Tôi đọc thấy trên mạng một câu hỏi như sau: những đứa bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện sống có vui vẻ, hạnh phúc không?

Chia sẻ trải nghiệm của một cư dân mạng về vấn đề này khiến tôi không khỏi chạnh lòng:

Cô ấy nói, khi cô còn nhỏ, người lớn trong gia đình luôn nói với cô rằng:

“Đồ vật bên ngoài rất đắt đỏ. Người lớn kiếm tiền không dễ đâu nên con phải biết nghe lời và đừng tiêu tiền bừa bãi.”

Vì thế, để đáp ứng kỳ vọng của người lớn và nhận được lời khen ngợi “ngoan ngoãn, hiểu chuyện”, cô ấy đã học cách kìm nén mong muốn của mình trong lòng từ lúc còn rất nhỏ.

Cô không dám đòi ăn vặt, không dám đòi đồ chơi, kìm nén mong muốn và xua tay từ chối những thứ mình thích, tự ép mình là “đứa trẻ nghe lời”.

Tuy nhiên, loại ‘ngoan ngoãn’ này chẳng hề khiến cô vui vẻ, mà lâu dần, nó biến cô trở thành kẻ “tự ti”.

Vì hiểu chuyện, cô ấy đã đánh mất quyền lợi mà một đứa trẻ nên có;

Vì hiểu chuyện, cô ấy đã hình thành tính cách tự ti sau khi lớn lên;

Vì hiểu chuyện,  nên cô ấy luôn cảm thấy mình “không xứng đáng được cưng chiều”.

Thực ra, cô ấy khi còn nhỏ không phải là vì ‘hiểu chuyện’ nên mới biết vâng lời, mà là đã ‘quen’ với việc nghe lời người lớn.

Để đáp ứng kỳ vọng của người lớn trong nhà, và để không gây thêm “rắc rối” cho họ, cô chỉ có thể bắt buộc mình làm theo những gì người lớn nói.

Tuy nhiên, sự biết nghĩ quá sớm này là có giá cả:

Cô ấy quá chú ý đến cảm xúc của người khác và bỏ qua mong muốn của bản thân, sớm học được cách cân nhắc những ưu và khuyết điểm của thế giới người lớn, kìm nén bản thân và đã đánh mất quyền được vô tư, tùy ý mà độ tuổi trẻ em nên có.

Chính vì lý do này, những đứa trẻ càng ngoan ngoãn, càng hiểu chuyện, không biết cách bày tỏ bản thân, thông thường khi lớn lên sẽ càng có nhiều vấn đề tâm lý.

Ảnh: Freepik.

Trong phim “Nữ bác sĩ tâm lý”, nhân vật Tưởng Tĩnh luôn là cô gái ngoan trong lòng mẹ.

Từ nhỏ đến lớn, quần áo, ăn uống, nhà ở, phương tiện đi lại và lựa chọn tương lai của cô hoàn toàn đều do mẹ sắp đặt. Cô lớn lên theo những kỳ vọng của mẹ.

Tuy nhiên, điều mà người mẹ không biết là đứa trẻ “ngoan hiền” này lại sống phóng túng trong cuộc sống riêng tư, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh ngoan ngoãn trước mặt người lớn trong gia đình.

Người mẹ luôn dành cho con gái những gì mình cho là “tốt nhất” và sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, nhưng lại quên lắng nghe những suy nghĩ và mong muốn thực sự của con cái.

Để làm vui lòng mẹ, cô gái chỉ có thể tiếp nhận tất cả.

Cô nghe lời mẹ, mặc lên mình những bộ váy nhu thuận, từ bỏ những chiếc áo lửng mà mình muốn mặc hơn; nghe lời mẹ, chọn học đàn piano, từ bỏ bộ trống mà mình yêu thích hơn.

Tuy nhiên, cuộc sống êm đềm tưởng như chỉ cần từng bước tiến lên này, lại đang khiến đứa trẻ ngày càng trưởng thành ấy bị ép tới mức không thở nổi.

Cô ấy không có bản ngã, không có mục tiêu, không biết tại sao mình sống.

Dưới sự kìm nén nặng nề, cô bắt đầu ngược đãi bản thân và mắc chứng bệnh cuồng ăn uống. Cô gắng sức sử dụng nỗi đau từ việc giày vò thân thể để chứng minh rằng cô “vẫn còn sống”.

Người mẹ bối rối trước sự nổi loạn đột ngột của con gái, nhưng lại chưa từng phát hiện ra rằng:

Đứa bé từ nhỏ đã ngoan ngoãn và nghe lời này, thực tế, vẫn luôn đè nén “cái tôi” của mình;

Nhà phân tâm học người Anh – Donald Woods Winnicott – đã đưa ra khái niệm về “cái tôi thật” (true self) và “cái tôi giả tạo” (false self) vào năm 1960.

Những đứa trẻ từ khi còn bé đã quá mức ngoan ngoãn và nghe lời thường thể hiện ra “cái tôi giả tạo”, tức là sử dụng “hình tượng bề ngoài phòng bị” đáp ứng những yêu cầu của cá nhân hoặc xã hội để làm hài lòng cha mẹ.

Tuy nhiên, “cái tôi giả tạo” lại được dựng lên trên cơ sở những đứa trẻ đó “xem nhẹ bản thân mình”. Đây chính là điểm mấu chốt lớn nhất dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý sau này.

Sự ‘hiểu chuyện’ của một đứa trẻ ngoan, có những lúc không phải biểu thị rằng đứa bé đã thực sự ‘hiểu’ được những gì mình nên làm, mà chỉ là xuất phát từ mục đích ‘tạm thời thích ứng’ nên ‘không thể không’ làm.

Những đứa trẻ sớm ‘hiểu chuyện’ thường phải đè nén quá nhiều những mong muốn thực sự của mình trong lòng. Nếu không được giải tỏa kịp thời, thì càng lớn đứa trẻ ấy sẽ càng cảm thấy đau khổ. Chúng sẽ dễ mắc phải những vấn đề dưới đây khi trưởng thành:

1. Không biết từ chối: cho rằng chỉ bằng cách “lấy lòng” người khác, mới có thể được yêu quý

Mục đích ban đầu khiến những đứa trẻ ‘quá mức hiểu chuyện’ nghe lời người lớn. hầu hết là để “lấy lòng”: làm hài lòng cha mẹ, làm hài lòng người khác, đổi lại, chúng sẽ có được sự chấp nhận và yêu thích của mọi người.

Tuy nhiên, khi việc lấy lòng trở thành thói quen, cảm giác “không xứng đáng” sẽ thuận theo đó mà kéo tới.

Nhà tâm lý học Maslow từng nói:

Nếu một người không chú ý đến niềm vui của chính mình và luôn lựa chọn phương án “có được sự tán đồng của người khác”, thì cuối cùng người đó sẽ không trải nghiệm được bất cứ niềm vui nào.

Quả đúng như vậy, khi mục đích sống của một người là sắm vai “cái tôi được người khác chấp nhận” chứ không phải làm “con người thật của mình”, người đó sẽ khó có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc xuất phát từ nội tâm.

2. Người đi theo không có chủ kiến: nếu đã hình thành thói quen “nghe lời” trong mọi việc, thì khó có thể độc lập giải quyết vấn đề.

Cuốn sách “Hiểu về ngôn ngữ của trẻ” (Au coeur des émotions de l’enfant) của tác giả Isabelle Filliozat có một đoạn như sau:

Nếu một đứa trẻ không có quyền bày tỏ cảm xúc của chính mình, nếu chúng ta chỉ dựa vào nội dung trong lời nói của trẻ để đưa ra phản ứng và phớt lờ đi cảm xúc của trẻ, vậy thì chúng ta chính là đang nói cho trẻ biết rằng: “Cảm xúc của con không hề quan trọng chút nào, và thứ gọi là ‘cái tôi’ của con cũng chẳng có ý nghĩa gì.”

Những đứa trẻ từ nhỏ đã ngoan ngoãn và nghe theo mọi sự sắp đặt của người lớn một cách thiếu suy nghĩ, dần dần sẽ đóng kín ý thức về bản thân của mình lại, bảo gì nghe nấy, cuối cùng thiếu mất sự rèn luyện tính độc lập.

Đến một ngày, khi đứa bé ấy cần phải tự đối mặt với mọi việc, nó sẽ hoàn toàn không có khả năng xử lý bất cứ chuyện gì.

3. Một người tham dự khó tính thích phê phán: đây là biểu hiện của một ‘cực đoan’ khác, luôn đối nghịch trong tất cả mọi việc

Có một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ: đó chính là thức tỉnh nhận thức về bản thân – cũng chính là ‘cái tôi’ của trẻ.

Tuy nhiên, việc yêu cầu đứa trẻ phải “ngoan ngoãn, nghe lời” một cách mù quáng sẽ trấn áp “cái tôi” ấy.

Nếu ‘cái tôi’ của đứa trẻ cứ mãi không được nhìn thấy, mãi không được lắng nghe; thì đứa trẻ đó sẽ xuất hiện trạng thái “lo lắng về cảm giác tồn tại của bản thân”, và rất dễ đi đến một cực đoan khác: trở thành một người tham dự đối kháng, nó sẽ chống lại người khác trong tất cả mọi chuyện.

Tất nhiên, sự tham dự mang tính phản biện này không phải là để “phê phán”, mà là để được ‘tham gia’, để làm nổi bật cảm giác tồn tại của “tự ngã”.

Thực tế, việc bắt con cái phải nhất nhất “nghe lời” chính là biểu hiện trá hình cho sự “lười biếng” của các bậc cha mẹ.

Một đứa trẻ thực sự hiểu chuyện không phải là một đứa trẻ cha mẹ bảo gì nghe nấy; mà là một đứa trẻ thực sự biết đạo lý, hiểu lễ nghĩa, biết phân biệt đúng sai.

Để trẻ không bị phát triển một cách “lệch lạc”, cha mẹ có thể thử làm những điều sau:

1. Công nhận: Công nhận “quyền tham gia” của trẻ và làm cho trẻ cảm thấy được thừa nhận

Khi một đứa trẻ bắt đầu bày tỏ quan điểm của mình, đó là biểu hiện cho sự trưởng thành về mặt tâm trí của trẻ. Lúc ấy, các bậc cha mẹ không nên vội vàng đưa ra quyết định mà có thể thử “quy tắc 80/20”:

80% thời gian dành cho trẻ, để trẻ tự nói ra suy nghĩ của mình;

20% thời gian dùng để dẫn hướng, gợi ý giúp trẻ có thể biểu đạt ý kiến một cách trọn vẹn, làm người lắng nghe trung thành của trẻ.

Chúng ta có thể không chấp nhận quan điểm của trẻ, nhưng chúng ta cần công nhận quyền tham gia của các em.

Được nghe và được nhìn thấy là một biểu hiện quan trọng cho việc “cái tôi” của trẻ được chấp nhận.

2. Dẫn dắt: Bổ sung những chỗ còn khuyết thiếu trong nhận thức của trẻ và dạy trẻ trở thành “người lớn”

Trẻ còn non nớt cả về trí tuệ, tư duy, nhận thức, v.v…; vậy nên để trẻ em tham gia ý kiến ​​không có nghĩa là chúng ta phải tiếp nhận tất cả những gì các em nói.

Cho phép trẻ đưa ra ý kiến ​​của riêng mình chỉ là bước đầu tiên; hướng dẫn cho trẻ, bổ khuyết nhận thức và hoàn thiện tư duy cho trẻ mới là bước thứ hai quan trọng hơn.

Trên thực tế, khi ý thức tự ngã của trẻ em được thức tỉnh, các em sẽ trải qua một giai đoạn muốn “trở thành người lớn”.

Nếu đã vậy, tốt hơn hết chúng ta nên coi đây là một cơ hội để đưa ra những chỉ dẫn và giáo dục kịp thời cho trẻ, giúp các em thực sự hiểu cách “suy nghĩ như một người lớn”.

3. Buông tay: Cho phép trẻ em phạm sai lầm, trả lại quyền được thử và mắc lỗi cho trẻ

Sợ con cái phải chịu thiệt, lo nghĩ cho con cái là “vấn đề chung” của hầu hết các bậc cha mẹ.

Đối với những vấn đề mà một đứa trẻ dễ gặp phải, các bậc cha mẹ đã có kinh nghiệm xã hội sẽ không quá khó khăn để đưa ra những biện pháp ngăn chặn, tránh để con mình rơi vào tình huống xấu.

Tuy nhiên, sự “can thiệp” này, nếu như không được thực hiện một cách đúng đắn và có chừng mực, sẽ khiến trẻ mất đi cơ hội được thử và phạm sai lầm, do đó cũng không thể sửa chữa bản thân, gây bất lợi cho sự phát triển của trẻ.

Kỳ thực, một kết quả tốt không nhất định là điều trẻ muốn khi làm một việc gì đó; quan trọng hơn là trẻ có được cơ hội thử và mắc sai lầm, sau đó sửa chữa bản thân, học cách chịu trách nhiệm và trưởng thành hơn từ những sai lầm.

Ảnh: Freepik.

4. Thể hiện tình cảm: yêu thương con cái vô điều kiện, thiết lập một “rào chắn bảo vệ nội tâm”

Xác lập giá trị bản thân từ đánh giá của người khác là một đặc trưng tâm lý ở những người quá mức nghe lời và quen lấy lòng. Nguyên nhân của loại tâm lý này thường bắt nguồn từ việc thiếu “tình yêu thương vô điều kiện”.

“Yêu thương vô điều kiện” là rào chắn kiên cố nhất cho nội tâm non nớt của trẻ thơ, là niềm tin lớn nhất để trẻ thể hiện bản thân một cách đúng đắn, và là món quà quý giá nhất từ ​​cha mẹ.

Như chuyên gia nuôi dạy con cái Adele Faber đã nói:

“Điều quan trọng hơn đối với đứa trẻ là trở thành một đứa trẻ bằng xương bằng thịt, một con người với tình cảm chân thực hơn là tiếp tục làm ‘đứa con ngoan của mẹ’.”

Con đường trưởng thành của trẻ còn rất dài, các em không nên học theo những thứ xấu, hư hỏng; nhưng đồng thời cũng không thể nghe lời một cách mù quáng mà không thực sự hiểu được đạo lý, lễ nghĩa trong những việc mình làm.

Theo Aboluowang
Trường Lạc biên dịch

Từ Khóa: