Mục lục bài viết
Tâm tính của bạn có tốt hay không trước hết phụ thuộc vào thái độ của bạn đối với những người thân yêu của mình, đó mới là phẩm cách chân thực nhất của bạn.
Câu chuyện 1
Ngày trước, trên trang mạng Trung Quốc có một bài viết rất được lan tỏa: Một cậu bé 9 tuổi ở thành phố Vũ Hán, để thay đổi tính nóng giận của mẹ, cậu đã tìm đọc cuốn sách “Nhược điểm trong nhân tính” của nhà văn Dale Carnegie, mỗi khi mẹ cậu nổi cơn tam bành, cậu đều giở đúng trang sách ra và bảo với mẹ rằng: “Mẹ nổi nóng vậy có ích gì không?”.
Về sau, mẹ cậu đã thật sự hiểu ra, và hoàn toàn bị chinh phục. Câu chuyện về cậu bé nhanh chóng lan toả trên mạng xã hội, và nhận được rất nhiều lượt “Like” (yêu thích), cư dân mạng không ngớt khen cậu bé tuổi còn nhỏ mà đã giỏi như vậy.
Tôi cũng ấn “Like” cho cậu bé này, hơn nữa là cái “Like” lớn nữa đằng khác. Điều cần nói rõ là điều mà tôi khen ngợi không phải bởi cậu nhỏ tuổi vậy đã thích đọc sách, mà là khen phương thức xử lý vấn đề của cậu.
Theo suy nghĩ của người bình thường, hầu hết trẻ em khi hứng cơn thịnh nộ của mẹ chắc chắn sẽ chọn khóc lóc hoặc đáp trả, nhưng cậu đã chọn cách khéo léo này, không chỉ giúp bản thân khỏi bị mắng mỏ, mà còn thay đổi tính khí của mẹ, tất nhiên qua việc đọc sách cũng giúp cậu gặt hái được nhiều lợi ích khác nữa.
Tôi nhận được gợi ý sâu sắc từ cậu bé này: Khi gặp vấn đề, hãy giải quyết tâm trạng trước, sau đó mới giải quyết vấn đề.
Nóng giận vốn không giải quyết được vấn đề gì. Ngay cả đứa bé 9 tuổi cũng biết vậy, người lớn chúng ta càng không thể chấp mê bất ngộ.
Nếu không kiềm chế được tính khí của mình, cho dù có cho bạn cả thế giới này, thế giới này sớm muộn cũng sẽ bị bạn phá hủy.
Câu chuyện 2
Bak Lung-wong, một nhân vật truyền kỳ của Thái Lan từng nói: “Một người mà tâm tính tốt thì mọi chuyện cũng sẽ tốt theo”.

Công ty chúng tôi có một người lãnh đạo lớp giữa, tướng mạo bình bình, năng lực cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng tâm tính của anh lại đặc biệt tốt, gặp ai anh cũng vui vẻ hòa đồng, điều đặc biệt ở anh là tôi chưa thấy anh tức giận bao giờ.
Khi có người bước vào căn phòng nơi anh làm việc, anh đều niềm nở chào đón. Tính anh hòa nhã thân thiện, khiến mọi người cảm thấy rất thoải mái, mối quan hệ với mọi người rất tốt, cũng được cấp trên đánh giá cao.
Chỉ trong thời gian chưa đầy 3 năm, anh đã từ nhân viên bình thường trở thành giám đốc bộ phận, tốc độ thăng tiến mau lẹ như vậy, trong công ty ngoài anh ra chưa có người thứ hai, thực sự khiến người ta không khỏi ngưỡng mộ.
Như vậy có thể thấy: Tâm tính tốt là bộ trang phục đẹp nhất trong mối quan hệ xã giao giữa người với người. Chỉ cần tâm tính tốt, cuộc đời của bạn cũng sẽ theo đó gặp nhiều thuận lợi.
Tôi nhớ ai đó từng nói rằng 98% thất bại khởi nguồn từ cơn nóng giận. Cá nhân tôi không đồng ý với kết luận này lắm, nhưng trong thực tế, nó thường xảy ra như vậy.
Tôi có một đồng nghiệp nữa, anh này lại hoàn toàn trái ngược với người lãnh đạo vừa nói ở trên. Anh đồng nghiệp này rất thông minh và có năng lực, nghiệp vụ phải nói là không ai hơn được, nhưng tâm tính anh lại không được tốt lắm. Anh thường hay mặt nặng mày nhẹ, động một tý là bực bội khó chịu với mọi người, mối quan hệ với lãnh đạo và mọi người đều rất gượng gạo. Làm việc ở công ty năm đã 6 năm, nhưng anh vẫn chỉ là một nhân viên bình thường, mà theo lý thì với năng lực đó, đáng lẽ anh đã được thăng chức từ lâu.
Chính là nói, xử sự ôn hòa ít tranh chấp, vui vẻ với người bạn bè đông. Sau này, trong một lần đi ăn chung, anh cũng thừa nhận với tôi rằng cái dở của anh là đã không kiểm soát tốt cái tính nóng giận của mình, khiến các mối quan hệ bị rạn nứt, phúc khí và vận may cũng theo đó mà rời đi.
Vậy mới nói, một người có thể phát triển được hay không, chỉ cần nhìn xem anh ta có thể kiểm soát tốt tính khí của mình không, tính càng nóng nảy thì tỷ lệ thành công càng nhỏ.
Nói từ một góc độ khác, tâm tính của một người ẩn chứa phong thái, tu dưỡng và phẩm cách của người đó.
Câu chuyện 3
Mấy ngày trước, khi đang đi dạo ở công viên, tình cờ gặp lại sếp cũ cũng đang đi dạo một mình, thế là hai chúng tôi đi cùng nhau một đoạn. Ông nói bản thân rất hối hận vì ngày xưa khi còn đương chức tính tình không được tốt, động một tí là nổi nóng với nhân viên, thỉnh thoảng lại nổi cơn tam bành, cuối cùng khiến mọi người không vui, bản thân mình cũng thấy khó chịu.

Ông nói rằng ngày trước xấu tính như vậy cũng là bởi tu vi kém cỏi, thiếu thiện tâm và phong thái độ lượng cần phải có.
Thành thật mà nói, tôi rất tán thưởng cái tính thẳng thắn của sếp cũ, có thể nhìn thẳng vào quá khứ của mình. Nếu ngay từ đầu ông có thể cởi mở hòa đồng như vậy thì sự nghiệp của ông có thể sẽ tiến xa hơn, và ông cũng không phải xót xa ân hận như hôm nay.
Nhiều khi chúng ta đánh giá một người có phong thái, nho nhã, có nội hàm hay không, chỉ cần nhìn vào tính khí của người đó hay dở thế nào, nhất là với những người có quyền thế nhất định, nhưng đây lại thường là điểm yếu của rất nhiều người.
Trên thực tế, có ai mà không thường nổi nóng? Chỉ là người khác có định lực và tu dưỡng hơn bạn, và họ không so đo thiệt hơn với bạn mà thôi.
Câu chuyện 4
Trong cuộc sống hiện thực, vẫn có những người luôn trao gửi nụ cười của mình cho người ngoài, nhưng lại thường hay nổi nóng với người nhà.
Ngày trước tôi có một người bạn, những lúc ở ngoài anh ta luôn chuyện trò cười nói lịch sự hòa nhã với mọi người, dù bị người khác trêu chọc anh cũng có thể nén giận. Nhưng hễ về đến nhà thì mọi chuyện lại thay đổi hoàn toàn, anh ta không còn dung nhẫn với bố mẹ và người thân như với người ngoài nữa, hễ có chút không hài lòng là lớn tiếng quát mắng, nổi cơn tam bành với người nhà.
Chỉ dựa vào điểm này thôi, tôi rất coi thường anh ta.
Nếu bạn giở tính khí xấu trước mặt cha mẹ và người thân của mình, chẳng phải là cậy vào tình yêu thương của họ đối với bạn, lợi dụng sự bao dung, nhẫn chịu của họ đối tính xấu của bạn sao? Dù họ vẫn giữ im lặng, nhưng trong tâm vẫn bị tổn thương ở một mức độ nào đó.
Tâm tính của bạn có tốt hay không trước hết phụ thuộc vào thái độ của bạn đối với những người thân yêu của mình, đó mới là phẩm cách chân thực nhất của bạn.
Tâm tính tốt là tài sản quan trọng của đời người. Ai cũng có tính cách tính khí của riêng mình, có người thì tính tình ôn hòa, có người thì thẳng thắn bộc trực, có người thì hào sảng phóng khoáng, có người thì thân thiện dễ gần, nhưng dù thế nào đi nữa, bạn cũng phải học cách nắm bắt và kiểm soát cơn nóng giận của mình, đừng để cơn nóng giận làm tổn thương chính bạn và mọi người xung quanh, nếu mà như thế thật là được một mất mười, không chừng một ngày nào đó nó sẽ khiến bạn làm ra những chuyện sai lầm không thể vãn hồi được.
Nóng giận như hòn than nóng muốn ném vào người khác, nhưng bạn lại là người bị bỏng trước tiên. Có câu: Tức giận là bản năng, kìm nén cơn nóng giận lại là bản lĩnh, không tức giận chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng. Người hay nóng giận, chỉ tự chuốc lấy sầu não cho mình. Khi người khác đánh bạn một cái, dẫu bạn có đánh trả lại thì liệu vết thương của bạn có thể lành hay không. Chi bằng chúng ta hãy khoan dung, buông xả để tâm nhẹ nhàng thanh tịnh và có được giá trị hạnh phúc vững bền.
Theo Sohu
Vũ Dương biên dịch