Trong sử sách ghi chép Tào Tháo không chỉ nhiều lần vui cười, mà còn nhiều lần khóc lóc thảm thiết. Cuộc đời của Tào Tháo cũng nhiều thăng trầm, rất nhiều lần bị người khác phản bội, rất nhiều lần thoát chết từ trong nguy hiểm, mà Tào Tháo cũng chưa từng khóc. Nhưng đối mặt sinh ly tử biệt, ông lại khóc lóc đau khổ…

Thông thường những người có tính hài hước rất hay cười, Tào Tháo cũng không ngoại lệ, đặc điểm tính cách thứ hai của Tào Tháo chính là hay cười. Trong sử sách có ghi chép rằng Tào Tháo từng cười rất nhiều lần, mà còn là kiểu cười sảng khoái và vui vẻ…

Tình cảm chân thành, vui buồn hiển lộ

Có một lần Tào Tháo đánh Mã Siêu, phải ngồi thuyền qua sông, khi đó kỵ binh của Mã Siêu đuổi theo thuyền của quân Tào và bắn ra hàng ngàn mũi tên như mưa trút nước, tình thế lúc đó vô cùng nguy cấp, mọi người đều không biết rõ Tào Tháo đã chạy thoát được chưa, nên vô cùng hoảng loạn. Đợi khi nhìn thấy Tào Tháo, quân lính từ buồn chuyển thành vui, thậm chí có người còn vui mừng đến khóc, lúc này Tào Tháo lại cười rất sảng khoái: “Hôm nay suýt nữa bị tiểu tặc nhốt lại! Hôm nay suýt nữa là bị tên tiểu tặc Mã Siêu bao vây rồi, ha ha ha!”

Còn có một lần Tào Tháo đưa quân đi đánh Hàn Toại. Tào Tháo và Hàn Toại là người quen cũ của nhau, trước khi hai quân giao chiến, Tào Tháo và Hàn Toại mỗi người cưỡi một con ngựa đi phía trước nói chuyện, bạn bè lâu năm ôn lại chuyện cũ. Khi hai chủ soái đang trò chuyện với nhau, quân lính của Hàn Toại toàn là dân tộc thiểu số của Tây Lương, trước đó họ chỉ nghe nói đến danh tiếng của Tào Tháo, chứ chưa từng được nhìn thấy Tào Tháo bao giờ, lần này thấy Tào Tháo đến, họ chen lấn xô đẩy nhau, muốn chạy lên phía trước để nhìn xem Tào Tháo có bộ dạng như thế nào. Lúc này Tào Tháo xoay người lại, mỉm cười nói với binh lính của Hàn Toại: “Thì ra các ngươi muốn nhìn ta hả? Muốn nhìn thì nhìn đi, Tào Tháo ta cũng là con người mà, không phải người có ba đầu sáu tay, mọc ra bốn con mắt và hai cái miệng, chỉ là một người bình thường mà thôi, chẳng qua thông minh hơn người khác một chút”.

Trong sử sách ghi chép Tào Tháo không chỉ nhiều lần vui cười, mà còn nhiều lần khóc lóc thảm thiết. Cuộc đời của Tào Tháo cũng nhiều thăng trầm, rất nhiều lần bị người khác phản bội, rất nhiều lần thoát chết từ trong nguy hiểm, mà Tào Tháo cũng chưa từng khóc. Nhưng đối mặt sinh ly tử biệt, Tào Tháo lại khóc lóc đau khổ. Tào Tháo trong lịch sử từng khóc kẻ địch, khóc bạn bè, khóc tướng sĩ, có thể nói Tào Tháo là một người rất chân thật.

Tào Tháo nổi tiếng nhất là khóc thương Viên Thiệu. Viên Thiệu, tự Bản Sơ, là người Nhữ Nam, chính là người ở huyện Thương Thủy, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam ngày nay. Gia tộc của Viên Thiệu đời đời làm quan lớn. Cha của Viên Thiệu và cha của Tào Tháo năm xưa đều làm quan trong kinh thành, vì vậy Viên Thiệu và Tào Tháo từ nhỏ đã quen biết nhau, lúc nhỏ hai người còn có mối quan hệ rất tốt, cho đến khi mỗi người đi một con đường khác nhau, cuối cùng là giao chiến với nhau. Sau trận Quan Độ, Viên Thiệu đã bệnh chết, sau này khi Tào Tháo bình định được phương Bắc, ông đi đến mộ của Viên Thiệu, nhớ lại những chuyện quá khứ của năm xưa, cảnh vật vẫn còn nhưng người đã khác, người bạn tốt của năm xưa, sau này không chỉ trở thành kẻ địch trên chiến trường, mà bây giờ còn sinh ly tử biệt, Tào Tháo vô cùng đau lòng, khóc lóc đau thương. Đồng thời Tào Tháo còn sai người đi an ủi người nhà của Viên Thiệu, và đem toàn bộ gia sản của Viên Thiệu trả lại cho vợ của Viên Thiệu, ngoài ra còn ban thưởng rất nhiều vải vóc và lương thực cho gia đình Viên Thiệu.

Có người nói rằng Tào Tháo khóc thương Viên Thiệu chỉ là vì muốn mua chuộc lòng người, tôi nghĩ không phải như vậy. Cả đời Tào Tháo từng đánh thắng vô số kẻ địch, nhưng chưa từng khóc thương vì những chư hầu khác. Ví dụ như em trai của Viên Thiệu là Viên Thuật chết, có thấy Tào Tháo khóc thương Viên Thuật chưa? Về sau Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, có từng đến mộ của Lưu Bị để khóc thương không? Không có. Tào Tháo giết chết Lữ Bố, có từng vì Lữ Bố mà rơi lệ không? cũng không có. Điều này chứng tỏ rằng Tào Tháo cúng mộ Viên Thiệu, và khóc thương trước mộ của Viên Thiệu thực sự xuất phát từ tình cảm chân thật của mình.

Tuy rằng Tào Tháo chưa từng khóc thương Lữ Bố, nhưng đã từng rơi lệ vì một mưu sĩ của Lữ Bố, người này chính là Trần Cung. Trần Cung từng là thuộc hạ của Lữ Bố. Năm xưa Trần Cung phản bội Tào Tháo, sau đó chạy đi trợ giúp Lữ Bố, hại Tào Tháo rất thê thảm. Sau đó trải qua nhiều lần xoay chuyển tình thế, Tào Tháo mới có thể đánh bại Lữ Bố, và Trần Cung lúc này cũng bị bắt. Tào Tháo nói với Trần Cung: “Trần Cung à, ngày thường ông nói mình rất thông minh, túc trí đa mưu, sao lại rơi vào bước đường như ngày hôm nay chứ?” Trần Cung quay đầu lại nhìn về phía Lữ Bố và nói: “Hứ! Đáng tiếc người này không nghe lời của ta, nếu như Lữ Bố sớm nghe lời ta, bọn ta cũng sẽ không bị bắt”. Tào Tháo nghe thấy vậy liền cười lớn tiếng, nói rằng: “Vậy ông nói xem bây giờ ta nên xử trí ông thế nào đây?” Trần Cung nói: “Ta thân là thần tử mà lại bất trung, phận làm con mà bất hiếu, bị xử tử là lẽ đương nhiên, không có gì để nói cả”.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là image-13.png
Tào Tháo đau buồn khi Trần Cung bị xử tử (ảnh: Phim Tân Tam Quốc 2010).

Tào Tháo nói: “Ông chết rồi, vậy mẹ già của ông phải làm sao?”, Trần Cung trả lời: “Ta nghe nói người lấy hiếu đạo trị vì thiên hạ sẽ không tổn hại đến thân nhân của người khác, mẹ già của ta như thế nào, phụ thuộc vào Tào Tháo ông”. Tào Tháo lại hỏi tiếp: “Vậy vợ con của ông phải làm sao hả?”, Trần Cung lại nói: “Ta nghe nói người lấy nhân nghĩa để trị vì thiên hạ sẽ không giết hại con cháu của người khác, vợ con của ta như thế nào, phụ thuộc vào Tào Tháo ông”. Sau khi nghe xong những lời này của Trần Cung, Tào Tháo rất xúc động, không nói nên lời. Trần Cung lại nói: “Đừng phí lời nữa, bây giờ giết ta luôn đi”. Sau đó Trần Cung tự mình bước ra ngoài, quyết tâm muốn chết. Tào Tháo nghe thấy vậy, không kìm được nước mắt mà khóc thương thảm thiết, tuy rằng Trần Cung phản bội mình, nhưng cũng là một tráng sĩ nghĩa hiệp. Sử sách ghi chép: “Thái tổ khóc thương đưa tiễn”, Tào Tháo khóc thảm thiết khi đưa tiễn Trần Cung, nhưng Trần Cung cũng không quay đầu lại nhìn. Sau này Tào Tháo đối với người nhà của Trần Cung cực kỳ tốt, luôn chăm sóc người mẹ già của Trần Cung, và còn lo lắng chuyện hôn sự cho con gái của Trần Cung, cho con gái của ông ta được gả vào một gia đình tốt.

Thương xót thuộc hạ, coi trọng hiền tài

Tào Tháo có một tướng lĩnh rất nổi tiếng tên là Bàng Đức. Về sau nước chìm bảy quận, Bàng Đức bị Quan Vũ bắt, Quan Vũ muốn khuyên Bàng Đức đầu hàng, Bàng Đức lớn tiếng chửi mắng Quan Vũ: “Tiểu tử, Bàng Đức ta sẽ không đầu hàng đâu, Tào Tháo uy chấn thiên hạ, dụng binh trăm vạn. Lưu Bị các người đâu thể đối đầu với bọn ta được. Ta thà làm ma của quốc gia cũng không làm tướng của giặc!”, sau đó Bàng Đức bị Quan Vũ giết chết. Tào Tháo nghe được tin này, ông vô cùng đau lòng, khóc thương thảm thiết, sau đó phong hai người con trai của Bàng Đức làm Liệt Hầu.

Trong giai đoạn đầu, Tào Tháo có một người trợ giúp rất quan trọng và cũng là thuộc hạ của ông, người này tên Bào Tín. Trong một trận chiến giao đấu với quân Khăn Vàng, đôi bên chiến đấu cực kỳ quyết liệt, Bào Tín đã tử trận trong trận chiến đó. Sau khi trận chiến kết thúc, Tào Tháo nghe tin Bào Tín tử trận, liền chạy đi khắp nơi tìm kiếm thi thể của Bào Tín, nhưng trên chiến trường là một đống hỗn loạn, không ai tìm được thi thể của Bào Tín. Tào Tháo đau lòng khôn xiết, gào khóc lớn tiếng, sau đó kêu người khắc dung mạo của Bào Tín lên một miếng gỗ, đem đi chôn rồi rồi cúng tế.

Đây chính là tính cách của Tào Tháo, rất hài hước và dễ xúc động, khi nói chuyện với người khác thì rất hay cười, những lúc đau lòng thì nước mắt giàn giụa. Tào Tháo chính là người như vậy, là một người giàu cảm xúc, luôn sống thật với tình cảm của mình. Tào Tháo là một người rất độ lượng, có hoài bão lớn, xem trọng tình cảm. Một Tào Tháo sống tình cảm như vậy đã bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm hai mươi tuổi, khi đó vương triều nhà Hán đã lung lay sắp suy tàn, vậy người thanh niên Tào Tháo khi đó sẽ đối mặt với những vấn đề gì đây? Kính mời quý vị độc giả đón đọc tiếp phần sau.
[Còn tiếp…]

Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch