Bất cứ tiểu thuyết nào cũng thông qua câu chuyện và hình tượng nhân vật để thể hiện tư tưởng nhân sinh quan của tác giả. Vậy nên, các văn nhân rất hiếm khi nói rõ ràng mục đích chính trong tác phẩm của mình. Tuy vậy, Hồng Lâu Mộng vốn được coi là tác phẩm phức tạp và khó hiểu nhất, lại trực tiếp chỉ rõ tư tưởng chủ đạo ngay trong phần mở đầu.

Chúng ta hãy cùng xem nguyên văn đoạn mở đầu của bộ tiểu thuyết này:

“Người làm sách xin nói: “Trải qua quãng đời mộng ảo, nên có ý giấu những việc thực, mượn chuyện “Hòn đá thiêng” mà viết ra bộ Thạch đầu ký này; vì vậy tôi đặt nhân vật của tôi là Chân Sĩ Ẩn… Trong sách chép việc gì? Người nào? Người làm sách lại xin nói: “Nay tôi đã sống cuộc đời gió bụi, không làm nên trò trống gì. Chợt nghĩ đến những người con gái ngày trước cùng sống với tôi, so sánh kỹ lưỡng, thấy sự hiểu biết và việc làm của họ đều hơn tôi. Tôi đường đường là đấng mày râu, lại chịu kém bạn quần thoa, thực rất đáng thẹn! Bây giờ hối cũng vô ích, biết làm thế nào! Tôi nghĩ trước kia được ơn trời, nhờ tổ, mặc đẹp, ăn ngon, mà phụ công nuôi dạy của cha mẹ, trái lời răn bảo của thầy bạn, đến nỗi ngày nay một nghề không thành, nửa đời long đong, nên muốn đem những chuyện đó chép thành một bộ sách bày tỏ với mọi người. Tôi biết rằng mang tội rất nhiều.

Nhưng trong khuê các còn biết bao người tài giỏi, tôi không thể nhất thiết mượn cớ ngu dại muốn che giấu lỗi mình, để cho họ bị mai một. Cho nên, đám cỏ lều tranh, giường tre bếp đất, cùng cảnh gió sớm trăng chiều, sân hoa thềm liễu, đều thúc giục tôi thực hiện lòng mong ước dùng bút mực viết ra lời. Dù tôi học ít, hạ bút không viết nên văn, tôi cũng chẳng ngại gì mượn lời nôm na thêu dệt bày tỏ ra đây câu chuyện để mua vui cho mọi người. Vì vậy tôi lại đặt nhân vật là Giả Vũ Thôn…”. Đó là đầu đề và ý chính của hồi này. Mở đầu cuốn truyện, thấy câu phong trần mơ người đẹp, chắc ai cũng biết người viết sách vốn chỉ ghi chép những chuyện bạn bè, tình tứ trong khuê các, chứ không có ý chửi đời. Tuy có một vài chỗ nói đến nhân tình thế thái, nhưng đó là bất đắc dĩ, mong độc giả nhớ cho”.

Toàn bộ tiểu thuyết là lấy trải nghiệm nhân sinh của tác giả làm nguyên mẫu, nhân vật chính là những nhi nữ quần thoa mà bản thân ông đã tiếp xúc trong đời. (Ảnh: theguardian.com)

Tác giả tiết lộ rằng, bản thân mình đã trải qua cuộc đời tựa như mộng ảo, nên mới mượn câu chuyện hòn đá thiêng để gửi gắm cách nhìn nhận về nhân sinh mà chính mình thể ngộ, thông qua hình thức truyện ký mà truyền đạt ra. Sau đó, nhân vật và những sự việc chính yếu đề cập đến trong sách là các thiếu nữ khuê các có trí tuệ, có hiểu biết mà ông từng gặp qua trong đời, sau lại đem câu chuyện khuê các của họ truyền lại cho nhân gian. Có thể thấy rằng toàn bộ tiểu thuyết là lấy trải nghiệm nhân sinh của tác giả làm nguyên mẫu, nhân vật chính là những nhi nữ quần thoa mà bản thân ông đã tiếp xúc trong đời.

Tác giả cũng kể rằng, ông từng sống trong nhung lụa, xuất thân từ gia đình phú quý nhưng lại không vâng theo lời dạy của cha anh bè bạn, do vậy mà cả đời chẳng làm nên trò trống, nửa đời lận đận long đong, nghèo túng chán nản. Nếu đem đối chiếu với những câu chuyện xuyên suốt trong toàn bộ tiểu thuyết, có thể thấy, lời nói ấy là thật không hư giả chút nào. Tính cách của Giả Bảo Ngọc quả thực cũng y như vậy, đó chính là hình tượng hóa thân của tác giả. Còn những tiểu thư khuê các trong tác phẩm, đều thông minh lanh lợi, chỉ có điều cảnh ngộ, vận mệnh, thân phận, và địa vị mỗi người mỗi khác mà thôi. Người và việc trong sách cũng chính là những gì mà tác giả đã nhắn nhủ ngay từ phần mở đầu.

Câu chuyện tuy bắt đầu từ những trải nghiệm mắt thấy tai nghe, sau lại được tác giả gia công mà thành, nhưng điều đó không có nghĩa nguyên mẫu ấy chính là cái gốc của tác phẩm, cũng không thể nói rằng tác phẩm giống hệt như người thật việc thật. Vậy nên phần mở đầu đã nói rõ rằng, bản thân đã trải qua một trường mộng ảo, bởi vậy đem việc thật ẩn đi, huyễn hóa thành kiếp người của hòn đá thiêng, rồi mượn thêm hai nhân vật: Chân Sĩ Ẩn thì đại biểu cho chân tướng của kiếp người, còn Giả Vũ Thôn đại biểu cho giả tướng. Tác giả đem câu chuyện triển hiện ra, nhắn nhủ với con người thế gian rằng: Đời người chính là một trường giả tướng huyễn hóa mà thành. Đây chính là cảm ngộ, cũng là bổn ý và mục đích chính của Tào Tuyết Cần khi viết nên bộ thiên tiểu thuyết này.

“Lẵng dẵng trên đời khéo khổ công,
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không.
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo,
Một giấc xưa nay rõ viển vông.

Vạt thắm nào riêng người đẫm lệ,
Tình ngây còn vướng hận ôm lòng.
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.”

Tuy Hồng Lâu Mộng kể về kiếp nhân sinh của tác giả, nhưng dù sao đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật, nhân vật lấy ai làm nguyên mẫu cũng không còn quan trọng nữa; câu chuyện diễn ra vào năm nào, tháng nào, triều đại nào, quốc gia nào cũng không còn quan trọng nữa. Chỉ là, tác giả muốn thông qua câu chuyện nửa thực, nửa hư, nửa thần thoại này, để nói lên cảm ngộ của bản thân.

Chúng ta cũng vậy, ai ai cũng cần nhìn thấu chân tướng nhân sinh của một kiếp người, rằng đời người chẳng qua chỉ là một trường mộng ảo, công danh lợi lộc không ở mãi, tình cảm gái trai đến cuối cùng cũng đều tan biến như bong bóng xà phòng. Sinh sinh diệt diệt của đời người chỉ trong khoảnh khắc, cớ sao lại coi những thứ hư ảo vô thường nơi thế gian thành như chân tướng của cả kiếp nhân sinh? Qua đó, tác giả muốn khuyên nhủ người đời đừng nên dính mắc sâu đến thế, chấp trước sâu đến thế. Vậy nên trong phần mở đầu, Tào Tuyết Cần đã đặc biệt nhắc nhở rằng:

“Mở đầu cuốn truyện, thấy câu phong trần mơ người đẹp, chắc ai cũng biết người viết sách vốn chỉ ghi chép những chuyện bạn bè, tình tứ trong khuê các, chứ không có ý chửi đời. Tuy có một vài chỗ nói đến nhân tình thế thái, nhưng đó là bất đắc dĩ, mong độc giả nhớ cho”.

Chân dung của Tào Tuyết Cần. (Ảnh: wikipedia.org)

Mặc dù Tào Tuyết Cần đã nói rõ ràng cụ thể, nhưng bao thế hệ độc giả xưa nay vẫn không dám tin đó chính là dụng ý chính của bộ tiểu thuyết. Tuy là giấy trắng mực đen, viết rất rõ ràng, hơn nữa nội dung tiếp sau đó lại thêm một bước nói rõ dụng ý chính của tư tưởng này, nhưng người đời vẫn là nhìn mà không thấy, xem đó như là một câu nói không chút liên quan mà lý giải.

Nhất là cảnh ngộ nhân sinh mỗi lần Lâm Đại Ngọc “rửa mặt bằng nước mắt”, đều khiến người xem động lòng trắc ẩn sâu sắc. Bởi vậy người thời nay mới cho đó là bộ tiểu thuyết viết về bi kịch tình yêu của đôi nam nữ, trong khi những người có dụng ý khác lại lợi dụng điểm này để phê phán cái gọi là chế độ phong kiến – Đây hoàn toàn là kiến giải lệch lạc chủ ý của Tào Tuyết Cần.

Nếu đọc đi đọc lại hồi thứ nhất của Hồng Lâu Mộng sẽ phát hiện rằng, tác giả mượn câu chuyện hòn đá thiêng để nói rõ lòng mình. Còn về những cuốn tiểu thuyết tình cảm trăng gió, nam nữ riêng tây, và những trước tác về tài tử giai nhân, Tào Tuyết Cần thảy đều phủ định không chút khách khí. Nếu như nói Hồng Lâu Mộng là khát vọng đối với tình yêu tự do nam nữ và phê phán xã hội phong kiến, quả thật là tự mâu thuẫn lẫn nhau. Quả thực là:

“Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho là giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?”

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Phi Long biên dịch