Mục lục bài viết
Tưởng Giới Thạch từng luôn cho rằng ĐCSTQ dù sao cũng là người Trung Quốc, ắt hẳn cuối cùng sẽ nhận ra dòng máu dân tộc, tình yêu đất nước luôn không ngừng chảy trong huyết quản của mình, nhất định sẽ đồng lòng nỗ lực vì mục tiêu cách mạng cứu nước. Nhưng, ông đã lầm…
Bên trong câu kết – Bên ngoài liên hợp
Nhật Bản kể từ thời Thiên Hoàng Minh Trị đến nay, từ lâu đã xuất hiện khái niệm gọi là ‘chính sách Bắc tiến đại lục – Nam tiến hải dương’. Lục quân xếp Liên Bang Xô Viết vào hàng ngũ kẻ địch lớn mạnh số một, đưa ra chủ trương Bắc tiến “ưu tiên dốc toàn bộ binh lực dồn ép Liên Bang Xô Viết vào thế khuất phục”. Hải quân bắt chước Nam tiến, sau khi trục xuất Anh, Mỹ ra khỏi địa vị bá chủ tại Đông Á, lại tiếp tục hỗ trợ đối phó Liên Xô. Một tháng trước khi biến cố Tây An nổ ra, vào ngày 25 tháng 11 năm 1936, Nhật Bản và Đức đã ký kết “Hiệp định phản đối Quốc tế cộng sản” tại Berlin, chĩa thẳng mũi nhọn vào Liên Bang Xô Viết.
Trước khi biến cố Tây An khởi phát, Trương Học Lương do chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ cũng như các đảng viên cộng sản kề cận, đã đề xuất xin gia nhập hàng ngũ của ĐCSTQ. Trong quá trình liên hệ, trao đổi thông tin với Trương Học Lương, ĐCSTQ đã che giấu chỉ thị của Quốc tế cộng sản về “Liên minh với Tưởng Giới Thạch chống lại Nhật Bản”; đồng thời đối với Quốc tế cộng sản cũng giấu diếm việc Trương đang lên kế hoạch binh biến. Trương Học Lương hoàn toàn u mê, tự mãn cho rằng đã có ĐCSTQ và lực lượng quân phiệt trong nước ủng hộ, sôi sục quyết tâm phát động binh biến, dùng Tưởng Giới Thạch như một quân bài để mặc cả, thương lượng làm lợi thế, vừa có được sự uy hiếp lớn nhất đối ĐCSTQ, lại có thể đổi lấy một khối lượng lớn tài vật viện trợ từ Liên Bang Xô Viết, xưng bá Tây Bắc.
Ngày 12 tháng 12 năm 1936, Phó tổng tư lệnh tiêu diệt cường đạo Tây Bắc – Trương Học Lương và Tổng chỉ huy quân đoàn 17 của quân đội cách mạng Quốc dân – Dương Hổ Thành đã phát động cuộc binh biến phản loạn ở Tây An, bắt giam Ủy viên trưởng của Ủy ban quân sự Quốc Dân và tiêu diệt Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch ở Tây Bắc.

Sau khi trải qua biến cố Tây An, Tưởng Công đã đưa ra nhận định:
“Cuộc binh biến lần này đã tạo nên một khoảng ngừng ngắt trong quá trình cách mạng Quốc dân chúng ta: Công cuộc 8 năm tiêu diệt cường đạo, dự kiến trong vòng hai tuần (tối đa cũng không quá một tháng) sẽ thành công trọn vẹn, vậy mà cuối cùng đã bị cuộc biến loạn này hủy hoại hết thảy chỉ trong chốc lát. Đồng thời việc kiến thiết kinh tế, giao thông quốc phòng Tây Bắc mấy năm gần đây cũng đã làm hao tổn, kiệt quệ bao tâm lực của xã hội, của đất nước; kinh doanh gia công, lắp đặt, quy mô thô sơ, lạc hậu, thêm việc trải qua biến loạn này, tổn thất thật khó mà thống kê nổi. Mong muốn thiết lập lại trật tự địa phương, khôi phục tín dụng kinh tế như trước, quả thật là điều không dễ dàng thực hiện được ngay. Căn cứ vào thực tế mà nhận định, tiến trình kiến lập và xây dựng đất nước ít nhất phải lùi lại ba năm sau, thật bi thương, thống khổ làm sao! Lương tri vốn có của kẻ khởi xướng binh biến phản loạn chắc hẳn cũng đang xáo trộn như vậy, cũng phải dằn vặt tự hối vì sự khinh suất tùy tiện và hành vi ngông cuồng của bản thân mà dẫn đến hậu quả không thể quay đầu chuộc lỗi.”
(Ký sự nửa tháng tại Tây An, 1937)
Tưởng Giới Thạch luôn cho rằng ĐCSTQ dù sao cũng là người Trung Quốc, ắt hẳn cuối cùng sẽ nhận ra dòng máu dân tộc, tình yêu đất nước luôn không ngừng chảy trong huyết quản của mình, nhất định sẽ đồng lòng nỗ lực vì mục tiêu cách mạng cứu nước. Vì thế, Tưởng Giới Thạch một lòng lưu giữ ý niệm thiện lương, hết lòng tuân thủ cam kết, cải tổ, biên chế lại quân đội ĐCSTQ và phát lệnh chấm dứt khẩu hiệu “diệt cộng”.
Từ sau biến cố Tây An, giới chính trị và quân sự Nhật Bản đã được tận mắt chứng kiến sự thống nhất trong nội bộ Trung Quốc, chính phủ Quốc Dân đang chuẩn bị dung nạp thêm ĐCSTQ để huy động sức mạnh chống lại Nhật Bản, nhận thấy mối đe dọa ngày một lớn dần, vì vậy không chờ đến khi chính phủ Trung ương có thêm thời gian chuẩn bị vũ trang tham chiến, Nhật Bản lập tức phát động trận chiến trên cầu Lư Câu, bắt đầu tiến trình thôn tính Hoa Bắc, Trung Quốc.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Liên Xô lại dốc toàn lực nhằm xúc tiến hòa bình, tìm giải pháp tháo gỡ cho biến cố Tây An, Joseph Stalin biết rằng chỉ có Tưởng Giới Thạch mới có thể lãnh đạo toàn bộ đất nước Trung Quốc đứng lên quật khởi trong cuộc kháng chiến chống Nhật, bảo vệ lợi ích thiết thân của Liên Xô, cũng như để tiêu trừ mối đe dọa của quân đội Nhật Bản. Liên Xô đã nghiêm lệnh chỉ thị ĐCSTQ không được giết Tưởng Giới Thạch, khiến cho quân đội Nhật Bản phải tức tốc tấn công Trung Quốc sau một thời gian ngắn, bước đi này đã giúp Liên Xô tránh khỏi cục diện bị chèn ép từ hai phía, một là quân Nhật Bản Bắc tiến, một nữa là đảng quốc xã Na-zi (đảng Phát-xít do Hít-le cầm đầu) đang chĩa mũi nhọn tấn công Liên Xô.
Trong lúc ĐCSTQ bị Quốc quân vây khốn ở bắc Thiểm Bắc, đứng trên bờ vực nguy vong, may mắn nhờ vào biến cố Tây An mà “tuyệt xứ phùng sinh” (gặp được đường sống trong cõi chết), trong suốt khoảng thời gian 8 năm tiếp sau đó, đã không ngừng phát triển mạnh mẽ theo chiến lược “một phần chống Nhật Bản, hai phần ứng phó, bảy phần phát triển” của Mao Trạch Đông.
Nếu không có biến cố Tây An, cuộc kháng chiến chống lại Nhật Bản của Trung Quốc trên mọi phương diện có lẽ bị trì hoãn, kéo dài, Nhật Bản có khả năng sẽ ưu tiên chủ trương Bắc tiến tấn công Liên Xô trước, thay vì phát động Nam tiến bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng như điều đã xảy ra, theo đó thì “kịch bản” về chiến tranh thế giới thứ 2 cũng như lịch sử thế giới sẽ được viết lại.
Thiếu tướng Đông Bắc
Trương Học Lương là người tiếp quản đảng phái quân phiệt Phụng Hệ, thay thế Trương Tác Lâm. Thuở thiếu niên Trương Học Lương đã được đắc chí, mười chín tuổi theo học ở võ đường Đông Bắc, sau khi tốt nghiệp một năm đã đảm nhiệm vị trí Lữ đoàn trưởng và được phong hàm Thượng tá. Vào thời điểm cao trào của cuộc Bắc phạt, Phụng Hệ thất bại, Trương Tác Lâm trên đường rút lui tháo chạy từ Bắc Kinh về Thẩm Dương đã bị ném bom tử nạn ở thôn Hoàng Cô. Trương Học Lương sau khi lên nắm quyền, đã phát đi “điện báo tuyệt đối không gây trở ngại cho tiến trình thống nhất đất nước”, tuyên bố trung thành, tận tâm tận lực cống hiến cho chính phủ Quốc Dân, quy thuận Dân quốc, đổi màu cờ vùng Đông Bắc, từ đó Trung Quốc đã thực hiện được sứ mệnh thống nhất đất nước trên phương diện hình thức.
Trương Học Lương đã từng vì đường sắt vùng Trung Đông mà nảy sinh tranh chấp với Liên Xô. Sau khi đổi màu cờ vùng Đông Bắc, ông ta một lòng ủng hộ chính phủ Trung ương, tham gia đại chiến Trung Nguyên, khống chế được bốn tỉnh Đông Bắc và bốn tỉnh Hoa Bắc, trở thành nhân vật quan trọng của Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi quân chủ lực của ông ta tiến vào vùng Sơn Hải Quan, do binh lực của ba tỉnh miền Đông Bắc không đủ, đội quân Quan Đông của Nhật đã nhân cơ hội này để phát động “Biến cố 918”.
Trước khi biến cố Tây An nổ ra, Trương Học Lương nắm trong tay mấy chục vạn quân Đông Bắc tinh nhuệ được huấn luyện toàn diện, bắt đầu từ đại doanh phía bắc, không hề chống cự, cho nên đã lần lượt đánh mất lãnh thổ, đầu tiên là mất Thẩm Dương, thứ hai là mất Cẩm Châu, ba mất Đông Bắc, bốn mất Nhiệt Hà. Ngày 2 tháng 1 năm 1932, toàn bộ quân đội Đông Bắc rút lui về quan nội (miền tây Sơn Hải Quan, Trung Quốc). Kể từ khi Nhật Bản khởi xướng “biến cố 918” đến khi Trương Học Lương nhượng lại toàn bộ lãnh thổ ba tỉnh phía Đông, ông ta chưa từng phát lệnh tác chiến dù chỉ một lần.
Trong “Biến cố 918”, quân đội Nhật Bản tấn công thành phố Phụng Thiên
Trong đêm nổ ra “Biến cố 918”, Trương Học Lương hai lần hạ lệnh không kháng cự. Thời điểm quân đội Nhật Bản ồ ạt tấn công đại doanh phía bắc, tham mưu trưởng quân đội Đông Bắc – Vinh Trăn đã xin chỉ lệnh của Trương Học Lương. Tuy nhiên ông chỉ nhận được câu trả lời qua điện thoại: “Cần xem trọng tôn chỉ hòa bình và liên minh quốc tế, tránh mâu thuẫn xung đột.”
Vào năm 1990, Trương Học Lương đã đồng ý tham gia một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK Nhật Bản, trong ký sự hồi ức về những năm cuối đời, ông phát biểu, “Quân đội Đông Bắc chúng tôi đã tự lựa chọn con đường là không kháng cự, không chống đỡ. Tôi khi đó nhận định rằng người Nhật Bản không thể chiếm đóng toàn bộ Trung Quốc, tôi đã không nhận ra ý đồ xâm lược của họ. Cho nên luôn gắng sức hạn chế kích động người Nhật Bản, quyết không cho họ mượn cớ để mở rộng chiến tranh. Đối với “Biến cố 918” lần này, tôi đã nhận định hoàn toàn sai lầm rồi.”
Ngày 8 tháng 12 năm 1931, Tưởng Giới Thạch gửi điện báo cho Trương Học Lương: “Quân đội Cẩm Châu tuyệt đối không được rút lui vào thời điểm này.” Ngay ngày hôm sau, Tưởng Công lập tức phái cử một biệt đội không quân vào trợ chiến. Ngày 29 tháng 12, hội nghị chính trị Trung ương Quốc Dân đảng (Lúc này Tưởng Giới Thạch đã từ chức lui về, Tôn Khoa đang nắm quyền) đã đưa ra quyết định: “Nếu bị xâm lược thì phải chống cự.” Chính phủ Quốc Dân đã đánh điện thông báo cho Trương Học Lương về tôn chỉ tinh thần của hội nghị. Tuy nhiên Trương Học Lương phủ nhận và gửi điện trả lời rằng: “Thế lực mạnh yếu đối lập, tương quan chênh lệch, bất luận có phấn chấn ra sao, tất yếu cũng không nắm được vận may.”
Ngày 6 tháng 8 năm 1932, Uông Tinh Vệ liên tục gửi 5 điện thư, chỉ trích Trương Học Lương “năm ngoái bỏ lại Thẩm Dương, để mất Cẩm Châu, khiến 30 triệu đồng bào, mấy trăm ngàn ruộng đất, lãnh thổ rơi vào tay giặc ngoại xâm, vừa mang lại lợi ích lại tiếp thêm sự kiêu ngạo hống hách cho quân địch, kéo dài đến Tùng Hỗ”, cho đến nay cũng “chưa từng nghe tin xuất một quân binh, phóng một mũi tên, quả thực chỉ là muốn mượn danh vỏ ngoài kháng chiến, để lấp liếm sự cấu kết liên minh ở bên trong”. Ngày 8 tháng 8, Uông Tinh Vệ đã tổ chức cuộc họp báo đưa tin: “Hôm nay thế trận ở Nhiệt Hà phản ánh tình tình khẩn cấp, Bình Tân cũng hết sức nguy nan, Trương Hán Khanh bị bao vây, dân tộc rơi vào vòng nguy vong, ngàn cân treo sợi tóc, vậy nên đường lối cứu nước duy nhất lúc này chính là tiêu trừ quân phiệt, thống nhất nội chính.”
Lúc này Trương Học Lương nghiện ma túy đã rất nặng, trước khi trận chiến Nhiệt Hà diễn ra, trên đường đến tiền tuyến thị sát, Tống Tử Văn đã phát hiện Trương Học Lương cứ mỗi chặng đường khoảng 40km phải dừng xe để tiêm một mũi morphine.
Từ năm 1933 đến năm 1934, Trương Học Lương sang Châu Âu cai nghiện ma túy. Sau khi trở về nước, Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm ông ta làm Phó tổng tư lệnh tiêu diệt cường đạo ở ba tỉnh Ngạc – Dự – Hoàn. Trương Học Lương dẫn đầu 10 vạn quân Đông Bắc đối đầu với 3000 hồng quân Liên Xô, song đại bại.
Năm 1935, Tưởng Giới Thạch tiếp tục bổ nhiệm Trương Học Lương làm Phó tổng tư lệnh tiêu diệt cường đạo Tây Bắc, dẫn đầu hai mươi vạn quân Đông Bắc tiến vào Thiểm Tây và Cam Túc. Thiểm Tây lúc đó chịu sự khống chế của thế lực quân phiệt Dương Hổ Thành, hắn vốn xuất thân là kẻ cầm đầu một nhóm thổ phỉ hơn mười người, nay trở thành thủ lĩnh quân chính của tỉnh Thiểm Tây.
Thành lập một “Quốc gia” nằm trong lãnh thổ Trung Quốc
ĐCSTQ đã thừa lúc Bắc phạt, Chính phủ Trung ương và quân phiệt địa phương kịch liệt giao chiến mà đẩy mạnh phát triển. Tổ chức này được thành lập vào năm 1921, trải qua cuộc hợp tác Quốc – Cộng lần thứ nhất, sau khi Tưởng Giới Thạch tiến hành thanh lọc đảng, đã bắt đầu khởi binh ở Nam Xương vào năm 1927, tự lập một quốc gia nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, công khai đối kháng với chính phủ Quốc Dân. Từ hơn một vạn người đã phát triển thành 30 vạn, quân đội chính quy, dân quân địa phương tăng tới quy mô hàng chục vạn người, hơn thế nữa còn kiểm soát sáu khu vực Xô Viết lớn trải dài trên khắp các tỉnh của Trung Quốc như khu Xô Viết Cán Mẫn, khu Xô Viết Chiết Cán, khu Xô Viết Tương Cán, khu Xô Viết Tương Ngạc Tây, khu Xô Viết Ngạc Dự Hoàn, khu Xô Viết Thiểm Bắc, v.v… Địa bàn của nó đã mở rộng đến sáu mươi huyện với dân số là 4,3 triệu người và diện tích lãnh thổ trên 80.000 km2.
Từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, ĐCSTQ đã giành được chiến thắng đầu tiên trong trận chiến chống lại sự bao vây truy quét của Quốc quân. Chính phủ Quốc Dân thông qua trận chiến này đã nhận thức được sự liều lĩnh bất chấp của ĐCSTQ nhằm mở rộng tổ chức, khuếch trương thế lực, đồng thời cũng phải thừa nhận rằng Quốc quân không thể chỉ dựa vào sức mạnh của một tỉnh mà có thể thanh trừ loại bỏ ĐCSTQ. Hơn một tháng sau “Biến cố 918″, vào năm 1931, ĐCSTQ đã lợi dụng bối cảnh nước ngoài xâm lược, phe cánh quân phiệt trong nước chia cắt lãnh thổ và sự yếu nhược của chính phủ Trung ương làm bàn đạp, đồng thời dưới sự hỗ trợ tiền tệ và kiểm soát trực tiếp của Quốc tế Cộng sản, vào ngày 7 tháng 11, ngày quốc khánh Liên Bang Xô Viết, “Quốc gia Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa” đã chính thức được thành lập tại Thụy Kim, Giang Tây. Quốc gia Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa được thành lập trong lòng lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc, hơn nữa có khoảng cách rất gần với thủ đô Nam Kinh. Theo lời của Tưởng Giới Thạch đã nói, chỉ cần một chút bất cẩn là họ có thể tiến vào đánh chiếm Nam Kinh.
Trong “Thông báo của Ủy ban điều hành Trung ương nước Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa” đã nêu rõ, kể từ bây giờ trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ tồn tại hai quốc gia hoàn toàn khác biệt. Theo luận điệu của ĐCSTQ, một quốc gia là Trung Hoa Dân Quốc, là công cụ của chủ nghĩa đế quốc; một quốc gia khác là Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa, là quốc gia của quảng đại quần chúng Công – Nông – Binh đang gánh chịu sự áp bức bóc lột, họ là lá cờ đầu, là lực lượng nòng cốt nhằm đả đảo chủ nghĩa đế quốc, tiêu diệt giai cấp địa chủ, lật đổ chính phủ quân phiệt Quốc Dân đảng và thành lập chính phủ Xô Viết trên toàn bộ Trung Quốc…
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch