Mục lục bài viết
“Hiện nay, xã hội khủng hoảng suy bại, nhân tâm mê mờ, vô kỷ luật, trật tự hỗn loạn, vô liêm sỉ, không coi trọng tín nghĩa, vậy nguyên nhân là do đâu?”
Người Trung Quốc vứt bỏ nền tảng lập quốc, dẫn sói vào nhà
Năm 1915, Nhật Bản đã lợi dụng “Điều 21” để bức ép, đe dọa chính quyền Viên Thế Khải, qua đó tiến thêm một bước trong công cuộc khuếch trương quyền lợi ở Trung Hoa và chôn vùi ngòi nổ của “Phong trào Ngũ Tứ” (phong trào Cách mạng ngày 4 tháng 5 năm 1919 ở Trung Quốc, nổ ra dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng 10 Nga 1917). Vào thời điểm Trung Quốc đang vùi mình trong thảm họa, nhân dân vì quá thất vọng mà đi đến tuyệt vọng, “Phong trào Ngũ Tứ” đã phô bày trọn vẹn sự tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, khẩu hiệu “Phản đối Chủ nghĩa đế quốc – Chống lại chế độ phong kiến” được nêu cao để bài xích nền văn minh phương Tây và truyền thống văn hóa 5.000 năm, đồng thời cũng mở đường dẫn lối cho Chủ nghĩa cộng sản tiến nhập vào Trung Quốc.

“Sau phong trào Ngũ Tứ, tư tưởng Chủ nghĩa tự do và Chủ nghĩa cộng sản được lưu hành phổ biến trong nước. Đối với văn hóa Trung Quốc, họ chỉ truy cầu sự thay đổi mà không biết rằng đó là điều thiêng liêng bất biến. Đối với văn hóa Tây Dương (chỉ các nước Âu Mỹ), họ chỉ mô phỏng về mặt hình thức, mà không theo đuổi giá trị tinh hoa và ý nghĩa của nó để mang lại lợi ích cho Trung Quốc về quốc kế dân sinh (đường lối củng cố, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân). Đây thực sự là mối nguy lớn nhất của sự xâm lược văn hóa, đồng thời cũng là mầm mống tai họa lớn nhất cho tinh thần dân tộc” (Tưởng Giới Thạch, ‘Vận mệnh của Trung Quốc’).
“Trên một phương diện khác, trong gần một trăm năm trở lại đây, văn hóa Trung Quốc đã bộc lộ những khiếm khuyết và phát sinh những lỗ hổng to lớn. Nguyên nhân là bởi vì dưới sự áp bức của các hiệp ước bất bình đẳng, công dân Trung Quốc đối với văn hóa Tây Dương, xuất phát từ sự cự tuyệt đến chịu khuất phục, đối với văn hóa cố hữu của đất nước, khởi điểm từ sự tự hào kiêu hãnh rồi đi đến tự ti. Từ khuất phục chuyển sang hết lòng tin tưởng một cách thái quá, thậm chí tự nhận mình là tín đồ trung thành của một học thuyết nước ngoài nào đó. Từ tự ti chuyển sang buông bỏ một cách mất lý trí, nhẫn tâm khinh miệt di sản văn hóa vốn có của Trung Quốc chúng ta” (Tưởng Giới Thạch, “Vận mệnh của Trung Quốc”).
Tưởng Giới Thạch sáng suốt mà nhận thức ra rằng, lịch sử và văn hóa dân tộc chính là nguồn năng lượng, là sức mạnh tối căn bản của một quốc gia:
“Nói một cách đơn giản, hiện nay đất nước trong tình cảnh yếu nhược như vậy, kinh tế xã hội đang trên đà suy thoái, lòng người buông xuôi vô cảm cực độ, vậy thực trạng này khởi phát từ nguyên nhân nào? Chính là bởi vì chúng ta đã vứt bỏ hết thảy chủ nghĩa cao đẹp, không màng đến giá trị tinh thần lập quốc trị quốc vẹn toàn và mỹ đức vốn có của dân tộc mình, thật vậy, chỉ cần hôm nay hướng về Đông một chút và ngày mai kéo sang Tây một chút, không chỉ là quên hết tinh thần lập quốc tốt đẹp cố hữu nội tại, hơn thế nữa còn đánh mất giá trị con người, thậm chí còn quên mất rằng bản thân mình là người Trung Quốc! Điều này đã khiến cho tinh thần đạo đức dân tộc hoàn toàn tiêu biến mất, một chút cũng không lưu lại. Nếu như một người không có tinh thần, cho dù đang sống thì cũng giống như đã chết; Một quốc gia nếu để lạc mất linh hồn dân tộc của mình, thì chỉ là tồn tại trên danh nghĩa, còn về bản chất cũng giống như đã tiêu vong từ rất lâu rồi. Hiện nay, xã hội khủng hoảng suy bại, nhân tâm mê mờ, vô kỷ luật, trật tự hỗn loạn, vô liêm sỉ, không coi trọng tín nghĩa, vậy nguyên nhân là do đâu? Hoàn toàn là bởi vì tinh thần lập quốc của chúng ta đã chết rồi. Nếu chúng ta không tìm cách cứu vãn, phục hưng tinh thần dân tộc này thì họa diệt vong đang đón chờ phía trước “(Tinh thần lập quốc của Trung Quốc, 1932).
“Vì vậy chúng ta cần phải biết rằng tinh thần dân tộc của một quốc gia có tầm quan trọng đến như vậy. Một khi tinh thần dân tộc lạc mất rồi, quốc gia đó có cũng như không, tồn tại mà như đã chết! Nếu như có được tinh thần dân tộc này thì ngay cả khi đất nước bị diệt vong, cũng có thể phục hưng trở lại! Vì vậy, chúng ta không cần lo sợ người Nhật Bản xâm lược như thế nào, mà chỉ e ngại rằng trong bản thân mỗi chúng ta không nuôi dưỡng tinh thần dân tộc” (Tinh thần lập quốc của Trung Quốc, 1932).
Trung Nguyên nội loạn triền miên
Vào thời điểm này, chính phủ Quốc dân chỉ trực tiếp kiểm soát khu vực Tinh Hoa Hoa Đông Trung Quốc; tại chính phủ Trung ương thì Ninh Việt cũng trong tình trạng phân tách biệt lập; Hồ Hán Dân ở Quảng Đông đã thành lập một chính phủ Quốc dân mới. Lúc đó mặc dù các khu vực khác của Trung Quốc trên danh nghĩa vẫn trực thuộc chính phủ Quốc dân, tuy nhiên trên thực tế lại tồn tại hơn sáu mươi phe phái quân phiệt lớn nhỏ, đã dùng vũ lực chiếm đóng một số căn cứ địa, hình thành tình trạng chia cắt và đối đầu trên cả nước.
“Những chính khách quân phiệt này không chủ trương thống nhất đất nước, cái tâm ích kỷ phân tách lãnh thổ để chiếm giữ, lập chủ quyền riêng và truyền thống kế thừa cha truyền con nối không bị phá bỏ bài trừ, Trung Hoa cũng vì thế mà không thể kiến lập đất nước trong bối cảnh hiện tại, mà tiếp tục phải gánh chịu sự xâm phạm, bức ép, khinh miệt không có điểm dừng của chủ nghĩa đế quốc” (“Ký sự Tổng thống Tưởng Trung Chính gắng gượng vực dậy trong khó khăn”). Bên ngoài có Nhật Bản, bên trong có Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc không thể thống nhất, bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến, không có cách nào chống đỡ sự xâm lược áp bức của Nhật Bản.
Sau thời kỳ Bắc phạt, Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hi bên Quế hệ chiếm giữ các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc; Quân Tây Bắc của Phùng Ngọc Tường khống chế Thiểm Tây, Cam Túc, Sát Cáp Nhĩ, Hà Nam; Diêm Tích Sơn chỉ huy quân Tấn chiếm đóng Thiểm Tây, Tuy Viễn và Bình Tân; Quân Đông Bắc của Trương Học Lương quản lý bốn tỉnh đông bắc. Binh lực của từng bên đều vượt qua hơn hai mươi vạn quân. Lợi ích của các thủ lĩnh quân phiệt phụ thuộc vào quân đội và địa bàn của họ, quốc gia và dân tộc lại càng không phải là vấn đề trọng điểm mà họ phải suy xét cân nhắc bảo vệ. Thủ lĩnh quân phiệt đề cao binh lực, chi phí dành cho việc phát triển quân sự chiếm đến hơn 75% tổng thu ngân sách toàn quốc.
Năm 1929, Tưởng Giới Thạch tính toán lên kế hoạch sử dụng các biện pháp hòa bình nhằm cắt giảm lực lượng quân đội dự bị của các phe cánh Quân phiệt. Các thủ lĩnh quân phiệt đã bắt đầu chuẩn bị vũ trang phản loạn, đến Trung Nguyên châm ngòi cho một trận đại chiến. Diêm Tích Sơn liên hợp với Phùng Ngọc Tường, Lý Tông Nhân, ba nhà thủ lĩnh quân phiệt đã tiến hành huy động tổng số binh lực lên tới hơn 70 vạn người, cộng thêm 60 vạn quân nhân trung ương cùng tham chiến, như vậy hơn 100 vạn người đã bị cuốn vào cuộc nội chiến do các phe phái quân phiệt khởi xướng ở Trung Quốc.
Trương Học Lương dẫn dắt mũi quân chủ lực của quân đội Đông Bắc tiến vào cửa ải biên giới Sơn Hải Quan, khống chế khu vực Kinh Tân, chấm dứt trận đại chiến ở Trung Nguyên, đồng thời cũng khiến cho quân lực Quan nội (Chỉ miền tây Sơn Hải Quan, Trung Quốc) trở nên trống rỗng, đây cũng là điềm báo tiêu vong trước khi “sự kiện 918” được phát động, khởi xướng bởi quân đội Nhật Bản (Sự kiện 918 là cách gọi của người Trung Quốc về việc ngày 18/9/1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc của nước này bị Nhật đánh chiếm).
Khói thuốc súng của trận đại chiến Trung Nguyên vẫn còn chưa tan hết, Uông Tinh Vệ và Lý Tông Nhân đã nhanh chóng thành lập một chính quyền trung ương khác ở Quảng Đông, cấu kết với Nhật Bản, ủng hộ ĐCSTQ, xuất binh Bắc Thượng thảo phạt Nam Kinh. Trong khoảng thời gian này ĐCSTQ cũng trù tính kế hoạch thành lập chính quyền Xô-Viết ở Giang Tây, bối cảnh trên càng khiến cho Tưởng Giới Thạch lo lắng bất an. Chỉ có ông là người hiểu rõ nhất rằng việc nhân nhượng ĐCSTQ không khác gì dưỡng hổ di hoạn (Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà). ĐCSTQ có tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản và cương lĩnh chính trị rõ ràng, đứng phía sau là quốc tế cộng sản, hoàn toàn khác biệt so với chế độ quân phiệt. Các thủ lĩnh quân phiệt chỉ mong cầu chia cắt lãnh thổ, chiếm đóng cục bộ từng khu vực, làm vua một cõi, nắm trong tay quyền lực sinh sát ở một số địa phương, ngược lại ĐCSTQ lại muốn toàn bộ đất nước Trung Quốc phải đi theo Chủ nghĩa cộng sản.

Chủ nghĩa Tam Dân khơi dậy quốc hồn dân tộc
Đầu năm 1934, Tưởng Giới Thạch đã dùng bút danh Từ Đạo Lân trong “Bình luận ngoại giao” tháng 12, để tuyên bố một bài luận văn quan trọng: “Kẻ thù ư? Hay là bằng hữu?” nhằm thuyết phục Nhật Bản từ bỏ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, đúc thanh kiếm thành lưỡi cày. Trong bài luận đã nêu rõ:
“Trung Quốc không thể muôn đời không tháo gỡ “nút thắt” trong tư tưởng mà ôm giữ quan niệm thù hận, thật vậy yêu hay ghét, bằng hữu hay kẻ địch hoàn toàn có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Nếu Nhật Bản thật sự có thể từ bỏ hành vi xâm lược lãnh thổ, chiếm hữu đất đai thì Trung Quốc cũng nguyện ý giao kết mối quan hệ hữu hảo, Trung Quốc đối với các nước phương Tây còn sẵn sàng trở thành bằng hữu, huống hồ là cùng một châu lục, cùng một nhân chủng? Nhật Bản vốn là dân tộc phương Đông, về lý giải tâm lý và đặc tính của người phương Đông nói chung cũng như người Trung Quốc nói riêng thì chính là luôn coi trọng tình cảm, coi trọng khí tiết lễ giáo và đạo đức tín nghĩa.”
“Chúng tôi xin đưa ra lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với Nhật Bản, hễ là công dân có đặc tính phương Đông cố hữu, có ý thức quốc gia, thì hành vi mà họ khó nén chịu nhất chính là dã tâm tiêu diệt tinh thần dân tộc và lịch sử văn hóa.”
Tưởng Công đã nhìn thấu được những quan niệm nhận thức lệch lạc của Nhật Bản đối với lịch sử Trung Quốc, thì ra người Nhật chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết thiếu sót, mà không nhận ra những ưu điểm lợi thế của dân tộc Trung Hoa. Phẩm chất đức hạnh cao đẹp và văn hóa vốn có của Trung Quốc chính là nền tảng căn bản của chủ nghĩa Tam Dân, đây cũng là quốc hồn, quốc túy, chỉ cần có thể khơi dậy quốc hồn dân tộc, người Trung Quốc đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Tam Dân, thì sức mạnh tinh thần của Trung Quốc nhất định sẽ đánh bại hết thảy lực lượng vật chất của kẻ thù.
“Nhân tố then chốt quyết định thắng bại chính là ngay cả trong trạng thái bình ổn nhất cũng cần phải “biết mình biết người”. Người Nhật đối với tình hình Trung Quốc trên mọi phương diện mặc dù đều có cái nhìn rất thấu đáo, tuy nhiên quan niệm nhận thức đối với lịch sử của dân tộc Trung Hoa lại phạm phải một sai lầm to lớn – chính là đã đánh giá nhận định dân tộc Trung Quốc chúng ta chỉ là một nhân chủng hèn mọn thấp kém đã quen với việc trở thành vong quốc nô (nô lệ mất nước).
“Người Nhật Bản đã hình thành góc nhìn và nhận định lệch lạc đối với Trung Hoa Dân quốc, nhất là vào những năm đầu tiên của Cộng hòa đến thời đại Viên Thế Khải, khi tận mắt chứng kiến những thế lực quân phiệt và tầng lớp quan lại quan liêu hống hách phô bày sự ích kỷ tư lợi, tham ô tham nhũng, bẻ cong luật pháp, hèn hạ tồi tệ, không mang một chút quan niệm quốc gia dân tộc, cũng không hề mảy may một chút tinh thần cứu nước cứu dân, Người Nhật Bản bởi vậy mới đưa ra nhận định rằng: Hết thảy quan lại và quân nhân Trung Quốc đều là như vậy. Người Trung Quốc từng người từng người chỉ là nhân chủng thấp kém, bất cứ ai họ cũng có thể lợi dụng mua chuộc và có thể khống chế áp bức.
“Bởi vì ôm giữ thành kiến này nên người Nhật mới có can đảm tiến vào Trung Quốc một cách ngang ngược và lộng hành đến vậy. Họ cho rằng đối với Trung Quốc, hoàn toàn có thể không cần chiến đấu thì họ đã chịu đầu hàng khuất phục, không cần xâm lược đã tự bại vong. Người Nhật Bản quan sát dân tộc Trung Quốc, chỉ là nhìn nhận trên một phương diện đầy lỗ hổng và khiếm khuyết, còn đối với những ưu điểm và lợi thế khác, họ hoàn toàn không nhận thấy, hoặc là có nhìn ra được nhưng không hề tập trung chú ý đến.
“Chỉ nhìn thấy triều Tống diệt vong mà không chú ý đến những trung thần nghĩa sĩ đã vì tổ quốc hy sinh trong thời cuối nhà Tống, lại càng không hề chú ý tới nguyên nhân khiến Minh triều hưng thịnh. Chỉ nhìn thấy tình hình Mãn Thanh bế tắc mà không chú ý đến tư tưởng cách mạng đã bao hàm ẩn chứa và thấm sâu trong tâm khảm của quần chúng nhân dân, lại càng không chú ý tới lý do khiến Trung Hoa Dân quốc hưng thịnh. Chỉ nhìn thấy nhân dân triều Nguyên, sau đó nhìn vào Viên Thế Khải mà không chú ý tới vị lãnh tụ cách mạng Tôn thủ tướng của chúng ta; Chỉ tập trung vào lực lượng quân phiệt Bắc Dương, mà không chú ý tới quân đội cách mạng của chúng ta. Họ nhìn nhận dân tộc Trung Quốc, căn cứ vào một phần thực trạng suy bại, tồi tệ, từ đó mạt sát chỉ trích hết thảy mọi phương diện, họ cho rằng một thứ xấu thì cái gì cũng xấu, không có mặt nào tốt đẹp cả.
“Những nhận định lệch lạc theo logic này, tuy được hình thành từ tầm nhìn phiến diện và tâm lý tự cao tự đại, lòng dạ hẹp hòi của dân tộc Nhật Bản, nhưng phần lớn vẫn là do nhận thức về sự vật, sự việc không rõ ràng minh bạch. Bởi vì nhận thức không rõ ràng nên những đánh giá sai lầm của họ sẽ dẫn đến những diễn biến phức tạp và đầy biến động trong tương lai, tất nhiên không thể loại trừ khả năng xảy ra những điều bất trắc, ngoài ý muốn.

“Chủ nghĩa Tam Dân hoàn toàn là vương đạo của hòa bình, nếu đem so sánh với sự độc tài chuyên chế, ngang tàng bạo ngược của Chủ nghĩa đế quốc thì tạo thành hai thái cực đối lập. Trung Quốc chúng ta từ xưa đến nay đều lấy vương đạo để áp chế bá đạo (quân phiệt), cái gọi là “nhân giả vô song” (Tạm dịch: Không gì sánh bằng con người có lòng nhân ái), ‘Nhân’ chính là tôn chỉ trọng yếu của vương đạo, đồng thời cũng là xuất phát điểm của Chủ nghĩa Tam Dân. Nếu dùng Chủ nghĩa Tam Dân để chống lại Chủ nghĩa đế quốc thì nhất định sẽ giành được chiến thắng cuối cùng.
“Vì vậy, Chủ nghĩa Tam Dân không chỉ là nguyên tắc cao nhất của cuộc cách mạng chống ngoại xâm nhằm gột rửa nỗi nhục nô lệ mất nước và xây dựng phát triển quốc gia, mà còn là nguồn sức mạnh to lớn nhất. Tinh thần căn bản của Chủ nghĩa Tam Dân chính là lưu truyền lại những phẩm chất đức hạnh cao đẹp và văn hóa truyền thống vốn có của Trung Quốc, vì vậy Chủ nghĩa Tam Dân chính là quốc hồn của dân tộc.
“Để cứu vãn, xoay chuyển tình thế đất nước, trước tiên chúng ta cần phải khơi dậy quốc hồn dân tộc, sau đó nỗ lực phát huy thông qua sự tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa Tam Dân, lấy tư tưởng ngưỡng mộ Chủ nghĩa Tam Dân làm trọng tâm duy trì sự kiên định với niềm tự tôn, ý thức thống nhất đất nước và phát huy tinh thần dân tộc. Chúng ta mặc dù trên phương diện vật chất không thể so bì với kẻ địch, nhưng với sức mạnh tinh thần dân tộc, chúng ta nhất định có thể chiến thắng hết thảy sức mạnh vật chất của kẻ thù.” (“Đạo lý quan trọng về việc Chính phủ và nhân dân đồng lòng cứu quốc”)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Tác giả: Tổ nghiên cứu anh hùng thời đại – Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch