Hơn 800 năm trước, đạo quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn đã tung hoành khắp cả lục địa Á Âu, đạp đổ bao nhiêu thành trì, chinh phạt bao nhiêu thuộc quốc. Sau làn bụi mù của vó ngựa Mông Cổ là những câu chuyện chưa từng kể. 

Người Mông Cổ ngày nay đều tự nhận mình là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Trên những thảo nguyên bát ngát, những sa mạc cằn cỗi trải tận cuối đường chân trời, đâu đó vẫn vang lên những bài hát ca ngợi Thiết Mộc Chân, người hùng của dân du mục.

Hơn 800 trăm năm trước, chính ông dẫn đầu đội quân hùng mạnh của mình chinh phục gần 16% diện tích địa cầu, đánh đâu thắng đó. Trong lịch sử, chưa từng có người thứ hai làm được như thế. Uy danh của Thành Cát Tư Hãn truyền lại suốt muôn đời sau. Tên tuổi của ông khiến kẻ thù ở xa hàng trăm dặm cũng phải hãi hùng.

Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân, sinh năm 1162, mất năm 1227, là một Khả Hãn Mông Cổ, là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc châu Á năm 1206. Ông được biết đến như là một nhà quân sự lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới, được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất. Cháu nội của ông, Khả Hãn Hốt Tất Liệt sau này đã thiết lập ra nhà Nguyên của Trung Quốc. 

Trong cuộc đời anh hùng rong ruổi khắp thảo nguyên rộng lớn, Thiết Mộc Chân đã tạo nên biết bao giai thoại truyền kỳ đầy màu sắc. Bí quyết tạo nên thành công vượt ngoài sức tưởng tượng ấy chính là phương thức quản lý quân đội đầy sáng tạo và hiệu quả của Thành Cát Tư Hãn.

Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân, được ngợi ca là người hùng của dân du mục. (Ảnh: youtube.com)

Bộ áo giáp đặc biệt bằng lụa

Quân đội của Thành Cát Tư Hãn đã khống chế nghiêm ngặt cuộc sống của đại bộ phận tộc người Mông Cổ. Tất cả nam nhân đủ 14 tuổi đều phải nhập ngũ, chỉ có thầy thuốc và tăng lữ là ngoại lệ. Khi được chiêu mộ vào quân đội, những binh sĩ mới này phải rời xa gia tộc, mang 4 – 5 con ngựa để sẵn sàng lên đường chiến đấu trong bất cứ đơn vị đội quân nào được chỉ định. Vợ và con cái các binh sĩ đều đi cùng với quân đội, sống theo kiểu du mục. Quân đội đến đâu thì người nhà cũng đuổi súc vật chăn nuôi đi theo đến đó để làm thực phẩm. 

Khu vực lều vải của thầy thuốc và kho vũ khí được lập ra một khu riêng biệt bên ngoài. Làm như vậy là để mỗi khi có binh sĩ mới gia nhập thì bộ phận quản doanh có thể quản lý dễ dàng hơn. Tân binh sẽ được dẫn đến chỗ thầy thuốc để lấy quân nhu, đến kho để nhận vũ khí, cuối cùng được điều chuyển tới đơn vị được phân bổ của mình. Thường thì cơ cấu quân đội Mông Cổ theo hệ thập phân như sau: 10 người thành một đội nhỏ gọi là Yêm Ban, 10 Yêm Ban thì thành một Châm Hồn, 10 Châm Hồn thì thành một đội Minh An, 10 Minh An thì bằng một Thổ Man. 

Binh sĩ phải đảm bảo vũ khí, quân dụng của mình luôn trong tư thế sẵn sàng. Đồng thời, các tướng lĩnh trong quân đội sẽ định kỳ kiểm tra, nếu ai không bảo quản tốt binh khí, quân dụng thì sẽ bị khai trừ khỏi quân đội trả về nhà. Trong số binh khí và đồ quân dụng của mỗi binh lính lại có một bộ đồ để mặc lót bên trong làm bằng vải lụa. Đây chính là một thứ rất thú vị được truyền từ Trung Nguyên vào. 

Nếu binh sĩ không may bị trúng tên, dù sức mạnh của mũi tên có thể xuyên thủng giáp nhưng vẫn không thể xuyên thủng lớp áo bằng vải lụa này được. Vải lụa sẽ bọc lấy đầu mũi tên xuyên vào cơ thể. Thông thường, muốn lấy mũi tên ra khỏi cơ thể sẽ phải tạo ra một vết thương lớn hơn so với vết thương bị tên bắn vào. Nhưng vết thương của mũi tên có vải lụa bọc khi lấy ra sẽ rất dễ dàng. Bản thân binh sĩ bị thương hoặc thầy thuốc chỉ cần từ từ nhẹ nhàng rút mảnh vải xung quanh ra là lấy được mũi tên ra. Không những vậy, vết thương cũng rất nhỏ, không bị rách thêm trong quá trình sơ cứu như bình thường. 

Trong số binh khí và đồ quân dụng của mỗi binh lính lại có một bộ đồ để mặc lót bên trong làm bằng vải lụa đặc biệt. (Ảnh: youtube.com)

Ngoài chiếc áo lót bằng vải lụa, mỗi binh sĩ còn mặc thêm một chiếc áo thắt lưng. Nếu là một danh tướng kỵ binh thì phía trước còn được trang bị thêm một chiếc áo giáp bằng da, ngực đeo một miếng giáp cứng. Bên ngoài chiếc áo da được gắn thêm một miếng giáp, làm từ những tấm sắt mỏng tết như vảy cá. Mỗi binh sĩ còn được trang bị một tấm khiên bằng gỗ có lớp ngoài được bọc da hoặc bằng kim loại như đồng hoặc sắt, còn có cả mũ bằng da khô hoặc kim loại. Nhìn vào đó, người ta cũng có thể phân biệt cấp bậc của binh sĩ. 

Mỗi binh sĩ còn được cấp cho một bộ cung tiễn và bao đeo đựng ít nhất 60 mũi tên. Kỵ binh nhẹ được trang bị thêm một cây đoản kiếm và 2, 3 mũi giáo. Kỵ binh nặng được trang bị thêm đao, rìu chiến, chùy và cây giáo dài 4 mét, gọi là “Trường mâu”. Ngoài binh khí, các binh sĩ còn được cung cấp thêm nhu yếu phẩm cho cuộc sống du mục như nồi xoong, thịt khô, bình nước, dụng cụ mài mũi tên, còn cả các dụng cụ tiêu khiển nhỏ. Túi trên yên ngựa thường được làm bằng dạ dày bò, không những chống nước mà còn có tính đàn hồi rất tốt, lại có tác dụng như một chiếc túi hơi làm phao khi vượt sông. 

Kỹ năng chiến đấu độc đáo

Thành Cát Tư Hãn đã tạo ra một chế độ rất thú vị trong quân đội của mình, đó là biến săn bắn, vốn là một trò chơi yêu thích của dân du mục trở thành chế độ huấn luyện. Bất luận thú săn là lợn, hươu hay sói hoang đều có thể trở thành mẫu vật cho bài học chiến đấu. Trong lúc đi săn, các binh sĩ sẽ được học cách liên lạc, phối hợp nhịp nhàng với nhau. Loại huấn luyện săn bắn kiểu này thường được tiến hành vào mùa đông, liên tục trong 3 tháng. Binh sĩ nào cũng phải tham gia, căn cứ theo đơn vị lớn bé khác nhau mà sử dụng chiến thuật khác nhau.

Một đơn vị nhỏ có thể bố trí cuộc đi săn của mình trên một phạm vi hình cung để dồn thú săn vào nơi thích hợp rồi tiến hành đột kích, săn bắt. Đôi khi, con mồi sẽ được các kỵ binh phi ngựa với tốc độ cao, xua đuổi dồn vào cạm bẫy. Ngụy trang và đánh lừa chính là hai chiến thuật được người Mông Cổ yêu thích sử dụng nhất. Hơn nữa họ rất thành công trong việc này, một khi con mồi được xua đuổi đến khu vực định sẵn, binh sĩ mai phục sẵn xung quanh lập tức cưỡi ngựa bao vây và bắt lấy con mồi.

Kỹ năng chiến đấu độc đáo đó là biến săn bắn, vốn là một trò chơi yêu thích của dân du mục trở thành chế độ huấn luyện. (Ảnh: youtube.com)

Người Mông Cổ còn có một trận hình chiến thuật rất lợi hại khác đó là cho binh sĩ xếp thành một hàng dài, bày thành xà trận, chiều dài có khi tới tận 130 km. Khi tín hiệu phát ra, cả đội hình lập tức xông tới, khép chặt vòng vây, tạo thành một vòng cung. Loại xà trận này vô cùng hữu dụng khi chiến đấu tại sườn đồi. Đại Hãn và tùy tùng của mình có thể quan sát toàn bộ quá trình xung kích. Toàn bộ binh sĩ ầm ầm tiến vào phía trung tâm như thác đổ, đi đến đâu quét sạch con mồi đến đó, về cơ bản là con mồi không còn cơ hội trốn thoát.

Cho đến tận ngày nay, những trận pháp như vậy vẫn được người dân Mông Cổ ưa dùng trong các cuộc thi trong lễ hội tháng 7, tháng 8 hằng năm của mình. Vào những ngày này, người Mông Cổ thi cưỡi ngựa, bắn tên. Thông thường, đội hình có chiều dài khoảng 30 km, số người tham gia có thể lên tới 500 người. Khi bắt đầu xuất phát, mọi người thường chạy với tốc độ bình thường, nhưng càng về cuối tốc độ càng nhanh, cho tới lúc gần đến đích người ta thúc ngựa phi nước đại phi như bay. 

Trong săn bắn, dùng chiến thuật xà trận, khi sắp tới điểm cuối cùng, hai cánh sẽ gia tăng tốc độ, vượt qua kỵ binh ở giữa, toàn bộ trận pháp tạo thành một vòng cung rộng lớn. Sau đó hai cánh sẽ tiến về phía đối diện theo kiểu gọng kìm bao vây lấy con mồi. Trong quá trình tiến hành, từ lúc bắt đầu cho đến khi hai cánh tiến đến điểm đích cuối cùng, tướng lĩnh nghiêm cấm binh lính sát hại bất cứ một con mồi nào. Ngược lại nếu như để con mồi từ phía trong chạy thoát ra ngoài thì lại là một nỗi sỉ nhục lớn. Toàn bộ tướng lĩnh và binh sĩ trong quá trình săn bắn đều phải tiến hành theo hiệu lệnh mà hành động. 

Thành Cát Tư Hãn cũng phát triển một bộ hệ thống liên lạc vô cùng hiệu quả thông qua cờ hiệu, lửa, hoặc dùng kỵ binh truyền tín hiệu đường dài. Phương pháp này giúp ích rất nhiều, đảm bảo liên lạc thông suốt. Các tướng lĩnh có thể liên tục liên lạc với nhau, không bị gián đoạn trên một phạm vi rộng lớn. 

Trong quá trình săn bắn, các binh sĩ sẽ thể hiện ra tất cả tài nghệ của riêng mình. Khi hai cánh tấn công tạo thành một vòng tròn, Đại Hãn sẽ từ vị trí của mình tiến vào bên trong để săn được con mồi của mình. Đây cũng là một thử thách hết sức gay cấn bởi Đại Hãn phải thể hiện ra hết khả năng chiến đấu của mình trước mặt binh sĩ.

Trang sử hào hùng và oanh liệt của đội quân Thành Cát Tư Hãn ấy hãy còn chiếu sáng ngàn năm. (Ảnh: danviet.vn)

Khi Đại Hãn săn được con mồi rồi phi ngựa lên trên đỉnh đồi thì mới tới lượt các binh sĩ. Mỗi người đều có cơ hội thể hiện khả năng dùng đao, giáo mác, cung tên của mình trước mặt các tướng lĩnh. Cuối cùng những con sống sót trong vòng vây còn nhỏ hoặc già yếu sẽ được Đại Hãn thả phóng sinh, cuộc săn đến đây được tính là kết thúc.

Thông qua kiểu huấn luyện này, người Mông Cổ đã phát triển kỹ năng chiến đấu thượng hạng cho quân đội của mình. Vào thế kỷ 13, loại hình huấn luyện này được xem là vô cùng độc đáo, có một không hai. Ngoài kỹ năng cưỡi ngựa, bắn tên, dùng đao, mỗi binh sĩ Mông Cổ đều phải học thuộc kỉ luật nghiêm ngặt được đề ra, nhờ đó mà họ có thể phục tùng cũng như thực hiện tốt chỉ lệnh cấp trên giao phó. 

Người Mông Cổ còn rất can đảm, mưu lược, sáng tạo. Họ kết hợp rất nhiều chiến thuật trong thực chiến như đánh nghi binh, tâm lý chiến, mai phục, thậm chí dùng cả máy bắn đá, hỏa pháo. Trong suốt hơn 100 năm, người Mông Cổ hầu như không có đối thủ khắp lục địa Á Âu. Một sử gia thậm chí đã phải ngao ngán thốt lên rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được ở chỗ ấy“. Mặc dù cuối cùng đế chế vĩ đại của Thành Cát Tư Hãn và các con cháu mình dựng lập nên mau chóng sụp đổ, phân liệt nhưng trang sử hào hùng và oanh liệt ấy hãy còn chiếu sáng ngàn năm.

Theo NTDTV
Minh Vũ biên dịch