Quân Đông Bắc thấy thời gian kéo dài mà vẫn chưa kiểm soát được tình hình, sốt sắng lo sợ Tưởng Giới Thạch tẩu thoát, nên đã dùng súng máy chĩa thẳng về phía các gian phòng trong dinh thự mà bắn phá dữ dội. Đạn bắn ra như mưa, xuyên qua cửa sổ bay vào trong phòng, 67 vệ binh thuộc đội cảnh vệ của Tưởng Giới Thạch đã hy sinh…
Kẻ tội đồ của dân tộc
Nội dung chi tiết về cuộc đàm phán đầu tiên trong tháng 3 của Lý Khắc Nông và Trương Học Lương đã bị thống lĩnh quân đội lấy được thông tin. Lúc ấy Lưu Tông Hán – thống lĩnh quân đội ẩn mình trong 67 binh sĩ của quân đội Đông Bắc đã đưa tin tình báo cho Đới Lạp, bao gồm nội dung thỏa thuận cụ thể mà đôi bên đàm phán được. Ngay cả “Thư gửi toàn thể đồng bào về chủ trương kháng chiến chống Nhật cứu quốc của chính phủ Xô Viết Đảng cộng sản Trung Quốc” truyền ra trong nội bộ 67 binh sĩ, cũng được gửi đến tận tay Đới Lạp.
Đới Lạp đã báo cáo thông tin này cho Tưởng Giới Thạch, tuy nhiên Tưởng Giới Thạch vẫn chưa hoàn toàn tin điều đó là sự thật, cho nên đã giao cho Đới Lạp tiếp tục điều tra. Sau đó, thư ký của Trương Học Lương và bốn phần tử cộng sản là trợ tá Tống Lê, Lưu Lan Ba, Mã Thiệu Chu, Tôn Đạt Sinh đã kích động, xúi giục, “nhen nhóm lên” các phong trào phản động trong tầng lớp sinh viên. Đảng bộ tỉnh nhận lệnh của Tưởng Giới Thạch tiến hành bắt giữ bốn người này. Trương Học Lương sau khi biết tin liền phái quân Đông Bắc tấn công Đảng bộ tỉnh, giải thoát cho các đảng viên cộng sản và cướp đi những tư liệu bí mật.
Ngày 4 tháng 12 năm 1936, Tưởng Giới Thạch đến Tây An cùng với Trương Học Lương và Dương Hổ Thành tiến hành bàn bạc, lên phương án diệt Trung cộng. Đây cũng là thời điểm mà Trương Học Lương, Dương Hổ Thành lén lút thông đồng với ĐCSTQ, trù tính phương cách xoay chuyển tình thế, chuyển sang tiêu diệt Tưởng Giới Thạch, lên kế hoạch gia nhập Liên Bang Xô Viết, liên kết với Trung Cộng cát cứ vùng Tây Bắc. Có lẽ vì vậy mà trước đây, Trương Học Lương đã từng nhiều lần “can gián” Tưởng Giới Thạch từ bỏ mục tiêu diệt cộng ở Tây Bắc.

Chủ trương “Liên Cộng kháng Nhật” (phối hợp liên minh với ĐCSTQ trong cuộc kháng chiến chống Nhật Bản) của Trương Học Lương bị Tưởng Giới Thạch phủ quyết bác bỏ. Theo quan điểm của Tưởng Công, thời khắc cuối cùng để tiêu trừ nội loạn tại Trung Quốc chính là vào ngay lúc này, ở thời điểm hiện tại. Còn chủ trương của Trương Học Lương thì chỉ có thể gây tổn hại cho đất nước mà thôi. Tưởng Giới Thạch không hề hay biết rằng, người anh em kết nghĩa này đã bí mật lén lút nộp đơn xin gia nhập ĐCSTQ và bị Quốc tế cộng sản từ chối. Tưởng Công lại càng không thể ngờ rằng, dưới sự xúi giục của Đảng cộng sản, Trương Học Lương đã quay lưng làm phản.
Dương Hổ Thành bày mưu cho Trương Học Lương: “Đợi Tưởng Công đến Tây An, chờ thời cơ để bức ép thiên tử hạ lệnh nhường ngôi cho chư hầu”. Lê Thiên Tài cũng khuyên Trương Học Lương “làm sư tử”, phản bội Tưởng Công để trở thành người lãnh đạo đứng đầu.
Tưởng Giới Thạch trong “Ký sự nửa tháng tại Tây An” đã viết, “Ngày 11 tháng 12… Lê Thiên Tài đột nhiên tới cầu kiến mà không có lịch hẹn trước, bất giác cảm nhận được sự đường đột bất thường. Trong lúc nói chuyện, Lê Thiên Tài bày tỏ quan điểm hoài nghi đối với phương châm tiêu diệt cường đạo, so với lời nói của Hán khanh (Trương Học Lương) vào ngày hôm qua thì không có nhiều sai biệt; biết hắn bị ‘Sa tăng’ đầu độc đã sâu, tư tưởng mê muội, tôi vô cùng đau buồn mà khiển trách hắn, đồng thời cố sức khuyên nhủ cảnh tỉnh. Buổi tối ngày hôm đó tôi chiêu mời Trương, Dương, Vu… cùng với các tướng lĩnh đến hành dinh dùng bữa, sau đó tiến hành bàn bạc, thảo luận, đưa ra các phương án tiêu diệt. Dương, Vu đều không tới. Còn Hán khanh thì hôm nay có dáng vẻ hấp tấp, vội vàng gấp gáp, tinh thần hoảng hốt, vô cùng khác thường. Có thể vì những lời trách móc trong cuộc gặp gỡ ngày hôm qua mà anh ta cảm thấy không thoải mái, vui vẻ chăng? Hay là người đó vì nghe được những lời tôi giáo huấn Lê Thiên Tài mà cảm thấy bất an? Trước khi ngủ tôi cứ suy nghĩ mãi mà cuối cùng cũng không thể lý giải được nguyên cớ là do đâu. Đã quá muộn rồi, đành đặt nó qua một bên vậy.”
Tối ngày 11 tháng 12, Lê Thiên Tài rời Lâm Đồng trở về nhà. Không lâu sau liền nhận được điện thoại của Trương Học Lương, hắn tức tốc di chuyển đến dinh thự nhà họ Trương thì cũng đã hơn mười giờ. Trương Học Lương thẳng thắn bày tỏ quyết tâm của mình: “Mấy ngày trước đây, chẳng phải anh khuyên tôi nên làm sư tử, không nên làm cừu non hay sao? Bây giờ tôi sẽ trả lời anh, từ hôm nay trở đi tôi sẽ trở thành sư tử” (“Nghiên cứu chiến tranh chống Nhật Bản”, tháng 3 năm 2000).
Trong buổi tối ngày 11 tháng 12, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đã quyết định thực hiện phương án bắt cóc giam giữ theo kế hoạch, họ lần lượt triệu kiến các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Đông Bắc và lục quân 17, tuyên bố thi hành chỉ thị phản đối vũ trang vào sáng sớm ngày hôm sau. Về mặt bố trí triển khai phương án hành động:
- Nhiệm vụ canh gác bảo vệ quanh vùng Hoa Thanh Trì và Tây An đến Lâm Đồng là do quân đội Đông Bắc đảm nhiệm;
- Trong thành phố Tây Giao và nhà ga Tây An đường Lũng Hải, sân bay Tây Giao, việc tiêu trừ hiến binh Trung ương, đặc vụ, cảnh sát, binh sĩ trung ương đóng quân ở các địa khu quân đội vũ trang nói trên, cầm giữ máy bay, cầm chân các đại quan quân chính Nam Kinh tại nhà khách Tây Kinh và tại các địa điểm phân tán khác, đều do Dương Hổ Thành chỉ huy quân đoàn 17 thực hiện.
Vào lúc 5:30 sáng ngày 12 tháng 12, Trương Học Lương dẫn đầu quân đội Đông Bắc xông thẳng vào hành dinh của Tưởng Giới Thạch. Đội vệ binh của Ủy viên trưởng đã liều mình chống cự. Tưởng Giới Thạch với kinh nghiệm chinh chiến phong phú, dựa vào tiếng súng mà phán đoán được rằng cửa trước và bên cạnh đều có phản quân, chỉ có phía sau không phát ra tiếng súng, theo hướng đó Tưởng Giới Thạch dưới sự bảo vệ của đội ngũ tùy tùng đã thoát ra ngoài từ cửa sổ, đến cửa sau, rồi men theo tường bao hướng về núi Li tránh họa. Quân Đông Bắc thấy thời gian kéo dài mà vẫn chưa kiểm soát được tình hình, sốt sắng lo sợ Tưởng Giới Thạch tẩu thoát, nên đã dùng súng máy chĩa thẳng về phía các gian phòng trong dinh thự mà bắn phá dữ dội. Đạn bắn ra như mưa, xuyên qua cửa sổ bay vào trong phòng, 67 vệ binh thuộc đội cảnh vệ của Tưởng Giới Thạch đã hy sinh. Sau khi phản quân lục soát phía sau núi, họ đã truy bắt và giam giữ lãnh tụ Tưởng Giới Thạch.
Biến cố Tây An nổ ra đã làm chấn động trong và ngoài nước. Hồ Thích, Chu Tự Thanh, Phùng Hữu Lan, Văn Nhất Đa,… đều dồn dập lên án chỉ trích Trương Học Lương và Dương Hổ Thành “mượn danh nghĩa chống giặc ngoại xâm, nhưng kỳ thực là tự hủy hoại Trường Thành; là kẻ tội đồ của dân tộc quốc gia; kẻ phá hoại nền tảng thống nhất đất nước, tội ác tày trời khét tiếng”.
Trong bài “Kẻ phản quốc Trương Học Lương” công bố ngày 20 tháng 12, Hồ Thích viết: “Tưởng Giới Thạch tiên sinh là quan trọng nhất đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, thực sự là vậy… quan trọng không gì sánh được”.
Trong “bức thư ngỏ gửi quân giới Tây An”, nhà báo nổi tiếng Trương Quý Loan cũng nhấn mạnh: “Toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều coi Tưởng Giới Thạch là trọng tâm trong mối quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc. Một nhân tài uy tín, giàu thâm niên như vậy, muốn kiếm tìm cũng không thấy, muốn bồi dưỡng cũng không có cơ hội”.
Những người yêu nước bội phần lo lắng. Quốc phủ ở Nam Kinh bắt đầu tập trung chuẩn bị binh lực, sẵn sàng khởi binh thảo phạt phản quân của Trương Học Lương và Dương Hổ Thành.
Tầng tầng bán đứng
Đảng cộng sản vì truy cầu quyền lợi của riêng mình, nên sẵn sàng chấp nhận trả một cái giá rất lớn bằng sự hy sinh của tầng lớp hạ lưu, dùng làm “vật hiến tế” để tôn lên địa vị của các tầng lớp thượng đẳng. Quốc tế cộng sản và Liên Xô đã vì lợi ích của toàn bộ Đảng cộng sản mà hy sinh lợi ích cục bộ của ĐCSTQ. ĐCSTQ lại vì lợi ích của riêng mình mà hy sinh Trương Học Lương.
ĐCSTQ vui mừng khôn xiết, tích cực phát động chủ trương giết Tưởng Giới Thạch. “Những người phụ trách Trung ương ĐCSTQ chúng tôi, quả thật không ai ngờ rằng biến cố Tây An này lại có thể giải quyết trong hòa bình; chúng tôi đều thấy rằng nếu để cho Tưởng Thị sống sót, thì không khác gì dưỡng thư di hoạn (nuôi dưỡng thảm họa về sau). Một số người chủ trương thông qua một cuộc xét xử công khai của nhân dân, giao kẻ phản đảng Tưởng Giới Thạch cho đao phủ, để loại trừ hậu hoạn; Một số người lại đề xuất chủ trương giam giữ ông ta thật nghiêm mật, chặt chẽ, lợi dụng làm “quân cờ” để uy hiếp, bức ép Nam Kinh chống lại Nhật Bản, đồng thời hình thành lên lợi thế quân sự cho Tây An”. (Trương Quốc Đào, “Ký ức của tôi”)
Joseph Stalin nhận định rằng sự việc này sẽ là mầm mống tai họa và đẩy Liên Xô vào tình thế bất lợi. Tưởng Giới Thạch nếu bị sát hại, thì sẽ làm tăng đột biến khả năng Hà Ứng Khâm và Uông Tinh Vệ cùng phối hợp câu kết với chính phủ Nhật Bản. Stalin gửi điện khẩn cho ĐCSTQ, với giọng điệu rõ ràng biểu thị minh bạch quan điểm Liên Xô không tán thành với “âm mưu” này – ám chỉ rằng đây là những toan tính được người Nhật Bản giật dây xúi giục phía sau “hậu đài”. Ông ra lệnh cho Mao Trạch Đông thương thảo trên tinh thần hữu nghị với Tưởng Giới Thạch để tìm ra giải pháp hòa bình, đồng thời ra lệnh phóng thích cho vị lãnh tụ Quốc dân đảng. Sau khi nhận được mệnh lệnh của Stalin, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức đã gửi điện thông báo trên toàn quốc, tuyên bố rằng Đảng cộng sản Trung Quốc chủ trương dàn xếp hòa bình cho “biến cố Tây An”, bất kỳ một hành động tắc trách, lơ đễnh nào cũng là vì “theo như ý nguyện của người Nhật Bản” mà thôi.
Hai ngày trước khi Chu Ân Lai rời đi, đã cưỡi lừa di chuyển đến Duyên An, rồi bay tới Tây An. Vừa thấy thiếu tướng (Trương Học Lương), liền nói với ông ta rằng “không thể động đến (Tưởng Giới Thạch) dù chỉ một sợi tóc”. Chu Ân Lai, người từng thương lượng mật ước chống đối Tưởng Giới Thạch với Trương Học Lương, bây giờ lại trở mặt nói với ông ta rằng Trung Quốc rất cần sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Chu Ân Lai nói rằng, Stalin và Quốc tế cộng sản yêu cầu Ủy viên trưởng tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc. ([Mỹ] Đào Hàm Trứ , Lâm Thiêm Quý biên dịch, “Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc hiện đại”)
“Chu Ân Lai vào ngày 14 đã bí mật gặp mặt trao đổi cùng Trương Học Lương, thẳng thắn bày tỏ rằng Liên Xô về cơ bản sẽ không tiếp tục viện trợ cho Tây An. Ban đầu phản ứng của Trương Học Lương vô cùng phẫn nộ, hắn ta cảm thấy dường như bị Đảng Cộng sản bán đứng, trước kia Đảng Cộng sản luôn thổi phồng khẳng định rằng Liên Xô có thể sẵn sàng viện trợ, vậy mà đến thời điểm hiện tại khi ông ta (Trương Học Lương) đã cưỡi trên lưng cọp rồi, Đảng Cộng sản lại trở mặt rút chân khỏi trận chiến, không thực hiện giao ước.”
“Một năm sau, vào tháng 12 năm 1937, khi Vương Minh từ Moscow (thủ đô liên bang Nga) trở về Diên An, ông đã giải thích cho chúng tôi về lai lịch của bức điện báo này. Ông kể lại rằng sau biến cố Tây An, đại sứ các nước Anh, Mỹ đặt trụ sở tại Moscow đã từng thăm dò ý kiến cũng như thái độ của bộ ngoại giao và chính phủ Liên Xô đối với vấn đề này. Bộ ngoại giao Liên Xô trả lời rằng đây là một âm mưu của Nhật Bản, mà Liên Xô không thể dự liệu trước được và cũng không hề tán thành chấp thuận. Ngay sau đó Stalin liền tự mình soạn thảo bức điện tín này gửi ĐCSTQ, đồng thời giải thích với Vương Minh, đại ý khẳng định rằng: Trương Học Lương không đủ sức mạnh thì làm sao có thể trở thành vị lãnh tụ quốc gia dẫn dắt nhân dân cả nước chống lại Nhật Bản, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất thời cũng không có đủ năng lực để lãnh đạo đất nước trong cuộc đối đầu với giặc ngoại xâm này. Tưởng Giới Thạch tuy là một kẻ địch khó ưa, nhưng ông lại là nhà lãnh đạo, là niềm hy vọng duy nhất của Trung Quốc trong tiến trình kháng chiến chống Nhật Bản, vì vậy trong công cuộc kháng Nhật này, có lẽ ông ta sẽ trở thành người hợp tác của chúng tôi”. (Trương Quốc Đào, “Ký ức của tôi”)
“Trương Văn Thiên đã nhìn thấu và vạch trần luận điệu giả trân này: ‘Đây chủ yếu là vì để bảo vệ toàn bộ lợi ích của Quốc tế cộng sản và Liên Xô, nên không thể không hy sinh lợi ích cục bộ của đảng cộng sản Trung Quốc’”. (Trương Quốc Đào, “Ký ức của tôi”)
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch