Hương lửa ba sinh(*) chẳng thoả nguyền!
Lòng trần đã đoạn mối lương duyên.
Quỳnh Hư điện Ngọc nghe hoang vắng,
Nam nhạc trời mây thấy muộn phiền.
Kết mối tơ hồng nơi thế tục;
Dệt đường chỉ thắm cõi tiên thiên.
Tình ta giờ tận Từ Lang hỡi!
Khó có trùng lai! ở một miền.

FB. Trần Thế Nhân

(*) Ý nói cây hương vẫn còn cháy mà thấy người trần đã trải qua ba kiếp.

Theo truyền thuyết, Từ Thức quê ở Hòa Châu (nay thuộc huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa) sống dưới triều vua Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái (1388 – 1398), kết duyên cùng Tiên nhân và sống cùng nàng chừng một năm trong tiên động. Khi ông từ biệt nàng Giáng Hương, trở về nhân gian đã là niên hiệu Diên Ninh triều vua Lê Nhân Tông (1442-1459).

Từ Thức ngồi xe, trong chớp mắt đã đến quê cũ, bỗng thấy cảnh vật, người phố nay khác xưa, duy chỉ dãy núi gần nhà là còn có thể nhận ra. Ông đi tìm người quen, rồi đem tên tuổi danh tính của mình dò hỏi những người lớn tuổi trong làng. Không ai biết tên tuổi người này, duy chỉ một cụ già sau một hồi nghĩ ngợi xa xăm rồi nói:

“Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi (tức năm 1459 đời vua Lê Nhân Tông)”.

Từ Thức nghe đến đây thì giật mình, lòng bùi ngùi, sau đó muốn tìm lại xe mây để về lại cõi tiên, thì cỗ xe đã hóa thành chim loan bay đi mất. Chợt nhớ đến phong thư vợ gửi mang theo, Từ mở ra đọc thấy có mấy câu: “Kết lứa phượng trong mây, Nay duyên xưa đã tận, Non tiên trên biển lớn, Khó có ngày trùng lai”. Đọc xong mới biết, Giáng Hương đã nói trước với mình những lời từ biệt. Chàng bèn mặc áo lông cừu nhẹ, đội nón lá, đi vào vùng núi Hoành Sơn, rồi sau này không còn ai thấy nữa.

Phải chăng, tiên nhân trong cõi người, chỉ những ai “hữu tâm” mới có thể tìm thấy?