“Cờ không chỉ là trò chơi tiêu khiển, mà còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ”. 

Xem thêm: Phần 1

Thời Đông Tấn đã xảy ra một cuộc chiến tranh nổi tiếng lấy ít thắng nhiều, gọi là cuộc chiến Phì Thủy. Quân Đông Tấn chỉ với 8 vạn binh mã đã đánh bại đại quân 80 vạn quân Tiền Tần. Khi tin thắng trận truyền về kinh thành Kiến Khang, vị tướng quân tổng chỉ huy chiến dịch của Đông Tấn là Tạ An đang chơi cờ với bằng hữu, ông xem lướt báo cáo xong rồi để ra một bên, tiếp tục chơi cờ, tựa như mọi việc đều đã nằm trong dự tính của ông cả rồi. Người bạn có hỏi, ông chỉ nói bình thản: Không có gì, chỉ là lũ trẻ đã đánh bại quân địch mà thôi.

Tạ An là bậc tướng tài, thao lược trên chiến trường cũng như trong cuộc cờ, đều nằm trong dự tính cả. Phong thái chơi cờ cũng thể hiện rõ bản lĩnh tướng tài, lòng dù có sấm sét mà sắc mặt vẫn như mặt nước hồ thu phẳng lặng.

Cờ vây có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, là một trong những hình thức thể thao loại cờ lâu đời nhất. Thời gian xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Tương truyền, vua Nghiêu mơ thấy Hoàng Đế (người mở đầu thời Ngũ Đế) chơi cờ với vị tiên Dung Thành. Nhà vua thấy tiên Dung Thành chơi một loại cờ gồm một bàn cờ và các quân trắng đen, bèn thỉnh cầu tiên dạy cờ cho mình. Đang chơi cờ hay bỗng vua Nghiêu tỉnh lại. Nhà vua ngẫm ra thấy hay quá bèn tìm cách nhớ lại và bổ khuyết thêm các quy tắc, luật lệ và sáng tạo ra môn cờ vây, vì mục đích của nó là vây chiếm lãnh thổ, đất đai.

Tương truyền con trai của Nghiêu là Đan Chu thông minh nhưng rất ương bướng, tự phụ, cố chấp, bất hảo. Nghiêu đã dùng cờ vây để giáo dục, rèn luyện tính tình Đan Chu. Sau này Đan Chu trở thành người hiền tài và truyền bá cờ vây ra khắp thiên hạ.

Cờ vây dần dần phát triển ra các nước Á Đông, là một môn bắt buộc của giới trí thức xưa để tu thân dưỡng tính, là một trong tứ nghệ “Cầm kỳ thư họa”.

Có thể thấy, cờ vây ngay từ ban đầu khi ra đời đã là công cụ để giáo dục, có tác dụng khai mở trí tuệ, rèn luyện tâm tính.

Cờ vây ngay từ ban đầu khi ra đời đã là công cụ để giáo dục, có tác dụng khai mở trí tuệ, rèn luyện tâm tính. (Ảnh: pinterest.com)

Cờ là bộ phận quan trọng trong cuộc sống văn hóa phương Đông. Cờ không chỉ là trò chơi tiêu khiển, mà còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ.

Khi chơi cờ, người chơi ngồi cung kính, ngay ngắn, bình tâm tĩnh trí, điều hòa hơi thở, khiến cho toàn bộ thân, tâm yên định, lòng không chú ý đến xung quanh, không vội, không chậm, an nhiên tự tại, khiến thân thể ở trạng thái tốt nhất vận chuyển theo âm dương ngũ hành, tinh, khí, thần của toàn thân điều hòa, thông với khí thái hòa của vũ trụ, giống như trạng thái luyện khí công vậy.

Cờ vây thực sự là công cụ người cổ đại quan sát bầu trời. Bàn cờ đại diện cho bầu trời, quân cờ là những vì sao. Bàn cờ chia làm 4 bộ phần, có 361 điểm giao nhau, hợp với tự nhiên: trời tròn đất vuông, 4 mùa thay đổi, 1 năm (âm lịch) 361 ngày.

Giữa bàn cờ là Thái cực, quân cờ đen trắng biểu thị âm dương. Quân cờ không chia cấp bậc, chức năng, tùy ý đặt quân, cạnh tranh bình đẳng, giống như Đại Đạo chí giản. Chơi cờ chính là diễn dịch sự vận động của lưỡng cực âm dương: đối lập, ước chế, cân bằng, chuyển hóa.

Lúc nhàn rỗi, chơi cờ kết bạn, tăng cường trí tuệ. Bàn cờ tuy nhỏ, nhưng huyền diệu nhiều biến hóa, người nhân thì thấy nhân, kẻ trí thì thấy trí. Như thiên địa âm dương, vương chính, binh pháp thao lược, đối nhân xử thế, tiến thoái lấy bỏ, v.v..

Cuộc cờ như chiến trường, hai bên đen trắng bày binh bố trận, tấn công phòng thủ, đấu trí đọ dũng. Không những không được hèn nhát bảo thủ, mà cũng không được tham công mạo hiểm.

Cờ vây coi trọng tầm nhìn đại cuộc, không tính cái lợi nhất thời, không tranh được mất một nơi. Gặp khó khăn thất bại không được nản chí, tạm chiếm ưu thế, không được khinh địch, luôn luôn xem toàn cuộc. Văn sỹ Đông Hán Ứng Trường nói: “Đạo chơi cờ, quý ở nghiêm cẩn”. Cần có đại lược xuất thế, lại cần phải có mưu tinh xảo nhập thế.

Văn sỹ Đông Hán Ứng Trường nói: “Đạo chơi cờ, quý ở nghiêm cẩn”. (Ảnh minh họa: youhuafuzhi.com)

Các trạng thái chơi cờ rất nhiều, nên biểu hiện ra sự tu dưỡng tính cách của kỳ thủ. Lo được lo mất, ôn hòa quyết đoán, do dự không quyết, tranh từng tấc đất, trợn mắt báo thù, loạn mưu lớn, bại toàn cuộc, lòng đã tính hết, tỉnh bơ như không, biến bị động thành chủ động.

Thắng cố nhiên là vui, bại cũng đáng mừng. Kỳ phùng địch thủ, tướng gặp lương tài. Tránh xa chốn ồn ào náo nhiệt, đắm chìm vào trong ván cờ, khí an định thần thái nhàn nhã, yên tĩnh sâu xa, ung dung đại lượng.

Cảnh giới chơi cờ cao siêu nhất, đương nhiên là xuất thần nhập hóa, có thể gia nhập hàng ngũ Thần tiên. Kế đến là chơi cờ không lao thần phí sức, vận dụng cái huyền diệu ở nhất tâm. Kế tiếp là ý tứ thế nào cũng được, thập bát ban võ nghệ đều có thể lấy ra sử dụng.

Trong lịch sử, các nhân vật tiêu biểu của Nho – Phật – Đạo, các bậc đế vương, quan tướng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà toán học, nhà triết học, v.v… đều ca ngợi cờ vây, cho rằng thọ ích rất nhiều từ chơi cờ.

Hoàng đế Khang Hy cũng là người mê cờ, mỗi khi nhàn rỗi lại chơi một vài ván. Một lần, Khang Hy dẫn tùy tùng đi săn, cơn nghiền cờ bỗng nổi lên, bèn bày cờ ra chơi với một vị đại thần. Khang Hy đã nhanh chóng thắng liền 3 ván. Vẫn còn hứng thú, ông bèn tìm một cao thủ cờ đến chơi, đó là viên thị vệ tên gọi Nhân Phúc. Nhân Phúc cũng là người mê cờ, chơi cờ cũng rất chuyên tâm, chăm chú. Nhân Phúc rất cao cờ, nhất thời quên mất đối thủ là hoàng đế, liên tiếp tấn công đối thủ. Lão thái giám Quách Kế Công đứng quanh xem thấy hoàng đế chắc chắn sẽ thua rồi, thế là cái khó ló cái khôn nói: “Khởi tấu hoàng thượng, dưới núi phát hiện ra có con mãnh hổ, mời hoàng thượng mau chóng đi săn”.

(Ảnh minh họa: britannica.com)

Khang Hy nghe thấy vậy rất mừng, nói với Nhân Phúc: “Ngươi cứ đợi đây, đợi ta săn hổ về chúng ta chơi tiếp”. Nói rồi lên ngựa xách cung lao xuống núi. Nhưng dưới núi nào có con hổ nào, chỉ phát hiện ra một con hươu. Khang Hy thích săn bắn, là một thợ săn lão luyện, nên ông biết, có hươu thì nhất định không có hổ, nghĩ rằng Quách Kế Công già cả mắt hoa, nhìn hươu thành hổ.

Khang Hy cũng rất thích săn hươu. Con hươu này chạy rất nhanh, Khang Hy thúc ngựa theo sát, vượt qua mấy quả núi cuối cùng cũng bắn hạ được hươu. Qua mấy ngày, Khang  Hy mới nhớ ra ván cờ chơi dở với Nhân Phúc, bèn quay trở lại quả núi kia, thấy Nhân Phúc vẫn quỳ bên bàn cờ, không hề nhúc nhích. Lúc đó Khang Hy mới phát hiện ra Nhân Phúc trung hậu thủ chức kia đã chết, ông rất buồn. Từ đó Khang Hy luôn hối lỗi, thề sẽ không bao giờ thất tín nữa.

Cờ là nghệ thuật, nhưng cũng là tu dưỡng, với mỗi người ở các tầng thứ tu dưỡng khác nhau đều sẽ thể hiện ra sự khác nhau trên bàn cờ, vì bàn cờ cũng là cuộc đời, là nhân sinh. Con người rốt cuộc cũng là đi các nước cờ cuộc đời của mình cho đến khi kết thúc, lại xóa đi chơi ván mới, như câu thơ xưa rằng:

Tình người như giấy từng trang mỏng,

Thế sự như cờ mỗi ván thay.

Triêu Lộ