Đằng đằng sát khí mãn toàn cầu
Tưởng Giới Thạch
Nhân sinh vạn sự buông bất lực!
Riêng ta, đảm trách giữ Thần Châu,
Chí lớn đâu phải đợi Phong Hầu!
Chương 1: Tiếp nối Quốc phụ thống nhất Trung Nguyên
- Tiếp theo Kỳ 1
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Tư chất tự nhiên thông minh hơn người
Ngày 31 tháng 10 năm 1887, Tưởng Giới Thạch sinh ra tại thị trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, phía đông Chiết Giang, tên khai sinh là Thụy Nguyên, còn được gọi là Chu Thái, Chí Thanh, Trung Chính, tên chữ là Giới Thạch. “Tả Truyện” ghi rằng, “phàm là họ Tưởng, Hình, Mao, Tế thì đều là hậu duệ của Chu Công”.
Tưởng Giới Thạch theo học tại một trường tư thục, khi mới 5 tuổi đã đọc “Tam tự kinh”, “Bách Gia Tính” cùng các sách vỡ lòng khác. Năm bảy tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm kinh điển và sách lịch sử, chẳng hạn như “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận ngữ”, “Hiếu Kinh”, “Xuân Thu”, “Tả truyện”, “Thi kinh”, “Cổ văn từ”, v.v. Chàng thiếu niên Tưởng Giới Thạch ham học hỏi và thông minh, giáo viên trường tư thục – Tương Cẩn Phiên từng nói với mẹ của ông – bà Vương Thái Ngọc rằng với tố chất thiên bẩm của mình, ông sẽ trở thành một bậc kỳ tài trong tương lai.
Việc Tưởng Giới Thạch đọc “Kinh Dịch” năm 13 tuổi đã có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời ông. Khi trưởng thành, ông đổi tên thành Trung Chính, tên chữ là Giới Thạch. Tên của ông được lấy theo nội dung ý nghĩa của quẻ hào từ “Lục nhị” trong “Chu Dịch – Dự Quái”: “Giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát”. Tạm dịch: “Cương trực như đá, không quá một ngày, điềm lành hậu báo”. Đại ý là tâm chí phẩm hạnh kiên định như bàn thạch, ngày ngày nung nấu duy trì, chính là điều tốt lành nhất. Bởi vì có thể nhờ ở giữa mà giữ được ngay chính.
Tưởng Giới Thạch 8 tuổi thì ông nội mất, lên 9 tuổi cha cũng qua đời. Mẹ của ông ở vậy, không quản nhọc nhằn, nuôi dạy con lên người. Tưởng Giới Thạch trong bài “Cảm nghĩ về việc đền nợ nước cùng người thân trong lần sinh nhật thứ 50″, ông nhắc về mẹ với lòng cảm kích sâu sắc:
“Đối với Trung Chính chăm sóc, yêu thương nâng niu như một đứa trẻ, nhưng lại quản giáo vô cùng nghiêm khắc, thậm chí hơn cả giáo viên. Ra vào luôn kiểm tra tư trang, đi du ngoạn ắt hỏi nơi đi chốn ở, đi học về phải kiểm tra kiến thức; Dùng bài học vẩy nước quét nhà để dạy cách làm việc chăm chỉ và tự lực, yêu cầu phải tự tay làm những công việc nhỏ nhặt của gia nhân để khích lệ thân tâm; Thức khuya dậy sớm, luôn dốc hết sức lực cho sự trưởng thành và tự lập của một cô nhi”.
Trong suốt thời niên thiếu, người mẹ đã đốc thúc Giới Thạch học tập, dạy ông phép tắc đối nhân xử thế và chia sẻ việc nhà với gia nhân, nhằm bồi dưỡng chí hướng tự lực cánh sinh cho ông. Chính những lời chỉ bảo đến hành động mẫu mực của mẹ đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc đời và sự nghiệp sau này của Tưởng Giới Thạch.
Vào mùa hè năm 1907, Tưởng Giới Thạch thi đỗ “Trường cấp tốc Lục quân quốc gia” tại Bảo Định. Có lần một sĩ quan huấn luyện người Nhật trong tiết sinh học đã lấy ra một khối đất bùn và nói: “Trong miếng bùn này có thể dung nạp 400 triệu vi sinh vật, cũng giống như Trung quốc có 400 triệu người sống ký sinh trong đó.” Tưởng Giới Thạch không thể kiềm chế cơn thịnh nộ bước lên bục giảng, bẻ một mẩu đất nhỏ hơn và hỏi lại: “Dân số Nhật Bản là 50 triệu người, phải chăng cũng là những ký sinh trùng trong đám bùn đất này giống như thầy vừa nói có phải không?”
Người sĩ quan huấn luyện vô cùng tức giận, hỏi Tưởng Giới Thạch một cách cụt lủn có phải là một đảng viên cách mạng hay không. Ban giám hiệu nhà trường đã bảo vệ Tưởng Giới Thạch khỏi sự trả đũa vô lý của người hướng dẫn đó. Chàng trai trẻ Tưởng Giới Thạch cũng cảm nhận thấy sự khinh miệt của một số người thuộc dân tộc Đai Hòa (Nhật Bản) đối với Trung Quốc, và tính cách quả cảm của ông cũng dần dần đươc bộc lộ. Không lâu sau đó Tưởng Giới Thạch được chọn sang Nhật Bản học tại trường Sĩ quan dự bị.
Thanh xuân oanh liệt, trí dũng xuất chúng
Chàng thanh niên nhiệt huyết Tưởng Giới Thạch đã đọc rất nhiều loại thi thư, tính cách kiên định, trí dũng hơn người, chí lớn tạc tâm. Trong khoảng thời gian ở Nhật Bản, ông cho ra đời bài thơ “Thuật Chí”:
Đằng đằng sát khí mãn toàn cầu,
Lực bất như nhân vạn sự hưu!
Quang ngã thần châu hoàn ngã trách,
Đông lai chí khởi tại phong hầu!
Tạm dịch:
Đằng đằng sát khí mãn toàn cầu
Nhân sinh vạn sự buông bất lực!
Riêng ta, đảm trách giữ Thần Châu,
Chí lớn đâu phải đợi Phong Hầu!
Ngay từ năm 1905, Tưởng Giới Thạch trong Học viện Ninh Ba Tiến Kim đã nghe ông Cố Thanh Liêm kể về câu chuyện Tôn Trung Sơn gặp nạn ở Luân Đôn (“Nỗi đau khổ ở Luân Đôn” của Tôn Trung Sơn), bất giác sinh lòng cảm phục và thấy căm ghét kẻ thù. Năm 1908, Tưởng Giới Thạch du học ở Nhật Bản, do được Trần Kỳ Mỹ giới thiệu ông gia nhập Đồng Minh Hội. Vào năm sau đó, Tưởng Giới Thạch lần đầu gặp Tôn Trung Sơn. Chàng sĩ quan trẻ của học viện quân sự đã để lại ấn tượng tốt trong lòng Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn nói với Trần Kỳ Mỹ rằng người này sẽ trở thành trụ cột của cuộc cách mạng, và phong trào cách mạng của chúng ta cần một người như vậy.
Ngày 10 tháng 10 năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra lần đầu tiên là khởi nghĩa Vũ Xương. Ngày 23 tháng 10, Tưởng Giới Thạch kiên quyết rời trường học tại Nhật Bản, ngày 30 trở về Thượng Hải, đảm nhận chỉ huy “Đội cảm tử tiên phong”, quản lý 5 chi đội cảm tử tới Hàng Châu tấn công nha môn tuần phủ Chiết Giang. Đây là lần đầu tiên Tưởng Giới Thạch tham gia chiến đấu, đao thật thương thật giao đấu sinh tử với quân chính phủ nhà Thanh, sống chết khó lường.
Ông viết thư từ biệt gia đình, bày tỏ lời “Tuyên thệ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”. Người thân của ông thấy vậy không khỏi kinh hoàng thất sắc. Riêng mẹ của Tưởng Giới Thạch vốn là người có hiểu biết sâu sắc về đại nghĩa, coi trọng đại cục, nghiêm nghị nói: “Nam nhân báo quốc, chết tức là sống, cớ gì đắn đo!”.
Đêm ngày 4 tháng 11, nghĩa quân đã chiếm được nha môn của Tuần Phủ, bắt sống được tuần phủ Chiết Giang, Tăng Tích. Ngày mùng 5, bốn phía nghĩa quân đã bao vây doanh trại, buộc tướng quân Hàng Châu – Đức Tế phải đầu hàng, toàn bộ thành phố Hàng Châu đã được khôi phục trong vòng một ngày. Bốn ngày sau, trang báo Dân Lập Thượng Hải đăng bài ‘Cảnh tượng hùng tráng của Biệt đội cảm tử Chiết Giang’, trong đó ghi lại quá trình chiến đấu:
“Tất cả kế hoạch chuẩn bị của quân cách mạng Chiết Giang đều lấy đội cảm tử làm tiên phong, tiếp sau đó là đội quân mới. Đội cảm tử được sắp xếp thành 5 chi đội, do Tưởng Giới Thạch chỉ huy. Đội thứ nhất và thứ hai do đội trưởng Trương Bá Kỳ dẫn đầu, đội thứ ba do đội trưởng Đổng Mộng Giao chỉ huy. Họ tấn công Phúc Châu, cứ 15 người là một đội, mỗi đội gồm 10 xạ thủ và 5 người ném bom, kế tiếp nhau tiến lên. Đội thứ tư do đội trưởng Vương Kim Phát chỉ huy tấn công Cục Quân phục. Đội thứ năm được phân bố dưới cổng thành và các cửa ra vào phụ 5 mũi tên tấn công, di chuyển trong mưa bom bão đạn mà không hề sợ hãi. Tất cả các sĩ quan cấp cao trực tiếp tham chiến đều vô cùng xúc động”.

Trận chiến kết thúc một cách nhanh chóng, sau đó Tưởng Giới Thạch trở về Thượng Hải và được Trần Kỳ Mỹ bổ nhiệm Phó Tư lệnh Sư đoàn 1 kiêm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 1 của Quân đội Thượng Hải, để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh phương Bắc. Ở tuổi 24, Tưởng Giới Thạch không ngờ rằng mình bị cuốn vào một sự kiện kinh tâm động phách nhanh đến như vậy. Mà ông cũng phải lựa chọn một cách quyết đoán, hoàn thành cuộc phiêu lưu thúc đẩy bánh xe lịch sử.
Tác giả: Tổ nghiên cứu anh hùng thời đại – Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch