Ban đầu nhận thấy Trương Học Lương rất phục tùng Tưởng Giới Thạch, nên Lê Thiên Tài cũng không dám mở lời xúi giục, lôi kéo Trương Học Lương. Phải đến khi rời đến bắc Thiểm Tây, Lê Thiên Tài thăm dò được ẩn ý và nỗi lòng của Trương, thừa cơ góp lời đưa đẩy, “dẫn lối” Trương Học Lương rơi vào cái bẫy mà hắn bày ra…
Chỉ thiếu một trận chiến
Trong hai lần đầu tiên bao vây truy quét quân đội ĐCSTQ, quân đội chủ lực Quốc dân không hề can dự. Phải đến lần tiêu diệt bao vây thứ 3, vào năm 1931, Quốc quân mới can thiệp và đã thu được những thành tựu nhất định, nhưng do chịu ảnh hưởng của “biến cố 918” mà “giữa đường đứt gánh”. Cuộc vây quét lần thứ tư cũng bị trận chiến chống Nhật ở Nhiệt Hà cắt ngang nên vừa mới tiến hành được chưa đầy một tháng đã buộc phải dừng lại.
Tưởng Giới Thạch đích thân chỉ huy cuộc bao vây truy quét lần thứ 5, cho rằng trận vây quét này chính là “bao vây quân sự, bao vây kinh tế, bao vây giao thông và bao vây văn hóa”. Mở rộng phạm vi quyền lực từ hành dinh Nam Xương lên đến năm tỉnh Mân (Phúc Kiến), Việt (Quảng Đông), Tương (Hồ Nam), Cán (Giang Tây) và Chiết Giang.
Tưởng Giới Thạch ở Lư Sơn, Giang Tây đã nhiều lần tổ chức “huấn luyện đoàn sĩ quan Lư Sơn”, đào tạo chuyên biệt các kỹ năng tiêu diệt ĐCSTQ; đồng thời dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia ngành công nghiệp quân sự đến từ nước Đức, đã vận dụng hệ thống lô – cốt để công kích vào điểm yếu nhược của quân đội ĐCSTQ (Lô – cốt là công trình quân sự chủ yếu để phòng ngự, được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, bê tông… và có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nắp và có nơi nghỉ ngơi cho quân sĩ).
Tưởng Giới Thạch đã đề xuất với các sĩ quan trực tiếp tiếp nhận đào tạo tại Trung đoàn huấn luyện sĩ quan Lư Sơn về yêu cầu cần phải cải tổ chiến thuật tiêu diệt ĐCSTQ trước đây, ông tỏ rõ quan điểm:
“Chiến thuật cũ chủ yếu vận dụng thế phòng thủ, trong khi chiến thuật mới chủ yếu áp dụng thế tấn công; chiến thuật cũ có tác dụng trong đội hình đông đúc, dày đặc, trong khi chiến thuật mới lại phù hợp với đội hình phân tán, rời rạc; chiến thuật cũ được coi trọng khi bố trí binh lực theo chiều sâu, trong khi chiến thuật mới chủ yếu xem trọng dàn xếp trận địa trực diện. Nhưng đối với hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, để định hướng đúng con đường tiêu diệt truy quét ĐCSTQ thì phải kết hợp linh hoạt “công thủ kiêm trọng” (tức là tấn công và phòng thủ đều không được khinh suất), nếu như nói muốn lấy tấn công làm chính, thì cũng không bằng nói lấy phòng thủ làm trọng. Về việc vận dụng công – thủ, gần đây tôi đã nghiên cứu ra vấn đề và khái quát trong hai câu sau, chính là về mặt chiến thuật thì phải lấy thế phòng thủ làm trọng yếu, biến phòng thủ trở thành tấn công, về mặt chiến lược phải lấy thế tấn công làm tiên phong, biến tấn công trở thành phòng thủ”.
Cuộc truy quét lần thứ 5 đã tạo nên sức ảnh hưởng to lớn, khiến số lượng quân đội ĐCSTQ tham chiến giảm xuống còn chưa đến 10 vạn người chỉ trong hơn một năm; vào năm 1934, khu Xô – Viết từ 35 huyện giảm xuống còn 7 huyện. Quân đội ĐCSTQ sẽ bị Quốc quân tiêu diệt toàn bộ chỉ còn là vấn đề thời gian. ‘Phỉ đỏ’ thất thế liền bắt đầu triển khai cuộc “trường chinh” (là cuộc hành quân dài 25.000 dặm của Hồng quân nông dân và công nhân Trung Quốc di chuyển từ Giang Tây đến bắc Thiểm Tây từ năm 1934 đến năm 1935).

Tưởng Giới Thạch đã tận dụng cơ hội trường chinh của tàn quân ĐCSTQ để thu phục toàn bộ tám tỉnh Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc – những nơi từng bị thủ lĩnh quân phiệt và ĐCSTQ kiểm soát trước đây, đồng thời hợp nhất, thu nạp thêm hơn 700.000 binh sĩ của các thế lực quân phiệt địa phương.
Vào thời điểm lực lượng của Chính phủ Trung ương lần đầu tiên chính thức tiến vào địa khu Tây Nam, Tưởng Giới Thạch đã chia sẻ với thủ lĩnh quân phiệt bản xứ: “Không sớm thì muộn Nhật Bản sẽ tiến hành xâm lược lãnh thổ chúng ta, đến lúc đó, chúng ta cần phải xây dựng thiết lập một hậu phương vững chắc, phải kịp thời di dời ngành công nghiệp vùng hạ lưu Trường Giang chuyển đến miền Tây Nam, đồng thời từ phương diện khác mà nhận định thì đây cũng là cơ hội mở ra sự phát triển phồn thịnh tại địa phương” (“Tưởng Vĩ Quốc khẩu thuật tự truyện”).
“Phải đến năm ngoái, Quốc quân mới huy động được sự nỗ lực cường đại nhất để hủy hoại hoàn toàn sào huyệt, hang ổ của ‘phỉ đỏ’ ở Giang Tây, chúng điên cuồng phá vỡ vòng vây, một mạch tháo chạy tán loạn từ Hồ Nam sang Quế Châu, từ Quế Châu đi Vân Nam, cuối cùng đến Tứ Xuyên. Tôi đã đích thân chỉ huy, đôn đốc quân đội không ngừng truy kích và tiêu diệt bọn chúng, một mặt càn quét triệt để, một mặt nỗ lực thống nhất lại ba tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quế Châu, nơi mà từ trước đến nay luôn bị phân rã, từ đó đặt định cơ sở nền móng cho vận mệnh sinh mệnh quốc gia chúng ta, đồng thời cũng coi đây là căn cứ địa cuối cùng của tiến trình phục hưng dân tộc.
Quyết sách của chính phủ lúc đó, chính là bất kể đối mặt với tình thế nguy cấp như thế nào, bất luận kẻ địch cản trở, áp bức ra sao, cũng phải kiên định dằn lòng nhẫn nhục, nhất định phải hoàn thành sứ mệnh thống nhất 3 tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quế Châu (Vân Quý Xuyên), đặt định cơ sở nền tảng cho tương lai sau này, từ đó Chính phủ và quốc dân ta mới có căn cứ để phục hưng tinh thần chống ngoại xâm, vận mệnh quốc gia và tồn vong của dân tộc ta mới có được sự đảm bảo vững chắc nhất” (Tưởng Giới Thạch, “Đạo lý về việc Chính phủ và nhân dân đồng lòng cứu nước”, 1936).
Tổng số tàn quân ĐCSTQ kể từ lúc xuất phát là 10 vạn người giảm xuống còn hơn 7 nghìn người, tất cả hỏa pháo và súng máy hạng nặng đều bị mất hết. Lực lượng quân đội tổn thất hơn 90%, tàn quân ĐCSTQ bị dồn ép đến vùng đất cằn cỗi hoang vắng phía bắc Thiểm Tây, liên tiếp tiến hành ba trận tác chiến quyết liệt phá vỡ vòng vây, song đều kết thúc trong thất bại. Trước khi biến cố Tây An diễn ra, Trương Quốc Đào đã chia tách hơn tám vạn người rút về phía nam, ĐCSTQ bị khóa chặt trong vòng vây của Mã Gia quân (nhóm lãnh chúa ở Cam Túc và Ninh Hạ trong những năm 1930 và 1940), Tấn quân và Xuyên quân; bên ngoài vòng vây là quân đội Trung ương, đứng giữa ranh giới tiêu vong, trên bờ vực bị hủy diệt, chỉ còn thiếu một trận đánh!
Năm 1936, lực lượng quân đội của ĐCSTQ ở bắc Thiểm Tây chỉ còn chưa đến hai vạn người, trong khi đó Chính phủ quốc dân đã chiêu binh được 33 vạn quân sĩ diệt Trung Cộng ở Tây Bắc. Dưới sự bố trí, sắp xếp của Tưởng Công thì kế hoạch tiêu diệt toàn bộ ĐCSTQ luôn nằm trong tầm tay. ĐCSTQ lúc này đang trong tình thế bấp bênh chờ ngày khai tử, chưa cần nói đến chống lại Nhật Bản, ngay đến cả sự tồn vong của bản thân cũng khó bảo toàn. “Kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản” – khẩu hiệu mà ĐCSTQ lợi dụng nhằm che đậy mục tiêu đã được chuyển đổi thành tự bảo vệ chính mình.
Trong báo cáo của Ủy ban trung ương ĐCSTQ gửi Quốc tế cộng sản đã phân tích rõ toàn bộ thực trạng: “Hiện tại, khu Xô Viết ở bắc Thiểm Tây đang bị thu hẹp dần, nguồn lực thực phẩm, tài chính của Hồng quân cũng dần kiệt quệ, lâm vào tình thế vô cùng khó khăn”.
“Để tiếp tục bảo tồn các căn cứ địa hiện có, chủ lực Hồng quân buộc phải chiếm lĩnh khu vực Tuy Viễn, phía tây Ninh Hạ, Cam Túc, tuy nhiên căn cứ vào điều kiện thực tại của Hồng quân mà xét, nếu không giành được khu vực này thì không thể tránh khỏi phải phát triển về phía đông nam,… tức là không phải phương hướng kháng Nhật mà là hướng đến phát động nội chiến”.
“Khu vực này… được bao phủ bởi rất nhiều hệ thống lô – cốt, thành trì kiên cố và các hàng rào bao quanh mà điều kiện kỹ thuật hiện có của Hồng quân không thể khắc chế và vượt qua được”, vì vậy yêu cầu “Liên bang Xô Viết có thể đáp ứng và kịp thời tiến hành thay chúng tôi giải quyết hai vấn đề kỹ thuật chủ yếu là đại pháo và máy bay”. (“Lạc Phủ, Ân Lai, Bác Cổ, Trạch Đông gửi điện thư cho đồng chí Vương Minh liên quan đến phương châm hành động của Hồng Quân, ngày 21 tháng 8 năm 1936)
Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào quân đội Quốc dân
Sau khi được Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm làm phó tổng tư lệnh tiêu diệt cường đạo Tây Bắc, Trương Học Lương luôn tích cực tận tụy và đã nhiều lần giao chiến với ĐCSTQ ở bắc Thiểm Tây.

Tuy nhiên sức chiến đấu của quân đội Đông Bắc không cao, chỉ trong một thời gian ngắn đã bốn lần bị quân đội ĐCSTQ đánh bại, gây tổn thất cho hai sư đoàn và một trung đoàn bộ binh, hai sư đoàn trưởng tử trận, tám ngàn khẩu súng trường, hàng trăm khẩu súng liên thanh hạng nặng, hạng nhẹ, hàng chục cỗ pháo cối, mấy chục vạn viên đạn cùng một khối lượng lớn đồ quân nhu yếu phẩm, lương thực, vật tư khác đã rơi vào tay quân đội ĐCSTQ.
Trong bối cảnh chiến sự bất lợi, đảng Cộng sản lại mai phục, trà trộn vào hàng ngũ trợ lý kề cận khiến Trương Học Lương bắt đầu tiếp xúc, giao thiệp với ĐCSTQ. Đêm ngày mùng 9 tháng 4 năm 1936, Chu Ân Lai đã bí mật gặp mặt Trương Học Lương ở Diên An. Trong lần đầu gặp gỡ giữa hai người, Trương Học Lương vẫn hy vọng ĐCSTQ sẽ chuyển đổi từ lập trường chống đối, phản động sang mối quan hệ hợp tác hữu hảo với chính phủ Quốc Dân Tưởng Giới Thạch. Ông mong muốn duy trì cục diện hòa bình với ĐCSTQ, không công kích đối đầu, nhằm bảo toàn lực lượng của quân đội Đông Bắc. Tuy nhiên, ông đã bị Chu Ân Lai lừa gạt, tin rằng ĐCSTQ và Liên Bang Xô Viết sẽ liên minh với quân đội Đông Bắc trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản.
Vì vậy Trương Học Lương đã quyết định “bắt tay” hợp tác với ĐCSTQ, quân Đông Bắc và quân đội ĐCSTQ không hề giao chiến, thậm chí quân đội ĐCSTQ còn phối hợp giúp đỡ quân Đông Bắc tập đánh trận giả, Trương Học Lương cũng hết lòng viện trợ cho ĐCSTQ từ mua sắm súng trường, cung cấp đạn dược, dụng cụ vô tuyến điện, thiết bị phục vụ nhà máy sản xuất vũ khí đến đồ dùng vật tư y tế.
Trước khi biến cố Tây An nổ ra, đảng viên ĐCSTQ đã thâm nhập, trà trộn vào hàng ngũ trợ lý thân tín kề cận Trương Học Lương, đến năm 1936, khi Tưởng Giới Thạch bị giam giữ ở Tây An còn chưa được phóng thích, lúc đó “Trang báo cập nhật tin tức thời sự” tại Thượng Hải đã đăng bài trong mấy ngày liên tiếp, qua đó chỉ đích danh Lê Thiên Tài – người thư ký bên cạnh Trương Học Lương, đồng thời phân tích những chuỗi hoài nghi về nguyên nhân khởi phát của biến cố Tây An:
“Ông ấy [chỉ Trương Học Lương — chú dẫn] tin tưởng, tín nhiệm và giao nhiệm vụ cho Lê Thiên Tài, vốn là kẻ “cùng hội cùng thuyền” với ĐCSTQ, từ khi còn theo học tại đại học Bắc Kinh đã là một phần tử hoạt động trong hàng ngũ của đảng Cộng sản. Trương Tác Lâm vì vậy đã từng muốn giết hắn. Nhưng Trương Học Lương lại thấy hắn thông minh, có tài sáng tác văn chương nên giữ lại, thu nạp thành thư ký riêng. Sau khi Lê Thiên Tài đầu hàng Trương Học Lương, hắn đã cải biến tư tưởng hay chưa, người ngoài không thể biết được, chỉ có điều khi Trương Học Lương nhậm chức chủ nhiệm tổng hành dinh, thì một nhân viên dưới quyền của Lê Thiên Tài [chỉ Phan Văn Úc — chú dẫn] là đảng viên cộng sản đã bị xử bắn vì tiết lộ bí mật quân cơ.
“Xâu chuỗi cùng sự việc lần này mà nhìn lại, Lê Thiên Tài chính là người vẫn duy trì mối quan hệ, vẫn liên lạc mật báo và làm việc cho đảng Cộng sản là điều không còn hoài nghi gì nữa. Ban đầu nhận thấy Trương Học Lương rất phục tùng ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch, nên Lê Thiên Tài cũng không dám mở lời xúi giục, lôi kéo Trương Học Lương theo đường lối ‘phỉ đỏ’ (cộng sản hóa). Phải đến khi rời đến bắc Thiểm Tây, Lê Thiên Tài sau khi quan sát, thăm dò đã nhìn thấu được ẩn ý và nỗi lòng của Trương Học Lương, thừa cơ góp lời đưa đẩy, “dẫn lối” Trương Học Lương rơi vào cái bẫy mà hắn bày ra, đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khởi khát của cuộc tạo phản lần này”.
Chu Ân Lai và ban đặc vụ thám báo của ĐCSTQ luôn chú ý đến cựu đảng viên Cộng sản đã thâm nhập vào hàng ngũ trợ lý thân tín kề cận Trương Học Lương. Chu Ân Lai sau khi gặp mặt Trương Học Lương lại nghe được thêm các tin tức tình báo liên quan đến quân Đông Bắc từ Lý Khắc Nông và Lưu Đỉnh, vào ngày 11 tháng 4 ông ta lập tức tiến hành gửi báo cáo lên ban chấp hành trung ương ĐCSTQ, nhắc đến Trương Học Lương, “chỉ rõ rằng trong đội ngũ trợ lý thân tín kề cận của Trương Học Lương có một số người nghiên cứu chủ nghĩa phát xít, trong đó cũng có mấy người cộng sản (kẻ phản đồ đã ly khai khỏi đảng)”.
“Mấy người cộng sản” được đề cập ở đây, hiển nhiên ám chỉ đến nhóm người của Lê Thiên Tài, bởi vì gọi là “trợ lý thân tín” của Trương Học Lương, hơn nữa còn là “kẻ phản đồ đã ly khai khỏi đảng”, thì chỉ có thể là Lê Thiên Tài, người cầm đầu một nhóm cựu đảng viên cộng sản, họ phần lớn là thành viên chủ chốt của phe đối lập “Ban chấp hành Trung ương đặc biệt” (sau đây gọi là “Ủy ban đặc biệt”) đã bị cục chính trị đảng cộng sản khai trừ tại Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ sáu.
“Ủy ban đặc biệt” là tổ chức duy nhất ở miền Bắc được cấu thành từ một nhóm người cộng sản, lấy Lê Thiên Tài, Ngô Vũ Minh, Lý Hi Dật làm nòng cốt, tiếp nhận sự lãnh đạo của La Chương Long. Theo lời Lê Thiên Tài, bọn họ “đặc biệt chú ý đến chính sách đương thời của đảng ở khắp mọi nơi”, phụ đạo, giúp đỡ Trương Học Lương nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, giới thiệu, giải thích về lịch sử phong trào công nhân tại Trung Quốc và quốc tế, đồng thời cũng nắm bắt cơ hội hợp tác với hàng chục vạn đại quân này, khuyến khích Trương Học Lương truy cầu một đại cục độc lập ở Tây Bắc cho riêng mình, đồng thời trong khoảng thời gian vài tháng trước khi biến cố Tây An nổ ra, bọn họ đã hoạch định một đề án hành động rõ ràng, trong đó có tính đến kế hoạch phát động binh biến phản loạn trong ngắn hạn và trù tính viễn cảnh thiết lập một chính phủ độc lập ở Tây Bắc trong tương lai. (Nghiên cứu chiến tranh chống Nhật Bản, kỳ 3 năm 2000)
Năm 1928, Dương Hổ Thành đến Nhật Bản, thông qua Phùng Nhuận Chương trình lên Thành ủy ĐCSTQ ở Tokyo đơn đề nghị xin gia nhập đảng lần hai, với mong muốn trở thành Hạ Long thứ hai [He Long (1896-1969), nhà lãnh đạo quân sự cộng sản quan trọng]. Ủy ban trung ương ĐCSTQ đã gửi thư hồi âm cho thành ủy ĐCSTQ ở Tokyo, đồng ý tiếp nhận Dương Hổ Thành gia nhập ĐCSTQ. Nguyên văn bức thư là:
“Nhận được thư của ông, đặc biệt xin trả lời như sau: … Dương Hổ Thần (nguyên văn như vậy), Trung ương đã cho phép ông gia nhập. Giao cho ông chấp hành thực hiện các thủ tục gia nhập đảng, cụ thể như sau: Cần ba đồng chí giới thiệu, kỳ hạn dự khuyết là nửa năm. Rất hy vọng ông sẽ trao đổi với họ thêm một lần nữa, trong đó chỉ rõ hai điểm:
(1) Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải tranh thủ quy mô lực lượng to lớn của quần chúng để chuẩn bị tiến hành các cuộc bạo loạn, không phải bạo loạn tức thời mà cần phát động thực hiện các cuộc tổng bạo loạn. Tổng bạo loạn chính là triển vọng tương lai của đảng ta, hiện tại chưa đến lúc trở thành khẩu hiệu hành động, mà là khẩu hiệu tuyên truyền, tất nhiên không phải là mỗi đồng chí khi vừa mới gia nhập đảng đã bị giao trách nhiệm bạo động tạo phản.
(2) Mỗi đảng viên sau khi gia nhập nếu vẫn trong thời gian yêu cầu phải làm việc tại đơn vị thì đảng vẫn sẽ điều động họ quay trở về vị trí công tác hiện tại…”.
Gần hai năm sau cái chết của La Bội Lan, người vợ cả của Dương Hổ Thành, Dương Hổ Thành đã kết hôn cùng Tạ Bảo Chân – Chủ nhiệm hội phụ nữ mà Đảng cộng sản phái cử đến quân đội của ông. Tạ Bảo Chân là người Tây An, mối quan hệ của bà và Dương Hổ Thành là do đảng viên cấp trên Ngô Đại Phong giới thiệu se duyên, hai người kết hôn cũng thông qua sự chấp thuận của tỉnh ủy Hà Nam ĐCSTQ. Theo như lời thư ký kề cận Dương Hổ Thành hồi tưởng lại: Sau khi kết hôn, Tạ Bảo Chân thường xuyên lợi dụng thân phận phu nhân của Dương Hổ Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động của Đảng cộng sản. Vào thời điểm đó, rất nhiều cuộc họp bí mật của ĐCSTQ đã được tiến hành tổ chức trong nhà riêng của họ và Dương Hổ Thành chỉ biết mượn cớ tránh đi.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch