Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông hào hùng, tràn đầy khí chất, là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Chúng tôi tiến hành loạt bài về 24 nhân vật anh hùng thiên cổ (“Thiên cổ anh hùng”) ngõ hầu phục hưng tinh hoa văn hoá truyền thống cũng như những giá trị đạo đức quý báu của người Á Đông.

Tương truyền rằng: ở Cam Châu, Trương Tam Phong có lưu lại một bầu hồ lô thuốc. Nếu ai có bệnh, chỉ cần đem một cọng cỏ lành tính nhúng vào đó, chờ qua ngày hôm sau lấy ra sắc thuốc rồi uống, bệnh lập tức khỏi ngay…

Sinh thời, Trương Tam Phong lưu lại rất nhiều đi tích ở Cam Châu, nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Thời nhà Hạ, đây là nơi sinh sống của tộc Tây Khương, một dân tộc thật thà (cổ phác). Thời Hán Vũ Đế, Cam Châu là một trong những viên ngọc sáng trên ‘con đường tơ lụa’.

4. ‘Thần vật’ ở Cam Châu

Trương Tam Phong tu Đạo thành Chân nhân, nhưng vì chưa hoàn thành sứ mệnh nên đã đem một phần văn hoá Đại Đạo lưu lại cho dân tộc giản dị thật thà tại vùng đất Cam Châu này.

Trong ‘Hồi văn thi’, Trương Tam Phong viết:

Bên cầu ngắm liễu nhìn ra vịnh
Trên đầu trăng sáng nước xa xăm
Cưỡi hạc đi về trong đêm tối
Lặng lẽ chơi đàn dưới trời mây.


Đốt đá (1) nhóm lửa nhưng thiếu bếp
Hái thuốc tìm Tiên trải mấy phen
Bầu rượu treo cây, cao nhân ẩn
Nước suối trong xanh rửa bụi trần.

Tương truyền rằng: ở Cam Châu, Trương Tam Phong có lưu lại một bầu hồ lô thuốc. Nếu ai có bệnh, chỉ cần đem một cọng cỏ lành tính nhúng vào đó, chờ qua ngày hôm sau lấy ra sắc thuốc rồi uống, bệnh lập tức khỏi ngay. ‘Định tây tổng binh’ (chức quan lớn) nơi đó lệnh mời thuộc hạ đến dự yến tiệc. Định tây tổng binh lấy bầu thuốc chuyền tay cho mọi người xem chơi, đột nhiên bầu thuốc vỡ tan tành.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Đây là ‘Thần vật’ của Trương Tam Phong, không thể bất kính. Cũng bởi bất kính nên mới không lưu lại cho hậu thế.

Trong ‘Thục thị đề’, Trương Tam Phong có nói bầu thuốc này là bảo vật vô giá:

Sáng ở Thanh Thành (2) tối nhập sơn
Nơi đất Ba Thục người rất đông
Cả ngày ai nấy đều bận rộn
Nhưng miệng vẫn hát khúc giáng Tiên.


Hồ lô bằng ngọc, vật vô giá
Tứ Xuyên phong nguyệt an lạc khu (3).
Núi sông thành thị rong chơi khắp
Có chỗ đề thơ nhất trần đời.

Trương Tam Phong ở Cam Châu còn lưu lại một bức tranh ‘Bát Tiên quá hải’ (8 Tiên vượt biển). Chỉ huy quân đội ở Cam Châu có được bức ‘Bát Tiên quá hải’, bèn treo ở gian nhà lớn, ông không biết đây là ‘Thần vật’.

Tranh vẽ Bát Tiên quá hải (Nguồn: Wikipedia)

Có một lần người thân thích đến nhà vị chỉ huy chơi, đêm đến nghe tiếng sóng vỗ rì rào, người ấy tưởng rằng Hà Bá đến bắt người. Sau đó người thân thích này kể cho vị chỉ huy, họ cùng nhau trao đổi rồi phát hiện: âm thanh từ trong bức tranh phát ra.

Bát Tiên là chỉ 8 vị Thần Tiên trong Đạo gia, bao gồm: Thiết Quải Lý, Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hoà và Tào Quốc Cữu.

‘Bát Tiên quá hải, các hiển thần thông’ nghĩa là: 8 vị Tiên vượt biển, thi triển đủ loại thần thông. Đây là câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian ở Trung Quốc. Trương Tam Phong có một bài thơ đề cập đến việc ông cùng Lã Động Tân rong chơi khắp Động Đình Hồ (hồ Động Đình).

Trong ‘Động Đình hồ cùng Lã Thuần Dương tiên sinh’, Trương Tam Phong viết:

Gặp được tiên sinh chẳng vô duyên
Hỏi Đạo tầm Chân đã mấy niên (4)
Phiêu phiêu thổi sáo bay trong gió
Thướt tha lẫm liệt nước Long Tuyền.

Thân từ đại hải đến gặp mưa
Tay phẩy mây bay thấy trời thưa.
Nguyện cùng tiên sinh độ nhân thế
Động Đình phân chia đất Xuyên xưa.

5. Đến thăm Ba Thục

Trong ‘Hoàn Thục ngâm’ (Ngâm thơ khi trở về Thục), Trương Tam Phong đã kể về mối lương duyên của mình với vùng đất Ba Thục như sau:

Sáu phương (5) là nhà ta
Trăng sao là đèn ta.
Ta tuy người Liêu Đông
Chơi Thục lại về Thục.

Mây nhẹ núi Vu Sơn
Trăng khuyết núi Nga Mi
Gấm đẹp như gợn sóng
Nắng ấm chờ người xưa.

Đến đâu thấy ảo diệu
Biết đủ tự thấy vui
Cưỡi gió, dừng đâu tá?
Núi Thanh Thành nghỉ chân.

Trong ‘Nhập đất Thục’, Trương Tam Phong viết:

Kiếm khách anh hùng núi Thục cao
Bay tới bay lui hạc cũng lao (6).
Vạn đốm cỏ xanh dần rơi rụng
Nghìn trùng núi bích (7) mấy vòng bao.


Thời thời mục đồng cất tiếng sáo
Xứ xứ rừng thông gió thét gào.
Yêu nhất trăng treo Nga Mi đỉnh
Kẻ sĩ thanh cao khoác đạo bào (8).

Trong ‘Ghi chép về đất Cung Châu’ viết rằng: Trương Tam Phong từng du sơn ngoạn thuỷ đến Thành Đô, sống ở cung Thanh Dương hơn một tháng. Sau này ông đến Hạc Minh Sơn (núi hạc kêu). Hạc Minh Sơn phía bắc dựa vào núi Thanh Thành, phía nam giáp Nga Mi, cho nên Hạc Minh Sơn là ‘danh sơn’ của Đạo gia, trong núi có 24 động cùng hạc đá. Hạc đá ngàn năm kêu một lần, hễ kêu là Tiên nhân xuất ra.

Núi Thanh Thành (ảnh: Wikipedia).

Hạc Minh Sơn có không ít di tích danh lam thắng cảnh. Những di tích này đều có liên quan đến Trương Tam Phong, ví như: Phỏng Tiên nham (đá thăm hỏi Tiên), Nghênh Tiên Các (gác đón Tiên), động Thiên Cốc, đền thờ Trương Thần Tiên, bia ký (9) Trương Thần Tiên, Nghênh Tiên Các bia ký.

Năm Vĩnh Lạc thứ 15, triều Minh (1417), nơi núi Long Hổ, đạo sĩ Ngô Bá Lý đã phụng chỉ của Minh Thành Tổ Chu Nguyên Chương cầm ngự thư (chữ vua viết) nghênh đón chân Tiên Trương Tam Phong, sau đó xây dựng Nghênh Tiên Các.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Đan – 丹: một loại đá đỏ trong thuật luyện kim.
(2) Thanh Thành: địa danh thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nơi đây còn có ngọn núi cùng tên là Thanh Thành Sơn.
(3) An lạc khu: vùng an lạc.
(4) Niên: năm.
(5) Sáu phương: chỉ 2 phương trên – dưới và 4 hướng Đông Tây Nam Bắc (2 + 4 = 6).
(6) Lao: mệt.
(7) Núi bích: núi xanh ngọc bích.
(8) Đạo bào: áo đạo. [Bào trong chiến bào]…
(9) Bia ký: ghi chép trên đá.