Có lần, Khổng Tử ở nước Trần, Trần Huệ Công mời ông ở trong quán xá thượng hạng. Khi đó có một con chim cắt rơi xuống sảnh đường của Trần Huệ Công, và đã chết. Thân của mũi tên xuyên qua con chim được làm bằng gỗ cây hộ, đầu mũi tên làm bằng đá, cây tên dài 1 thước 8 tấc. Trần Huệ Công bảo người mang xác chim đến nơi ở của Khổng Tử để hỏi về việc này.
Khổng Tử nói: “Chim cắt là loài chim từ nơi rất xa bay đến! Đây là mũi tên của bộ tộc Túc Thận. Ngày xưa khi Chu Võ Vương công đánh nhà Thương, ông đã mở thông con đường thông hướng đến các dân tộc thiểu số để các dân tộc này tiến cống đặc sản theo chức nghiệp của họ. Bộ tộc Túc Thận đã tiến cống những mũi tên với thân mũi tên làm bằng gỗ cây hộ, đầu mũi tên làm bằng đá, dài 1 thước 8 tấc.

Võ Vương vì muốn mỹ đức của ông có thể khiến các bộ tộc phương xa đến triều cống, và lấy điều này tuyên bố rõ ràng cho con cháu, đời đời lấy nó làm gương, vậy nên đã khắc dòng chữ ‘Mũi tên bộ tộc Túc Thận cống nạp’ vào cuối thân mũi tên và tặng cho con gái của ông là Đại Cơ. Về sau, cô công chúa này được gả cho Hồ Công, và được phong ở đất Trần. Thời xưa, ngọc quý được phân phát cho người cùng họ để thể hiện mối quan hệ thân mật trong họ hàng; vật tiến công của nơi xa được chia cho người khác họ để họ không quên thần phục. Thế nên cống vật của bộ tộc Túc Thận được chia cho nước Trần. Nếu ông cho quan chức tìm kiếm trong nhà kho ngày trước thì có thể tìm được nó”.
Trần Huệ Công sai người đi tìm, và đã tìm thấy mũi tên ở trong tủ gỗ, quả đúng như lời Khổng Tử nói vậy.
Theo Huệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch