Kỳ này nói về góc nhìn của Tưởng Giới Thạch về Đảng Cộng sản Liên Xô, trong mối quan hệ với Trung Quốc và ĐCSTQ. Đây là đánh giá cá nhân của Tưởng Giới Thạch, xin giới thiệu để quý vị yêu thích lịch sử và chính trị cùng tìm tòi, tham khảo và nhận định đúng-sai.

Đảng Cộng sản Liên Xô trong nhãn quan của Tưởng Giới Thạch

Sau cách mạng cộng sản, chính quyền Liên Xô đã tuyên bố bãi bỏ các đặc quyền của họ ở Trung Quốc vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9; nhưng vào năm Dân Quốc thứ 10, quân đội Nga đã xâm lấn Ngoại Mông và thành lập chính phủ bù nhìn đầu tiên của họ ở phương Đông, gọi là “Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ”.

Trong “Đường lối cơ bản về phản cộng và kháng Nga”, Tưởng Giới Thạch có viết:

“Sau sự kiện 918, bề ngoài Liên Xô tỏ ra ủng hộ đối với cuộc chiến kháng Nhật của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 24, Nga không hề để tâm đến trách nhiệm của mình theo hiệp ước Trung-Nga, đã công nhận sự hợp pháp của chính quyền “Mãn Châu quốc” để đổi lấy tuyến đường tiến vào Trung Đông. Vào năm Dân Quốc thứ 30, lại cùng với Nhật Bản ký kết ‘Hiệp ước trung lập’, khích lệ Nhật Bản tiến về phương Nam.

“Năm Dân Quốc thứ 33, Nga còn ngang nhiên sáp nhập vùng Tannu Uriankhai của chúng ta vào lãnh thổ của Nga (ngày nay trùng với lãnh thổ Cộng hòa Tuva thuộc Liên bang Nga). Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang trong giai đoạn sắp đạt được thắng lợi cuối cùng, Nga lại dựa vào những yêu cầu được lưu lại từ thời đại Sa Hoàng để đưa ra các điều kiện tham gia cuộc chiến chống Nhật, đồng thời ép buộc Hoa Kỳ và Anh thành lập hiệp ước bí mật Yalda.”

Vào tháng 10 năm 1944, Liên bang Xô Viết chính thức tuyên bố  hợp nhất khu vực Tannu Ulianghai vào lãnh thổ. (Theo Wikipedia)

“Trung Cộng ‘kháng Mỹ viện Triều’ (viện trợ cho Triều Tiên), mong muốn can thiệp vào chiến tranh với Hàn Quốc, cùng với đó là tham vọng chiếm lấy Nhật Bản, Việt Nam, và làm phức tạp thêm tình trạng hỗn loạn ở Ấn Độ và Đông Nam Á, v.v. Đây đều là vì mong muốn thực hiện những trù tính ‘Tiêu diệt Trung Quốc, tiến tới xâm lược Châu Á, sau đó tiếp bước triển khai thống trị toàn thế giới’ theo kế hoạch của Lenin và Stalin. Chúng ta hiểu rõ âm mưu được toan tính một cách có hệ thống này của Lenin và Stalin, cũng có thể nhận thấy tham vọng của Nga Hoàng không hề có dấu hiệu sẽ kết thúc khi chỉ đạt được mục đích xâm lược đối với một quốc gia quy nhất là Trung Quốc của chúng ta, mà là đang chiếm lấy “hậu phương thực sự đáng tin cậy” và “tuyển chọn lực lượng dự bị vô tận”, coi đây là xuất phát điểm cho mục tiêu thống trị các quốc gia trên thế giới và biến toàn nhân loại trở thành nô dịch”.

Tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô là Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga, năm 1903, trong nội bộ đảng đã hình thành hai phái Bolshevik và Menshevik. Năm 1917, những người Bolshevik chính thức thành lập một đảng độc lập, một năm sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik), và được gọi tắt là Xô-Viết.

Tưởng Giới Thạch cũng đạt được một số sở đắc khi nghiên cứu các học thuyết về Liên-Xô: “Chủ nghĩa Cộng sản của Nga ngày nay nói đúng ra thì chính là chủ nghĩa Bolshevik. Năm 1903, Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga tổ chức một cuộc họp tại Luân Đôn và phân chia thành hai nhóm là Menshevik (thiểu số) và Bolshevik (chiếm đại đa số). Những người Menshevik cho rằng tổ chức đảng cần phải dân chủ và cuộc cách mạng của đảng nhất định phải do tầng lớp công nhân lãnh đạo. Những người Bolshevik lại áp dụng chủ nghĩa khủng bố của phái dân túy Nga là ‘Xã hội tự do và đất đai’ cùng với đó là thực hiện chủ trương công-nông độc tài. Lãnh đạo của những người Bolshevik chính là Lenin”.

Trong “Đường lối cơ bản về phản cộng và kháng Nga”, Tưởng Giới Thạch có viết:

“Lenin thậm chí còn kế thừa học thuyết của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa khủng bố của Bakunin, Nikayev [Nekayev] và Dostoyevsky, thứ mà luôn cho rằng ‘Vì cách mạng mà không từ bất kể thủ đoạn nào, cũng không ngần ngại tàn sát một nửa nhân loại’, cái gọi là ‘Nô lệ cần phải có tầng lớp lãnh đạo, chúng ta chính là người lãnh đạo’. Lênin đã kết hợp hai học thuyết này với lý thuyết về đấu tranh giai cấp của Marx, từ đó tạo thành lý luận của ông ta, gọi là “Chuyên chính vô sản” hay ‘Giai cấp vô sản độc tài’. Trong tay của Lenin và Stalin còn có kinh ‘Sám hối’, ‘Lời thú tội’ và ‘Sự phán quyết cuối cùng’ của Chính giáo phương Đông (nhánh Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới), Liên-Xô cũng giữ lại chế độ về bức tường sắt (biên giới ngăn cách giữa 2 khối Warszawa và NATO), cùng với đó là chủ nghĩa chuyên chế Sa hoàng, Chủ nghĩa Slav đã thâm nhập và trở thành một phần trọng yếu của chủ nghĩa Bolshevik”.

Lenin muốn lật đổ Sa hoàng, còn hoàng đế Kaiser Wilhelm II của Đức muốn giành được chiến thắng ở mặt trận phía Đông. Lenin khi đó đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ đã trở về Nga dưới sự hậu thuẫn và hỗ trợ tài chính của Kaiser Wilhelm II. Ngày 7 tháng 11 năm 1917, lãnh tụ đảng Bolshevik là Lênin đã lãnh đạo lực lượng vũ trang phát động cuộc bạo loạn chống lại chính phủ lâm thời Nga. Sau khi giành được chính quyền, Lenin ngay lập tức đàn áp phái Menshevik và đảng cách mạng xã hội, những người đã giúp đỡ và ủng hộ việc ông cướp đoạt chính quyền, để Đảng Cộng sản Liên Xô một mình độc chiếm quyền lực.

Năm 1918, nước Nga rơi vào trong cuộc nội chiến, khi đó một liên minh bao gồm các lực lượng chống lại đảng Bolshevik cũng như công khai phản đối chính quyền Cộng sản đã được thành lập, tuy nhiên phần lớn lực lượng bị phân tán. Quân liên minh gọi là Bạch quân, do các Tướng Yudenich, đô đốc hải quân Kolchak và tướng Denikin lãnh đạo đối đầu trực tiếp với Hồng quân do những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản hợp thành.

Tuy nhiên Bạch quân đã thất bại. Sau khi chiến tranh kết thúc, phần lãnh thổ trước đây của đế quốc Nga do Đảng Cộng sản Liên-Xô kiểm soát và thành lập nước Cộng hòa Liên bang Chủ nghĩa Xã hội Nga Xô-Viết, gọi tắt là Liên Bang Xô-Viết. 

Tưởng Giới Thạch trong bộ quân phục, năm 1923 (Theo Wikipedia)

Tưởng Giới Thạch nhận định về Liên Xô lợi dụng ĐCSTQ

Trong “Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”, Tưởng Giới Thạch có viết:

“Lênin đã lật đổ chính phủ lâm thời và thành lập tổ chức Xô-Viết của mình, trên lý thuyết tự gọi mình là đã ‘thay đổi cuộc cách mạng dân chủ của giai cấp tư sản thành cách mạng xã hội của giai cấp vô sản’, hơn nữa còn tuyên truyền rằng ‘giải phóng giai cấp vô sản, cũng chính là đã giải phóng cho tất cả các tầng lớp nhân dân’, như thể những người Bolshevik là đảng cách mạng tiến bộ nhất trên thế giới, và chủ nghĩa cộng sản cũng là lý tưởng cao quý nhất trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tế thì chủ nghĩa Mác lại bắt nguồn từ một phong trào phản cách mạng trong cuộc cách mạng tại Pháp, cũng chính là đi ngược lại so với trào lưu của những cuộc cách mạng dân chủ tại Âu Mỹ lúc bấy giờ, ý đồ của ông ta chính là thông qua việc phá hoại nền chính trị dân chủ mà từ đó thiết lập một chế độ độc tài chuyên quyền. Lenin sáng chế ra ‘Chế độ chuyên chính vô sản’, tiếp đến gọi nó thành chế độ chủ nghĩa cực quyền ‘Nhân dân dân chủ’, đương nhiên đây là do đã kế thừa từ chủ nghĩa Mác- Lê, hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng điều mà chúng ta cần đặc biệt chú ý, đó chính là chủ nghĩa Mác ở Nga đã len lỏi và trở thành hệ tư tưởng chính của tộc người Xla-vơ và chủ nghĩa chuyên chế Sa hoàng, nếu Marx và Engels có thể chứng kiến ​​sự tàn bạo của cái gọi là chế độ Xô-Viết Liên Xô và ĐCSTQ ngày nay, nhất định là họ sẽ vô cùng kinh ngạc.”

“Sau khi Stalin đạt được địa vị độc tài, ông ta đã thay đổi hai điểm quan trọng trong đường lối chiến tranh của Lênin. Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Lênin là dùng vị thế lớn mạnh của Liên Xô để ủng hộ ‘cách mạng’ của các đảng cộng sản tại các quốc gia khác; ngược lại, chính sách đối ngoại của Stalin lại là dùng ‘cuộc cách mạng’ của các đảng cộng sản ở các quốc gia khác để củng cố địa vị của chính quyền Liên Xô. Vì lợi ích của chế độ Xô Viết và thậm chí là vì quyền lực cá nhân của mình, cho dù phải hy sinh chính quyền Cộng sản ở một quốc gia nào đó, ông ta cũng không tiếc. ĐCSTQ, cũng từng nhiều lần là vật hy sinh cho cuộc tranh giành quyền lực giữa nước Nga Xô Viết và cá nhân Stalin. Thứ hai là Stalin vốn coi trọng phương Đông hơn là Lênin.”

Tưởng Giới Thạch nhận định về bản chất của ĐCSTQ: “Chủ nghĩa Bolshevik của Lênin là sản phẩm của nước Nga. Về hệ thống tổ chức thì phỉ đỏ ĐCSTQ là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản, là tay sai để quân xâm lược Nga sử dụng, về đặc điểm thì chính là công cụ để người Slav Nga chinh phục Trung Quốc.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch

Bài viết chỉ trích dẫn tư liệu lịch sử, không nhất thiết thể hiện quan điểm của DKN TV.