“Tàn tật” xưa nay chưa từng ngăn cản chúng ta trở thành người tự do tự tại. Có thể tay áo chúng ta trống rỗng, nhưng chúng ta vẫn có thể nắm giữ được cuộc sống hạnh phúc.

Nếu không có hai tay, chúng ta sẽ làm gì? Nếu mất đi một chân, chúng ta có thể đi được bao xa? Nếu chúng ta chỉ còn một con mắt, thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Những giả tưởng về những cuộc đời bất hạnh này, Tạ Khôn Sơn, một họa sỹ huyền thoại người Đài Loan đều đã gặp phải. Năm 16 tuổi anh bị điện cao thế giật nên đã mất đi hai cánh tay và một cẳng chân, sau đó lại một tai nạn bất ngờ khiến anh mất đi một con mắt.

Nhưng, một người xem ra cực kỳ bất hạnh như thế này, lại trở thành một minh tinh rất vui vẻ mà hầu như tất cả người Đài Loan đều biết đến. Câu chuyện của anh được dựng phim truyền hình, được tạp chí Reader’s Digest của Mỹ giới thiệu tới độc giả trên toàn thế giới bằng mấy chục loại ngôn ngữ khác nhau.

Tự lo cuộc sống: Mất hai tay, làm thế nào đưa cơm vào miệng?

Lúc Tạ Khôn Sơn tỉnh dậy trong bệnh viện, anh thấy mẹ đang kìm nén những dòng nước mắt. Mẹ anh biết rõ, nhiễm trùng tứ chi của con trai đang lan rộng, tính mệnh khó giữ. Tất cả những người xung quanh đều khuyên mẹ anh với thiện ý rằng: “Đừng cứu nữa, hãy để anh ấy ra đi yên lành”.

Bất luận thế nào cũng phải giữ được sinh mệnh nó!” – mẹ anh nói với các bác sỹ. “Chỉ cần Khôn Sơn còn có thể gọi tôi một tiếng mẹ, thì cũng đủ rồi”.

Các bác sỹ đã tiến hành một loạt phẫu thuật, cắt tay trái anh từ khớp vai, cắt tay phải anh ở chỗ dưới vai 20cm, chân phải cắt từ gối xuống. Tạ Khôn Sơn cuối cùng cũng ngoan cường sống tiếp, mẹ anh đã đem lại cho anh sinh mệnh lần thứ hai. Anh nói với mẹ: “Con không có quyền quyên sinh, và con cũng không buông xuôi”.

Sau khi ra viện, Tạ Khôn Sơn lại một lần nữa trở thành “em bé mới sinh” của mẹ. Rất nhiều đêm, mẹ anh vì giúp cho anh ăn nên cơm của chính bản thân bà đã nguội lạnh. Vô số buổi sáng sớm, mẹ không kịp ăn sáng đã phải vội vội vàng vàng giúp anh tắm, thay quần áo. Để giảm bớt nỗi lo toan của mẹ, Tạ Khôn Sơn quyết định tự mình làm nuôi mình.

Trải qua nhiều lần suy nghĩ tìm tòi vất vả, anh đã phát minh ra một dụng cụ để giúp anh có thể tự ăn được. Ở đầu cuối một vòng thép hình xoáy ốc treo trên không, chụp lên một cái chụp, chụp ra ngoài phần cánh tay phải còn lại, lại hàn các chuôi thìa thành hình chữ L, cắm vào trong cái chụp vòng thép. Cuối cùng Tạ Khôn Sơn đã có thể tự ăn được rồi. Khi diễn giảng ở trường học, anh thường xuyên dí dỏm đem đồ dùng tự chế này đặt tên là bộ đồ ăn nhãn hiệu “Khôn Sơn”.

Tâm rộng bao nhiêu, thế giới rộng bấy nhiêu
Tạ Khôn Sơn. (Ảnh: digitalarchives.tw)

Tiếp theo, Tạ Khôn Sơn cũng dần dần không cần mẹ hoặc em gái giúp mình chải răng nữa. Đầu tiên anh dùng miệng vặn nắp tuýp kem đánh răng ra, dùng phần cánh tay còn lại ấn bàn chải đánh răng vào một vị trí cố định ở chậu rửa mặt, đưa vào miệng, bằng cách lắc đầu hai bên, anh đã hoàn thành việc chải răng.

Tạ Khôn Sơn lại tự chế tạo ra vòi nước dùng chân điều khiển, tự mình rửa mặt. Anh phát minh ra rất nhiều dụng cụ loại này, đã giải quyết được vấn đề ăn uống, vệ sinh cá nhân. Cuối cùng, hầu như tất cả các sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật, anh đều hoàn toàn tự lo liệu được. Anh còn thường dùng đoạn cánh tay còn lại kẹp chổi giúp gia đình quét dọn nhà cửa.

Con đường nghệ thuật: Dùng miệng vẽ ra những sinh mệnh đẹp rực rỡ

Sau khi Tạ Khôn Sơn gặp tai nạn, hàng xóm đều khuyên mẹ anh: “Khôn Sơn chỉ cần đến chợ đêm ngồi, hoặc nằm trước chùa, nhất định kiếm được không ít tiền đâu”. Người tàn tật nặng trong gia đình nghèo, dường như chỉ có mỗi con đường ăn xin là có thể đi được thôi. Tạ Khôn Sơn lại hoàn toàn không hề muốn nghe theo những lời này, anh nói: “Tứ chi thì tôi đã mất đến 3, nên không muốn mất sự tôn nghiêm làm người”.

Tạ Khôn Sơn bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ con đường nhân sinh của mình. Anh quyết định tiếp tục học hội họa, nghề mà anh hứng thú từ khi sinh ra. Nhưng, đối với con em trong các gia đình nghèo khổ mà nói, hội họa thực sự là một sở thích quá xa vời. Cha mẹ không biết chữ, tất nhiên càng không thể hiểu nổi, hơn nữa gia đình vì chạy chữa cho anh mà đã nợ món tiền khá lớn. Tạ Khôn Sơn đành phải tích cóp lại từng đồng tiền lẻ anh trai làm công ở xa thỉnh thoảng cho anh mua nước uống, mua được bút chì và giấy, nghiêm túc học vẽ tranh.

Tâm rộng bao nhiêu, thế giới rộng bấy nhiêu
Để theo đuổi hội họa, đối với Tạ Khôn Sơn mà nói là điều vô cùng khó. (Ảnh: utome.asia)

Không có tay, cầm bút là vấn đề lớn nhất. Tạ Khôn Sơn thấy em gái làm bài tập về nhà, bỗng nghĩ, mình có thể dùng miệng ngậm chặt bút để viết chữ, vẽ tranh. Ban đầu, bút ngậm giữa răng và lưỡi cứ như cái kìm bị lỏng ốc vít, miệng làm thế nào cũng không kẹp chặt bút được, còn làm cho nước dãi chảy hết ra. Sau khi răng đã quen, do thời gian luyện quá lâu, trong miệng lại bị bút chì đâm thành các vết phồng rớm máu, khoang miệng bị viêm liên tiếp. Nhưng Tạ Khôn Sơn chưa bao giờ bỏ dở giữa chừng, anh cứ cắm đầu, từng nét, từng nét học vẽ. Anh đã luyện miệng trở thành bàn tay đắc lực nhất, mà cái bút trong miệng đã trở thành tri kỷ thân mật nhất của anh.

Bút chì gãy thì làm thế nào? Tạ Khôn Sơn lại nghĩ đến biện pháp: anh kiếm một con dao nhỏ, dùng răng hàm lớn cắn chặt chuôi dao. Để cắn chặt, anh đã cắn cái chuôi dao biến dạng. Tiếp đến, anh đẩy bút chì ra mép bàn, rồi dùng phần cánh tay còn lại ấn chặt, rồi dùng con dao ngậm ở miệng, từng lát từng lát gọt bút chì. Trong lòng anh vang lên: “Mạt bút mỗi nhát dao một lát, mỗi lát đều là lòng tin. Tạ Khôn Sơn, hôm nay cậu không chỉ gọt bút chì, mà là đang gọt ra con đường tương lai của chính mình”.

Tâm rộng bao nhiêu, thế giới rộng bấy nhiêu
Tạ Khôn Sơn trên một tạp chí của Đài Loan

Tạ Khôn Sơn, một người bất hạnh bị tàn tật cấp độ nặng, với người khác có thể là cuộc đời chìm trong đau khổ, là cuộc đời bỏ đi… Nhưng với trái tim rộng mở, đón nhận nghịch cảnh, và tinh thần kiên trì vượt lên bất hạnh, giờ đây, Khôn Sơn đã là họa sỹ và nhà diễn thuyết có tiếng ở Đài Loan, anh còn được liệt vào danh sách 10 thanh niên xuất sắc nhất Đài Loan. Hơn nữa, anh còn có một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền thục yêu thương chồng và hai cô con gái ngoan ngoãn hiếu thảo với cha mẹ.

Theo Tiểu Cố Sự
Nam Phương biên dịch