Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông hào hùng, tràn đầy khí chất, là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Chúng tôi tiến hành loạt bài về 24 nhân vật anh hùng thiên cổ (“Thiên cổ anh hùng”) ngõ hầu phục hưng tinh hoa văn hoá truyền thống cũng như những giá trị đạo đức quý báu của người Á Đông.
- Trọn bộ “Thiên cổ anh hùng”
Biết Thẩm Vạn Tam là người có phẩm đức và sùng đạo, nên Trương Tam Phong nhận ông làm đồ đệ và dạy cho họ Thẩm thuật luyện kim…
Trong tiểu thuyết ‘Minh – Thanh bút ký’ có kể về rất nhiều sự tích của Trương Tam Phong và các đệ tử của ông, trong đó gây chú ý nhất là câu chuyện truyền kỳ giữa Trương Tam Phong và cự phú Thẩm Vạn Tam.
2. Truyền thuật luyện kim cho Thẩm Vạn Tam
Trương Tam Phong – Thẩm Vạn Tam, một người tựa như ‘Thần Tiên sống’ thoắt ẩn thoắt hiện giữa nhân gian; một người là đệ nhất phú ông xứ Giang Nam.
Trong ‘Trương Tam Phong toàn tập’ chép rằng, sự giàu có của Thẩm Vạn Tam đến từ việc được Trương Tam Phong truyền thụ cho thuật luyện kim.
Thẩm Vạn Tam sống ở Chu Trang – nơi sông Trường Giang đổ ra biển cả. Ban đầu ông chỉ là một ngư dân bình thường. Năm Trí Chính thứ 19 (1359), ông gặp một đạo sĩ với thần thái thanh cao, mặt vuông như mai rùa, mình hạc xương mai, tai to mắt tròn, mình cao bảy thước.
Thẩm Vạn Tam thấy vị đạo sỹ này Tiên phong Đạo cốt, mình mặc áo tơi, đầu đội nón, dù nóng hay lạnh đều giữ phong thái và lối trang phục như vậy. Ông biết đây là một ‘dị nhân’ – người đặc biệt.
Thẩm Vạn Tam vốn là người tốt bụng nên ông đối đãi với Trương Tam Phong vô cùng cung kính. Một ngày nọ, Trương Tam Phong kể về thân thế của mình, Thẩm Vạn Tam nghe xong ‘ngũ thể đầu địa’ (đầu và tứ chi đều cúi rạp xuống đất), bái Trương Tam Phong làm tổ sư và mong cầu chỉ giáo.
Biết Thẩm Vạn Tam là người có phẩm đức và sùng đạo, nên Trương Tam Phong nhận ông làm đồ đệ và dạy cho họ Thẩm thuật luyện kim. Thẩm Vạn Tam mua dược liệu, chọn ngày lành, luyện trong 7×7 49 ngày nhưng không thành, làm Trương Tam Phong thở dài mãi không thôi.
Vạn Tam cho rằng cơ hội chưa đến nên lấy toàn bộ gia sản bán hết rồi luyện tiếp. Lần này luyện đến nửa đường thì lửa đột nhiên bốc cháy, thiêu rụi căn nhà của ông. Thẩm Vạn Tam than thở vì phúc mỏng.
Thấy Thẩm Vạn Tam vì muốn học thuật luyện kim mà tiêu hết gia sản, Trương Tam Phong bèn giúp ông ấy lần nữa. Lần này Trương Tam Phong lấy thuỷ ngân đã qua sử dụng, thêm chút đồng, sắt; nỗ lực một phen, cuối cùng cũng luyện thành ‘hoàng bạch ngọc thạch’ (ngọc thạch có cả hai màu vàng – trắng).
Thẩm Vạn Tam theo chỉ dẫn của Trương Tam Phong, bắt đầu bắc lò luyện đan. Chưa đến một năm, ông đã tích được lượng lớn của cải, trở thành người giàu nhất thiên hạ. Với bản tính thương người, Tam gia hễ thấy người ‘cùng đường khốn khổ’, thì ông đều mở rộng vòng tay chu cấp.
Sau khi truyền đạt cho Thẩm Vạn Tam bí quyết luyện kim thuật, Trương Tam Phong về lại núi Võ Đang.
3. Thầy trò hội ngộ ở Vân Nam
Vân Nam là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc. Các dân tộc ở Vân Nam có quan hệ mật thiết với dân tộc Trung Nguyên, trong đó có tộc người Cảnh Pha, họ tự xưng là ‘Bào Cơ’. Mà ‘Cơ’ là họ nhà Chu, ví như Chu Văn Vương là Cơ Xương, còn Chu Vũ Vương là Cơ Phát…
Trương Tam Phong sống ở Võ Đang 22 năm, sau đó nghe tin Thẩm Vạn Tam đắc tội với triều đình nên bị đày đến Vân Nam. Thế là vào năm Hồng Vũ thứ 25 (1392), ông rời Võ Đang đến Vân Nam.
Thấy gia đình Thẩm Vạn Tam đều là người hữu duyên, hữu ngộ, Trương Tam Phong đã để cho họ rất nhiều vần thơ. Trong ‘Du Kim Lăng tặng Thẩm Vạn Tam’, ông viết:
Từ Tần đi đến đại ngư gia (1)
Thấy rõ mây bay tựa yên hà (2)
Thuyền trăng lướt gió mua rượu đế
Cảm kích nên đã truyền đan sa (3)
Tâm thuật diệu lý nào ai biết
Anh hùng cảm thán mãi khôn nguôi
Muốn đem huyền diệu vào Đạo pháp
Toàn gia hết thảy tới cùng xem.
Trong ‘Tạm biệt Thẩm Vạn Tam’, Trương Tam Phong viết:
Quần hùng quấy nhiễu cần ‘chinh kham’ (4)
Ta cùng tiên sinh thuyết thiển đàm
Hiện tại đông nam vương khí thịnh
Một ngày ta sẽ đến tây nam.
Trong ‘Tương chi Vân Nam tiên ký cố nhân tịnh tự’ viết rằng:
“Từ năm Hồng Vũ thứ 2 là Kỷ Dậu (1369) đến năm Hồng Vũ thứ 24 là Tân Mùi (1391), tổng cộng 22 năm, Trương Tam Phong sống ở Võ Đang. Thời gian đó ông viết Đan kinh, thong dong thanh tĩnh, cưỡi hạc vân du. Gần đây nghe tin Thẩm Vạn Tam đắc tội với triều đình, thế là Trương Tam Phong chuyển đến hồ Điền Trì (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Ân nghĩa năm xưa, ông nào dám quên. Vậy sẽ làm một khúc tặng cố nhân:
“Tuế nguyệt xoay vòng trải mấy xuân
Hai ba năm lẻ tĩnh thân tâm
Hay tin bạn cũ vừa lâm nạn
Khó cản lòng ta gặp cố nhân”.
Trong ‘Điền Nam (Vân Nam) hội Thẩm Vạn Tam kiêm tặng lệnh sai dư thập xá’ viết:
Một nhà thân quyến tiểu du Tiên
Chọn đất Vân Nam tụ một miền
Suối ngọc thanh nhàn vui bước dạo
Băng thanh mấy trượng ẩn sơn biên (5)
Nỗi đời hiểm cảnh lâm tai biến (6)
Tang bồng chưa thỏa chí tu Tiên
Hôm nay ta đến cùng độ thoát
Đại đan chế ngự đại đao quyền.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch
Chú thích:
(1) Đại ngư gia: nhà lớn của người đánh cá.
(2) Yên hà: ráng chiều.
(3) Đan sa: đan/đá đỏ.
(4) Chinh kham: chinh phạt.
(5) Ẩn sơn biên: ẩn dưới núi/bên núi
(6) Tai biến: biến cố tai nạn.