhà họ Triệu đối với cha mình
Vào lúc 7 giờ 1 phút sáng ngày 16/1/2005, Triệu Tử Dương, người đã bị quản thúc trong 16 năm, đã chết vì bệnh tại nhà. Ngày 17/10/2019 là ngày minh đản thứ 100 của Triệu Tử Dương. Ngày 14/10, những người con nhà họ Triệu đã đăng đàn tưởng niệm tại “Minh Báo” của Hồng Kông. Họ viết:
“Đối với quyền lực, phụ thân của chúng tôi có cách lý giải bất đồng với một số người khác. Ông từng nói: ‘Nếu làm không được việc, thì quyền lực có ích gì?’ Ông cho rằng, thiên hạ là của mọi người, chúng ta vì mọi người mà làm việc. Ông một đời gánh vác trọng trách, ngôn hành cẩn thận. Nhưng khi đứng trên đỉnh Thái Sơn, mới biết là núi cao không thư thái. Vì sao vậy? Ông nói, là vì: ‘Chúng ta nợ lão bách tính quá nhiều, chúng ta chính là đang hoàn trả nợ!’”
“Ngày nay, những gì chúng ta đang phải đối mặt, là sự thoái hóa của tư tưởng, sự bần khốn của triết học (Mác-Lê); Khi trôi mất vẻ long đằng hổ dược bề ngoài, nhìn chẳng thấy lóe lên chút tia sáng trí huệ yếu ớt nào; Không còn chút hơi ấm của sự quan tâm nhân đạo, thì cũng chẳng chút cảm động nhỏ nhoi có thể động tới nhân tâm. Đó là khốn cục về tinh thần mà trăm năm chưa từng thấy.”
“Cổ nhân có câu: ‘Dã vô dị hiền, nãi thịnh thế chi khí tượng’, ý nói thời hoang dã cũng không bỏ hiền nhân, nói chi đến thời thịnh thế. Vậy mà nay, kinh qua bao năm ‘đào thải nghịch hướng’ ưu liệt bại thắng, lại có đạo là: Người cảnh giới cương chính thì cô đơn vắng lặng; Kẻ vô lương tâm vô liêm sỉ thì dương dương nắm giữ đại quyền.”
“Những hiện tượng ‘kỳ hưng dã bột, kỳ vong dã tốc’ – càng bùng nổ bột phát, càng tấn tốc diệt vong này, đối với lịch sử Trung Quốc không phải hiếm thấy, nhưng thần tốc như thế, triệt để như thế, là tự cổ chưa từng.”
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch