“Ngày nay, người ta đã lý giải sai về chữ Nho này, khiến họ thường bị người ta giễu cợt châm chọc là kẻ nhu nhược vậy” – Khổng Tử.
Tập trước, Khổng Tử đàm luận với Ai Công nước Lỗ rằng để quản lý tốt chính sự, thì ắt phải làm được những điều như yêu thương người dân, thực hành lễ nghi và cung kính với người.
Có thời Khổng Tử sống ở nước Vệ. Nhiễm Cầu – học trò của Khổng Tử, nói với Quý Tôn thị rằng: “Đất nước có thánh nhân không biết trọng dụng, mà lại muốn quản lý tốt quốc gia thì chẳng khác nào đi lùi về sau lại muốn đuổi kịp người đi đằng trước, đây là điều không thể. Nay Khổng Tử ở nước Vệ, nước Vệ nếu trọng dụng ông ấy, thì khác nào bản thân chúng ta có nhân tài mà lại đi phò trợ nước láng giềng, đây thật là điều ngu ngốc. Mong ngài hãy dùng lễ vật hậu hĩnh mời ngài Khổng Tử trở về”.
Quý Tôn thị đem lời đề nghị của Nhiễm Cầu trình lên Lỗ Ai Công. Lỗ Ai Công đã nghe theo kiến nghị này.
Khổng Tử trở về nước Lỗ, ở tại quán xá mà Lỗ Ai Công dùng để chiêu đãi khách quý. Ai Công bước lên bậc thềm phía đông đại sảnh nghênh đón Khổng Tử. Khổng Tử bước lên bậc thềm phía tây đại sảnh yết kiến Ai Công. Cả hai cùng đi đến đại sảnh, Khổng Tử đứng hầu chuyện Ai Công.
Ai Công hỏi Khổng Tử: “Y phục mà tiên sinh đang mặc đây có phải là trang phục của người nhà Nho không?”.
Khổng Tử đáp: “Lúc nhỏ, hạ thần sống ở nước Lỗ, mặc y phục có tay áo rộng; sau khi lớn lên sống ở nước Tống, đội mũ lễ làm từ vải đen. Hạ thần nghe nói, người quân tử phải có học vấn sâu rộng, ăn mặc phải theo phong tục nơi đó. Hạ thần cũng không rõ đây có phải là trang phục của người nhà Nho không nữa?”.
Lỗ Ai Công lại hỏi: “Xin hỏi tiên sinh, hành vi của người nhà Nho là như thế nào?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Nếu chỉ giảng một cách sơ lược thôi thì không thể nói hết hành vi của người nhà Nho được, còn nếu nói một cách chi tiết thì nói đến lúc mệt mỏi cũng khó mà nói hết được”.

Lỗ Ai Công cho người bày tiệc rượu, Khổng Tử ngồi cạnh nói rằng: “Người nhà Nho cũng như các món ngon trên bàn tiệc vậy, chờ người ta đến thưởng thức; ngày đêm học tập không ngừng nghỉ chờ người ta đến thỉnh giáo; lòng dạ trung tín chờ người ta tiến cử; cố gắng làm việc chờ người ta chọn dùng. Người nhà Nho tu thân tự lập chính là như vậy.
Người nhà Nho áo mũ đoan chính, hành vi thận trọng, nhún nhường việc lớn như thể rất ngạo mạn, nhún nhường việc nhỏ như thể rất không thật. Khi làm việc lớn thì vẻ mặt thận trọng như đang sợ hãi, khi làm việc nhỏ tỏ vẻ dè dặt như không dám làm. Tiến bước thì khó mà chùn bước thì dễ, khiêm cung nhu nhược như kẻ bất tài. Vẻ mặt của người nhà Nho chính là như vậy.
“Ngoài ra, người nhà Nho trong sinh hoạt thường ngày luôn phải nghiêm trang, đi đứng nằm ngồi đều hết mực cung kính. Nói lời giữ lời, cư xử đúng mực. Khi đi đường không tranh chỗ tốt với người ta, mùa đông mùa hè không giành những chỗ đông ấm hè mát cùng người khác”.
Khổng Tử nói tiếp: “Cái quý của người nhà Nho không phải là vàng ngọc, mà là tấm lòng trung tín. Họ không mưu cầu chiếm hữu đất đai mà xem nhân nghĩa là đất đai, không mong cầu tích lũy nhiều của cải mà xem học vấn sâu rộng là của cải. Người nhà Nho khó có được nhưng lại dễ cung dưỡng, dễ cung dưỡng nhưng lại khó giữ chân họ lại. Người nhà Nho không đến lúc thích hợp thì sẽ không xuất hiện, đây không phải là rất khó có được sao? Không phải việc chính đáng thì sẽ không hợp tác, thế không phải rất khó giữ chân họ sao? Làm trước rồi mới nhận bổng lộc, vậy không phải rất dễ cung dưỡng họ sao? Người nhà Nho gần với nhân tình chính là như vậy.
Còn nữa, người nhà Nho sẽ không nổi lòng tham đối với đồ vật mà người ta gửi gắm, thân ở trong cảnh vui chơi mà không đắm mình trong thú vui, bị người bức ép cũng không hoang mang, bị vũ lực uy hiếp cũng không sợ hãi. Người nhà Nho thấy lợi mà không quên nghĩa, có chết cũng không thay đổi đức hạnh. Bị thú dữ chim hung tấn công cũng không chút đắn đo sức mình mà đọ sức với nó, nhấc cái đỉnh nặng cũng không lưỡng lự sức mình mà cố gắng thực hiện. Họ không chút hối hận về những chuyện đã qua, không mảy may lo lắng về chuyện trong tương lai. Lời sai không nói hai lần, với lời bịa đặt thì không truy cứu. Mọi lúc bảo trì sự uy nghiêm, không học bất cứ thủ đoạn nào. Đây chính là chí hạnh thanh cao của người nhà Nho.
Người nhà Nho có thể thân cận mà không thể ép buộc, có thể tiếp cận mà không thể đe dọa, có thể bị chặt đầu nhưng không chịu khuất nhục. Nơi ở của họ không xa hoa, đồ ăn thức uống không phong phú. Với lỗi lầm của họ, thì có thể khéo léo chỉ ra chứ không nên chỉ trích tận mặt. Đây chính là tính khí cương cường kiên nghị của người nhà Nho.
Người nhà Nho lấy trung tín làm áo giáp, lấy lễ nghi làm lá chắn. Họ hành động theo chữ Nhân, cư xử theo chữ Nghĩa. Dù đứng trước chính quyền tàn bạo, họ cũng không thay đổi phẩm đức của mình. Đây chính là tính tự lập của người nhà Nho.
Người nhà Nho sống giản dị và tiết kiệm. Ở cùng người thời nay, mà lại lấy chuẩn mực đạo đức của người xưa để yêu cầu bản thân; hành vi đời này của họ sẽ trở thành tấm gương mẫu mực cho hậu thế. Nếu sống mà không gặp thời, trên không có người giới thiệu, dưới không có người tiến cử, thậm chí những kẻ a dua nịnh bợ xúm nhau lại hãm hại anh ta, thì cũng chỉ có thể làm hại thân thể của anh ta, chứ không thể tước đoạt chí hướng của anh ta. Dù có uy hiếp đến cuộc sống hàng ngày của anh ta, nhưng cuối cùng anh ta vẫn sẽ thực hiện hoài bão của chính mình, họ sẽ không bao giờ quên nỗi thống khổ của muôn dân, bởi đó chính là nỗi lo của người nhà Nho.
Người nhà Nho học vấn uyên bác nhưng lại học tập không ngừng, làm việc chuyên cần không biếng nhác, khi ở một mình thì không phóng túng bản thân, đạt được công danh cũng không xa rời đạo nghĩa. Họ tuân theo nguyên tắc dĩ hòa vi quý, thong dong tự được mà có sự tiết chế. Người nhà Nho quý trọng người hiền, biết bao dung người khác, đôi khi có thể từ bỏ cái tôi mà làm theo mọi người. Đây chính là đức khoan dung đại lượng của người nhà Nho.

Người nhà Nho lấy đạo đức gột rửa thân tâm, đưa ra chính kiến và tuân theo lệnh vua. Bình tĩnh sửa chữa lỗi lầm của nhà vua, mà vua – tôi đều khó nhận ra. Người nhà Nho âm thầm chờ đợi, không hành sự nóng vội, không hiển lộ cao minh của mình trước những người có địa vị thấp, cũng không phóng đại công lao của mình. Khi đất nước thịnh trị, ở cùng nhóm người hiền mà không khinh suất; khi đất nước lâm nạn, kiên định chính đạo mà không nản lòng. Họ không cấu bè kết đảng với những người không chung chí hướng, cũng không chửi rủa bôi nhọ những người có ý kiến chính trị khác mình. Chí hạnh thanh cao của người nhà Nho chính là như vậy.
“Người nhà Nho kết giao bạn bè thì phải cùng sở thích, chung chí hướng, mưu cầu đạo nghệ, lộ số tương đồng. Với người có địa vị ngang nhau thì vui mừng, mà địa vị có khác cũng không ghét bỏ. Lâu ngày không gặp, nghe thấy lời đồn không hay về đối phương tuyệt sẽ không tin tưởng. Chí hướng giống nhau thì qua lại nhiều hơn, chí hướng khác nhau thì giữ khoảng cách. Đây chính là thái độ kết giao bè bạn của người nhà Nho.
“Ôn hòa thiện lương là cái gốc của Nhân (lòng nhân đức), cung kính thận trọng là nền tảng của Nhân, khoan hồng đại lượng là khởi đầu của Nhân, khiêm tốn đãi người là công hiệu của Nhân, lễ tiết là vẻ ngoài của Nhân, lời nói dễ nghe là cái đẹp của Nhân, ca vũ âm nhạc là sự hài hòa êm ái của Nhân, bố thí tài vật là ân huệ của Nhân. Người nhà Nho dù có mấy mỹ đức này rồi vẫn không dám nói rằng họ đã làm được chữ Nhân. Đây chính là đức tính cung kính khiêm nhường của người nhà Nho.
Người nhà Nho không nản lòng vì nghèo khó, cũng không tự mãn trước vinh hoa. Họ không làm nhục quân vương, không phiền lụy bề trên, không gây phiền phức cho các quan lại có liên quan nên được gọi là Nho. Ngày nay, người ta đã lý giải sai về chữ Nho này, khiến họ thường bị người ta giễu cợt châm chọc là kẻ nhu nhược vậy”.
Sau khi nghe những lời này, Lỗ Ai Công nói năng càng giữ chữ tín, hành vi càng thêm đoan chính, nói rằng: “Từ nay trở đi, cho đến khi quả nhân tạ thế, sẽ không dám lấy người nhà Nho ra giễu cợt nữa”.
- Xem trọn bộ Khổng Tử Gia Ngữ
Theo Tuệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch