Quan trường tựa hồ như một cái lò luyện thép luyện kim, có người từ trong quan trường mà hóa thành than xỉ, lại có người ắt luyện thành vàng chân. Sự khác biệt chính là nằm ở chữ “Tâm”.

Năm Đồng Trị thứ chín, Tăng Quốc Phiên bước qua ngưỡng 60 tuổi, năm Đồng Trị thứ mười một, ông qua đời. Ba năm cuối đời ông cũng không để cho mình nhàn rỗi, vẫn phụng chỉ làm nhiệm vụ, thanh lý văn kiện, hội kiến sứ thần ngoại quốc, còn xử lý vụ án tôn giáo gai góc ở Thiên Tân. Xem qua nhật ký của ông trong ba năm đó, điều khiến người xem cảm xúc nhất là, ông đã sống qua mỗi ngày một cách đầy trân trọng. Trước khi ông sinh ra, tổ phụ của ông đã từng mơ thấy một con trăn khổng lồ giáng hạ; sau khi ông mất, dị tượng hỏa quang dâng trào xuất hiện ở Kim Lăng. Trước và sau khi sinh ông đều có dị tượng mang điềm lành. 

Năm Đồng Trị thứ chín, phát sinh vụ án tôn giáo ở Thiên Tân, ngày 26 tháng 5, Tăng Quốc Phiên phụng chỉ điều tra và xử lý vụ án tôn giáo ở Thiên Tân. Trước khi yên nghỉ, ông đã viết sẵn một vài bản di chúc cho hai con trai của mình vào ngày thứ ba của tháng sáu, đề phòng bất trắc.

Phụng chỉ xử lý vụ án liên quan đến tôn giáo ở Thiên Tân

Vào thời điểm đó, có một tin đồn lan truyền ở Thiên Tân rằng người Thiên Chúa giáo bắt cóc trẻ em, còn khoét mắt và đoạt tim v.v. Một nhóm lưu manh vô lại gây rối, hành động như những kẻ điên trên đường phố, hành hung ẩu đả giáo dân. Lãnh sự quán Pháp Feng Daye trú tại Thiên Tân đến huyện nha thương thuyết, nhưng lại bắn chết tri huyện Lưu Kiệt, dẫn đến dân tình uất ức kích động, gây nên thảm án. Bạo dân đã đánh đập và giết chết 20 người nước ngoài bao gồm cả lãnh sự Pháp Feng Daye ở Thiên Tân, còn giết hại khoảng 30, 40 giáo dân Trung Quốc, đốt hủy 6 giáo đường và cơ quan ngoại quốc. 

Cuộc điều tra án của Tăng Quốc Phiên gặp phải áp lực rất lớn. Nội thì có nhóm quốc dân tâm tình kích động phẫn uất, ngoại thì có áp lực từ người nước ngoài, đe dọa chiến tranh để uy hiếp, đòi mạng tri phủ Thiên Tân Trương Quang Tảo, tri huyện Lưu Kiệt. Tăng Quốc Phiên cự tuyệt giao nộp tri huyện Lưu Kiệt, ông đã khóc rất lâu. Tuy nhiên, tam khẩu thông thương đại thần Túy Hậu đã cưỡng bách Tăng Quốc Phiên giao nộp Lưu Kiệt. Trừ hai người Trương Quang Tảo và Lưu Kiệt, Tăng Quốc Phiên hạ lệnh truy nã bạo dân. Hình bộ phán quyết Lưu Trương hai người bị đi đày ở Hắc Long Giang. Đối với việc này, Tăng Quốc Phiên cảm thấy vô cùng hổ thẹn, ông cùng với Lý Hồng Chương, gom góp được 1 vạn 1 ngàn lượng bạc đưa cho hai người Trương và Lưu, viết thư gửi cho các tướng quân 3 tỉnh Thịnh Kinh, Cát Lâm, Hắc Long Giang khẩn thỉnh chiếu cố hai người.

Bị xúc phạm không giận, tĩnh tâm thể ngộ công phu tu thân của cổ nhân

Mặc dù vậy, các thân sĩ kinh kỳ vẫn bất mãn với phán quyết của Tăng Quốc Phiên. Họ đã tụ tập dân chúng gây náo loạn, phá hoại bài biển do Tăng Quốc Phiên đề tả ở Hội quán Hồ Nam. Tăng Quốc Phiên từ lâu đã kinh qua nhiều vấn đề nhân sự, từng trải sóng to gió lớn, những chuyện này ông không để tâm. 

Khi mọi người đều xúc phạm ông, có thể ông đang thể hội những lời nói của cổ nhân. Trong nhật ký ngày 22 tháng 9 này, ông đã viết:

“Thị nhật tư cổ nhân công phu, kì hiệu chi vưu trứ giả, ước hữu tứ đoan: viết thận độc tắc tâm thái, viết chủ kính tắc thân cường, viết cầu nhân tắc nhân duyệt, viết tư thành tắc thần khâm”, ý tứ là về công phu của cổ nhân, hiệu quả kỳ diệu nhất ước có 4 khía cạnh: thận trọng ắt yên tâm, kính chủ ắt thân cường, cầu nhân nghĩa ắt đẹp lòng người, tâm tư chân thành ắt Thần cũng kính trọng. Người khác xúc phạm ông, ông không để tâm, mà tĩnh tĩnh suy nghĩ thể hội về bốn phương diện chủ yếu về tu thân của cổ nhân. Ông cảm thán bản thân mình dù đã già lão, nhưng vẫn hy vọng có thể lại hạ chút công phu, ngay cả khi ông chỉ thủ đắc một phần vạn thành quả, ông vẫn cam tâm tình nguyện.      

Trong công vụ bận rộn phiền toái, ông đã trải qua năm Đồng Trị thứ 9. Chỉ trong nháy mắt, Tết cổ truyền đã đến.

Tự ước thúc bản thân, phản bổn quy chân

Trong dịp Tết Nguyên Đán, Tăng Quốc Phiên, ở tuổi 60, vẫn tự động viên mình khi đối diện với thời khắc năm mới. Vào ngày 17 tháng giêng năm Đồng Trị thứ 10, ông viết đôi câu đối, theo lời của ông là “tác liên tự châm”:

“Cầm lí hoàn nhân, tĩnh do kính xuất.
Tử trung cầu hoạt, đạm cực nhạc sanh.”  

Từ trong tục dục của cầm thú mà phản hồi về bản tính nguyên sơ của con người, nhân tâm an tĩnh do nghiêm túc, cẩn trọng mà sinh. Từ trong cái tử cầu đắc sinh mệnh, từ trong cực kỳ điềm đạm mà cảm thụ niềm vui của sinh mệnh, không vì bần tiện hay phú quý mà niềm vui bị lay động. Hai câu đối này, một câu chiết ra từ ý tứ của chương “Dạ khí” trong “Mạnh Tử – Cáo tử thượng”, câu kia chiết ra từ ý tứ của chương “Sơ thủy khúc quăng” trong “Luận ngữ – Thuật nhi”, lấy đó để đoạn tuyệt toàn doanh tư lợi mà ước thúc bản tính chân chính của tự kỷ.

Khi con người truy cầu tư dục quá độ, họ sẽ dần đánh mất bản tính con người của mình, lạc vào vòng cầm thú. Vì vậy, các tiên hiền thời cổ chủ trương gạt bỏ tư dục, khôi phục bản tính thiên lương của con người, đây chính là nội hàm của “cầm lý hoàn nhân”.

Quan trường tựa hồ như một cái lò luyện thép luyện kim, có người từ trong quan trường mà hóa thành than xỉ, lại có người ắt luyện thành vàng chân. Sự khác biệt chính là nằm ở chữ “Tâm”. Từ ghi chép của ông, có thể thấy điều mà Tăng Quốc Phiên truy cầu, thứ nhất là Thận trọng, độc lập – vì nội tình ẩn giấu những niệm đầu vi tế, từ đó khiến tâm lý an thái; Thứ hai là Nhân từ, tồn tâm dưỡng tính, dân bào vật dữ – yêu thương hết thảy chúng sinh, đặt công phu vào vô ngã, không nghĩ đến tư lợi bản thân, tìm niềm vui trong sự vô tư vô ngã. Trong lò luyện tại quan trường, ông luôn có ý thức tôi luyện phẩm chất bản thân. 

Từ nhật ký của ông, lịch trình làm việc hàng ngày được an bài rất dày đặc, bao gồm xem xét các công văn, kiểm duyệt các quân doanh ở nhiều nơi, đốc sát Tổng cục Chế tạo Giang Nam, thẩm hạch các vụ án, và duyệt đọc kinh sử. Trong năm Đồng Trị thứ mười và mười một, những cuốn sách mà ông đã đọc bao gồm “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Dịch Kinh”, “Sử ký”, “Tư trị thông giám”, “Hương San thi tập”, “Duyệt vi thảo đường bút ký”, “Lục dã tiên tung”, “Cổ văn – khí thế chi thuộc”, “Lư lăng học án”, v.v.

Ông nhất định mỗi ngày đều kiên trì đọc “Tư trị thông giám”, “Tống Nguyên học án”, “Lý học tông truyền” v.v., ông hữu ý không để cho thân tâm mình có một ngày an dật. Đến cuối năm, ông đã viết được vài bài thơ và hơn chục bài báo. Nhìn nhật ký của ông lúc này, không thấy ghi chép hào quang trong quan trường, mà đa phần là nghiêm trách đối với bản thân.

Tin vào luân hồi chuyển thế

Tăng Quốc Phiên đã từng trải rất nhiều vấn đề nhân sự, nhân sinh nên kết thúc như thế nào dần dần được bày ra trước mặt ông. Đôi khi nhìn thấy một số dấu hiệu, ông đều tự nhiên liên tưởng đến bản thân.

Theo truyền thuyết dân gian, Tăng Quốc Phiên là chuyển thế của một con trăn khổng lồ. Căn cứ theo ghi chép của “Tăng Văn Chính công niên phổ”, Quyển 1, vào ngày 11 tháng 10 năm Gia Khánh thứ 16, tại Hải Thạch, tổ phụ của Tăng Quốc Phiên, Cánh Hy Công, đã có một giấc mộng vào đêm đó. Cụ mộng thấy một con trăn khổng lồ bay lượn trên không trung, đậu xuống nhà họ Tăng rồi tiến vào sân trong. Con trăn ngồi xổm trên mặt đất rất lâu. Cánh Hy Công nhìn cảnh tượng trước mặt, bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Lúc này, cụ nghe được tin báo từ gia đình là cháu trai của cụ đã chào đời. Cánh Hy Công nghĩ về giấc mơ, khi đứa cháu trai này được sinh ra cũng chính là trăn khổng lồ chìm vào mộng. Cụ cho rằng đó là một điềm báo tuyệt hảo và cao hứng nói: “Đây là một điềm cát tường cho gia đình. Gia tộc họ Tăng sẽ hưng thịnh trong tương lai.”

Vì vậy, thuyết pháp Tăng Quốc Phiên là trăn chuyển thế được lan truyền rộng rãi. Tăng Quốc Phiên một đời bị bệnh ghẻ, ngứa da quanh năm nên gãi đến mức không chỗ da nào còn lành lặn. Trong những năm cuối đời, Tăng Quốc Phiên dường như cũng tin rằng mình là một con trăn chuyển thế. Do đó, ở Mã Cốc Sơn, khi Tăng Quốc Phiên đang đàm luận với mọi người trong thính đường, đột nhiên một con rắn lớn bất ngờ rơi từ trên xà xuống, tâm lý ông, dường như có cảm ứng đặc biệt, tự nghĩ: “tự diệc bất tường”, cho rằng đây không phải là điềm lành.

“Nhân sự đại tạ, cố hữu điêu linh”, mỗi khi nhìn vật nghĩ đến người, hoặc nghe những lời tâm sự của mọi người và những người bạn cũ, Tăng Quốc Phiên cũng cảm thấy vài phần thương cảm.

Vào năm Đồng Trị thứ mười một (1872), Tăng Quốc Phiên đã sáu mươi hai tuổi. Vào ngày 2 tháng 1 âm lịch, ông đến thăm nhà Ngô Đình Đống. Trong bữa tiệc, mọi người đều nói về di sớ của Oa Nhân, đều ca ngợi ông ấy. Khi Tăng Quốc Phiên viết nhật ký để phản tỉnh tự thân, tu dưỡng thành ý, chính là noi gương Oa Nhân. Ông có cảm giác bạn cố giao khi xưa đã dần điêu linh tạ thế, trong tâm tự nhiên thấy đau lòng, mang theo vài phần thương cảm khi rời nhà Ngô Đình Đống.

Ngọn nến lung linh trong ánh hào quang của tuổi già

Vào mùa thu năm Đồng Trị thứ mười, Tăng Quốc Phiên đã ngoài 60 tuổi, ông như ngọn nến sắp tàn, lay động trong mưa gió với chút ánh sáng còn sót lại của mình. Vào năm Đồng Trị thứ mười một, ông thường bị chuột rút ở bàn chân và tê bì bàn chân phải, mỗi lần như vậy phải mất một thời gian dài mới có thể khôi phục lại.

Tô Đình Khôi (1800-1878), Tổng đốc đường sông, là bạn học của ông ở Đô Môn thời trẻ. Một ngày nọ, Tô Đình Khôi đi ngang qua Kim Lăng, Tăng Quốc Phiên nghe tin rằng người bạn cũ của mình sắp đến, liền ra khỏi thành nghênh tiếp bạn. Tuy nhiên, do bệnh phát nên Tăng Quốc Phiên cảm thấy đầu lưỡi tê cứng, ý thức sao nhãng, chỉ có thể nghe và cảm nhận được lời nói của người khác nhưng nói không ra lời, trong nhật ký của ông tự xưng là “tâm trí mê mờ”. Mọi người khuyên ông nên trở về công sở, không thể ra ngoài thành được.

Tăng Quốc Phiên không thể ra ngoài tiếp khách, vì vậy Tô Đình Khôi đã đến công sở để thăm bạn cũ. Cùng ngày, Tăng Quốc Phiên và Lý Hãn Chương cũng cùng nhau soạn thảo một bản tấu để báo cáo tình hình quản lý muối ở Hoài Nam. Sau khi Thái Bình Thiên Quốc bị thanh trừng, Tăng Quốc Phiên lần đầu tiên chấn chỉnh việc quản lý muối và ban hành một loạt các quy định, thành lập các văn phòng xúc tiến đầu tư ở các vùng duyên hải khác nhau, thành lập các văn phòng giám sát và bán hàng ở các tỉnh khác nhau, và thiết lập các tổng kho ở Qua Châu, tạo phương tiện cho thương dân vãng lai. Trong suốt tám năm, đã trưng thu được hơn 20 triệu lượng bạc. Khi trong quân đội, bất kể là công hàm hay tư tín, ông đều tự mình xử lý, không bao giờ ký giả. Những năm sau này, do bị bệnh về mắt và suy giảm thị lực, ông phải nhờ nhân viên, người thân và bạn bè soạn thảo bản thảo, sau đó kiểm tra và chỉnh sửa lại. Cho dù sau này mắt phải bị mù, phàm là những thư tín công hàm quan trọng nhất, ông cũng không phó mặc vào người khác.

Tăng Quốc Phiên thời trẻ rất ghét Bàng Tác Nhân, ông cũng không hề che giấu biểu đạt sự chán ghét của mình đối với người này trong nhật ký. Nhưng tình cảm này không đưa ông vào tình huống bành trướng và cực đoan. Nhìn lại cuộc đời của ông, biểu hiện chán ghét của ông đối với người ta thường không bao giờ duy trì lâu. Bất kể là chán ghét đến mức nào, khi Bàng Tác Nhân đưa văn chương đến cho Tăng Quốc Phiên, ông vẫn nhất quyết xem xét kỹ lưỡng nó ngay cả trong lúc bị ốm.

Tăng Quốc Phiên qua đời, dị tượng xuất hiện tại Kim Lăng

Vào ngày 4 tháng 2 âm lịch năm Đồng Trị thứ 11 (1872), Tăng Quốc Phiên và con trai Tăng Kỉ Trạch đang đi dạo trong vườn, vừa đi được không lâu, Tăng Quốc Phiên hai chân tê cứng, Tăng Kỉ Trạch nhanh chóng dìu cha đến thư phòng. Tăng Quốc Phiên ngồi ngay ngắn trong thư phòng trong ba khắc, rồi đột ngột ra đi. Ông mất khi đang đảm nhiệm chức Tổng đốc Lưỡng Giang.

Ngày hôm đó (19 giờ đến 21 giờ), tại thành Kim Lăng trời mưa phùn, mặc dù trời đã tối nhưng đột nhiên trong thành lại xuất hiện hỏa quang. Các quan đại thần tại hai huyện Giang Ninh và Thượng Nguyên đều cho rằng thành Kim Lăng bị cháy, vội vàng ra lệnh cho người đến dập lửa, nhưng không ai nhìn thấy nguồn lửa, chỉ có một luồng sáng đỏ, hình tròn như gương xuất hiện ở phía tây nam. Qua một lúc rất lâu, mới dần dần biến mất.

Người dân Giang Nam bi ai thương khóc Tăng Quốc Phiên. Sau khi tin về cái chết của ông đến kinh đô, hoàng thượng vô cùng chấn động và thương tiếc, đã nghỉ lên triều trong ba ngày.

Nhìn lại cuộc đời của Tăng Quốc Phiên, tựa hồ như mỗi ngày ông đều cống hiến hết mình trên thế gian này. Cuộc đời của ông, đã từng trải những lúc khốn khó cơ cực, những lúc bần hàn, những lúc hiển hách và vinh quang; bất luận đặt thân tại hoàn cảnh nào, ông đều dụng tâm trân trọng mọi thứ hiện có và cẩn thận bước qua. Trong vũ trụ bao la, ngay cả những chức sắc hiển hách nhất đều nhỏ bé yếu ớt. Tăng Quốc Phiên trong hồng trần cuồn cuộn, thuận Thiên thời, làm việc hết sức mình, khiến cho sinh mệnh nhỏ yếu của ông phóng ánh quang minh, vĩnh viễn trở thành một bia đá bất hủ.

Tài liệu tham khảo:

  • “Tăng Quốc Phiên gia thư”
  • “Tăng Quốc Phiên nhật ký” 
  • “Thanh bại loại sao” Tập 65
  • “Tăng Văn Chính công niên phả” Tập 1 và Tập 12

Tác giả: Tống Bảo Lam, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Từ Khóa: