Trong văn học cổ “kiếp phù sinh” vốn chỉ đời người vô thường, ngắn ngủi, dù được sinh ra với phúc phận lớn đến nhường nào thì chúng ta chẳng bao giờ biết được sinh mệnh của mình rồi sẽ trôi dạt về đâu.

Chúng ta là ai? Chúng ta đến từ đâu? Sứ mệnh của chúng ta trong kiếp người là gì? Chúng ta rồi sẽ về đâu? Làm thế nào để đạt được cảnh giới vĩnh hằng của sinh mệnh và liệu rằng chúng ta có thể làm được điều kỳ diệu ấy không? Trong cõi mê này, loài người hẳn đã không ngừng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Có nhà thơ từng thốt lên:

Trần đời mộng huyễn say rồi tỉnh
Dứt kiếp phù sinh ngấn lệ tràn…

Câu thơ như nỗi đau, như sự cảm thông cho những thống khổ vô tận của kiếp người, và cũng như một niềm nuối tiếc; nuối tiếc một kiếp phù sinh chưa kịp trả hết nợ này, dứt hết duyên này, hay thậm chí còn trong mê mà sa vào tranh đấu, vị tư mà tạo thêm không biết bao nhiêu nghiệp ác.

Câu chuyện luân hồi của hoàng đế triều Minh, Minh Thần Tông được ghi nhận trong sử Việt dưới đây không phải để thuyết phục bạn niềm tin hay không tin vào luân hồi, mà đó là câu chuyện để bạn suy ngẫm xa hơn về giá trị của tu hành, về đích đến trong mỗi cuộc đời và rằng mục tiêu lớn lao hơn của mỗi kiếp người không phải chỉ để hưởng chút phú quý phù hoa ngắn ấy…

Minh Thần Tông – Hoàng đế triều Minh có tiền kiếp là một Thiền sư đất Việt

Minh Thần Tông (1563 – 1620) hay còn gọi là Vạn Lịch Đế (萬曆帝), là Hoàng đế thứ 14 của nhà Minh. Ông trị vì trong 48 năm, lâu dài nhất trong các vị Hoàng đế nhà Minh và triều đại của ông cũng chứng kiến sự suy tàn dần dần của nhà Minh.Trong sử sách hiện lưu truyền một câu chuyện kỳ lạ về tiền kiếp của ông tại một ngôi chùa ở làng Bóng, xứ Đông của nước Đại Việt.

Thời vua Lê Kính Tông (1599-1619) triều đình cử một đoàn sứ bộ sang nước Minh; Chánh sứ là Nguyễn Tự Cường (1570-?), Tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1604). Sau khi thực hiện các nghi thức và công việc ngoại giao, lúc vào cung bái yết Hoàng đế, Minh Thần Tông bỗng hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường rằng: “Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu hay không?”. Nguyễn Tự Cường đáp là không biết, ông băn khoăn tự hỏi không rõ vua Minh muốn biết đến ngôi chùa đó làm gì.

Minh Thần Tông nhân đó mới nói với Nguyễn Tự Cường rằng: “Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị Thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào”.

Nguyễn Tự Cường thưa: “Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là kiếp sau của Thiền sư Trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được”.

Minh Thần Tông (1572-1620). (Hình ảnh dẫn qua vi.wikipedia.org)
Minh Thần Tông (1572-1620). (Hình ảnh dẫn qua vi.wikipedia.org)

Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới. Quả nhiên, triều đình nhà Lê đã tìm thấy ngôi chùa có tên chữ là Quang Minh Tự, còn gọi là chùa Bóng (vì xây dựng trên đất làng Bóng nên có tên dân gian như vậy) thuộc địa phận xã Hậu Bổng, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay).

Khi tìm hiểu, các vị sư trong chùa cho biết một câu chuyện trùng hợp, cách đây mấy chục năm, trụ trì của chùa Bóng là Thiền sư Huyền Chân (còn gọi là Thiền sư Bật Sô), người làng Hàm Nghi, xã Danh Hương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình) thế danh là Đức (chưa rõ năm sinh và mất). Trước khi mất, Thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà (Amitabhâ) đến nói cho biết rằng: “Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc”.

Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với đệ tử của mình và dặn: “Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu”. Các đệ tử đều lắng nghe, ghi nhớ và về sau làm theo đúng ý của Thiền sư Huyền Chân.

Nhà Lê cho lấy nước giếng của chùa Quang Minh đem sang dâng lên Minh Thần Tông. Minh Thần Tông liền dùng nước ấy để rửa thì quả là rất hiệu nghiệm, lấy làm vui mừng vì thế đã sai gửi 300 lạng vàng thưởng cho Nguyễn Tự Cường. Tự Cường liền đem toàn bộ số vàng này cúng cho chùa Quang Minh để lo việc trùng tu.

Sau này Nguyễn Tự Cường làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Xuân Quận công; khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo.

Minh Thần Tông (Vạn Lịch hoàng đế) đã hưởng phúc báo có được nhờ tu hành như thế nào?

Câu chuyện luân hồi ly kỳ của Hoàng đế nhà Minh đã không còn lạ lẫm với phần đông độc giả thích tìm hiểu về Phật giáo, luân hồi hay nguồn gốc của sinh mệnh. Một bằng chứng lịch sử sinh động về luân hồi và quy luật thiện báo, ác báo; kiếp này sống tốt, tu tốt, kiếp sau hưởng phúc lớn.

Vậy Minh Thần Tông (hay Vạn Lịch Đế) đã có một cuộc sống đế vương thế nào? Ông ấy hưởng phúc báo ra sao? Trên tột đỉnh quyền lực, vị hoàng đế ấy có hạnh phúc không, ông ta liệu có trong mê mà đắc thêm ác nghiệp hay không? Và khi rời khỏi thế gian này ông ta mang được những gì?

Minh Thần Tông (tên thật là Chu Dực Quân) lên ngôi khi chưa đầy 10 tuổi, tại vị 48 năm và qua đời ở tuổi 56. Chu Dực Quân từ bé đã nổi tiếng ngang ngược, ham chơi và ít biết nghe lời. Tuy nhiên, trước khi qua đời, hoàng đế Minh Mục Tông Long Khánh (cha của ông ta) đã lường trước mọi việc. Nhà vua kịp giao việc phò tá Vạn Lịch cho một vị quan thanh liêm là Trương Cư Chính. Dưới sự nghiêm khắc của người thầy phò tá, Minh Thần Tông Vạn Lịch phần nào đi vào khuôn phép, tạm thời kiềm chế những thói hư tật xấu của mình.

Trong khoảng 10 năm, Trương Cư Chính chứ không phải Minh Thần Tông đã đưa triều đại Vạn Lịch phát triển hưng thịnh.Kho lương tích trữ đủ dùng trong hơn 10 năm, quốc khố có hơn 400 vạn tiền. Kết quả này đạt được do chính sách cắt giảm quan lại vô dụng, kiểm soát chi phí hoàng thất, đo đạc lại đất đai và tăng cường sản xuất, trọng dụng hiền tài, thực hiện nhiều chính sách vỗ về nhà Bắc Nguyên ở Mông Cổ.

Mọi việc suy chuyển khi năm 1582, Trương Cư Chính lâm bệnh nặng qua đời. Hoàng đế Vạn Lịch lúc này bước sang tuổi 20 được giao lại toàn bộ quyền lực. Như con ngựa được tháo cương, Vạn Lịch hoàng đế lập tức thể hiện thói hống hách và tàn bạo. Vì muốn gạt bỏ ảnh hưởng của Trương Cư Chính, ông đã sai người về tận quê nhà của Trương Cư Chính bắt và giết hết họ hàng, anh em của Trương Cư Chính, đồng thời xóa bỏ hết những cải cách của Trương Cư Chính. Hành động này của Vạn Lịch được các sử gia đời sau cho là trò bất nghĩa với thầy.

20 năm cuối đời, Vạn Lịch Đế triệt để xa lánh vai trò của mình trong triều đình. Hoàng đế không nghe triều buổi sáng, không xem tấu chương thậm chí không gặp thần tử. Ông cũng không thèm quan tâm đến việc bổ nhiệm nhân sự, việc này dẫn đến các chức vụ cao cấp của triều đình bị thiếu khuyết, ảnh hưởng đến đất nước. Tuy nhiên, Hoàng đế lại đặt sự tập trung vào việc kiến tạo lăng mộ cho bản thân, một lăng mộ nguy nga hùng tráng mà mất thập kỉ mới hoàn thành.

