Nói đến Tư Mã Ý, ông là đại thần nước Ngụy thời Tam Quốc, trải qua bốn đời quân chủ là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương. Cuối đời, ông đã phát động “Chính biến lăng Cao Bình” đoạt lấy chính quyền của Tào Ngụy và đặt nền móng cho cháu trai mình Tư Mã Viêm xưng đế.
Năm 266, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm xưng đế, thời gian đầu khi mới lên ngôi ông là một vị hoàng đế rất có thành tựu. Vào thời điểm đó, Thục Hán đã bị diệt vong, và duy chỉ có một kẻ thù lớn là Đông Ngô đang ngăn cản việc ông thống nhất thiên hạ. Cần phải nói rằng Tấn Vũ Đế vào thời điểm này là người có nhiều tham vọng, và rất có ước thúc trong lời nói cũng như việc làm của mình.
Năm Thái Khang thứ nhất (năm 280), Tấn Vũ Đế đem quân đánh Đông Ngô. Sau hơn 4 tháng chiến đấu, Đông Ngô đã đầu hàng.Đến đây thì chấm dứt thời kì chiến loạn đẫm máu kéo dài từ thời Hán mạt gần 100 năm, Trung Hoa lại được quy về một mối.

Trong thời gian Tấn Vũ Đế trị vì, vào những năm Thái Khang, xuất hiện lại cảnh tượng phồn vinh kể từ thời nhà Hán, sử sách gọi là “Thái Khang thịnh trị”. Tuy nhiên, sau khi Tấn Vũ Đế tiêu diệt Đông Ngô, dần dần bỏ bê chính sự, cuối đời ông ham mê tửu sắc, hoang phí và dâm dục, có hậu cung hơn mười nghìn người. Sự dâm loạn, xa hoa của ông đã trở thành trào lưu xấu lan rộng khắp cả nước. Và ngay lúc này, có một người đang trỗi dậy, đó chính là Hán Triệu Quang Văn Đế Lưu Nguyên.
Lưu Uyên, tên tự Nguyên Hải, được biết đến với thụy hiệu Hán (Triệu) Quang Văn Đế là vị hoàng đế khai quốc nhà Hán Triệu trong lịch sử Trung Quốc.
Vào cuối thời Tào Ngụy hoặc đầu thời Tấn, các quý tộc Hung Nô tuyên bố rằng họ có gốc từ nhà Hán thông qua việc một công chúa nhà Hán đã kết hôn với vị thiền vu đầu tiên trong lịch sử người Hung Nô, Mặc Đốn thiền vu, và do đó cải họ thành “Lưu”, cũng là họ của hoàng tộc nhà Hán. Cha của Lưu Uyên là Lưu Báo, là Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô.
Do các quý tộc Hung Nô có quyền lực thường bị Tào Ngụy và Tấn bắt gửi con trai của họ đến Lạc Dương (nhằm làm cho họ trở nên Hán hóa hơn nữa và đảm bảo lòng trung thành của họ), Lưu Uyên được đưa đến Lạc Dương để cư trú và học văn hiến của người Hán. Ông nổi tiếng với những luận giải của mình, đặc biệt là “Binh pháp Tôn Tử”, “Binh pháp Ngô Khởi”, thậm chí các tác phẩm kinh điển lịch sử như “Sử Ký”, “Hán Thư” ông cũng đều đọc qua.
Đại thần triều Tấn là Vương Hồn (một trong các tướng lãnh đạo sau này tham gia chinh phạt Đông Ngô) rất ấn tượng Lưu Uyên, con trai của Vương Hồn là Vương Tể trở thành bạn tâm giao của Lưu Uyên. Vương Hồn tin Lưu Uyên sẽ là một tướng tài và nhiều lần tiến cử Lưu Uyên với Tấn Vũ Đế, song Khổng Tuân và thúc phụ của Hoàng hậu Dương Chỉ là Dương Tể lại nghi ngờ Lưu Uyên do ông có nguồn gốc Hung Nô và thuyết phục Vũ Đế chống lại việc cử Lưu Uyên làm người chỉ huy quân sự trong các chiến dịch chống Đông Ngô và cuộc nổi loạn của người Tiên Ti do Thốc Phát Thụ Cơ Năng. Cuối cùng, em trai của Vũ Đế là Tư Mã Du, ấn tượng và lo sợ trước khả năng của Lưu Uyên nên đã khuyên Vũ Đế giết đi để trừ hậu họa, song Vương Hồn lại thuyết phục Vũ Đế rằng điều đó là sai lầm. Khi Lưu Báo qua đời, Vũ Đế cho phép Lưu Uyên trở thành lãnh đạo của Tả bộ Hung Nô.
Sau khi Tấn Vũ Đế qua đời, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung kế vị, nhiếp chính vương Dương Tuấn đã phong cho Lưu Uyên làm chỉ huy toàn bộ ngũ bộ Hung Nô, song đến thời người nhiếp chính sau đó của nhà Tấn là Hoàng hậu Giả Nam Phong, Lưu Uyên bị bãi chức vụ này do không có khả năng chấm dứt một trong những cuộc nổi loạn của đồng bào mình. Sau đó, khi Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh trở thành tướng chỉ huy ở Nghiệp thành, ông ta đã mời Lưu Uyên đến làm tướng thuộc cấp của mình, Lưu Uyên chấp thuận lời mời này.
Trong bối cảnh Loạn bát vương, năm 304, các quý tộc Hung Nô do người lãnh đạo Bắc bộ, Lưu Tuyên cầm đầu, mệt mỏi trước nền cai trị của nhà Tấn, nên đã âm mưu tái độc lập từ nhà Tấn. Họ cử một sứ giả đến để bí mật ban cho Lưu Uyên tước hiệu “Đại thiền vu”. Tư Mã Dĩnh lúc này đang phải để tâm vào cuộc tấn công của Vương Tuấn, Vương Tuấn lúc này được tăng cường với lính Tiên Ti và Ô Hoàn. Lưu Uyên nói rằng ông nhân việc này để huy động binh lính Hung Nô để trợ giúp cho Tư Mã Dĩnh, Tư Mã Dĩnh chấp thuận cho phép Lưu Uyên trở về Hung Nô.

Khi Lưu Uyên trở về chỗ đồng bào của mình, ông đã tập được 5 vạn người một cách nhanh chóng và sẵn sàng trợ giúp cho Tư Mã Dĩnh, song ông cũng công khai chấp nhận tước hiệu Đại thiền vu. Tuy nhiên, ông khi đó lại nghe được tin rằng quân của Tư Mã Dĩnh đã bị sụp đổ trong nỗi sợ hãi trước quân của Vương Tuấn và rằng Tư Mã Dĩnh đã chống lại các lời khuyên của ông trước đó, đã chạy trốn đến Lạc Dương.
Lưu Uyên sau đó tuyên bố thần dân của mình độc lập từ Tấn và còn tuyên bố xa hơn rằng, là một hậu duệ của nhà Hán, ông sẽ kế vị ngôi vị của nhà Hán, và do đó xưng tước hiệu Hán Vương, có ý lựa chọn tước hiệu của Lưu Bang, người sáng lập nên nhà Hán. Lưu Uyên tái lập việc thờ phụng tám vị hoàng đế nhà Hán: Cao Đế, Văn Đế, Vũ Đế, Tuyên Đế, Quang Vũ Đế, Minh Đế, Chương Đế, và Lưu Bị. Lưu Uyên ban đầu đặt tên quốc hiệu là Hán, song thường được sử sách gọi là “Hán Triệu” hay “Tiền Triệu” do cháu trai của ông là Lưu Diệu đã cải quốc hiệu sang Triệu vào năm 319.
Sau khi lập quốc, Hán Triệu lập tức xâm lấn vào lãnh thổ nhà Tấn, đồng thời ổn định tình hình miền bắc. Năm 308, Lưu Uyên sai Lưu Thông, Thạch Lặc đánh chiếm các châu quận của nhà Tấn. Đến năm 308, Lưu Uyên hạ thành Bình Dương, rồi đóng đô ở đó, tự xưng hoàng đế, chính thức độc lập với nhà Tấn. Trong năm 309, Lưu Uyên lần lượt tiến công các vùng Nghiệp Thành, Ngụy quận, Cấp quận, Đốn Khâu, Thượng Đảng, Quyên Thành, Cấp quận… rồi hai lần tiến công thành Lạc Dương song chưa thành công.
Năm 310, Lưu Uyên lâm bệnh, ông lập con trai cả là Lưu Hòa làm thái tử. Sau khi ông qua đời, Lưu Hòa trở thành hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, tân hoàng đế bị Lưu Thông lật đổ và giết chết, Lưu Thông lên ngôi hoàng đế.
Ba tháng sau khi Lưu Thông lên ngôi, ông dẫn quân tấn công Lạc Dương, đánh bại quân Tấn ra sức chống cự và giết hơn 30.000 người.
Đến tháng 10 cùng năm, Hán Triệu đánh Lạc Dương lần thứ ba trong khi vua tôi nhà Tấn bất hòa. Lạc Dương nhanh chóng nguy cấp, chỉ có Sơn Giản ở Tương Dương và Vương Trừng ở Kinh châu đưa quân cứu nhưng đều bị đẩy lui. Tháng 11, Đông Hải vương Tư Mã Việt bỏ Lạc Dương lui về Hứa Xương. Cung thất bỏ trống, tình hình nguy ngập, Hoài Đế không thể rời khỏi Lạc Dương.
Trước sự tiến công của Hán Triệu mà nội bộ nhà Tấn vẫn mâu thuẫn. Hoài Đế mưu chống Tư Mã Việt, làm quân Tấn càng suy yếu. Ngày 11 tháng 6, quân Hán Triệu tấn công thành Lạc Dương, tiến vào hoàng cung cho quân lính cướp phá, bắt hết cung nữ và lấy hết kỳ trân dị bảo trong hoàng cung rồi đại khai sát giới, Tấn Hoài Đế và Dương Hoàng hậu đều bị bắt và bị đưa đến Bình Dương. Đây là “Vĩnh Gia chi loạn” nổi tiếng trong lịch sử.
Sau loạn Vĩnh Gia, tông thất Tây Tấn gần như bị xóa sổ, dòng dõi Tấn Vũ Đế chỉ có cháu trai là Dự Chương Vương Tư Mã Đoan và Tần Vương Tư Mã Nghiệp may mắn thoát được. Còn Tấn Hoài Đế Tư Mã Sí và Tấn Mẫn Đế Tư Mã Nghiệp cuối cùng cũng bị Lưu Thông giết hại, vương triều Tây Tấn bị diệt vong vào năm 316.
Tục ngữ có câu: “Đạo trời xoay vần”, Tư Mã Ý nhờ vào mưu trí và lực nhẫn nại của mình mà thâu tóm được thiên hạ Tào Ngụy, đặt nền móng cho cháu mình là Tư Mã Viêm xưng đế, biến thiên hạ trở thành thiên hạ của nhà Tư Mã. 50 năm sau khi Tư Mã Viêm lên ngôi, con cháu gia tộc Tư Mã bị lăng nhục, chịu nhận tai họa ngập đầu, thảm hơn rất nhiều so với gia tộc họ Tào năm xưa.
Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch