Sở Vương nghe Yến Tử nói vậy thì sắc mặt trắng bệch ra rồi lại vàng như nghệ. Ông ta cười ngượng nghịu nói: “Người thông minh hiền trí, đúng là không thể trêu chọc được. Tự ta làm mất hứng rồi”.

Yến Tử chia phần ăn

Một lần, tướng quốc nước Tề là Yến Tử đang ăn cơm thì Tề Cảnh Công phái sứ giả đến. Yến Tử đứng dậy nghênh đón và mời sứ giả cùng ăn. Yến Tử chia một nửa cơm và đồ ăn của mình cho sứ giả. Kết quả là sứ giả vẫn đói bụng mà Yến Tử cũng chẳng no.

Sau khi sứ giả trở về đã kể chuyện này với Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công kinh ngạc nói: “Chao ôi, không ngờ nhà tướng quốc lại nghèo như thế này. Ta xưa nay không hề biết. Đây là lỗi của người làm vua một nước là ta”.

Thế là Cảnh Công sai người đem cho Yến Tử 1000 lạng vàng và tô thuế thu được ở chợ, để ông dùng chu cấp và thết đãi tân khách. Nhưng nói thế nào đi chăng nữa Yến Tử cũng không chịu nhận. Tề Cảnh Công sai người đem tặng 3 lần thì cả 3 lần đều bị Yến Tử tạ từ.

Yến Tử nói với Cảnh Công rằng:

“Thần không nghèo. Thần nhận bổng lộc quốc gia, cũng là đã ân huệ đến cả gia tộc rồi, và cũng đủ cho sử dụng giao du bằng hữu, tân khách, và còn có thể tiếp tế người dân nghèo khổ. Bổng lộc ngài cấp cho thần là đã nhiều rồi.

Thần nghe nói, nhận tiền của hậu hĩnh của vua ban thưởng rồi đem tiếp tế trợ cấp cho người dân, đây chính là bề tôi thay vua làm cho người dân vui thích. Bậc trung thần sẽ không làm như thế. Có được tiền của tài sản hậu hĩ từ vua ban mà lại không thí xả cho người dân, đây chính là tự tư là trộm giấu ân huệ của vua. Người nhân nghĩa cũng sẽ không làm như thế. Lấy lòng, làm vui lòng vua để được thăng quan, rồi lại vì đắc tội với các quan đồng liêu mà bị giáng chức, cách chức, bị xử tội chết và tài sản bị người khác chiếm hữu, đây chính là cất giữ tiền của cho người khác, người có trí tuệ sẽ không làm việc đó. Trong nhà thần hiện nay có một ít vải, một ít lương thực, đã đủ dùng rồi. Thần đâu cần nhận ban thưởng nhiều như thế?”.

Cảnh Công hỏi lại Yến Tử: “Xưa tiên quân Hoàn Công phong cho tướng quốc Quản Trọng 500 xã (thời cổ đại 25 gia đình là 1 xã), Quản Trọng không hề từ chối, đã nhận hết. Sao khanh lại cứ một mực từ chối?”.

Yến Tử chắp tay vái Cảnh Công và trịnh trọng nói: “Thần nghe nói, người sáng suốt thông đạt thì dẫu nghĩ ngàn lần thì nhất định cũng có lần không thấu đáo. Người ngu đần nghĩ ngàn lần thì nhất định cũng có một lần chính xác. Thần nghĩ, Quản Trọng tuy là người thông minh thì cũng có lúc suy nghĩ không thấu đáo. Thần tuy ngu muội nhưng có lẽ cũng có lúc chính xác. Đại thể là lúc Quản Trọng sai lầm thì chính là lúc thần chính xác chăng? Do đó thần một mực từ chối, không dám nhận”.

Cảnh Công nghe thế gật gật đầu tâm đắc.

Tranh vẽ Yến Tử. (Ảnh: epochtimes.com)

Sở Vương tự làm mất hứng

Một lần Yến Tử đi sứ nước Sở. Sở Vương nghe được tin này bèn nói với các đại thần rằng: “Yến Anh là người giỏi biện luận của nước Tề, ông ta mồm mép lanh lợi, khua môi múa mép như múa kiếm. Hiện nay ông ta phụng mệnh đi sứ nước ta, ta muốn làm nhục ông ta một phen. Các khanh xem có cách hay nào không?”.

Các đại thần tả hữu hiến kế rằng: “Đợi sau khi Yến Anh đến, chúng thần trói một người, cố ý đi qua trước mặt bệ hạ. Bệ hạ trông thấy thì hỏi: “Người này là ai vậy?”. Chúng thần trả lời: “Anh ta là người nước Tề, phạm tội trộm cắp, phải xử hình pháp”. Như thế này chẳng phải đã làm nhục Yến Anh đó sao?”.

Sở Vương nghe như vậy vỗ tay liên tiếp khen hay. Thế là căn dặn thuộc hạ chuẩn bị sẵn sàng.

Không lâu sau Yến Tử đến nước Sở, bái kiến Sở Vương. Sở Vương mở đại tiệc chiêu đãi Yến Tử. Chủ khách đang uống rượu vui vẻ thì hai người sai dịch khiêng một người đầu bù tóc xõa đi qua trước cửa. Sở Vương rất không vui hỏi rằng: “Người các ngươi trói kia là người nào?”.

Hai viên sai dịch trả lời rằng: “Là người nước Tề, hắn đã phạm tội trộm cắp”.

Sở Vương nghe vậy đắc ý nhìn Yến Tử nói: “Người nước Tề sinh ra là đã thích trộm cướp chăng?”.

Yến Tử nhìn Sở Vương rồi đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, trịnh trọng trả lời rằng: “Thần nghe nói cây quýt sinh trưởng ở phía Nam sông Hoài thì nó là cây quýt. Nếu sinh trưởng ở phía Bắc sông Hoài thì nó trở thành cây quýt hôi (tức cây chanh gai). Lá cây quýt và lá quýt hôi đều tương tự nhau nhưng mùi vị quả lại hoàn toàn khác nhau”.

Nói đến đây, Yến Tử cười hỏi Sở Vương rằng: “Ngài có biết đó là vì sao không?”.

Sở Vương không hiểu lắc đầu. Yến Tử nói tiếp: “Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này chính là thổ nhưỡng Nam Bắc khác nhau”.

Nói rồi Yến Tử chỉ người bị trói ở dưới trước cửa và nói: “Người này khi sống ở nước Tề thì không trộm cắp, sau khi đến nước Sở thì ăn trộm đồ, có lẽ thổ nhưỡng quý quốc dễ khiến người dân trở thành trộm cướp chăng?”.

Nói xong, Yến Tử ha hả cười lớn.

Sở Vương nghe vậy sắc mặt trắng bệch ra rồi lại vàng như nghệ. Ông ta cười ngượng nghịu nói: “Người thông minh hiền trí, đúng là không thể trêu chọc được. Tự ta làm mất hứng rồi”.

Yến Tử đuổi bà đồng cốt nước Sở

Nước Sở có một bà đồng cốt, thông qua một cận thần của Tề Cảnh Công là Duệ Khoản (là một nịnh thần) tiến cử, đến gặp Cảnh Công. Bà đồng cốt nước Sở hầu chuyện Cảnh Công 3 ngày, Cảnh Công vô cùng thích bà ta nên đã hạ lệnh giữ bà ở bên. Bà đồng cốt nói với Tề Cảnh Công rằng: “Ngài là một vị quân chủ Thần Thánh sáng suốt, có thể thành tựu đế nghiệp. Nhưng ngài đã tại vị 17 năm rồi mà thành tựu không lớn lắm. Nguyên nhân là Thánh đức của ngài vẫn chưa được hiển lộ đầy đủ ra. Thần có thể làm phép (thi triển pháp thuật) giúp ngài, thỉnh cầu Ngũ Đế soi sáng mỹ đức của ngài”.

Cảnh Công nghe vậy vô cùng vui sướng. Ông khấu đầu bái tạ bà đồng cốt và nói rằng: “Xin khanh hãy giúp ta”.

Bà đồng cốt nói: “Vị trí của Ngũ Đế là ở phía Nam của quốc đô. Trước tiên tế lễ ở núi Ngưu, sau đó rồi leo lên”.

Thế là Cảnh Công hạ lệnh vận chuyển đồ tế lễ đồng thời để Duệ Khoản chủ trì việc này.

(Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Yến Tử nghe được sự việc này vội vàng đến gặp Cảnh Công và nói: “Nghe nói quân chủ để bà đồng cốt nước Sở tế lễ núi Ngưu, có việc này không?”

Cảnh Công nói: “Đúng. Ta muốn thỉnh cầu Ngũ Đế soi sáng đức hạnh của ta, để Thần linh giáng phúc cho ta”.

Yến Tử nói: “Lời nói của ngài sai rồi. Đế vương thống nhất thiên hạ thời cổ đại là dùng đức hạnh khoan hậu để an định quốc gia. Chư hầu tôn kính ủng hộ họ, coi họ là lãnh tụ. Người dân bách tính quy thuận họ, coi họ là cha mẹ. Vì vậy trời đất bốn mùa hài hòa không mất cân bằng, mặt trời mặt trăng và các vì sao vận chuyển trật tự không rối loạn. Vị quân chủ thuận với ý Trời, hợp với lòng người mới là vị quân chủ Thần Thánh sáng suốt. Các minh quân cổ đại không tế lễ liên tiếp, không cả tin thầy phù thủy đồng cốt. Ngài lại bỏ người hiền năng, trọng dụng bà đồng cốt thì Thượng Thiên sẽ không giáng phúc đâu. Thật đáng tiếc. Ở ngôi vị quân chủ lại nói ra những lời thấp kém như thế này”.

Cảnh Công nghe xong gượng gạo nói: “Là Duệ Khoản khiến cho ta thân cận với bà đồng cốt nước Sở. Ta rất tán thưởng bà ấy, nghe theo lời bà ấy, suýt đã làm những việc ngu ngốc rồi. May nhờ tiên sinh kịp thời khuyên can”.

Nói rồi, Cảnh Công hạ lệnh đuổi bà đồng cốt nước Sở đi, đồng thời bắt Duệ Khoản. Yến Tử nói: “Không được đuổi bà đồng cốt ra khỏi nước Tề”.

Cảnh Công rất lấy làm lạ hỏi: “Bà ta là người xấu, tại sao lại không đuổi khỏi nước Tề?”

Yến Tử nói: “Chính vì bà ta xấu nên mới không được đuổi bà ta ra khỏi nước Tề. Ngài nghĩ xem, đuổi bà ta ra khỏi nước Tề rồi, nhất định sẽ có quốc vương khác bị bà ta mê hoặc và trọng dụng. Ngài nghe theo lời bà ta đã rất không sáng suốt rồi. Nếu để bà ta lại đi làm nguy hại đến quốc gia khác, đó chẳng phải không nhân đức đó sao?”

Cảnh Công nói: “Khanh nói rất đúng. Vậy nên làm như thế nào?”

Yến Tử nói: “Đưa bà ta lưu đày đến vùng hoang vu nhất ở miền Đông nước Tề, để bà ta không thể nào mê hoặc làm rối loạn lòng người được nữa”.

Thế là Cảnh Công hạ lệnh lưu đày bà đồng cốt nước Sở, đồng thời bắt Duệ Khoản giam vĩnh viễn.

Yến Tử biết lễ

Một lần Yến Tử đi sứ nước Lỗ. Khổng Tử nghe nói liền để đệ tử đến xem. Ông dặn các đệ tử rằng: “Các trò nhất định phải chú ý lễ nghi của Yến Tử đó”.

Rất nhanh chóng, Tử Cống trở về nói với Khổng Tử rằng:

“Ai nói là Yến Tử tinh thông lễ nghi? Con thấy ông ta chẳng hiểu tí gì. Trong sách Lễ ký nói: “Bước lên thềm không được bước hai bậc, trên điện đường không được đi nhanh, khi trao đồ ngọc không được quỳ”. Hiện nay Yến Tử đều đã trái hoàn toàn, sao có thể nói Yến Tử hiểu lễ nghi được?”.

Sau khi Yến Tử bái kiến quốc quân nước Lỗ xong, ông đặc biệt đến hội kiến Khổng Tử. Khổng Tử nói với Yến Tử rằng: “Lễ nghi có quy định rằng, bước lên thềm không được bước hai bậc, trên điện đường không được đi nhanh, khi trao đồ ngọc không được quỳ. Nhưng khi ngài bái kiến quốc quân nước Lỗ đều không làm theo lễ. Chẳng phải tiên sinh đã vi phạm lễ nghi đó sao?”.

Yến Tử trả lời rằng: “Tôi nghe nói, ở giữa cột đông và cột tây của điện đường thì quốc quân và bề tôi mỗi người đều có vị trí cố định. Quốc quân bước một bước, bề tôi phải bước 2 bước. Quốc quân nước Lỗ đi rất nhanh, do đó tôi bước lên thềm phải bước 2 bậc, đó là để đến vị trí kịp thời. Quốc quân nước Lỗ nhận đồ ngọc, thân ngài nghiêng thấp, do đó tôi quỳ xuống để trao cho ngài. Nếu không như thế thì quốc quân nước Lỗ cúi thấp, tôi đứng cao, đó là vua thấp bề tôi cao, làm sao có thể thất lễ vua tôi được? Tôi thấy những quy định lớn thì không được vượt qua, còn lễ tiết nhỏ thì có chút khác biệt cũng khả dĩ. Ngài nói xem chẳng phải như vậy sao?”.

Khổng Tử không trả lời. Yến Tử đứng dậy cáo từ. Khổng Tử dùng lễ tân khách tiễn Yến Tử ra về. Sau khi quay lại, Khổng Tử cho gọi các đệ tử lại, cảm thán nói với họ rằng: “Yến Tử quả là người tinh thông lễ nghi. Ông ấy không những biết lễ nghi đã được ghi chép rõ ràng mà còn hiểu được những lễ nghi không được văn tự ghi chép rõ. Hơn nữa, ông ấy còn có thể căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện. Đây chính là lý luận gắn liền thực tế. Yến Tử quả là người thực sự hiểu lễ nghi”.

(Nguồn: “Yến Tử xuân thu”)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tác giả: La Nhẫn
Biên dịch: Kiến Thiện

videoinfo__video2.dkn.tv||04ca65dfa__