Mục lục bài viết
Theo “Hoàng triều bổn kỷ” ghi chép, vào ban đêm, khi đứng ở xa nhìn vào căn phòng của Chu Nguyên Chương ở trong Hoàng Giác Tự, thường thấy căn phòng đó lan tỏa ra một vòng ánh sáng màu đỏ, nhưng khi đến gần, ánh sáng đỏ sẽ dần biến mất. Các tăng nhân trong chùa đều cảm thấy rất kinh ngạc…
- Tiếp theo Kỳ 5
Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, vì muốn siêu độ cho vong linh của những tướng sĩ đã tử trận, hoàng đế đã ra lệnh đúc chuông Vĩnh Lạc. Kinh văn Phật pháp mà hoàng đế ra lệnh biên soạn cũng được đúc vào bên trong chiếc chuồng đồng này. Tiếng chuông vang vọng như một lời thức tỉnh thế gian phát ra từ chiếc chuông Vĩnh Lạc, âm thanh hùng hồn mà trong trẻo vang vọng ngàn dặm núi non. Vương triều Đại Minh sùng Phật mộ Đạo, lan tỏa một luồng ánh sáng trắng lung linh, đem Pháp âm của cõi trời truyền đi khắp nơi trong nhân gian.
Âm thanh chấn động mười phương, Pháp âm truyền khắp bầu trời. Mỗi buổi sớm mai, tiếng chuông ngân vang từng hồi. Ngay trong giờ phút này, các vương tử nhà Minh đang ở trong triều đình, còn các tăng sĩ Thiếu Lâm đang ngồi bên trong thiền thất, cả hai nơi đều đang bàn luận Kinh Phật và giảng giải bài kệ, truyền thụ phong thái của tôn giáo đến mọi nơi.

Long hưng cửa Phật, minh đăng chiếu sáng
Đại Minh dựng nước, khoáng đãng phục cổ. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương xây dựng Phật viên, vén lên bức màn lộng lẫy của vương triều. Dưới sự thống trị của Chu Nguyên Chương, Đại Minh hiện ra một nền văn hóa tín ngưỡng hoàn toàn mới. Thiếu Lâm Tự sau khi trải qua thảm họa chiến tranh vào cuối nhà Nguyên cũng bắt đầu đâm chồi nảy lộc từ trong sự héo khô úa tàn.
Năm Chí Chính thứ 4 của nhà Nguyên (năm 1344), khi đó Chu Nguyên Chương mới 17 tuổi và xuất gia làm tu sĩ tại Hoàng Giác Tự ở Hào Châu, huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy. Chu Nguyên Chương ở trong chùa 50 ngày, sau đó rời khỏi chùa đi vân du khắp thiên hạ. Trời đất rộng lớn bao la, thân như cỏ bồng bay khắp chốn. Chu Nguyên Chương vân du thiên hạ, cổ tự nơi núi hoang trở thành nơi nghỉ chân của ông.
Chu Nguyên Chương đi vân du được ba năm, sau khi đã nếm trải đủ mọi gian nan và tình người nơi miền nhân thế, ông quay trở về Hoàng Giác Tự một lần nữa, bắt đầu quyết chí học hành, thanh tịnh cô độc, sớm học bài, tối ôn bài, không bỏ sót một bài giảng nào cả. Chu Nguyên Chương đã nếm trải mọi gian khổ trong nhân gian, lần quay trở về này, trên người tự nhiên cũng thêm vài phần thần thái khoáng đạt và cởi mở. Theo “Hoàng triều bổn kỷ” ghi chép, vào ban đêm, khi đứng ở xa nhìn vào căn phòng của Chu Nguyên Chương ở trong Hoàng Giác Tự, thường thấy căn phòng đó lan tỏa ra một vòng ánh sáng màu đỏ, nhưng khi đến gần, ánh sáng đỏ sẽ dần biến mất. Các tăng nhân trong chùa đều cảm thấy rất kinh ngạc. Một hôm, có một đạo sĩ áo đỏ nhìn về Hoàng Giác Tự nói rằng: “Tương lai nơi này sẽ xuất hiện một vị chí tôn”. (Chí tôn nghĩa là người có vị địa và thân phận tôn quý nhất, thời xưa thường dùng từ này để nói đến hoàng đế hoặc hoàng hậu)

Năm Chí Chính thứ 11 (năm 1351), Chu Nguyên Chương chấp nhận lời đề nghị của Thang Hòa, đi đầu quân cho Quách Tử Hưng, cùng xây dựng đại nghiệp. Ông gia nhập quân đội trong thời loạn thế, đích thân ra chiến trường, thống lĩnh thiên quân vạn mã, đánh đâu thắng đó. Năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Minh, trở thành vị vua khai quốc của nhà Minh. Bởi vì Chu Nguyên Chương long hưng tại Hoàng Giác Tự, vì vậy tên của ngôi chùa này được đổi thành “Đại Long Hưng Tự” (long hưng có nghĩa là rồng bay lên trời, ám chỉ sự vươn lên của bậc đế vương).
Chu Nguyên Chương nhận thấy Phật pháp có tác dụng giáo hóa và phò tá cho vương triều. Ông nói: “Con người đều ở nhà làm việc thiện, làm sao có thể cầu được sự thanh tịnh và yên bình thoát tục chứ?”, vì để tránh sự nhầm lẫn giữa tăng và tục, Chu Nguyên Chương chế định và ban bố “thân minh Phật giáo bảng sách”, ra lệnh cho Tăng Lục Ti ở khắp nơi kiểm tra và chỉnh đốn tất cả tự viện trong nước, người xuất gia cần phải nghiêm túc tuân thủ quy định và giới luật của Phật giáo, người nào muốn hoàn tục sẽ được phép hoàn tục. (Tăng Lục Ti là một cơ cấu được xây dựng vào thời nhà Minh, chuyên quản lý mọi vấn đề liên quan đến tăng sĩ trong nước)
Tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 15 ( năm 1382), Mã hoàng hậu qua đời. Chu Nguyên Chương viết chiếu chỉ, tuyển chọn cao tăng ở khắp nơi vào cung hướng dẫn các vị hoàng tử cầu phúc bằng việc tụng kinh. Minh Thành Tổ nói trong “Ngự chế Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh tự” rằng, Phật pháp là “tế hải chi tân lương” (cây cầu đưa chúng sinh vượt qua biển khổ), “trúc u chi huệ cự” (trí tuệ sáng chói xua tan bóng tối). Nếu như người đời được biết đến Phật pháp thì giống như đói được ăn cơm, khát được uống nước, lạnh có lửa sưởi ấm, nóng có gió mát, lúc nghèo tìm được báu vật, được chữa trị khi bệnh tật, đứa con nhỏ có mẹ chăm sóc, có thuyền để qua sông.
Vào thời kỳ của Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, ông đã lấy tài sản riêng của mình để xây dựng lại Đại Hưng Long Tự, ngôi chùa này hùng vĩ tráng lệ bậc nhất kinh đô. Trong thời kỳ Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm còn tại vị, cũng từng ban thưởng cho 437 pháp vương và thiền sư, chỉ tính riêng ở khu vực kinh thành đã có hơn mấy vạn tăng nhân đi khắp nơi vấn đạo và hóa duyên.
Sau khi Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu lên ngôi được 2 năm (năm 1507), từng hóa độ bốn vạn tăng nhân và đạo sĩ xuất gia tu hành chỉ trong vòng một ngày. Minh Thần Tông Chu Dực Quân từng ra lệnh, phàm là vương tử hoàng thất sau khi chào đời đều phải cạo đầu trẻ nhỏ để làm người thay thế vương tử đi xuất gia. Trong kinh đô của Đại Minh, các ngôi chùa và tu viện mọc lên thành rừng, nguy nga tráng lệ.
Hoàng đế Đại Minh tôn kính các tông phái Phật giáo, để lại nhiều chỉ dẫn cho thiên hạ, giống như thắp sáng hàng ngàn ngọn minh đăng, soi sáng vô số ngôi chùa ở trong thế gian, thúc đẩy toàn dân hướng đạo lên một đỉnh cao mới. Dưới sự che phủ của ánh sáng vương triều, Thiếu Lâm Tự cũng dần dần lan tỏa ánh sáng đạo pháp.
Vô Ngôn Chính Đạo quyết chí tu hành
Vào những năm Vạn Lịch của nhà Minh, trong Thiếu Lâm Tự có một vị tăng nhân khá nổi tiếng tên Vô Ngôn Chính Đạo. Vào năm 16 tuổi, Chính Đạo đã tận mắt chứng kiến hàng loạt những sự kiện như gian thần Nghiêm Tung bãi quan, con trai của Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phan ngồi tù, Quách Hy Nhan vì dám thẳng thắn đưa ra lời khuyên mà bị giết, Chu Mỗ Thần tự thiêu, vì vậy mà cảm thấy cuộc đời vô thường. Chính Đạo không có chí hướng làm quan, mà vô cùng sùng mộ đạo Phật, muốn thăng hoa thoát tục, vì vậy đã quyết định xuất gia.
Chính Đạo tình cờ quen gặp được thiền sư Trí Hưu tại Thượng Lan Tự (chùa Thượng Lan), liền thỉnh giáo thiền sư Trí Hưu về yếu chỉ xuất thế (ý nghĩa trọng yếu của xuất thế gian, tức tu hành). Thiền sư Trí Hưu khai thị sơ lược cho Chính Đạo, với tư chất thông minh vốn có, Chính Đạo nghe xong lập tức lĩnh ngộ.
Sau khi Chính Đạo tu học được ba năm, thiền sư Trí Hưu khuyên Chính Đạo nên đến Thiếu Lâm Tự tiếp tục học tập. Trước khi đi, thiền sư Trí Hưu tặng Chính Đạo một bài thơ. Thơ rằng:
Thế đạo như dao nhậm giả đa, hoan chi thục bất khốn trầm kha
Tế nang an đắc bách niên cộng, cựu tập chung nan nhất đàn ma
Bạch bích khả khinh thời khả cạnh, tàn biên nghi bảo vật nghi hòa
Trường đồ tích ngã vô vi tặng, bán phúc di trình mạn tự nga.
Sau khi Chính Đạo vào Thiếu Lâm Tự, bất kể mùa đông hay mùa hè, đều chăm chỉ học tập, quyết chí tu hành mà không biết mệt mỏi, tâm cảnh của Chính Đạo trở nên tương đối rộng mở. Chính Đạo từng nhiều lần trích máu để chép kinh sách, chí hướng tu học của Chính Đạo vô cùng thành khẩn và tinh tấn. Theo như truyền thuyết, ông từng mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát dùng nước trong tịnh bình để tẩy tịnh thân khẩu ý và nhãn nhĩ tỳ cho ông.
Quan chức quý tộc nhà Minh hình thành nên phong trào hướng thiền
Đại bàng dang cánh chấn động mười phương tám hướng, vũ trụ rộng lớn chứa đựng toàn bộ khí thế hào hùng. Khi đó tại kinh đô của Đại Minh, các quan chức và quyền quý học thiền tạo thành một trào lưu rất được thịnh hành. Sau khi Vô Ngôn Chính Đạo đi đến kinh đô, đề xướng công án, ông đưa ra rất nhiều kinh điển thâm sâu phi phàm, và giảng giải những kinh điển đó một cách sống động và thú vị. Mỗi lần Chính Đạo thuyết giảng, đều có hàng trăm hàng ngàn tu sĩ và người dân đến nghe, nhưng người nào người nấy đều tuân thủ quy định thanh tịnh của tự viện, buổi thuyết giảng vô cùng trang nghiêm và yên tĩnh. (Công án là một thuật ngữ trong Thiền tông, công án là một đoạn thoại, một hành động hoặc một câu chuyện của thiền sư nhằm mục đích hướng dẫn thiền sinh tu thiền, các thiền sinh sẽ suy ngẫm ý nghĩa của công án đó như một hình thức tham thiền)
Một đại thần của nhà Minh lúc bấy giờ tên là Đổng Kỳ Xương đã mời Chính Đạo giảng giải ý nghĩa của thiền. Đốt hương nấu trà, tập vẽ tranh trong im lặng, tham thiền thờ Phật, sám hối và phóng sinh v.v… trở thành chủ đề quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của giới quan chức và quý tộc đương thời. Khi họ nghe nói Vô Ngôn Chính Đạo sắp phải rời khỏi kinh đô để quay trở về Thiếu Lâm Tự, rất nhiều vương công đại thần tranh nhau tặng sách tặng thơ văn, đưa tiễn trong sự nuối tiếc. Nghe nói, khi đó có hai ba trăm người đi cùng với Chính Đạo, đưa tiễn Chính Đạo ra đến ngoại thành rồi mới nói lời tạm biệt.
Vô Ngôn Chính Đạo giữ giới hạnh trong sạch và cao quý, lời lẽ biện luận nhạy bén và đầy thuyết phục, bất luận là đăng đàn thuyết pháp, hay là giải trừ nghi hoặc cho chúng sinh, đều có thể dùng những ngôn từ sắc bén và hợp lý để dập tắt nghi ngờ trong lòng của mọi người. Chính Đạo dùng đức hạnh cao quý của mình làm chấn động kinh thành, trở thành khách quý thượng tọa của quý tộc hoàng thất. Long Hoa Ngao tặng thơ, dùng câu thơ “dữ chương đa bảo khí, nhất đạo chúc trung thiên” để thể hiện lòng tôn kính của ông đối với Chính Đạo.
Các vương tử sùng mộ Phật giáo, truyền bá Thiếu Lâm
Chu Đoan Vương – Chu Túc Trăn mời thiền sư Chính Đạo đi đến Khai Phong, thỉnh giáo phương pháp sống lâu. Chính Đạo nói: “Vương vị đáng quý, của cải không đáng quý, tâm đại vương đáng quý, thú vui không đáng quý. Tâm hướng về thú vui, thì tâm huyết hao tổn, tuổi thọ làm sao có thể trân quý? Tâm toan tính danh lợi và vật chất, thì oán trách nguyền rủa sinh sôi, tuổi thọ làm sao có thể giữ được?” Chính Đạo khuyên Chu Túc Trăn nên tập trung tinh thần và nuôi dưỡng tâm mình, chuyên tâm lễ Phật. Tâm và tinh thần đều được thanh tĩnh, ngày tháng lâu rồi sẽ tự nhiên cơ thể và thần thái đều an khang. Chu Đoan Vương nghe xong lập tức lĩnh ngộ được ý nghĩa trọng tâm của Phật pháp.
Thế tử của Chu Đoan Vương là Chu Cung Hiêu mắc bệnh ở chân rất nặng, ngày thường cần phải chống nạng mới có thể đi lại. Chu Đoan Vương mời Chính Đạo trị bệnh cho con trai mình. Chính Đạo dắt thế tử đi hết bảy vòng, thế tử đau đớn, toàn thân run rẩy, mồ hôi tuôn ra như mưa. Nhưng kỳ lạ thay, sau khi thế tử đi hết bảy vòng, liền ném bỏ cái nạng và tự đi một mình. Chính Đạo căn dặn hai cha con Chu Đoan Vương, sinh hoạt thường ngày cần phải thanh tâm quả dục, tinh khí đầy đủ thì cơ thể mới khỏe mạnh được, và mới có thể có nhiều con cháu, an hưởng phúc đức. (Thế tử là người thừa kế vương vị chính thức đã được chọn ra, đây là cách gọi thường thấy trong nhà Hán và nhà Minh)
Phủ vương tử quyết định xây một cái am đặt tên là Chu Phủ tại khu vườn phía nam của Thiếu Lâm Tự cho Chính Đạo. Khi đó, có tám vị vương tử lần lượt đi theo Chính Đạo xuất gia làm tăng sĩ, vì vậy am Chu Phủ còn được gọi là “Tám Vương Tử viện”. Ngự y trong cung đình, các tài tử nổi tiếng và các cao thủ giỏi võ công đều đi theo tám vị vương tử này đến Thiếu Lâm Tự.
Thiếu Lâm hội tụ thiền học, võ công và y học lại với nhau, lúc này được truyền bá đi khắp thiên hạ.
Đoan Tĩnh thế tử vẽ một tấm kỳ đồ
Phượng hoàng hót trên cành ngô đồng, tung cánh nhảy múa thật uyển chuyển. Cảnh đẹp thoát tục này, sẽ in vào trong tâm trí của bao nhiêu người? Ai đang phẩy nhẹ cành sen xanh, ai đang hát bài dự ngôn cảnh báo người đời?

Vương thất Đại Minh chấn hưng Thiếu Lâm, còn có một vị vương tử để lại một truyền kỳ.
Vị vương tử này chính là “Đoan Tĩnh thế tử” Chu Tái Dục. Chu Tái Dục là cháu đời thứ 9 của Chu Nguyên Chương, ông am hiểu vật lý, toán học và âm luật, giỏi thơ ca, thư pháp và hội họa, vừa là nhân tài về khoa học, vừa là bậc thầy trong nghệ thuật. Chu Tái Dục sống trong chốn hồng trần, nhưng lại nghĩ tưởng về thế ngoại, ông để lại rất nhiều văn chương cảnh báo người đời.
Năm Gia Tĩnh thứ 29 (năm 1550), Trịnh Cung Vương Chu Hậu Hoàn bị Gia Tĩnh hoàng đế bãi bỏ tước vị, nhốt ở huyện Phượng Dương, An Huy. Con trai của Trịnh Cung Vương là Chu Tái Dục khi đó mới chỉ 15 tuổi. Chu Tái Dục hiếu thảo nhìn thấy cha mình vô tội mà bị giam cầm, cảm thấy vô cùng đau lòng. Thế là, Chu Tái Dục xây một ngôi nhà bằng bùn đất ở bên ngoài chỗ cha mình bị giam cầm, bên trong ngôi nhà chỉ trải một tấm chiếu. Một mình Chu Tái Dục sống ở đó suốt 19 năm, chỉ vì muốn ở bên cạnh bầu bạn với cha mình. Mãi cho đến khi hoàng đế miễn tội cho Trịnh Cung Vương, Chu Tái Dục mới theo cha mình quay trở về vương phủ.
Vị thế tử huyền thoại này đã để lại một món đồ quý giá của người đời sau, đó chính là “hỗn nguyên tam giáo cửu lưu đồ”, bản vẽ này vẫn luôn được cất giữ trong Thiếu Lâm Tự. “Hỗn nguyên tam giáo cửu lưu đồ” và “hỗn nguyên tam giáo cửu lưu đồ tán” đều là do Chu Tái Dục tự mình sáng tác, hình ảnh ngụ ý sâu sắc, khiến người đời sau phải thán phục.
Hỗn nguyên chính là vào thời khởi thủy, tức thời kỳ khởi đầu của vũ trụ, vạn vật trong vũ trụ đều trộn lẫn với nhau thành một thể. Chu Tái Dục từ góc độ rộng lớn bao la của vũ trụ, để miêu tả tất cả mọi môn phái trên thế gian đều được sinh ra từ trong vũ trụ. Toàn bộ bản vẽ được hình thành từ 3 hình tròn, trong đó hình tròn lớn nhất tượng trưng cho vũ trụ. Hình tròn thứ hai, tức là thân thể của bậc Thánh nhân, từ hình ảnh cho thấy, thân thể của Thánh nhân lớn bằng vũ trụ, bên trong bao hàm ba giáo phái: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Nhìn trực diện, thấy hình một trưởng giả cạo đầu, đại diện cho Phật giáo. Đổi sang một góc khác để nhìn, thấy nửa khuôn mặt ở bên trái búi tóc lên cao, đại diện cho Đạo giáo; nửa khuôn mặt bên phải buộc khăn của Nho sĩ, đại diện cho Nho giáo. Hình tròn thứ ba, tức vòng tròn trong tay thánh nhân, xoay theo chiều ngược kim đồng hồ, được cấu thành bởi 9 phiến lá hình bánh xe xoay quanh vòng tròn ở giữa. Chu Tái Dục dùng hình tượng để miêu tả ra tam giáo cửu lưu trong vũ trụ chỉ giống như là một giọt nước trong đại dương mà thôi. (Tam giáo tức ba tôn giáo truyền thống lớn tại Trung Quốc thời xưa: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Cửu lưu là 9 tầng lớp trong xã hội thời xưa của Trung Quốc, xếp theo thứ tự tôn ti lần lượt là: Đế vương, văn sĩ, y sĩ và thầy chiêm bốc, tăng nhân và đạo sĩ, binh sĩ, nông dân, nghệ nhân, thương nhân)
Ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong bản vẽ này chính là muốn nói rằng tam giáo cửu lưu được sản sinh dưới tạo hóa của vũ trụ, mà bậc Thánh giả nắm giữ nguồn gốc của vạn pháp chính là nguồn gốc của mọi trí tuệ. Người đời thực sự tìm kiếm và mong đợi chính là chủ nhân của vũ trụ, người đã tạo ra vũ trụ bao trùm cả Phật giáo và Đạo giáo.
Trong “Vĩnh Lạc đại điển” của nhà Minh có ghi chép “Đế Sư Vấn Đáp Ca”, còn gọi là “Thiêu Bính Ca”, là dự ngôn về tương lai của Đại thần nhà Minh là Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương. Lưu Bá Ôn nói, vào thời kỳ mạt pháp, chân Phật sẽ không ở trong tự viện, Phật Di Lặc cứu nhân độ thế nắm giữ “nguyên đầu giáo”, có nghĩa là nắm giữ nguồn gốc của vạn Pháp, gốc rễ của mọi thứ. Khi vị Phật tương lai (Phật Di Lặc) hạ thế để truyền Pháp, lúc đó vạn Pháp quy tông. Dự ngôn của Lưu Bá Ôn và nội dung thể hiện trong bản vẽ của Chu Tái Dục vô tình lại rất giống nhau.
“Hỗn nguyên tam giáo cửu lưu đồ” vẫn luôn được cất giữ trong Thiếu Lâm, trở thành một manh mối để cho người đời sau hiểu rõ nguồn gốc của vạn Pháp, nhận thức rõ tạo hóa của vũ trụ.
Bầu trời mênh mông, chim nhạn múa lượn; ngân hà lung linh, trời xanh chuyển động. Núi Tung Sơn – Thiếu Lâm Tự vừa hùng vĩ vừa thanh bình đã trải qua các thời kỳ Tùy Đường, Tống Nguyên, Đại Minh mà vẫn giữ được phong thái ung dung thản đãng. Tại nơi tránh xa khói bụi nhân gian này, Thiếu Lâm cổ tự bầu bạn với núi non và gió mây, cùng với bánh xe lịch sử lăn qua những giai đoạn huy hoàng của Đại Minh, và tiếp tục tiến về phía trước.
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch
Có thể bạn quan tâm:
- Khái niệm Phật gia và Phật giáo có gì khác nhau?
- Hồi ức về nhà sáng lập Pháp Luân Công – ông Lý Hồng Chí
- Dự ngôn của Lưu Bá Ôn tiết lộ nhân loại đang trong tình cảnh đáng sợ như thế nào
- Người quân tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, uy vũ cũng không thể khuất phục
- Trung Quốc cho ‘thổi bay’ tượng Phật Quan Âm cao nhất thế giới
