Lời nói đầu: Ôn dịch, binh họa, thiên tai nối tiếp nhau không ngừng – Vào cuối triều đại nhà Thanh, dị nạn không ngừng. Thân gặp thời loạn thế, có nên buông mình thuận theo con sóng cuốn trôi, hay là mài dũa sự dũng mãnh mà tiến lên, cảnh tỉnh huệ nhãn? Tăng Quốc Phiên cảm thán thân tại loạn thế thực là bất hạnh. Đối diện với sự khuất nhục, phỉ báng, công danh và dụ dỗ, ông lặng lẽ tuân thủ truyền thống, thận trọng tu thân. Trải qua muôn ngàn hiểm trở cũng không khuất phục, cuối cùng ông đã vượt lên trong loạn thế. Ông lập đức, lập ngôn, lập công, là Đại Thanh đệ nhất văn thần Phong vũ hầu, là một vị đại thần công cao chấn chủ, nhưng luôn có thể thiện khởi thiện chung. Chúng tôi trích xuất các cuốn gia thư, nhật ký và sử cảo của Tăng Quốc Phiên, từ quan điểm về tài phú, tư tưởng tu thân, trí huệ trị gia, đạo dưỡng sinh v.v. và những tầng diện bất đồng khác, để trình hiện giá trị truyền thống được Tăng Quốc Phiên kế thừa, vì độc giả mà tái hiện những giá trị tinh hoa truyền thống đã bị quên lãng.
Ông ý thức rằng, tâm thái lo lắng ưu tâm, oán trời trách người không chỉ gây khó khăn đối với xử thế, mà cũng bất lợi đối với tu thân dưỡng đức, dưỡng đức không đủ thì rất khó để bảo trì thân thể khỏe mạnh. Vì thế ông đã viết hai chữ “Bình hòa”…
Tăng Quốc Phiên đã từng trải mọi phong vân nơi triều chính, đã thấu tận trăm thói nhân gian. Trong cái lò luyện tại quan trường, có không ít những sự thực khiến ông phải lao tâm khổ não. Ông làm việc cật lực để xây dựng Tương quân, khi mà triều đình không cách nào có thể hỗ trợ quân lương, ông tự mình vắt óc tìm nguồn tài trợ nuôi quân để bảo trì giang sơn của Đại Thanh. Tăng Quốc Phiên nhiều năm phải dốc tâm huyết xoay sở lo toan, làm sao để bảo dưỡng thân thể, giữ gìn sức khỏe cũng là một vấn đề lớn mà ông phải đối mặt.
Trong những bức thư của mình, ông đề cập đến một số quan điểm thú vị, chẳng hạn như coi việc dưỡng thể không dùng thuốc mới là tiên dược, dưỡng sinh cần dùng phương pháp “Trừng phẫn trất dục”, tức là kiêng tức giận, kìm hãm dục vọng; “Khi đã cảm giác có bệnh, ngừng dùng thuốc”; “Thuốc tuy có lợi, nhưng cũng có hại, đừng nên xem nhẹ” v.v. Ông liệt kê ra một số ví dụ thực tế, cảnh tỉnh các em mình trong đạo dưỡng thân không nên phụ thuộc vào thuốc, mà cần tu thân dưỡng đức.
Tăng Quốc Phiên đối đãi hết thảy mọi sự đều lấy thái độ “tận kỳ tại ngã, thính kỳ tại Thiên”, ý tứ là, bản thân chỉ biết tận tâm tận lực, việc thành hay bại là do Thiên định. Ông trong đạo dưỡng sinh cũng như vậy. Ông nói: “Thể cường giả như phú nhân, nhân giới xa hoa nhi ích phú; Thể nhược giả như bần nhân, nhân tiết sắc vi tự toàn.” Ý tứ là, người có thân thể tráng kiện cũng giống như người giàu, bởi biết tránh xa xỉ mà càng thêm phú dụ; trái lại người có thân thể yếu nhược cũng giống như người nghèo, chỉ có thể lấy tiết kiệm để bảo toàn bản thân.
Bí quyết của dưỡng sinh, ông đề xướng thuyết của cổ nhân về “Trừng phẫn trất dục”. “Trừng phẫn” cũng chính là giảm thiểu tức giận, nộ khí, “trất dục” chính là tiết chế dục vọng. Ví như một cá nhân rất thèm muốn công danh, tranh cường háo thắng mà dẫn đến dụng tâm thái quá, dùng tận mưu mô, những thứ đó đều thuộc về một loại dục vọng. Ông từng nói, tâm cảnh của một cá nhân không nên quá khắc khổ, mà nên hoạt bát vui vẻ, sẽ dưỡng xuất sinh cơ hoạt bát, cũng là biện pháp để trừ bỏ nộ khí.
Ông cũng tin rằng “Thọ mệnh dài ngắn, có bệnh hay vô bệnh, đều là do Trời định”, không nên phí tâm ảo tưởng hay tính toán. “Phàm dùng nhiều thuốc thang, hay cầu cúng Thần, đều là vọng tưởng”, những thứ phương pháp như uống nhiều thuốc bổ, cầu Thần che chở sức khỏe, trong mắt Tăng Quốc Phiên mà nói, đều là vọng tưởng vô ích.
Với thanh danh hiển hách của anh em gia tộc họ Tăng, cuộc sống của Tăng gia đã trải qua những biến hóa kinh thiên động địa. Vì huynh đệ họ Tăng lập công với quốc gia, nên triều đình đã phong tước tặng thưởng cho gia tộc Tăng, các quan viên địa phương cũng không dám bất kính. Tăng Quốc Phiên bản thân cũng nhận được không ít bổ phẩm bổ dược. Sau này ông phát hiện, toàn gia lớn nhỏ, không phân biệt già trẻ, dường như không có người nào uống thuốc, dù thuốc nhà có toàn những loại đắt tiền. Có người thậm chí uống thuốc bổ vào còn phát bệnh.
Tứ đệ trừng hầu Tăng Quốc Hoàng vào mùa xuân dùng rất nhiều thuốc bổ, vào mùa hạ còn uống rất nhiều lương dược, đến mùa đông thì lại uống rất nhiều những thứ thuốc thanh nhuận. Tăng Quốc Phiên khuyên em mình trước tiên hãy dừng thuốc, dùng ẩm thực điều dưỡng, dặn đi dặn lại em trừ phi bệnh nặng, không cần dùng quá nhiều thuốc. Ông viết: “Bảo dưỡng chi pháp, diệc duy tại thận ẩm thực, tiết thị dục, đoạn bất tại đa phục dược dã”, ý tứ là, về phương pháp dưỡng sinh, chỉ cần ăn uống thận trọng, tiết chế dục vọng, chứ không nằm tại uống thật nhiều thuốc, khuyên em nếu không phải là vì sinh bệnh nặng, quyết không được phụ thuộc thái quá vào thuốc. Dưỡng sinh bình thường, chỉ cần chú trọng vào “ăn uống cẩn trọng, tiết chế dục vọng”.
Vào năm Hàm Phong thứ tám (1858), Tăng Quốc Phiên đã ở tuổi trung niên. Ở tuổi 47, gan thận của ông đã xuất hiện vấn đề. Ông nói với nguyên đệ Tăng Quốc Thuyên và những người khác, rằng trong Trung y nói, nếu trầm uất không thông ắt sẽ tổn hại mộc, nếu tâm bốc hỏa ắt sẽ tổn hại thủy. Ông nhận ra rằng, chứng bệnh về mắt và chứng mất ngủ về đêm hiện tại đều là do can uất không thông, tâm hỏa quá vượng dẫn đến. Ông ý thức rằng, tâm thái lo lắng ưu tâm, oán trời trách người không chỉ gây khó khăn đối với xử thế, mà cũng bất lợi đối với tu thân dưỡng đức, dưỡng đức không đủ thì rất khó để bảo trì thân thể khỏe mạnh. Vì thế ông đã viết hai chữ “Bình hòa”, dặn đi dặn lại tam đệ lưu tâm.
Đương thời, khi đồng liêu hoặc bạn thân sinh bệnh, Tăng Quốc Phiên mỗi lần đều khuyên người khác lấy “không dùng thuốc” là thượng sách: “Tôi đã có kinh nghiệm này từ lâu, khi cảm thấy có bệnh, không nên uống thuốc, khi không bệnh có thể uống thang thuốc bổ điều lý, nhưng không nên nhiều”.
Vào năm Đồng Trị thứ nhất (năm 1862), quý đệ Tăng Quốc Bảo bị bệnh nặng. Tăng Quốc Phiên đã viết một bức thư an ủi hỏi thăm em trai, và lo lắng về việc em dùng thuốc một cách khinh suất (liều lĩnh). Ông đã lấy một vài ví dụ để giảng cho quý đệ, rằng không cần uống quá nhiều thuốc cũng có thể chữa khỏi bệnh.
Ông kể về tham mưu của ông là Ngô Đồng Vân, do bệnh đã cực kỳ nghiêm trọng, đã giao đãi hậu sự, còn viết một bức thư nhờ người chuyển cho Tăng Quốc Phiên. Những việc khác Tăng Quốc Phiên đều không hồi ứng, chỉ duy nhất khuyên vị tham mưu không cần uống thuốc nữa. Sau khi Ngô Đồng Vân dừng thuốc, không uống chút thuốc nào trong suốt 11 ngày liên tiếp, thì vào ngày 19/7 liền xuất hiện một bước chuyển, bạo bệnh của ông ấy đã thuyên giảm nhẹ 10 phần chỉ còn 4 phần, triệu chứng nôn mửa các loại đã giảm mười phần chỉ còn 7,8 phần. Tăng Quốc Phiên tin chắc rằng điều này có thể giúp ông ấy bảo trì, không xuất hiện thêm biến cố nào nữa.
Cuối tháng 5 cùng năm, Lý Hy Am (Lý Tục Nghi), một tướng lĩnh của Tương quân, cũng lâm trọng bệnh. Tăng Quốc Phiên đã viết thư cho ông ta, nói: “Trị tâm lấy ‘quảng đại’ làm thuốc, trị thân lấy hai chữ ‘bất dược’ làm thuốc.” Sau khi Lý Hy Am dừng uống thuốc được một tháng, bệnh tình thuyên giảm, không còn ho nữa. Ngô Đồng Vân và Lý Hy Am, hai người này đều là sau khi dừng không uống thuốc nữa, liền nhận được hiệu quả rõ ràng. Tăng Quốc Phiên còn đề cập đến thục sư (gia sư) Đặng Dần Giai của Tăng gia: “Đặng Dần Giai toàn thân đa bệnh, nhưng chưa một lần nếm thuốc”. Đặng Dần Giai một đời có không ít bệnh, nhưng ông từ đầu đến cuối đời chưa từng uống thuốc. Tăng Quốc Phiên biết quý đệ quá mê tín vào dược liệu, mà lại đặc biệt thích thay đổi các loại thuốc, khuyên em không nên quá ỷ lại vào dược phẩm. Ông tha thiết yêu cầu em trai mình chiểu theo lời ông mà làm, lấy không uống thuốc làm giới để tránh.
Vào mỗi mùa xuân, Tăng Quốc Phiên đều lo lắng căn bệnh gan của nguyên đệ (Tăng Quốc Thuyên) phát tác, do đó mỗi lần viết thư, ông đều quan tâm hỏi thăm tình trạng sức khỏe hiện tại của em trai. Tăng Quốc Thuyên mỗi lần hồi đáp đều biện tụng hàm hồ. Vào tháng 4 năm Đồng Trị thứ ba (năm 1864), Tăng Quốc Phiên nhận được thư của nguyên đệ, nhìn thấy trong thư có vài câu: “Bệnh gan đã thâm trọng, thống khổ bệnh tật đã hình thành. Em cứ gặp người là phát nộ, gặp sự là ưu phiền.” Tăng Quốc Phiên biết được thực tình thân thể của nguyên đệ, nên trong thư hồi đáp nguyên đệ, ông viết:
“Căn bệnh này không phải là thuốc có thể chữa được, mọi việc cần vạn sự coi như không. Gặp sự không phiền muộn không tức giận, thì bệnh tật mới dần dần giảm nhẹ. Giống như khi bị con rắn độc cắn vào tay, tráng sĩ cần chặt đứt đoạn tay đó đi, mới có thể bảo toàn sinh mệnh. Đệ đệ nếu muốn bảo toàn tính mạng, hãy coi sự tức giận và phiền muộn là con rắn độc, muốn vứt bỏ sự tức giận và phiền muộn không thể không có dũng khí, huynh khẩn thiết khuyến cáo đệ!”
Vào năm Đồng Trị thứ năm (1866), Tăng Quốc Phiên và Tăng Quốc Thuyên đồng thời được triều đình phong tước vị. Đến lúc đó, môn đình họ Tăng đã đạt tới đỉnh thịnh. Tăng Quốc Phiên đã coi đạo dưỡng sinh và đạo bảo gia là “tương đề tịnh luận”, tức là chúng đều cùng bàn về một vấn đề. Ông cho rằng, gia đạo trường cửu không phải dựa vào phú quý và quan tước nhất thời, mà là dựa vào gia quy của tổ tông lưu lại; không phải là dựa vào hai cá nhân (ông và em trai Tăng Quốc Thuyên) đột nhiên phát tích, mà là dựa vào các chúng nhân của gia tộc duy trì. Nếu một ngày nào đó bị bãi quan hồi gia, bất luận là đối đãi với người thân thích, hay những tộc nhân (họ hàng) nghèo khó, ông đều không khinh nhờn, đối đãi với người nghèo khó cũng như thể với người phú quý. Tại lúc đang hưng thịnh, nên nghĩ đến khi suy lạc, nền tảng gia vận tự nhiên sẽ kiên cố thâm hậu, bảo trì gia vận cũng bảo trì sức khỏe. Vì vậy ông đề xuất 5 phương pháp bảo dưỡng, hai trong đó chính là khắc chế sân nộ (nóng giận), tiết chế dục vọng.
Cùng năm đó, Tăng Quốc Phiên phụng chỉ, lấy tư cách là Khâm sai đại thần, chỉ huy quân đội vây tiễu giặc phỉ. Mắt ông càng ngày càng mờ đi. Nhiều quan viên đến thăm khuyên can, nhưng ông vẫn nhất quyết không dùng thuốc, mà thường dựa các phương pháp vào tĩnh tọa, niệm Kinh, nội thị để tự trị liệu các tật về mắt cho mình. Với đôi mắt mờ đi, Tăng Quốc Phiên phản tỉnh bản thân, làm một đôi câu đối tự cảnh tỉnh bản thân, câu đối là:
“Nhất tâm lý bạc lâm thâm, úy Thiên chi giám, úy Thần chi cách;
Lưỡng nhãn mộc nhật dục nguyệt, do tĩnh nhi minh, do kính nhi cường.”
Dịch nghĩa:
Nhất tâm nhẹ bước vào chốn rừng sâu, cậy Trời chứng giám, cậy Thần giữ khuôn phép;
Đôi mắt tắm gột trong nhật nguyệt, bởi tĩnh mà sáng, bởi biết tôn kính mà mạnh khoẻ.
Nói về một phương diện của đạo lý, trong cuốn “Trang Tử” cũng có một ví dụ, có một người tên là Trương Nghị, đến đâu cũng bái lạy giao vãng với phú quý nhân gia, nhưng không biết dưỡng thân kiện thể, kết quả đã qua đời vì bệnh nội nhiệt khi mới 40 tuổi; và nhân vật Thạch Sùng thời Tây Tấn hy vọng thông qua uống thuốc để bảo trì thể lực cường tráng, nhưng ông ta vừa tàn nhẫn hiếu sát, vừa tham luyến mỹ sắc, cuối cùng chiêu mời họa sát thân. Do đó các bậc tiên hiền thời cổ đại đều hiểu rằng mấu chốt của dưỡng sinh cần dưỡng đức, hai thứ này không thể thiên lệch bên nào, đó mới là đạo dưỡng sinh chân chính.
Tư liệu tham khảo:
- “Tăng Quốc Phiên gia thư”
- “Bắc Tề thư” tập mười hai
- “Tăng Quốc Phiên toàn thư”, trang 216-217
- “Sử cảo nhà Thanh”, tập 405
Tác giả Tống Bảo Lam – The Epoch Times
Hương Thảo biên dịch