Vì suốt ngày chỉ lo ăn chơi xa xỉ và háo sắc nên sức khỏe của Vạn Lịch Đế ngày một suy nhược, suốt ngày chỉ tiêu tiền cho hoang phí, quốc khố ngày càng cạn kiệt. Năm 1620, Vạn Lịch Đế vì hoang dâm vô độ nên đã ngã bệnh và chết ở tuổi 56, ở ngôi 48 năm.

Nhiều sử gia Trung Quốc cho rằng triều đại Vạn Lịch là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự diệt vong của nhà Minh. Ông không thực hiện trách nhiệm của hoàng đế điều khiển triều đình, thay vào đó là giao đại quyền vào tay hoạn quan, những kẻ tự xây dựng thế lực riêng của mình.

Bậc chân tu không mong hưởng phúc báo kiếp sau lại càng không màng ngôi báu

Cả một đời tu hành, hoằng dương Phật pháp, Thiền sư Huyền Chân đắc phúc báo lớn, chuyển sinh thành hoàng đế phương Bắc trong kiếp sau. Nhưng trên tột đỉnh quyền lực lại càng dễ mê mờ. Vị hoàng để ấy phát triển tâm tật đố mà làm điều bạo ngược, cuối đời buông bỏ hết trách nhiệm, phóng túng dục vọng đến mức cơ thể suy nhược, dường như đã tự rút ngắn tuổi thọ của mình. Chẳng ai biết được nếu có kiếp sau hoàng đế Minh Thần Tông Vạn Lịch sẽ về đâu, nhưng chắc chắn rằng ông ta đã tiêu đi vô số “đức” mà mình tích lũy được trong một đời chân chính tu hành nơi đất Việt.

Đáng thương thay! “Nhân thân nan đắc”, liệu sinh mệnh ấy còn cơ hội đắc được thân người nữa không? Khi đắc được rồi có còn phúc phận để được tu luyện không? Và nếu chân chính tu luyện, sinh mệnh ấy liệu có tỉnh ngộ mà lựa chọn đường trở về không hay lại tiêu hết đức mình tích được trong một kiếp sống xa hoa nào đó?

Câu chuyện khiến chúng ta nhớ lại đức Phật Thích Ca Mâu Ni rời bỏ vương vị, gia quyến khi còn là hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) để khai sáng con đường giác ngộ giải thoát cho muôn vạn chúng sinh; hay như vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng và làm nên huyền thoại Trúc Lâm Yên Tử. Những vị Đại Giác giả/Giác Giả ấy, khi bước vào cõi mê này với sứ mệnh gì đi nữa, hẳn đã trải qua bao kiếp luân hồi.

Trước cổng thành, hoàng tử Tất Đạt Đa cắt đi mái tóc dày và trao lại chiếc áo choàng hoàng tử cho người thầy thân tín, Sắc Na, đi tìm bậc Giác Già để tu hành. (Hình ảnh: buddhistpage.com)
Trước cổng thành, hoàng tử Tất Đạt Đa cắt đi mái tóc dày và trao lại chiếc áo choàng hoàng tử cho người thầy thân tín, Sắc Na, đi tìm bậc Giác Già để tu hành. (Hình ảnh: buddhistpage.com)

Nhưng khi đứng trên tột đỉnh quyền lực, sống giữa vàng son xa hoa vẫn không quên đi khát vọng giải thoát, khát vọng về sự vĩnh hằng của sinh mệnh. “Phản bổn quy chân” – trở về chân ngã chân thực của sinh mệnh mới là mục đích chân chính để làm người. Và bởi vì, vinh hoa phú quý lớn đến đâu cũng không thể sánh nổi với hạnh phúc có được nơi thiên giới.

Câu chuyện luân hồi này như lời nhắc nhở người hữu duyên về mục đích chân chính khi làm người. Dù chúng ta là ai, chúng ta có hay không có những gì trên đời này, thật đáng trân quý khi chúng ta đắc được thân người và bởi thế ít nhất đừng hủy hoại sinh mệnh của mình bằng dục vọng, bằng tâm tật đố hay oán hận. Và nếu có thể, hãy thuận theo đặc tính vũ trụ Chân – Thiện – Nhẫn để nuôi dưỡng tâm hồn, để hành xử và tích phúc phận cho sinh mệnh của bạn.

Ánh Sao tổng hợp

Xem thêm: