Thông qua ‘cải cách’, Thương Ưởng đã biến người dân nước Tần thành ‘gian dân’ và mất đi năng lực tư duy. Bình thường khi trị lý quốc gia, người ta luôn muốn lão bách tính trở thành người tốt để giảm chi phí quản lý xã hội, nhưng tại sao Thương Ưởng muốn biến người tốt thành người xấu?

Chính bởi vì khi con người đã xấu lại còn mất đi năng lực tư duy, họ sẽ ‘thân với chế độ’ thay vì ‘thân thiết với nhau trong cộng đồng nhỏ’.

Cuộc tranh luận giữa Thương Ưởng và cựu thần ở triều đình

Sau khi Thương Ưởng 3 lần diện kiến Tần Hiếu Công, đã thuyết phục vua Tần lấy ‘bá đạo’ (đạo xưng bá) để trị quốc, nhưng Tần Hiếu Công lại chưa thực hiện được bởi vì cần phải thông qua một cuộc trưng cầu ý kiến mới được sự đồng ý của đại thần.

Giáo sư Chương Thiên Lượng từng nói một đạo lý rằng, bất cứ thay đổi xã hội nào cũng liên quan đến vấn đề phân phối lại lợi ích, tức là lợi ích trong quá khứ vốn dĩ là của người này, thì hiện nay lại lấy nó ra phân cho người khác, điều này nhất định đụng chạm đến lợi ích nhóm, cho nên ‘Thương Ưởng biến pháp’ (cải cách Thương Ưởng) phải đối mặt với trở ngại rất lớn. 

Tần Hiếu Công hy vọng Thương Ưởng thuyết phục những quý tộc này, cho nên đã có một cuộc biện luận ở triều đình. Thương Ưởng đã nói một câu đại ý rằng: Trí lực một người không đạt được trình độ của bạn, vì vậy nếu vấn đề bạn suy nghĩ quá cao, tầm nhìn của bạn quá xa, thì người bình thường không theo kịp. Họ không những không tuân theo, mà trái lại sẽ cười nhạo bạn.

Thương Ưởng nói tiếp: Người ngu muội đợi đến khi việc hoàn thành, họ cũng không biết bạn đã làm như thế nào; nhưng người có trí tuệ khi sự việc còn chưa xuất hiện dấu hiệu minh hiển, họ đã có thể biết được. Đối với lão bách tính ngu muội, thì không thể thảo luận với họ bắt đầu làm như thế nào, chỉ có thể đợi đến khi sự việc hoàn thành thì mới cùng họ hưởng thụ thành quả. Nếu một người có đạo đức đặc biệt cao thượng, họ rất khó hoà đồng với người thường. Nếu một người muốn lập đại công, họ không thể thương lượng với mọi người, bởi vì mọi người không lý giải, cũng không đồng ý với họ.

Thương Ưởng nói tiếp rằng: Một Thánh nhân vì để quốc gia cường đại (lớn mạnh), dân chúng được lợi ích, thì họ có thể phá vỡ hạn chế của ‘Pháp tắc’ và ‘Lễ nghi’ trong quá khứ. Tần Hiếu Công nói với Thương Ưởng rằng: “Nói rất tốt”. Sau đó trên triều đình, Thương Ưởng đã phát sinh tranh luận với 2 đại thần thủ cựu là Cam Long và Đỗ Chí.

Cam Long cho rằng: Thánh nhân giáo hoá dẫn dắt lão bách tính không cần làm thay đổi gì, người có trí tuệ sẽ không thay đổi pháp luật, cũng có thể quản lý xã hội rất tốt. Thuận theo tình cảm con người, thì không cần phải vất vả mới có được thành công, chỉ cần thuận theo pháp luật hiện tại mà quản lý, quan lại cũng ‘cưỡi xe nhẹ đi đường quen’ (việc quen dễ làm), lão bách tính cũng không cần trải qua biến động. 

Thương Ưởng phản bác điều Cam Long nói chỉ là phương pháp suy nghĩ vấn đề của người thế tục. Thương Ưởng cho rằng một người bình thường trong quá khứ sống như thế nào thì họ vẫn sống như thế nấy; mà bọn học giả thông thường, họ đọc sách cổ mà không biết vận dụng; những người này tuân thủ cách sống trong quá khứ thì được, còn những thứ ngoài khuôn khổ thì không cách nào thảo luận với họ được.

Thương Ưởng nói rằng: Lễ nhạc của 3 thời Hạ – Thương – Chu đều có thay đổi, phương pháp mà Xuân Thu Ngũ Bá dùng cũng có chỗ bất đồng; người có trí tuệ thì chế định pháp luật, kẻ ngu muội thì chịu hạn chế của pháp luật; người có tài năng sẽ thay đổi Lễ, người không có năng lực cứ theo đó mà làm là được. Cam Long trả lời như thế nào thì chúng ta không biết, bởi vì trong ‘Sử ký’ chỉ chép đến đây. Tiếp theo Thương Ưởng thảo luận với Đỗ Chí.

Đỗ Chí nói: Nếu không thể đạt 100 phần lợi ích thì không cần biến pháp (cải cách), nếu không đạt được 10 phần phong công vĩ nghiệp thì không cần phải thay đổi tước vị hay danh hiệu; cho nên tuân theo cách làm thời cổ đại thì không có sai, tuân theo Lễ trong quá khứ là chính đạo.

Thương Ưởng trả lời rằng: Đạo trị lý quốc gia có thể thay đổi, vì để thuận tiện cũng không cần tuân theo quy định thời cổ đại, cho nên Thành Thang – Chu Vũ không tuân theo Lễ xưa mà đạt được thành công cải triều hoán đại; triều Hạ và Ân (cuối thời Thương) vì ôm giữ lễ tiết quá khứ mà vong quốc. Do đó Thương Ưởng cho rằng: phản đối lễ chế thời cổ đại thì không bị chỉ trích, còn tuân theo lễ chế thời cổ đại thì không có gì đáng khen. 

Trong Tiếu đàm phong vân phần 1, tập khi đề cập đến cuộc đối thoại này, Giáo sư Chương đã phát hiện rằng: Thương Ưởng đã đánh tráo nội hàm chữ Lễ. 

Lễ của ba triều Hạ, Thương, Chu xác thực là khác nhau. Nhưng Lễ chỉ là một dạng hình thức bên ngoài, còn nội hàm đạo đức bên trong là bất biến. Thuận theo sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội mà biểu hiện của Lễ có chỗ khác nhau, nhưng nội hàm không thay đổi. 

Vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương – Ân không thay đổi lễ nghi thời họ cai trị, nhưng vì đạo đức của 2 vị vua này bại hoại nên mới khiến đất nước diệt vong. Do đó Thương Ưởng đã nắm chắc bề ngoài của Lễ mà bỏ đi nội hàm thực chất của đạo đức. Thương Ưởng đã đánh tráo khái niệm này.

Nhưng Tần Hiếu Công vẫn cho rằng Thương Ưởng nói đúng, quyết định bắt đầu ‘biến pháp’.

‘Chuyển cây lập tín’: Thương Ưởng thiết lập sự tín nhiệm

Tần Hiếu Công đã đồng ý biến pháp, nhưng Thương Ưởng không lập tức hành động mà làm một việc vô cùng nổi tiếng đó là: ‘Chuyển cây lập tín’ (Tỉ mộc lập tín – 徙木立信). 

Thời ấy đô thành của nước Tần chưa phải ở Hàm Dương mà là ở đất Ung. Ở cổng nam của thành, Thương Ưởng đặt một cái cây, đồng thời dán cáo thị nói rằng: Ai vác khúc cây này từ cổng nam đến cổng bắc, Thương Ưởng sẽ thưởng 10 cân hoàng kim. 

Chúng ta biết rằng, thời ấy đô thành rất nhỏ, Mạnh Tử nói: “Tam lý chi thành, thất lý chi quách”, nghĩa là chu vi thành tầm 3 dặm (1,5km) còn chu vi quách tầm 7 dặm (3,5km), cho nên chiều ngang của thành trong quá khứ tầm mấy trăm mét. Vác một cái cây vài trăm mét mà thưởng 10 cân hoàng kim, Giáo sư Chương nói vui rằng điều này giống như vác một cái cây đi vài trăm mét được thưởng 10 nghìn đô-la Mỹ (khoảng 230 triệu).

Thế là mọi người chỉ nhìn chứ không dám động, Thương Ưởng nói: Không có người làm liệu có phải do tiền thưởng ít quá không? Thế là Thương Ưởng nâng 10 cân thành 50 cân hoàng kim. Mọi người càng cảm thấy kỳ quái. Kết quả có người nói: Nước Tần xưa nay chưa hề thưởng cho lão bách tính nhiều như vậy, tôi sẽ vác khúc gỗ này, dù không thưởng cho tôi 50 cân hoàng kim, mà chỉ thưởng mấy đồng cũng được. Thế là anh ta vác cây. Thương Ưởng đang đứng chờ ở cổng bắc, thấy anh ta đến bèn nói: “Anh quả thật là một công dân tốt”, lập tức thưởng cho anh ta 50 cân vàng.

Tranh vẽ câu chuyện ‘Chuyển cây lập tín’ chụp từ ‘Trung Hoa văn minh sử’ tập 37.

Giáo sư Chương đánh giá, Thương Ưởng thiết kế sự việc này là một ví dụ về ‘tiếp thị’ (marketing) rất thành công, bởi vì thời ấy không ai biết Thương Ưởng là ai, lời nói ông ấy có đáng tin hay không… mọi người đều không biết. Đột nhiên có người muốn thay đổi pháp luật nước Tần, người dân đều sẽ mang một thái độ trông chừng, cảm thấy ‘liệu tôi có thể tin người này’, hay ‘tôi có nên theo pháp mới của người này mà thực hiện không?’. Thương Ưởng đã thông qua ‘chuyển cây lập tín’ để dựng lập ‘tín dụng’ (sự tin tưởng) trong tâm mắt lão bách tính nước Tần.

Thời đó không có truyền thông, không thể làm quảng cáo, nhưng Thương Ưởng thông qua sự việc này mà lập tức tạo ra hiệu ứng ‘miệng tai truyền nhau’, chỉ trong vòng vài giờ cả thành truyền khắp chuyện ‘Thương Ưởng thật sự nói là làm, ai đó đã được thưởng 50 cân hoàng kim’. Thương Ưởng đã lập được tín dụng cho mình, sau đó ông bắt đầu biến pháp.

Thương Ưởng biến pháp lần thứ nhất

Thương Ưởng muốn biến mọi người thành người xấu

Thương Ưởng biến pháp phân thành 2 lần, ở giữa cách nhau 10 năm. Những nội dung chủ yếu của lần biến pháp thứ nhất bao gồm: Liên toạ (tội liên luỵ), cáo gian (tố cáo lẫn nhau), cải tạo lao động, nhập binh lập tước v.v. 

Thương Ưởng đã thay đổi kết cấu xã hội, ông lấy 5 nhà phân thành một ‘ngũ’ (伍), 10 nhà thành một ‘thập’ (什), sau đó để họ giám sát lẫn nhau. Nếu một nhà phạm pháp, những nhà khác đều có nghĩa vụ bẩm báo. Nếu có nhà không bẩm báo thì tương đương là đồng phạm, đây gọi là ‘liên toạ’. 

Thương Ưởng nói: Nếu một nhà nào đó phạm tội mà nhà khác không tố giác, thì phải chịu chém ngang lưng; còn nếu tố giác sẽ tương đương với chém được đầu quân địch và được thăng lên một tước.

Việc tố giác hàng xóm, bán đứng người thân trong gia đình để được tước vị là điều bị xem thường, nhưng Thương Ưởng lại khuyến khích người dân làm việc đó. Đây là mầm mống của Hồng vệ binh thời Cách mạng Văn hoá – những con ốc vít chiến đấu không mệt mỏi cho “sự nghiệp cách mạng”.

Thương Ưởng nói: Nếu một nhà có 2 người con trai thì phải tách khẩu (phân gia – 分家), nếu không tách khẩu, thì mức thuế sẽ tăng gấp đôi. Vì sao phải tách khẩu? Chính là để khuyến khích khai khẩn đất đai. 

Thương Ưởng nói thêm: Nếu đánh trận rất dũng cảm, sẽ được thưởng tước vị rất cao; còn nếu không đi đánh trận mà đi đánh nhau, thì căn cứ theo mức độ bị thương mà có hình phạt tương thích.

Thương Ưởng nói thêm: Cùng chung sức làm tốt nghề nghiệp (nông nghiệp) của mình; làm ruộng, dệt vải cho đến tích luỹ thóc lúa, lụa là v.v. để ‘phục kỳ thân’ (復其身). ‘Phục kỳ thân’ nghĩa là miễn trừ lao dịch, không cần lao động miễn phí để làm công trình cho chính phủ. Còn nếu ‘sự mạt lợi’ (事末利: làm việc không ra lợi) chính là thương nhân hoặc những người do không nỗ lực mà biến thành nghèo khổ, thì đem toàn bộ nhà họ biến thành nô lệ.

Là người hiểu rõ bản chất ĐCSTQ, Giáo sư Chương đánh giá điều này giống cải tạo lao động của ĐCSTQ, chính là nếu không làm việc chăm chỉ sẽ bị cưỡng chế lao động (giống như các trại lao động cưỡng bức).

Thương Ưởng nói thêm: Cho dù là thân thích của quốc vương, (ví như theo chế độ phân phong của Nho gia thì người ấy nên làm đại phu, nhưng hiện nay không thế nữa) thì cũng phải lập công trên chiến trường. Nếu không lập công thì không được ghi tên trong gia phả, nói cách khác là mất đi địa vị quý tộc. Căn cứ theo công trạng lớn nhỏ mà có được điền trạch (vườn, nhà) khác nhau. Y phục của thê thiếp, thuộc hạ trong nhà cũng phải phù hợp với tước vị nhà đó. Nếu lập được quân công rất lớn, thì có thể mặc y phục rất đẹp, đi xe ngựa sang trọng, ở phòng rất tốt, có được ‘kiều thê mỹ thiếp’ (thê thiếp đẹp); nhưng nếu không lập được quân trạng, thì cuộc sống vô cùng đơn sơ, chỉ có thể mặc đồ rách, đi xe bò.

Thông thường chúng ta cho rằng khi trị lý một quốc gia, nếu người dân vô cùng thiện lương thì xã hội sẽ tương đối an định, bởi vì chi phí quản lý xã hội khi ấy sẽ thấp, không cần quá nhiều cảnh sát. Nhưng Thương Ưởng không cho rằng như vậy. Ông không muốn lão bách tính nước Tần làm người tốt. Vì sao? Bởi vì Thương Ưởng cho rằng nếu mọi người đều tốt, họ sẽ rất đoàn kết. Khi lão bách tính đoàn kết sẽ hình thành một lực lượng trong dân chúng, mà lực lượng này có thể đối kháng với chính phủ. Cho nên Thương Ưởng hy vọng mọi người đều biến thành người xấu.

Khi mọi người đều là người xấu, dân gian sẽ biến thành một mớ cát rời, mỗi cá nhân đều không có cảm giác an toàn, cảm thấy ai cũng muốn hại mình. Họ sẽ có xu hướng nghĩ rằng: nếu chính phủ bức hại tôi, cũng không có ai thay tôi nói lời công đạo. Vậy phải làm sao? Chỉ có thể hết sức nghe lời chính phủ, thậm chí vì để đạt được được chỗ tốt nào đó mà thân cận với quyền lực chính phủ, hy vọng đắc được danh lợi.

Do đó Thương Ưởng mới nói rằng: “Dùng thiện thì dân thân với nhau, dùng gian thì dân thân với chế độ”. Trung Quốc hiện nay cũng như thế. Vì sao mọi người thích câu kết với quan chức địa phương? Chính là vì muốn thân với chế độ. 

Thương Ưởng trị quốc không muốn biến mọi người thành người tốt, để mọi người đạt được giàu có, mà muốn biến mọi người thành bần dân (dân nghèo), gian dân, ngu dân… Đây là phương pháp trị quốc của Thương Ưởng.

Thương Ưởng cấm năng lực tư duy

Thương Ưởng biến pháp gặp phải rất nhiều phản đối từ quý tộc, trong đó có Thái tử. Phương án giải quyết của Thương Ưởng là hồi đáp cứng rắn. Thương Ưởng không thể trừng phạt Thái tử, bởi vì Thái tử là người kế vị (trữ quân – 儲君), tương lai sẽ làm quốc vương, cho nên Thương Ưởng chỉ xử phạt 2 người thầy của Thái tử là Công Tử Kiền và Công Tôn Giả.

Lúc mới bắt đầu biến pháp, rất nhiều người đến phàn nàn với Thương Ưởng nói ‘pháp luật này mang đến rất nhiều bất tiện cho chúng tôi, cái này không tốt, cái kia không tốt’. Qua một đoạn thời gian, mọi người đã quen, lại có người cảm thấy pháp luật này rất tốt, thế là lại có rất nhiều người đến nói với Thương Ưởng rằng ‘cải cách này tốt thật, chỗ này tốt, chỗ kia tốt’. 

Đối đãi với nhóm người phê bình và tán dương, cách xử lý của Thương Ưởng là như nhau, chính là đem toàn bộ họ xung biên ải.

Có người sẽ cảm thấy điều này thật kỳ quái, tại sao khen cũng không được? Giáo sư Chương nhìn nhận, Thương Ưởng làm như vậy chính là muốn truyền đi một thông điệp minh xác rằng: ‘Chính sách của quốc gia này, chỉ tôi nói mới được tính; tôi nghĩ là được rồi, các người không được suy nghĩ. Khi các người nói tốt hay không tốt, thì thuyết minh rằng bạn vẫn có phán đoán của riêng mình. Nhưng các người là người dân, thì không được quản là tốt hay không tốt, chỉ quản việc làm theo những gì tôi nói’.

Do đó trong ‘Sử ký’, Thương Ưởng nói rằng: “Những người này là người dân làm loạn”, ý tứ là khi người ta còn dám suy nghĩ vấn đề, thì một ngàn người sẽ có một ngàn cách nghĩ khác nhau, điều này chính là làm loạn quốc gia. Cho nên Thương Ưởng mới đày họ ra biên ải. Từ đó về sau, người dân không dám nghị luận về chính lệnh này nữa.

Điều này làm chúng ta liên tưởng đến một chuyện: nếu bạn ở quảng trường Thiên An Môn mang một tấm biển trắng không ghi gì cả, ĐCSTQ sẽ bắt bớ bạn. Vì sao lại như vậy? Bởi vì ĐCSTQ rất giống Pháp gia (sẽ phân tích ở những phần sau), cho nên cấm người dân có tư duy độc lập.

Tiếp đó Thương Ưởng lại lấy ‘giết người lập uy’ (chu sát lập uy – 誅殺立威). Trong ‘Tư trị thông giám’ viết rằng: “Ban đầu Thương quân là tướng quốc nước Tần, dùng pháp luật nghiêm khắc tàn khốc, từng giết tù nhân ven bờ sông Vị, nước sông đổi thành màu đỏ”. Điều này giống như ĐCSTQ chế tạo khủng bố đỏ để người dân biết sợ mà phục tùng; hoặc là theo thông lệ chốn quan trường ĐCSTQ, thì việc quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc hình thành từ năm 1997, đây cũng là một dạng của ‘giết người lập uy’ để nâng cao uy thế của lãnh đạo Trung Nam Hải.

Thương Ưởng thông qua ‘chuyển cây lập tín’, ‘giết người lập uy’, xử phạt những người dân ‘ương ngạnh’ và ‘nịnh bợ’ (phản đối và tán thành biến pháp)… đã dựng lập nên một hình tượng Thừa tướng mang ‘bàn tay sắt’. Ông đã gây nợ máu với nhân dân, thậm chí đối đầu với Thái tử, vậy kết cục của ông sẽ như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích: Link Trung Hoa văn minh sử tập 37.