Mục lục bài viết
Rạng sáng ngày 14 tháng 1 năm 1912, các bệnh nhân ở bệnh viện Quảng Từ khu tô giới của Pháp tại Thượng Hải có nghe thấy vài tiếng súng vang lên. Trên thân người đàn ông chừng 30 tuổi trúng mấy viên đạn, lập tức mất mạng.
Ông ta tên là Đào Thành Chương, trước khi chết là phó hội trưởng Quang Phục hội của đảng cách mạng phản Thanh, người từng được biết đến với biệt danh “Cách mạng cự tử”. Ai đã giết Đào Thành Chương, và vì sao? Thuận theo thời gian trôi qua, chân tướng đã dần dần lộ rõ.
Sự ra đời của Trung Quốc đồng minh hội
Đảo ngược thời gian, trở lại năm Quang Tự thứ 20 triều đại nhà Thanh, tức là năm 1894, trong chiến tranh Giáp Ngọ, thuỷ quân Bắc Dương bị thiệt hại nghiêm trọng, quân lính tan rã, Đại Thanh trước sự khiêu chiến của quân Nhật đã không còn thể diện.
Cuối tháng 11, tại Đàn Hương Sơn, Tôn Trung Sơn đã sáng lập đoàn thể phản Thanh thứ nhất – Hưng Trung hội.
Năm 1903, Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân ở tại Trường Sa đã sáng lập Hoa Hưng hội.
Năm sau, Đào Thành Chương, Thái Nguyên Bồi ở Thượng Hải đã thành lập Quang Phục hội, Thái Nguyên Bồi đảm nhiệm chức hội trưởng, nhưng trên thực tế thì Đào Thành Chương là người đứng đầu.
Năm 1905, Tôn Trung Sơn tại Nhật Bản đã hợp nhất Hưng Trung hội, Hoa Hưng hội, và Quang Phục hội, thành tổ chức phản Thanh, kiến lập nên Trung Quốc đồng minh hội, Tôn Trung Sơn đảm nhiệm chức phụ trách chung, Hoàng Hưng xử lý sự vụ nhỏ. Tôn, Hoàng trở thành thủ lĩnh của tổ chức phản Thanh.
Sau khi hợp nhất, lực lượng của tổ chức từng bước lớn mạnh, Hoa kiều ở hải ngoại cũng hưởng ứng lời hiệu triệu của Tôn Trung Sơn, hào phóng quyên góp, thành lập quân đội vũ trang, vì để chấn hưng Trung Hoa mà tận sức góp tiền góp lực. Cùng lúc đó, các phái trong nội bộ của tổ chức phản Thanh cũng bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn.
Đào Thành Chương chỉ vì chút kinh phí mà nổi loạn, đối nghịch Tôn Trung Sơn
Năm 1907, Đào Thành Chương thuộc Quang Phục hội gặp khó khăn trong việc gây quỹ ở hải ngoại, ông đến Nam Dương xin kinh phí từ chỗ Tôn Trung Sơn nhưng không thành. Ông ta bắt đầu đối nghịch với Tôn, công bố “Tôn Văn tội trạng”, liệt kê ra mười hai “tội trạng”, yêu cầu “khai trừ tổng lý Tôn Văn, thông cáo ra trong và ngoài nước”.
Đào Thành Chương, Chương Thái Viêm (Chương Bính Lân) cùng nhau rời khỏi đồng minh hội, một lần nữa lấy danh nghĩa Quang Phục hội hoạt động, lập ra một tổ chức đơn lẻ. Tôn Trung Sơn trong thư gửi cho Ngô Trĩ Huy năm 1909 đã nhắc đến: “trong thư của Đào đố kỵ công, tranh danh, tranh lợi và xúi giục người khác giết em trai mình”, hành động của Đào Thành Chương đã đe dọa đến sự an toàn của Tôn Trung Sơn.
Năm 1909, Đào Thành Chương một lần nữa lại phát động phong trào lật đổ Tôn Trung Sơn, trên tờ báo Nam Dương cho đăng bài “Mời đọc sách Trương Bính Lân tuyên bố tội trạng Tôn Văn”. Đào Thành Chương còn tuyên truyền rằng “Quang Phục hội là nơi khởi nguồn của Đồng Minh hội”, dựng nên Quang Phục hội làm chính thống, làm giảm đi uy tín cùng vị thế lịch sử của Hưng Trung hội và Hoa Hưng hội, tranh đoạt quyền lãnh đạo của Đồng minh hội (Bành Kiếm, phát hiện mới trong phong trào phản đối Tôn Trung Sơn lần thứ 2 – năm 2006).
Trong thư Hoàng Hưng gửi cho Tôn Trung Sơn đã lên án mạnh mẽ Đào Thành Chương: “rắp tâm hiểm ác, rất là đáng hận”. “Kiệt khuyển phệ Nghiêu, không đủ vu oan”. “Người này là bệnh nhân tâm thần, người điên nói mơ đương nhiên là không đáng tin, những người có hiểu biết cũng đã trách móc nó hết lời rồi”. Người có địa vị và chức vụ cao trong cách mạng Tân Hợi là Mã Quân Vũ cũng có phần căm phẫn với những hành động của Đào Thành Chương, cho rằng: “Người này chắc chắn là đầu óc có vấn đề, có thể cho vào bệnh viện tâm thần được rồi”.
Trần Kỳ Mỹ (Anh Sỹ) đã từng nhắc nhở Tưởng Giới Thạch rằng cần phải đề phòng Đào Thành Chương: “Anh Sĩ cho biết: Đào bởi vì một chút kinh phí, mà không màng tới nguyên tắc, dấy lên sóng gió trong nội bộ đảng, thật sự là đáng tiếc, dặn dò là mặc kệ hắn ta, không vì chuyện này mà thay đổi, tránh gây nên những tranh chấp” (Tóm lược Trung Chính tự thuật). Có thể thấy rằng hành vi của Đào vô cùng kỳ quái, khiến người khác coi thường.
Sau cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, Trần Kỳ Mỹ đã lãnh đạo Đồng minh hội, liên lạc với Lý Tiếp Hòa của Quang Phục hội vào đúng ngày 13 tháng 11 sẽ phát động khởi nghĩa tại Thượng Hải, ngày hôm sau sẽ giành được thắng lợi. Vào ngày mùng 8, Trần Kỳ Mỹ đã được lựa chọn làm Đô đốc của quân đội Thượng Hải. Khi đó người của Quang Phục hội đều không phục, thậm chí có người còn chủ trương bắt giam Trần Kỳ Mỹ, muốn gán cho ông tội danh: “Trái lệnh hành sự, soán trộm danh nghĩa”, nhưng bị Lý Tiếp Hoà bác bỏ.
Quang Phục hội sau đó ở vùng Ngô Tùng ngoại ô Thượng Hải thành lập quân đội và chính quyền riêng. Lý Tiếp Hoà tự nhận chức Đô đốc, rõ ràng là muốn ở vị trí ngang hàng với Trần Kỳ Mỹ, khiến người khác liếc nhìn. Thậm chí, Đào Thành Chương còn ở Ngô Tùng thành lập “Nghĩa quân Quang Phục Chiết Giang đồn huấn luyện binh lính chờ ngày khởi sự”, ngang nhiên tiến hành chiêu binh mãi mã, lập ngọn núi riêng. Như vậy đã phạm phải đại kỵ khi điều binh hành động, đến Chương Thái Viêm cũng cảm thấy làm vậy hơi quá đáng, nên đã cảnh cáo họ Đào: “Việc quân ở Giang Nam đã qua rồi, bây giờ nếu chiêu mộ thêm binh lính đều không có danh nghĩa, trượng phu chí ở nơi xa, không nên tranh giành quyền lực với người khác”. Nhưng Đào đã không nghe theo, hơn nữa còn cố ý tấn công Trần Kỳ Mỹ, khơi mào cho một cuộc chiến đẫm máu.
Tưởng Giới Thạch tìm người khuyên can
Sau khi Tưởng Giới Thạch nhận được tin báo đã rất lo lắng, liền tìm đến Lữ Công Vọng, sĩ quan tham mưu của quân đội Chiết Giang, hy vọng người bạn học cũ tại trường quân sự Bảo Định này có thể đứng ra ngăn cản Đào Thành Chương. Lữ Công Vọng trong cuốn hồi ký của mình đã viết rằng: “Sáng sớm ngày 19 (Hoàng lịch là vào tháng Chín, Dương lịch là ngày 9 tháng 11), Tưởng Giới Thạch đến nói với tôi rằng: “Đào Hoán Khanh (tức Thành Chương), Lý Chấp Trung (Lý Tiếp Hòa), đang đợi đội tiên phong của Trương Bá Kỳ đến, sau đó sẽ bắt đầu tấn công Trần Anh Sỹ (Trần Kỳ Mỹ) tại Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch muốn tôi (Lữ Công Vọng) tới khuyên giải, nếu không thì hậu phương gây họa, tiền phương làm sao có thể tiến đánh Nam Kinh đây?”
Lữ Công Vọng nhìn qua liền kinh hãi, vội vàng đến Thượng Hải chất vấn Đào Thành Chương: “Hai cuộc khởi nghĩa của Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh đều không thành công, là vì nội bộ giết hại lẫn nhau, cuộc cách mạng của chúng ta vừa mới bắt đầu, vẫn chưa chiếm được Nam Kinh, mọi người lại đi sát hại người mình, vậy chính xác thì chúng ta đang làm cách mạng gì? Tôi khuyên mọi người nên nhìn xa trông rộng, bây giờ mọi người thật lòng trả lời cho tôi một câu, để tôi quyết định sẽ làm thế nào, nếu không thì Nam Kinh cũng sẽ không đi đánh nữa”.
Đào Thành Chương đành phải nói: “Được rồi, tôi sẽ không đi đánh Trần Anh Sỹ nữa, chúng tôi sẽ đến vùng Ngô Tùng thuộc ngoại ô Thượng Hải, chiếm lấy một khu vực và xây dựng quân đội của riêng mình (Tham khảo cuốn: Lữ Công Vọng tự tay viết bản thảo). Lữ Công Vọng, Trương Bá Kỳ đều là thành viên của Quang Phục hội. Ở trong chiến dịch lấy lại Hàng Châu vừa mới kết thúc, Trương chính là người đảm nhiệm chức đội trưởng đội cảm tử dưới quyền của Tưởng Giới Thạch.
Đào Thành Chương tiếp tục dấy loạn, tình thế một mất một còn
Vào ngày mùng 2 tháng 12, sau khi lấy được Nam Kinh, Đồng Minh hội đều ủng hộ Hoàng Hưng lên đảm nhiệm chức đại nguyên soái trước khi Tôn Trung Sơn về nước và lãnh đạo chính quyền cách mạng. Về phía Quang Phục hội đã không có ứng cử viên nào cả, vậy mà họ lại bầu cho Lê Nguyên Hồng vào vị trí đại nguyên soái. Đào Thành Chương lại gọi Hoàng Hưng là “bại tướng Hán Dương” và ca ngợi Lê Nguyên Hồng là “người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa”. Sự chia rẽ giữa Đồng Minh hội và Quang Phục hội cho đến lúc này đã thể hiện vô cùng rõ ràng.

Vài ngày sau khi Tôn Trung Sơn nhậm chức tổng thống lâm thời, Đào Thành Chương đã gửi thư đến Tôn Trung Sơn, nhắc lại vấn đề cũ “gây quỹ ở Nam Dương”, đồng thời chỉ trích ông đã dựa vào lừa gạt mà trúng tuyển chức thủ tướng. Trong thư hồi đáp, Tôn Trung Sơn đã chất vấn Đào về lý do tại sao lại cho phát hành cuốn “Tội trạng Tôn Văn” và nói thêm rằng: “Tôi không phải là đang dùng danh nghĩa tổng thống mà thương lượng với anh, mà là dùng địa vị cá nhân để nói chuyện”. Đây là phong độ của người quân tử, không chấp với người như Đào.
Đào Thành Chương thậm chí còn đứng ra xúi giục Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch nhớ lại: “Đào đã đích thân đến thuyết phục tôi phản đối Đồng Minh hội, đưa Chương Bính Lân lên làm người đứng đầu, đồng thời muốn đẩy Anh Sỹ (Trần Kỳ Mỹ) vào chỗ chết, tôi nghe xong thì không khỏi giật mình trách Đào là bị điên, không còn thuốc chữa. Nếu không trừ đi thì sẽ không bảo vệ được tinh thần cách mạng. Toàn bộ đại cục vào lúc đó cũng vậy. Về phía Đào cũng đã phái đi thích khách muốn ám sát Anh Sỹ. Nếu như kế hoạch của ông ta thành công thì quân đội Thượng Hải sẽ không có người chỉ huy, và phía hạ lưu sông Trường Giang nhất định sẽ lâm vào tình thế hỗn loạn không biết thế nào” (Tóm lược Trung Chính tự thuật).
Người thời nay nếu như đặt mình vào hoàn cảnh người khác, kỳ thực cũng không khó để nhìn ra tình thế hiểm ác lúc bấy giờ, nội bộ đảng cách mạng đấu đá đã tới mức một mất một còn. Mà Đào Thành Chương, người có khuynh hướng bạo lực cùng biểu hiện điên loạn, đối với chính quyền Dân quốc năm đầu mà nói, không khác gì quả bom hẹn giờ, sớm muộn cũng dẫn phát địa chấn chính trị.
Tưởng Giới Thạch vì đại nghĩa trừ phản nghịch
Tháng 12 năm 1911, Trần Kỳ Mỹ nhờ Lữ Công Vọng chuyển lời đến Đào Thành Chương: “Đừng gây thêm chuyện nữa, nếu còn nhiều chuyện thì hãy lấy Đào Tuấn Bảo làm ví dụ”. Đào Tuấn Bảo nguyên là một sĩ quan quân đội thị trấn, bởi vì bị nghi ngờ có liên quan đến việc phá hoại nguồn cung cấp đạn dược cho liên quân, dẫn đến thất bại quân sự, vào ngày 13 tháng 12 đã bị Trần Kỳ Mỹ xử bắn. Đào Thành Chương nghe xong cảm thấy chột dạ, sợ tội trốn trong khu tô giới của Pháp.
Vào ngày 14 tháng 1 năm 1912, Tưởng Giới Thạch phối hợp cùng với một cựu thành viên của Quang Phục hội là Vương Trúc Khanh, đã bắn Đào Thành Chương tại bệnh viện Quảng Từ trong Khu tô giới của Pháp ở Thượng Hải.

Về vụ án này, Tưởng Giới Thạch sau đó có bày tỏ rằng: “Vì vậy tôi đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình, không muốn liên lụy đến Anh Sỹ, bèn từ chức, sau đó đông du sang Nhật, nhằm giảm bớt áp lực của phe đối lập đối với Đảng ta cũng như với Anh Sỹ” (Tóm lược Trung Chính tự thuật). Việc này đã minh xác nói ra rằng, việc giết Đào Thành Chương là do tự mình lên kế hoạch, sau đó tiến hành, không liên quan đến người khác. Trần Kỳ Mỹ cùng với Tôn Trung Sơn trước đó cũng không nắm rõ được tình hình.
Tưởng Giới Thạch biết rằng, việc Trần Kỳ Mỹ xử bắn Đào Tuấn Bảo đã gây nên bất mãn lớn trong nội bộ Quang Phục hội, nếu như cũng giải quyết vấn đề của Đào Thành Chương theo cách đó, rất có khả năng sẽ dẫn đến cuộc chiến sống mái giữa hai Đảng. Tưởng Giới Thạch đã có một quyết định liều lĩnh, vì quốc gia mà trừ hại, sau đó từ chức rồi sang Nhật Bản. Mọi người sau này đều suy đoán rằng Trần Kỳ Mỹ đã phái Tưởng Giới Thạch đi ám sát, thậm chí cho rằng việc này còn có chỉ đạo của Tôn Trung Sơn. Kỳ thực họ đang đuổi hình bắt bóng, không có chứng cứ xác thực.
Tưởng Giới Thạch đã viết trong nhật ký vào ngày 26 tháng 7 năm 1943: “Nhìn vào cuốn sách mà thủ tướng đã gửi cho tiên sinh Ngô Trĩ Huy, càng tức giận trước những tội lỗi không thể tha thứ của Đào Thành Chương, tôi giết Đào, là vì cách mạng, vì đại nghĩa, vì Đảng, do đó một mình tôi tự nhận trách nhiệm, không hề toan tính về công trạng hay để cầu danh lợi. Tuy nhiên, sau cùng Thủ tướng vẫn tin tưởng và xem trọng tôi, cũng không bởi chuyện này mà có thay đổi gì, nhưng tôi với Thủ tướng trước sau đều không đề cập đến chuyện này nữa”.
Triều đại nhà Thanh vẫn chưa kết thúc, chiến sự giữa hai miền nam bắc vẫn đang giằng co, sau khi lấy lại được Thượng Hải, Chiết Giang vẫn trong tình trạng chiến tranh. Nhóm người Đào Thành Chương đã khiêu chiến với Tôn, Hoàng, Trần, càng khiến cho những người lãnh đạo của Quang Phục hội phải đối mặt với một cuộc chiến sinh tử. Lúc này Tưởng Giới Thạch quyết đoán ra tay, loại bỏ đi những tai họa ngầm trong cuộc cách mạng. Đào Thành Chương chết, đối với cách mạng, đối với Đồng Minh hội, thậm chí là Quang Phục hội mà nói thì đều là chuyện tốt, tránh khỏi việc tiến thêm một bước nữa dẫn tới đổ máu. Sau khi Đào Thành Chương bị ám sát, Quang Phục hội rất nhanh đã tan rã. Đồng Minh hội sau đó trở thành Quốc Dân đảng, dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn, từng bước chủ đạo cuộc cách mạng quốc dân, và một vở kịch mới của lịch sử lại sắp được ra mắt.
(Còn tiếp)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Tác giả: Tổ nghiên cứu anh hùng thời đại – Epoch Times
Toàn Kan biên dịch