Đại chiến Thành Bộc” là trận đánh nổi tiếng lịch sử, bởi vì trong trận chiến này, Tấn Văn Công đã kết hợp nghệ thuật lừa dối cùng với tín nghĩa, cuối cùng giành được sự tín nhiệm của chư hầu và cả hoàng đế. Tại sao ông lại làm được điều này? 

Thời Xuân Thu, nước Sở vô cùng hùng mạnh, ý đồ muốn bá chủ Trung Nguyên. Thế nhưng, Tấn Sở giao tranh trong “Đại chiến Thành Bộc”, nước Tấn thông qua một trận đánh mà thắng được nước Sở, đưa Tấn Văn Vương lên ngôi Bá chủ.

Từ lời hứa ‘Nhượng bộ lui binh’…

Tấn Văn Công Trùng Nhĩ, từng bởi vì nội loạn mà ly khai nước Tấn sống lưu vong 19 năm. Lúc ông đến nước Sở cùng nước Tống, quốc vương của hai nước này đều đối với ông rất tốt. Trong một lần tổ chức tiệc rượu, Sở vương hỏi Trùng Nhĩ: “Nếu sau này ngài trở về nước và trở thành quốc vương, ngài sẽ báo đáp ta như thế nào?” Trùng Nhĩ suy nghĩ một chút rồi nói: “Mỹ nữ, vàng bạc châu báu, tơ lụa, Đại Vương đã có rất nhiều. Chim quý, ngà voi, da thú lại chính là sản vật của nước Sở. Nước Tấn nào có thứ gì quý hiếm để tiến cống cho Đại Vương chứ?” Sở vương nói: “Công tử thật quá khiêm nhường rồi, lời nói tuy là như thế, nhưng ý tứ đối với ta cũng có chút tỏ vẻ đúng không?” Trùng Nhĩ cười cười nói: “Nếu nhờ phúc của ngài, ta thật sự có thể trở về nước Tấn và trở thành Tấn vương… Ta nguyện cùng quý quốc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Nếu có một ngày, nước Tấn và nước Sở không thể tránh khỏi việc binh đao, ta sẵn lòng nhượng bộ lui binh trước để báo đáp ân tình. Nếu như ngài vẫn không tha thứ, ta sẽ cùng ngài giao chiến”. 

Về sau, Trùng Nhĩ thực sự đã trở về nước Tấn và lên ngôi quân chủ. Ông trọng dụng hiền tài, bảo vệ dân chúng, phục hưng lại đất nước. Không lâu sau, nước Sở xuất binh tấn công nước Tống, nước Tống liền cầu cứu Tấn Văn Công. Nhất thời, Trùng Nhĩ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu giúp nước Tống thì sẽ vong ân phụ nghĩa với nước Sở, mà không giúp Tống quốc thì cũng là vong ơn phụ nghĩa với nước Tống. 

Tuy nhiên, Tống Văn Công là một bậc quân vương anh minh, có thể phân biệt rõ việc cá nhân và đại nghĩa quốc gia. Khi đó, nước Sở với tư cách là hậu duệ của nhà Hạ, thống nhất phía Nam, khiến các nước thuộc lưu vực hạ du sông Hoàng Hà đều thần phục, Chu Thiên Tử cũng phải phục tùng. Nước Sở quả thực có khí thế nhất thống thiên hạ. Tấn Văn Công với tư cách là cùng họ tộc với vua Chu nên không thể tùy tiện xuất quân đánh xuống phía Nam. Vậy là, vì để cho vùng đất Trung Nguyên được yên ổn, vào năm 632 trước Công Nguyên, Tấn Văn Công đã phát động cuộc chiến toàn diện đánh vào nước Sở. 

Nhưng nước Sở cường thịnh, trận chiến này đánh thế nào mới không thất tín bội nghĩa mà vẫn có thể giành được thắng lợi lâu dài?

Tấn Văn Công từng hứa với Sở vương, nếu hai nước giao tranh thì nước Tấn sẽ lui binh trước để trả ơn. Nếu không thực hiện lời hẹn thì Tấn Văn Công sẽ trở thành kẻ bội tín, một khi đã thất tín thì không những bị người đời xem thường mà danh không chính, ngôn cũng không thuận, như vậy thì sao có thể thúc đẩy tinh thần binh sĩ để đánh thắng được?

Vì vậy, khi hai quân sắp gặp nhau, Tấn Văn Công đã đích thân dẫn quân lui binh 90 dặm đến Thành Bộc để thực hiện lời hứa của mình. Lúc đó, Nguyên soái của quân Sở là Tử Ngọc, bản tính kiêu căng ngạo mạn, coi thường quân Tấn, một mực đuổi theo tới 90 dặm, với khí thế muốn dùng một trận đánh tan quân Tấn. Tuy nhiên, Tử Ngọc không nghĩ tới, Tấn Văn Công cho quân lui binh không phải vì sợ thua trận, ông cho lui quân đến 90 dặm, quân Sở vẫn tấn công thì ông không thể lại lui tiếp nữa. Quân Tấn lợi dụng nhược điểm kiêu ngạo khinh địch của Tử Ngọc, đã bố trí cẩn thận dồn Tử Ngọc vào chân tường phía Nam. 

Khi cuộc chiến bắt đầu, quân Tấn lấy da hổ bọc lên mình ngựa tấn công quân Sở từ bên phải, cánh quân bên phải của nước Sở thực sự cho rằng lão hổ đã đến nên ngựa kéo xe sợ quá phải nhất loạt rút lui, đội quân tan rã và thương vong vô số. 

Quân Tấn đắp da hổ lên ngựa tấn công vào cánh phải của quân Sở (tranh của Zhang Lushan và Ye Zhihao).

Sau đó, quân Tấn giả cho hai nhóm quân rút lui, trên xe buộc theo nhánh cây khiến bụi bay mù mịt. Chiêu này khiến cho quân Sở không biết rõ tình hình quân địch, cứ thế mà tiến vào vòng vây, cuối cùng dẫn đến đại bại. 

“Trận Thành Bộc” nổi tiếng trong lịch sử đã nhận được lời khen ngợi của Chu Thiên Tử. Trong chiến tranh, Tấn Văn Công vì hết lòng giữ lời hẹn ước mà nhận được sự ủng hộ của người trong thiên hạ, mọi người đều nghĩ Tấn Văn Công là một người đáng tin cậy. Tấn Văn Công trở thành Bá chủ thứ 2 thời Xuân Thu, các nước trên vùng đất Trung Nguyên coi trọng liên minh, cùng nhau chống lại ngoại xâm. Trong lịch sử Xuân Thu chiến tranh liên miên nhờ thế đã xuất hiện thời kỳ cục diện thái bình. 

Đến chiến thuật ‘Tát ao bắt cá’

Trước khi xuất quân, Tấn Văn Công từng hỏi ý kiến Hồ Yển: “Quân ta đối kháng với địch, làm thế nào để giành phần thắng?” Hồ Yển đáp: “Lễ không ngại đẹp, chiến tranh không ngại lừa gạt, ngài dùng lừa gạt tốt là thắng rồi”. 

Tấn Văn Công lại hỏi ý kiến của Ung Quý. Ung Quý nói: “Rút sạch nước trong hồ để bắt cá, liệu con cá nào trốn thoát được? Nhưng nếu làm như vậy thì sang năm sau hồ sẽ không có cá nữa. Đi săn mà đốt rừng cháy rụi, liệu có con thú nào trốn thoát? Nhưng nếu làm vậy thì năm sau nơi đó không còn dã thú nữa. Kế sách lừa gạt cũng như thế, tuy nhiên nếu dùng ngẫu nhiên một lần thì sẽ thành công, nhưng lần sau dùng lại sẽ không còn được nữa, đây không phải là kế lâu dài”. 

Cuối cùng Tấn Văn Công đã sử dụng kế sách của Hồ Yển và giành được thắng lợi. Tuy nhiên, sau khi luận công ban thưởng, Ung Quý lại được xếp hàng trên so với Hồ Yển. Có người cảm thấy sự việc này thật kỳ lạ, cho rằng Tấn Văn Công thưởng nhầm. Tấn Văn Công nói: “Kế lừa gạt của Hồ Yển chỉ là kế sách tạm thời áp dụng cho chiến tranh mà thôi. Còn quan điểm giữ chữ tín của Ung Quý lại mang đến lợi ích lâu dài. Ta sao có thể coi trọng cái lợi ích tạm thời mà khinh thường lợi ích thiên thu muôn đời chứ?” 

Do đó, Tấn Văn Công đã nhận ra tầm quan trọng của giữ chữ tín lớn hơn nhiều so với mưu kế lừa gạt. Thật vậy, mặc dù Tấn Văn Công dùng mưu kế lừa gạt mà đạt được thắng lợi và giành lấy ngôi vị Bá chủ, nhưng lý do quan trọng nhất chính là ông biết coi trọng trung, tín, nghĩa mới có thể đạt được sự tín nhiệm của Chu Thiên Tử cùng các nước chư hầu. 

Cũng giống như một người có thể kết bạn, thông thường phải nhờ vào đức tính chân thành, thiện lương, biết giữ chữ tín. Người có được phẩm chất này mới có thể khiến người khác tin tưởng và yêu mến. Nếu như cậy mạnh ức hiếp yếu, dùng mánh lới lừa gạt trộm cắp, người như vậy rất khó để có thể kết giao thành bạn bè thực sự. Một nước lớn có thể khiến nước nhỏ sẵn lòng quy thuận, cũng bởi vì nước lớn biết giữ chữ tín, trợ giúp nước nhỏ, chứ không phải ỷ vào cái danh nước lớn mà ngang ngược kiêu ngạo. 

Giai đoạn lịch sử này đã để lại cho hậu thế hai câu thành ngữ đáng để suy ngẫm, đó là: ‘Nhượng bộ lui binh’ và ‘Tát ao bắt cá’. 

Theo Trình Thư Ngữ – Sound Of Hope
San San biên dịch