Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Thái Bình thiên quốc tồn tại chỉ 15 năm, ngắn ngủi nhưng hào hùng, khiến cả triều Thanh và phương Tây run sợ. Sự tồn tại của nó chính là lời cảnh tỉnh của Trời cao với thế nhân. Cứ khi nào đạo đức xã hội bại hoại thì sẽ có đại nạn. Hồng Tú Toàn đã hoàn thành sứ mệnh cảnh tỉnh thế nhân phải biết tôn kính Thiên thượng mà giữ gìn đạo đức phẩm hạnh, chờ đợi đến ngày được cứu độ.

Thạch Đạt Khai – một trang nam tử nhân nghĩa và tài năng xuất chúng

Trong các tướng lĩnh của Thái Bình Thiên Quốc, Thạch Đạt Khai nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Ông là nhân vật quan trọng nhất trong đội quân Thái Bình bình loạn Nghĩa vương, được triều Thanh xem là vị tướng có tài năng xuất chúng. Nếu luận về phong thái, có thể mượn câu cổ ngữ này để miêu tả về ông: “Dáng hình như long phượng, vẻ mặt như thái dương giữa đỉnh trời” (Long phượng chi tư, thiên nhật chi biểu). Còn nếu luận về năng lực, thì có thể nói rằng tài thao binh khiển tướng của ông luôn là chủ đề bàn tán trong các bữa tiệc của quân đội nhà Thanh.

Với danh xưng “Thiên triều Dực vương”, Thạch Đạt Khai là bậc võ tướng văn thao vũ lược có một không hai, từng chinh chiến ngang dọc khắp Bắc Nam, lập nên nhiều chiến tích huy hoàng. Đến cuối cùng, khi đối mặt với cái chết ông vẫn giữ nguyên thần sắc, trầm tĩnh mà không hề run sợ, một thân lẫm liệt chính khí, khí phách ấy đã khiến toàn quân Thanh kinh sợ. Kể từ đó, trong sử sách đã lưu lại thanh danh của một vị tướng công minh liêm khiết “Chân nam kỳ tử”, “Uy nghi độ lượng có một không hai”.

Thăm Thạch tướng công

Nếu như vào thời Tam quốc, Lưu Bị ba lần tiến về ngọn núi Ngọa Long Cương đất Nam Dương để thỉnh cầu Gia Cát Lượng, lưu lại giai thoại thiên thu “Ba lần đến lều tranh”, thì vào thời Thái Bình Thiên Quốc lại có điển cố nổi tiếng khắp dân gian: “Thăm Thạch tướng công”.

Thạch Đạt Khai sinh ra trong một gia đình nông dân giàu có. Khi ông còn nhỏ thì cha qua đời, ông lại không có anh em ruột thịt. Vậy nên mới 8, 9 tuổi Thạch Đạt Khai phải đứng lên làm trụ cột của gia đình, đối mặt với đủ mọi khó khăn trắc trở. Thời niên thiếu khi vừa làm ruộng vừa đi học, ông không chỉ am hiểu về thi thư mà còn đặc biệt yêu thích binh pháp Tôn Tử. Ngoài những lúc cấy cày đồng áng, ông không ngừng luyện võ và tu dưỡng văn chương. Nhờ được trời phú cho dung mạo tuấn tú và dáng người khôi ngô cao lớn, nên khi vẫn còn ở độ tuổi 13 ông đã chứng tỏ là một trang nam tử, cử chỉ trầm ổn, phong thái nghiêm trang, suy nghĩ chín chắn tựa như người trưởng thành.

Thạch Đạt Khai là bậc tài trí, nhân cách khẳng khái hiệp nghĩa, lại có chí hướng kinh lược bốn phương. Thuở nhỏ ông thường hay bênh vực kẻ yếu đuối, biểu dương chính nghĩa, sẵn sàng giúp đỡ những người bần cùng khốn khó. Hàng xóm láng giềng yêu mến ông nên đã gọi ông là “Thạch tướng công”.

Vào đêm trước cuộc khởi nghĩa Kim Điền, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn đến huyện Quý thăm Thạch Đạt Khai và rồi cùng ông kết bái làm huynh đệ, chung chí lớn gây dựng cơ đồ đại nghiệp. Năm gần 16 tuổi, Thạch Đạt Khai tiến bước vào Thái Bình Thiên Quốc và rất nhanh chóng trở thành một nhân vật hết sức quan trọng. Ông đã dốc hết gia sản, dẫn đầu hơn bốn ngàn người tham gia khởi nghĩa Kim Điền, toàn lực hiệp trợ Hồng Tú Toàn.

Thiên triều Dực vương không ai địch nổi

Thạch Đạt Khai xuất trận chinh chiến đã lập nên rất nhiều đại công, nếu so sánh với các chư vương trong Thái Bình Thiên Quốc thì ông là người trẻ tuổi nhất nhưng lại nổi bật với tài năng xuất chúng. Lúc này tại Vĩnh Yên, Hồng Tú Toàn đang xây dựng củng cố lực lượng nên đã phong ông làm Dực vương, ý nghĩa là “Cánh chim thiên triều”. Bách tính khen ngợi ông là vị vương “có tấm lòng nhân từ luôn đấu tranh vì chính nghĩa”, nhà bình luận chính trị Âu Mỹ đánh giá ông là “anh hùng nghĩa hiệp, dũng cảm gan dạ, ngay thẳng chính trực”.

Năm 1852, Tây vương Tiêu Triều Quý bỏ mạng trong trận đánh tiến vào Trường Sa, sau đó quân Thái Bình bị quân Thanh bao vây tấn công. Vào lúc nguy cấp nhất, Thạch Đạt Khai đã thân chinh dẫn đoàn quân vượt sông Tương Giang ở phía Tây (sông Tương bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, chảy vào tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), giành được “Đại thắng thủy lục châu”, đã phá vỡ tinh thần sĩ khí của quân Thanh. Từ Vĩnh Yên hướng đến Hồ Nam, đội quân tiến đánh Trường Sa, phá vỡ Nhạc Châu, Hán Dương, Võ Xương và những nơi khác. Cứ như vậy trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ, chỉ có duy nhất quân đội do Thạch Đạt Khai lãnh đạo là chưa từng thất bại trận nào.

(Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Tại Hà Tây, Thạch Đạt Khai thiết lập căn cứ mới để khắc phục tình trạng thiếu lương thực của quân Thái Bình. Vậy là Dực vương Thạch Đạt Khai lại lần nữa đảm nhiệm trọng trách mở đường và an toàn rút quân rời khỏi Hà Tây. Thạch Đạt Khai từ Võ Xương một mạch hướng thẳng Kim Lăng, một đường bất khả chiến bại, bởi vậy quân Thanh đã gọi ông là “Thạch Cảm Đương”. Bất cứ nơi nào Thạch Đạt Khai có mặt đều khiến binh lính nhà Thanh sợ hãi, tranh nhau mà chạy trốn để tránh rơi vào mũi nhọn sắc bén của ông.

Thạch Đạt Khai lại dẫn binh tiến vào thành Giang Tây, hễ là hịch văn do ông truyền xuống thì hơn nghìn dặm dân chúng trong thành đều bàn tán sôi nổi. Dực vương thi hành biện pháp chính trị thiết thực để bảo vệ dân chúng, do đó dân sĩ Giang Tây đều cảm phục, dân chúng quy thuận, từ một vạn rồi vụt tăng đến hơn mười vạn, người người đều ủng hộ quân đội Thái Bình. Tình cảnh ấy khiến nhà Thanh không khỏi than thở: “Lòng dân hoàn toàn thay đổi, đại thế không thể cứu vãn được rồi”.

Tăng Quốc Phiên từng nói: Thạch Đạt Khai dụng binh tác chiến vô cùng dũng mãnh. Tả Tông Đường cũng đánh giá rằng Thạch Đạt Khai trọng đãi bậc hiền tài, thu phục được lòng người. Trong các tướng lĩnh ông là người tài trí thông tuệ nhất, bởi vậy hễ nhắc đến cái tên Thạch Đạt Khai quân địch đều vô cùng sợ hãi.

Trang nam tử tài trí kiệt xuất, đến chết vẫn bình thản lặng yên

Năm 1856, Thiên Kinh bạo phát nội chiến, Đông vương Dương Tú Thanh cùng với hơn hai mươi ngàn thuộc hạ bị giết hại. Thạch Đạt Khai nghe tin, từ Hồ Bắc nhanh chóng quay trở lại Thiên Kinh, nghiêm khắc khiển trách Vi Xương Huy đã lạm sát những người vô tội. Vi Xương Huy âm mưu muốn làm hại Dực vương, Thạch Đạt Khai chạy ra khỏi thành thẳng đến An Khánh, chấn chỉnh quân đội sau đó hồi kinh dẹp nạn. Thiên vương Hồng Tú Toàn nghe tin dân chúng oán thán, ra lệnh xử tử Vi Xương Huy, đồng thời ra chiếu lệnh Dực vương hồi kinh trợ giúp. Về sau Dực vương trở lại Thiên Kinh, cả triều văn võ đều tôn xưng ông là “Nghĩa vương”.

Vì để tránh một lần nữa xảy ra nội chiến, Dực vương rời khỏi Thiên Kinh, xuất chinh liên tục chiến đấu ở nhiều nơi như Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam và các tỉnh khác. Khi đến Tứ Xuyên ông buộc phải vượt qua sông, nhưng vì lương thực cạn kiệt nên ông đã lâm vào đường cùng. Quân Thanh nhờ đó bắt sống Thạch Đạt Khai mà lập được đại công. Sau đó, Tổng đốc Tứ Xuyên Lạc Bỉnh Chương được phái đi thuyết phục ông đầu hàng. Sau khi hai bên thương lượng, Dực vương quyết định hy sinh mạng sống của mình để cứu ba quân. Đầu tiên ông quyết định giải tán hơn bốn nghìn quân Thái Bình để có thể cứu được tính mệnh của họ. Hai ngàn người còn lại vẫn giữ vũ trang binh khí, theo Thạch Đạt Khai tiến vào doanh trại quân Thanh. Tuy nhiên quân Thanh thất tín bội nghĩa, đã xử tử toàn bộ hai ngàn quân Thái Bình, còn Thạch Đạt Khai thì bị áp giải đến Thành Đô.

Thạch Đạt Khai cử chỉ trầm ổn, làm người không kiêu ngạo cũng không siểm nịnh. Tại công đường Thành Đô khi phải chịu thẩm tra, ông đã khẳng khái dõng dạc lên tiếng khiến quan chủ thẩm Sùng Thực phải nghẹn lời, không dám phản bác. Triều đình nhà Thanh phán quyết dùng lăng trì để hành quyết nhóm tướng sĩ Thạch Đạt Khai. Thạch Đạt Khai và Tăng Sỹ Hòa bị trói vào cọc gỗ trên cột thập tự và đối mặt lẫn nhau. Lúc hành hình lăng trì, trước tiên đao phủ nhắm vào Tăng Sỹ Hòa để bổ xuống nhát đao đầu tiên, vì nỗi đau đớn vô cùng kịch liệt nên Tăng Sỹ Hòa đã kêu la thảm thiết. Thạch Đạt Khai khiển trách nói: “Tại sao không thể chịu đựng một chút?”. Vậy nên Tăng Sỹ Hòa cắn chặt răng, mặc cho đao lăng trì róc thịt cũng không hề kêu la dù chỉ một tiếng.

Đến khi Thạch Đạt Khai chịu hành hình, dù bị cắt hơn một trăm đao ông vẫn giữ vững thần thái, hiên ngang trầm tĩnh, lặng yên không lên tiếng, ung dung mà bình thản mặc gươm đao. Đó là năm 1863, cuộc đời Dực vương đã kết thúc chính vào lúc tuổi trẻ tài hoa phong nhã cường thịnh nhất. Ông đã dành cả tuổi thanh xuân anh hùng để tưới bầu nhiệt huyết lên mảnh đất Thần Châu.

Những văn sĩ triều Thanh đã viết nên tác phẩm “Giang biểu trung lược” (Tấm gương trung thành vùng Giang Nam) tán dương Thạch Đạt Khai là một vị vương gia uy nghi độ lượng, người cùng thời không ai có thể sánh với ông. Một vị quan là Hoàng Bành Niên đã gửi thư đến tướng lĩnh quân Thanh, trong đó viết: “Khi đó nếu là ta trung thần của Đại Thanh, ta cũng sẽ như thế, thản nhiên mà đối đãi. Tương lai lịch sử sẽ ghi chép lưu truyền, chắc chắn sẽ hiển hách vinh quang ngàn năm”.

Bia đá Thạch Đạt Khai ở Thành Đô, nơi ông bị chính quyền của nhà Thanh giết chết. (Ảnh: wikipedia.org)

Võ công trác tuyệt

Mặc dù Dực vương đã qua đời gần hai trăm năm, nhưng tài văn chương và võ thuật của ông vẫn luôn được người đời ca ngợi. Trong những năm Đạo Quang (niên hiệu vua Tuyên Tông nhà Thanh, 1821-1850) khi đi dạo ở Hành Dương, ông đã truyền dạy cho mấy trăm đệ tử, quyền thuật của ông rất có danh tiếng trong giới võ thuật đương thời.

Căn cứ vào nhiều tài liệu khác nhau, chúng ta thấy rằng cung tiễn và sư tử quyền của Thạch Đạt Khai có thể đối phó với địch trên chín phương diện: Nếu đối thủ tương đối mạnh thì chỉ cần xoay nhanh vài vòng rồi dùng chân đá vào rốn đối phương, đối thủ sẽ văng xa mấy trượng, thậm chí mấy chục trượng. Phương pháp này được gọi là “Liên hoàn uyên ương bộ”. Trong dã sử viết rằng, Thạch Đạt Khai đã truyền thụ chiêu thức võ nghệ này cho những binh sĩ tinh nhuệ để dùng khi chiến đấu.

Một lần Thạch Đạt Khai hẹn Trần Bang Sâm luận võ. Khi gặp nhau, cả hai đã ra điều kiện rằng mỗi người được phép đấm vào bụng đối phương ba quyền, người chịu quyền sẽ không được đánh trả. Bên ra quyền đầu tiên là Trần Bang Sâm, khi vừa tung cú đấm, Trần Bang Sâm mới phát hiện phần bụng Thạch Đạt Khai mềm như bông vải, vậy nên ba quyền đánh ra cứ như là đánh vào bông vải, dùng lực mạnh tới đâu cũng như không.

Đến phiên Thạch Đạt Khai ra quyền, Trần Bang Sâm biết sẽ không chịu nổi nên vừa nhìn thấy quyền của Thạch Đạt Khai ông đã vội tránh đi. Vì thế nắm đấm của Thạch Đạt Khai đâm trúng khối đá cao mười một trượng, dày ba thước, khiến khối đá vỡ vụn. Từ đó giới võ lâm truyền tai nhau rằng Thạch Đạt Khai mang thân võ nghệ tuyệt đỉnh, ai ai cũng bàn tán xôn xao.

Văn chương xuất chúng

Không chỉ có võ công trác tuyệt mà tài văn chương của ông cũng không hề thua kém. Thạch Đạt Khai từng du ngoạn Tiên Sơn, tại động Bạch Long đã lưu lại bức họa điêu khắc.

Dực vương lên Tiên Sơn nhìn thấy câu thơ Sở Nam Lưu Vân Thanh Thi, ông bèn làm một bài thơ ngay bên cạnh. Tướng sĩ quân Thái Bình từ ngàn xưa đều là những trang anh kiệt đã hòa cùng phong cách thơ ca cổ xưa như một làn gió, thổi lên Tiên Sơn một phong thái thanh nhã mà hùng hậu chất phác.

Dực vương dẫn theo mười vạn hùng binh đi qua Quý Châu, nơi đó bách tính Miêu tộc đã chào đón đoàn quân vô cùng long trọng. Khi đó, Thạch Đạt Khai đã mở lệnh cấm rượu để có thể cùng với người dân Miêu thoải mái uống ca. Tướng sĩ Thái Bình cùng bách tính thôn quê đã khoác vai nhau dưới ánh trăng, vừa múa vừa hát. Thạch Đạt Khai ngẫu hứng làm bài thơ:

“Ngàn hạt minh châu một vò thu,
Quân vương đến đây cũng cúi đầu.
Ngũ Nhạc ôm lấy cột chống trời,
Uống cạn Hoàng Hà nước chảy ngược.”

Tận sâu trái tim ông luôn tràn đầy nhiệt huyết, hào khí ngất trời, thế nên trong cả ý thơ cũng mang theo sự phóng khoáng của một vị anh hùng đầy khí phách. Luận về võ công, kiếm khí Dực vương có thể sánh với vì sao sáng, luận về văn chương, lời thơ của ông rực rỡ như cầu vồng, mãi luôn rực cháy và tỏa sáng.

(Ảnh minh họa: ibaotu.com)

Đến ngày nay bức tường đá trong động Bạch Long vẫn còn lưu khắc những vần thơ thất lạc, từ lâu đã trở thành nhân chứng của thời đại. Hình điêu khắc trái tim rồng và thanh kiếm là tượng trưng cho sự can đảm của tướng lĩnh quân Thái Bình trong trận chiến hào hùng và bất diệt. Nơi ấy đã từng là cuộc hành trình đầy phong ba hỗn loạn, giờ đây như hóa thành những vần thơ nhẹ nhàng, mỗi khi ngâm lên sẽ cảm nhận được âm hưởng của núi non ngàn năm, mãi lừng lẫy muôn đời.

Phụ lục:

Vì muốn chiêu hàng Thạch Đạt Khai, Tăng Quốc Phiên đã từng viết năm bài thơ gọi là “Thơ chiêu hàng”. Sau đó Thạch Đạt Khai đã đối đáp bằng “Năm bài thơ đáp trả Tăng Quốc Phiên” thể hiện tài văn chương xuất chúng và hào khí ngất trời của ông.

Dưới đây là phần dịch nghĩa “Năm bài thơ đáp trả Tăng Quốc Phiên”:

Một

Từng hái cần hương nhập Phán Cung,
Nhìn xem nhụy quế thừa dịp gió thu.
Thiếu niên phóng khoáng Vân Trung Hạc,
Vết tích bụi trần rơi cạnh tuyết hồng.
Một thân dũng khí Vân Siêu Ký Bắc, văn chương từ lâu trải khắp Giang Đông.
Học giả Nho gia đều hay biết ta, độc nhất danh sơn quyển cuối cùng.

Hai

Bất kể thiên nhân tại miếu đường, dựa vào thanh danh mà che đậy ngôn từ.
Khi minh bạch sẽ không theo lệ cũ, bịa đặt càn khôn cho là đúng.
Huống chi quan trường báo thù đều là huyễn cảnh, dù bao nhiêu bể khổ thì vui sướng có được bấy lâu.
Tội gì mưu kế tạo nghiệp thiên thu, gầm trời thường lưu giữ tiếng thơm muôn đời.

Ba

Giương roi khẳng khái thống trị Trung Nguyên, chẳng vì cừu nhân cũng chẳng ân huệ.
Chỉ hận trời xanh mờ mịt không thấu, muốn bằng tay không ôm giữ trăm họ.
Ba quân kéo cương ngựa buồn mỏi mệt, vạn người leo thang mây lên núi như vượn ốm.
Ta chí nguyện chưa thành đã tận lực, Đông Nam khắp nơi có khóc thương.

Bốn

Nếu tướng tài như Vệ Hoắc, mấy người phò tá đợi lệnh Tiêu Tào.
Nam nhi muốn họa Kỳ Lân, sớm đêm thông thạo dũng mãnh lược thao.
Trước mắt núi sông gặp phải dị kiếp, chấm dứt sự nghiệp của một anh hùng.
Xa biết một đời đầy mưa gió, bao nhiêu theo đuổi kết cuộc cao vợi.

Năm

Công lao Ngu Thuấn rực rỡ tươi đẹp, Hoàng Vương gia thế tận Hồng Mông.
Khoan dung gánh vác di dời Thần Đỉnh, đình trưởng về quê hát ca.
Khởi nguồn từ áo vải trông kỳ lạ, gặp gỡ không phải Thiên Tử chẳng vì bề thế.
Lễ tuyền linh chi dập tắt căn mạch, họ Lưu năm đó ruộng đất nhà cửa dư dật.

(Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)
Tác giả Hoàng Phủ Dung
Tuệ Liên biên dịch

Xem thêm: