Tôn Ngộ Không trừ yêu diệt ma suốt chặng đường dài, bảo vệ sư phụ đi đến Tây Thiên thỉnh kinh, ý chí kiên định, chưa từng dao động. Cho dù bị sư phụ hiểu lầm và trách mắng, lại thường hay bị nhị sư đệ Trư Bát Giới ganh tỵ và xúi giục sư phụ đuổi đi…
“Tây Du Ký” thường được mọi người cho rằng là một cuốn tiểu thuyết Thần thoại. Trong mắt một số người thì cái gọi là ‘Thần thoại’ chính là danh từ thay thế cho yếu tố hoang đường kỳ ảo. Mặc dù rất nhiều người đều thích đọc tiểu thuyết Thần thoại, nhưng cùng lắm họ chỉ cho rằng đó là những tác phẩm viết mang màu sắc ly kỳ với trí tưởng tượng phong phú…
Thật ra “Tây Du Ký” được viết dựa trên sự kiện có thật – đó là câu chuyện về pháp sư Trần Huyền Trang của nhà Đường đi đến Tây Trúc thỉnh Kinh Phật, thể hiện được sự hiểu biết và nhận thức của tác giả đối với việc tu hành trong tầng thứ của mình.
Tuy vậy, bài viết này chủ yếu là đi tìm hiểu về ý nghĩa tên gọi của ba đồ đệ Đường Tăng kèm theo những phân tích và giải thích ngắn gọn liên quan đến nội hàm của văn hóa tu luyện.
Trước hết, ba người đệ tử của Đường Tăng lần lượt là Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng, Sa Ngộ Tĩnh. Trong tên của ba người họ đều có một chữ “ngộ”.
Đối với một người tu hành mà nói, “ngộ” là điều quan trọng nhất. Bởi vì không gian của con người chúng ta chính là một không gian mê lầm, “thiên quốc”, “địa ngục”, “Phật, Đạo, Thần” hay những không gian và sinh mệnh cao tầng hơn thì chúng ta đều không nhìn thấy được. Muốn bước chân vào cánh cửa tu hành hoàn toàn phải nhờ vào ngộ tính, một người vốn dĩ không tin rằng có sự tồn tại của “Phật – Đạo – Thần” thì sẽ rất khó bước chân vào cánh cửa tu hành.
Sau khi bước vào được cánh cửa tu hành, từ “ngộ” sẽ bao hàm rất nhiều nội dung, gồm có: lĩnh ngộ pháp lý mà sư phụ giảng giải; nhận thức được và biết hành xử, đối đãi một cách ngay chính với tất cả những phiền toái mà bản thân gặp phải khi đối diện với xã hội, công việc và gia đình; sự thấu hiểu về quy luật “sinh lão bệnh tử” và những ma chướng khác. Nghĩa là khi đối mặt với mọi chuyện, thì đều có thể đứng ở góc độ của người tu hành để nhận thức, để lý giải hay không, trong tu luyện có thể làm theo những gì sư phụ giảng dạy hay không?

Tiếp đến, nhìn vào 3 chữ “Không”, “Tịnh” và “Năng”, chúng ta thấy rằng những chữ này đại diện cho các tiêu chuẩn tâm tính khác nhau của người tu hành, cuối cùng sẽ quyết định quả vị khác nhau của người tu hành.
“Không” chính là tu buông bỏ tất cả tâm chấp trước và tất cả dục vọng của người thường – đạt tới vô vi thanh tịnh.
Bản thân Tôn Ngộ Không vốn dĩ là được sinh ra từ một hòn đá. Tôn Ngộ Không không có hình người, tái sinh thành thân con khỉ, không trải qua quá trình sinh ra từ thai mẹ. Tôn Ngộ Không có rất ít tâm chấp trước – tâm phàm của người thường, biểu cảm sự linh hoạt. Khi đi học Đạo từ Bồ Đề tổ sư cũng lĩnh ngộ rất nhanh, học được 72 phép biến hóa, thần thông quảng đại. Lên thiên đình trải qua quá trình luyện đơn trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, luyện ra được hỏa nhãn kim tinh, thật ra chính là đôi mắt trí tuệ, đứng trước hỏa nhãn kim tinh, tất cả yêu ma quỷ quái đều không thể che giấu được, đều phải lộ rõ nguyên hình.
Tôn Ngộ Không trừ yêu diệt ma suốt chặng đường dài, bảo vệ sư phụ đi đến Tây Thiên thỉnh kinh, ý chí kiên định, chưa từng dao động. Cho dù bị sư phụ hiểu lầm và trách mắng, lại thường hay bị nhị sư đệ Trư Bát Giới ganh tỵ và xúi giục sư phụ đuổi đi, Tôn Ngộ Không vẫn không oán trách. Sau khi bị đuổi quay về Thủy Liêm Động, điều mà Ngộ Không lo lắng vẫn là an nguy của sư phụ. Ngộ Không không có danh, lợi, tình, đích thực là “hoàn toàn không có cái tâm người thường”. Cuối cùng thành tựu được quả vị Phật – đắc quả vị “Đấu Chiến Thắng Phật”.
“Tĩnh” tức là tâm thanh tịnh, cũng có nghĩa là tu luyện buông bỏ cái tâm của người thường.
Từ sau khi Sa Ngộ Tĩnh được Đường Tăng nhận làm đệ tử, ma tính đã giảm được rất nhiều. Biến thành một người vô cùng thật thà, chịu cực mà không oán than, Ngộ Tĩnh quanh năm suốt tháng đảm trách việc dắt ngựa cho sư phụ và gánh hành lý. Trên đường đi luôn giữ tâm kiên định, an phận đi theo sư phụ đến Tây Thiên, nhưng dù sao công lao cũng không to lớn bằng đại sư huynh Ngộ Không, cuối cùng đắc quả vị Kim Thân La Hán.
“Năng” chính là công năng, là sản phẩm phụ của việc tu hành. Tuy nhiên tu hành chủ yếu là tu tâm – buông bỏ cái tâm của người thường.
Bát Giới – Trư Ngộ Năng là người có cái tâm người thường nhiều nhất trong số ba đệ tử của Đường Tăng. Vốn dĩ khi ở trên trời vì có sắc tâm với Hằng Nga nên bị Thiên đình cho xuống đầu thai làm thân heo, nhưng lục căn chưa thanh tịnh, sắc tâm chưa diệt, cứ thi thoảng là nó lại trồi lên. Khi thì muốn làm con rể của Cao lão trang, khi thì muốn ở lại Nữ Nhi Quốc không đi Tây Thiên nữa, còn khuyên sư phụ mình ở lại. Cũng không có tâm kiên định bảo vệ sư phụ đi Tây Thiên thỉnh kinh, Trư Ngộ Năng nhiều lần đề xuất chia đồ đạc rồi thày trò giải tán. Bát Giới lại còn có cái tâm tham lam tiền tài, tham ăn tham ngủ, và tâm đố kỵ, nên thường xuyên nói xấu Tôn Ngộ Không trước mặt Đường Tăng. Cũng bởi vì có quá nhiều tâm phàm chưa buông bỏ được, nên rất tiếc, đến cuối cùng Trư Ngộ Năng vẫn chưa thể đắc được quả vị Phật hay La Hán, chỉ được phong làm Tịnh Đàn sứ giả. Khi đó Trư Bát Giới vẫn chưa ngộ, vẫn còn oán trách: “Mọi người đều thành Phật hết, tại sao lại cho con làm Tịnh Đàn sứ giả chứ?”…
Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch
Xem thêm:
- Tây du ký hé lộ huyền cơ: Vì sao ăn Nhân sâm quả có thể trường sinh?
- Quảng Bình: Đã chuẩn bị lo hậu sự, chàng trai bất ngờ khỏi bệnh ung thư máu
- Báo cáo khoa học: Hiệu quả niệm 9 Chữ Chân Ngôn chống lại COVID-19
