Vào thời điểm đó, Tưởng Công đang vì đất nước gặp phải quốc nạn mà lo toan, trước khi biến cố tại Tây An xảy ra, ông đã bắt đầu cân nhắc giải quyết vấn đề của ĐCSTQ một cách hòa bình, và thậm chí còn đang suy xét đến khả năng hợp nhất…

Giặc trong nhà khó đề phòng

ĐCSTQ nhận thấy có khả năng sẽ thành công trong việc thành lập mặt trận thống nhất với Trương Học Lương, vì vậy đã đề xuất với Trương vấn đề phối hợp cùng tổ chức chính phủ Vệ quốc và liên quân kháng Nhật, tiếp đó chiếm giữ Lan Châu, đảm bảo thông suốt tuyến đường giao thông với Liên Xô để tiếp nhận vũ khí.

“Bộ phận của anh phải ngay lập tức liên lạc, giao hẹn và phối hợp với các đơn vị Hồng quân, chọn thời điểm thuận lợi từ khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10, quyết tâm phát động cục diện kháng Nhật, thuận theo đó chiếm lấy Lan Châu, dọn đường cho khu vực Triệu Tô (thuộc Liên Bang Xô Viết), củng cố nội bộ; việc xuất binh để ổn định tình thế tại các khu vực xa xôi trọng yếu là phương châm chiến lược cơ bản” (“Hồ sơ lưu trữ cá nhân quan trọng liên quan đến biến cố Tây An do phi công Hải Lam thu thập”).

Sau khi Trương học Lương bị lôi kéo, anh ta cho rằng mình đã có được sự ủng hộ của ĐCSTQ và Liên Xô, do vậy toan tính sẽ dùng vũ lực để chống lại chính quyền Trung ương, nhằm thực hiện ý đồ ly khai và chiếm giữ khu vực phía Tây Bắc. Vào đầu tháng 5 năm 1936, một gián điệp của ĐCSTQ được cài vào bên cạnh Trương Học Lương tên là Lưu Đỉnh, đã gửi một bức điện khẩn đến khu vực phía Bắc tỉnh Thiểm Tây. Để đạt được mục đích, bức điện phải đảm bảo bí mật, vì thế trong bức điện chứa những từ được mã hóa. Nguyên văn như sau:

“Ngài hãy nhìn vào kế hoạch của anh ta (Trương Học Lương). Người ấy muốn chiếm trọn lấy một góc ngôi nhà lớn của anh ta (quân Đông Bắc), và anh ấy cũng rất mong đợi được bước chân đi trên con đường về phía Đông (tranh giành với đạo quân số 17 của Dương Hổ Thành); sau đó đem một vài người hầu huấn luyện thành những tay chân vô cùng đắc lực (ý nói các tướng lĩnh cấp dưới trong quân đội Đông Bắc).

“Thời gian gần đây, anh ấy đang sửa soạn đi ra ngoài để chuẩn bị cho một sự kiện lớn (kế hoạch làm phản chống lại Tưởng Giới Thạch), nhưng trước mắt anh ấy vẫn phải hoàn thành vai diễn để thể hiện ra một chút lòng trung thành, và phải nhanh chóng bỏ chút thời gian để gặp mặt những người hàng xóm bên cạnh nhà mình (quân phiệt phía Tây Bắc chia bè kéo phái và tranh giành lẫn nhau), cùng với một vài chàng trai và nghiêm lão luôn thích mặc áo choàng màu xanh ở trước cửa lớn nhà anh ta (tranh giành với quân tiến vào bình định của Diêm Tích Sơn), và đợi để kết giao.

“Anh ấy đã bắt đầu sử dụng những lời như ‘yêu X’, và ‘kháng X’ (yêu nước, kháng Nhật) nhằm để nói gần nói xa, điều này sẽ khiến cho ông chủ (Tưởng Giới Thạch) không cách nào có thể công khai phản đối, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn lòng quyết tâm, sẵn sàng cùng với ông chủ quyết chiến một trận (đại ý nói đến việc sẽ chống lại Tưởng Giới Thạch đến cùng).

“Lão đầu (Trương Học Lương) nhắc đến việc vào tháng 11 có thể nhận được trợ giúp của một số người quen cũ của người tình (ám chỉ sự ủng hộ của Liên Xô), và phải kéo dài đến tháng 11 mới có được sự thay đổi đó. Việc này một mặt là hòa thuận với gia đình bên ngoại, chống Nhật cùng bằng hữu, mặt khác là nâng đỡ ông chủ lên vị trí cao nhất (Tưởng Giới Thạch). Chỉ cần bỏ công sức trong vòng nửa năm là có thể làm được đại sự. Vì vậy tôi muốn làm triệt để vấn đề này”. (Thư của Lưu Đỉnh gửi cho Lý Khắc Nông”, ngày 27 tháng 4 năm 1936) 

Trong nhiều cuộc đàm phán giữa Trương Học Lương với ĐCSTQ, không lần nào là không thảo luận về việc liệu họ có thể nhận được sự trợ giúp từ Liên Xô hay không. Cuối cùng, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành, cùng với ĐCSTQ, đã dự định thành lập Quân đội Đồng minh Tây Bắc “ba quân hợp nhất” ở phía Tây Bắc, được bổ sung bởi Đông Bắc quân, Tây Bắc quân và Hồng quân; và kiến lập “Chính phủ liên hiệp Tây Bắc kháng Nhật” nhằm mục đích đối kháng với chính phủ Trung ương tại Nam Kinh.

Vào cuối tháng 6 năm 1936, Trương Học Lương đã tự mình liên lạc với Trung ương ĐCSTQ thông qua đảng viên Lưu Đỉnh, lần đầu tiên đưa ra mong muốn gia nhập vào hàng ngũ đảng viên ĐCSTQ. Vào ngày 2 tháng 7, Trung Cộng đã xin chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Liên Xô cũ đã cho công bố một phần văn kiện của Quốc tế Cộng sản, tổ chức này đã trả lời thông qua bức điện ngày 15 tháng 8 năm 1936, nội dung như sau:

“Điều mà chúng tôi đặc biệt cảm thấy bất an, đó là về tất cả những người mong muốn gia nhập đảng, bất luận là xuất thân trong tầng lớp nào của xã hội đều có thể được kết nạp, kể cả một ai đó vì một toan tính khác mà quyết định tiến vào bên trong nội bộ đảng; các đồng chí thậm chí đã có những tính toán riêng khi được thông báo trước việc Trương Học Lương sẽ có ý định tham gia”. 

“Dương Minh Phục, người từng đảm nhiệm chức thư ký Ban bí thư của Ủy ban trung ương Trung Cộng và là Trưởng ban công tác Mặt trận thống nhất Trung ương đã bày tỏ rằng, Diệp Kiếm Anh lúc còn sống đã từng khẳng định với người tổng phụ trách việc biên soạn lịch sử đảng của quân đội Đông Bắc là Tống Lê (một đảng viên bí mật của Trung Cộng đã làm việc bên cạnh Trương Học Lương trong biến cố Tây An, ông ta mất vào ngày 22 tháng 11 năm 2002) rằng: Trương Học Lương thực ra là một đảng viên của ĐCSTQ.

“Tống Lê đã ghi âm lại cuộc trò chuyện với Diệp Kiếm Anh vào thời điểm đó và đã đem những bản thảo ghi chép lại niêm phong cất vào trong hòm sắt. Ông cũng đã giữ bí mật về thân thế nhằm đảm bảo sự an toàn cho Trương Học Lương. Chúng ta nhất định phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ anh ta, thân phận là đảng viên ĐCSTQ của anh ta tuyệt đối không thể được tiết lộ ra ngoài. Đợi sau khi anh ta qua đời sẽ đem những bản thảo ghi chép và nội dung cuộc nói chuyện này đưa lên báo cáo với Ủy ban Trung ương”. (Sử Minh, ‘Vạch trần bí mật về danh tính của đảng viên ĐCSTQ Trương Học Lương, nhân vật chính của biến cố Tây An’, được đăng tải trên trang web của Học Viện quân đội Hoa Nam Trung Quốc www.hoplite.cn)

Ngay từ ngày 16 tháng 6 năm 1936, một phần trong báo cáo nội bộ của ĐCSTQ đã nói rằng, tổ chức này đã giao hẹn với Trương Học Lương, một khi có được sự ủng hộ và hậu thuẫn của Liên Xô, sẽ phát động phong trào chống lại Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch ở phía Tây Bắc, cố gắng hợp nhất 5 tỉnh Thiểm, Cam, Ninh, Thanh, Tân, thành lập Chính phủ Vệ quốc Tây Bắc và quân đội đồng minh chống Nhật. 

Nếu dựa theo kế hoạch này, thì Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi cục diện lại bị vây hãm vào trong một cuộc nội chiến quy mô lớn. Thực ra trong hoàn cảnh này, điều mà Mát-xcơ-va mong muốn là Trung Quốc có thể đạt được chủ trương thống nhất mặt trận kháng Nhật trên phạm vi toàn quốc, từ đó hạn chế khả năng Nhật Bản có thể sẽ tấn công Liên Xô, để mối nguy hiểm này không có khả năng trở thành hiện thực. Vì vậy, bản kế hoạch ngay lập tức bị Stalin và những người khác bác bỏ.

Vào ngày 23 tháng 7, Georgi Dimitrov, Tổng bí thư Ban chấp hành Quốc tế thứ ba, trong hội nghị lần thứ nhất, khi thảo luận về vấn đề Trung Quốc đã xác định rõ ràng rằng: “Nhiệm vụ hiện nay của Trung Quốc không phải là mở rộng các địa khu do Xô Viết nắm quyền kiểm soát và phát triển Hồng quân, mà chính là tìm kiếm những cơ hội, những định hướng trong tương lai, những khẩu hiệu và các phương pháp sao cho phù hợp với tình hình thực tế để khiến cho đại đa số nhân dân Trung Quốc có thể chung sức đồng lòng, quyết tâm chống lại Nhật Bản”. (Bài phát biểu của Dimitrov tại hội nghị thảo luận về vấn đề Trung Quốc của Ban bí thư chấp hành Quốc tế cộng sản, ngày 23 tháng 7 năm 1936)

Ảnh chụp Trương Học Lương và Tưởng Giới Thạch (Phạm vi công cộng).

“Việc đem Tưởng Giới Thạch đánh đồng với giặc Nhật là không đúng, trên phương diện chính trị thì điều này là sai lầm, bởi vì kẻ địch chủ yếu của nhân dân Trung Quốc là đế quốc Nhật Bản. Trong giai đoạn này, tất cả mọi thứ đều phải lấy chủ trương kháng Nhật làm mục tiêu quan trọng nhất. Bên cạnh đó cũng không thể đồng thời chia ra hai hướng, thực hiện mũi công kích trên cả hai mặt trận là kháng Nhật và phản đối Tưởng Giới Thạch, cũng không được nhìn nhận rằng toàn bộ chính quyền Quốc Dân Đảng và quân đội của Tưởng Giới Thạch đều là đồng minh của đế quốc Nhật. Để quá trình vũ trang kháng Nhật đạt được hiệu quả cao nhất, vẫn cần đến sự tham gia của quân đội Tưởng Giới Thạch, hoặc là phần lớn quân đội của ông ta.

“Vậy nên chúng tôi cho rằng ĐCSTQ và Bộ tư lệnh Hồng quân cần phải đưa ra thông báo với chính quyền của Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch, lập tức dừng các hành động quân sự làm gia tăng căng thẳng giữa Hồng quân và quân đội Quốc dân của Tưởng Giới Thạch. Song song với đó là thông qua đàm phán để ký kết được một thỏa thuận cụ thể về việc chung sức cùng nhau kháng chiến chống Nhật Bản. Đảng Cộng sản và Bộ chỉ huy Hồng Quân cần phải thông báo rằng họ luôn sẵn sàng cử đi một phái đoàn đại biểu, hoặc tiếp đón phái đoàn của Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch trong địa khu Xô Viết”. (Thông điện bí thư Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15 tháng 8 năm 1936)

Chỉ thị quan trọng này của Quốc tế Cộng sản không được ĐCSTQ thông báo đến cho Trương Học Lương và Dương Hổ Thành. 

Chia rẽ và lôi kéo

“Biến cố ở Tây An đã bức ép Tưởng Giới Thạch phải chuyên tâm kháng Nhật” là lý do thoái thác của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, Tưởng Công đang vì đất nước gặp phải quốc nạn mà lo toan, trước khi biến cố tại Tây An xảy ra, ông đã bắt đầu cân nhắc giải quyết vấn đề của ĐCSTQ một cách hòa bình, và thậm chí còn đang suy xét đến khả năng hợp nhất.

“Chiến tranh Trung-Nhật là không thể tránh khỏi, chính phủ Quốc Dân Đảng một mặt đã bắt đầu đàm phán với Liên Xô, một mặt tìm biện pháp nhằm tháo gỡ vấn đề của ĐCSTQ. Dự định của tôi đối với ĐCSTQ lúc này đó là yêu cầu ĐCSTQ nhanh chóng giải giáp các lực lượng vũ trang của mình, rồi sau đó mới cho phép họ có thể tiếp tục tiến hành lộ trình đàm phán với Quốc Dân Đảng, tức là lúc ấy sẽ suy xét vấn đề có thể thành lập một chính đảng mới hay không, cuối cùng là lựa chọn biện pháp chính trị để tháo gỡ cục diện hiện nay”.

Vào ngày 5 tháng 5 (1936), ĐCSTQ đã gửi đi bức điện báo có nội dung là ‘hiệp định đình chiến’. Ngay sau đó, Chu Ân Lai đại diện cho ĐCSTQ và Phan Hán Niên đại diện cho Quốc tế cộng sản đã đến Thượng Hải để tiến hành đàm phán với Trương Xung. Phan Hán Niên sau đó đã đến Nam Kinh để gặp Trương Lập Phu thương lượng. Các điều kiện mà chính phủ đưa ra cho ĐCSTQ có bốn nội dung chính  như sau: 

“1. Tuân theo Chủ nghĩa tam dân; 
2. Nghe theo mệnh lệnh chỉ huy của Tưởng Giới Thạch; 
3. Giải giáp “Hồng quân” và bổ sung vào biên chế quân đội Quốc gia; 
4. Xóa bỏ các khu vực Xô Viết và thay vào đó là do chính quyền địa phương tiếp quản”.
(“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”) 

ĐCSTQ đã phản đối ngay lập tức: “Ở Nam Kinh chúng tôi đã nhận được thư của Tăng Dương Phục, thứ trưởng Bộ Đường sắt, ông ta đại diện cho chính phủ Quốc dân gửi thư hồi âm, nội dung trong đó có nhắc đến việc cả hai bên sẽ liên hợp lại cùng nhau kháng Nhật.  

Nếu như họ thực sự từ chối nguyện vọng muốn hòa giải của chúng ta, vậy thì hy vọng rằng Hồng quân sẽ di chuyển một phần quân đội xuống Sát Cáp Nhĩ (là một tỉnh của Trung Quốc tồn tại từ năm 1912 đến năm 1936, nay thuộc Hà Bắc) và Tuy Viễn (một trong bốn tỉnh phía bắc của Trung Hoa Dân Quốc) gần biên giới Ngoại Mông, cũng như châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Liên Xô”. (“Thông điệp của Mao Trạch Đông gửi Bành Đức Hoài”, ngày 28 tháng 6 năm 1936) 

Nếu như quân đội của ĐCSTQ tiến lên khu vực hai tỉnh là Sát Cáp Nhĩ và Tuy Viễn ở biên giới Ngoại Mông để chống lại Nhật Bản, Liên Xô sẽ không thể không ra sức chi viện, và một cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật Bản và Liên Xô có thể nổ ra. Tất nhiên là Liên Xô sẽ không tán thành hành động này.

Khi thị sát Quân đoàn huấn luyện sĩ quan tại Lư Sơn năm 1937, Tưởng Giới Thạch sau đó đã đọc bài phát biểu “Thời khắc sống còn”, tuyên bố bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ (Phạm vi công cộng).

ĐCSTQ từ chối gửi quân đến Sát Cáp Nhĩ và Tuy Viễn để chống lại Nhật Bản, cũng như không chịu thỏa hiệp trong việc tổ chức lại các khu vực Xô Viết và biên chế lại lực lượng Hồng quân, vì vậy Tưởng Công đã tiếp tục truy quét và tiêu diệt thế lực của ĐCSTQ, đồng thời ra lệnh cho Trần Lập Phu tiến hành các cuộc đàm phán với Phan Hán Niên để tìm kiếm một giải pháp chính trị. 

Tháng 6 năm 1936, quân đội hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây kết hợp lại bao gồm 300 ngàn quân, lấy danh nghĩa kháng Nhật để chống lại chính quyền Trung ương. Tưởng Giới Thạch đã ngay lập tức điều động 400 ngàn quân Trung ương  xuống phía Nam, mãi cho đến tháng 9, biến cố tại hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây mới kết thúc. 

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch