Mục lục bài viết
Cách đây 2 năm, tức năm 2020, khi dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành, nhiều người đã vô cùng lo lắng. Trên Facebook có một câu chuyện nói về tín đồ Cơ Đốc giáo đã khuyên mọi người tín Thần, nếu không sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng có một người dùng mạng đã hỏi lại rằng: ‘Vậy thì bạn nói đi, đại dịch hiện nay có phải do Thần của các bạn làm hay không?’. Kết quả tín đồ Cơ Đốc giáo này rất bối rối không biết trả lời ra sao.
Đây là một ‘tựa đề’ khá khó, có nhiều người cũng không biết trả lời ra sao cho thoả đáng. Nhưng trong chuyên mục ‘Triết tư tâm ngữ‘ (哲思心語: suy nghĩ minh triết, lời nói thật tâm) thuộc kênh Youtube ‘Thiên Lượng thời phân’ đăng ngày 10/2/2020, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ góc nhìn bản thân về vấn đề này, đồng thời dùng ‘sử’ tổng kết một vài đạo lý khá thú vị như sau.
Tai hoạ hay dịch bệnh là do nhân quả, nghiệp lực luân báo

Là một người có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương nhìn nhận: việc liệu có phải Thần làm thì không quan trọng, chúng ta phải biết rằng rốt cuộc nguyên nhân ở đâu mới phát sinh sự việc như vậy.
Giáo sư Chương đánh giá vấn đề này cũng không khó trả lời. Trong kinh điển của Đạo gia là ‘Thái thượng cảm ứng thiên’ viết rằng: “Phúc hoạ không cửa, chỉ do người mời; báo ứng thiện ác, như bóng theo hình”, ý tứ là thiện và ác đều do con người chiêu mời đến, căn cứ theo việc thiện hay việc ác của chúng ta mà mang đến một loại báo ứng. Đây chính là nhân – quả.
Trên thực tế không phải chỉ trong Đạo gia giảng, mà trong tất cả các chính giáo đều giảng về nhân quả. Trong ‘Sách Ezekiel’ của Thánh Kinh có giảng một câu của Giê-hô-va như thế này: Đến một ngày, mắt của ta sẽ không đoái tiếc ngươi, cũng chẳng thương xót ngươi. Ta nhất định chiểu theo hành vi của ngươi mà báo ứng, theo những việc xấu ngươi đã làm mà trừng phạt. Đến lúc đó ngươi sẽ biết ta – Đấng Giê-hô-va chính là Đấng Trừng phạt.
Theo lời của Đức Giê-hô-va, sau khi con người làm điều xấu nhất định sẽ bị trừng phạt, đây chính là một loại báo ứng. Còn trong Phật giáo giảng về nhân quả thì càng nhiều hơn nữa. Giáo sư Chương kể một câu trong Phật giáo như sau.
Phật Thích Ca Mâu Ni không bảo hộ được gia tộc của mình
Câu chuyện này có ghi chép trong ‘Tăng nhất a hàm kinh’ và ‘Pháp cú thí dụ kinh’.
Trước khi thành Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài là Thái tử Tất Đạt Đa của nước Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi cưới đệ nhất mỹ nữ Da Du Đà La, rồi thê tử có con, ngài xuất gia tu hành. Thích Ca Mâu Ni là xưng hiệu của ngài khi thành Phật.
Vào những năm cuối, khi truyền pháp tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá-vệ, ngài đã gặp một chuyện đó là: quê hương ngài sẽ phát sinh một đại sự.
Phật Thích Ca Mâu Ni phát hiện toàn bộ gia tộc mình sẽ đối mặt với nguy cơ ‘diệt chủng vong quốc’, bởi vì gia tộc có một kẻ thù là con trai của vua Ba Tư Nặc tên là Lưu Ly Vương. Bên cạnh Lưu Ly Vương có một người ‘Phạm chí’. ‘Phạm chí’ là những người Bà La Môn ngoại đạo chuyên quản lý những người không tu hành Phật giáo.
Khi đó Lưu Ly Vương mang theo người phạm chí cùng lãnh binh tấn công nước Ca-tỳ-la-vệ. Vì người của nước Ca-tỳ-la-vệ đã quy y Phật Pháp nên họ là người từ bi không sát nhân, trong chiến tranh cũng không mang đến kết quả tốt, và họ đã bị đánh bại. Sau khi thất bại, họ lâm cảnh ‘diệt chủng vong quốc’.
Lúc bấy giờ có một đệ tử thần thông đệ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni là Mục Kiền Liên hỏi rằng: ‘Vương tộc đã lâm cảnh đại hoạ treo trên đầu, con có thần thông lớn như vậy nên hãy để con bảo hộ họ’. Mục Kiền Liên đã đưa kiến nghị cho Phật Thích Ca Mâu Ni tổng cộng 3 lần.
Kiến nghị lần thứ nhất, Mục Kiền Liên nói muốn đem họ (gia tộc của Phật Thích Ca Mâu Ni) đặt ở hư không liệu có được không. Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời: ‘Đương nhiên con có năng lực lớn đến thế, nhưng dùng thần thông giải quyết không được nhân duyên ở thế tục’. Mục Kiền Liên hỏi rằng, liệu có thể đem họ đến tha phương thế giới không. Phật Thích Ca trả lời: ‘Tuy con có thể làm được nhưng giải quyết không được nhân duyên ở thế tục’. Đến lần thứ ba, Mục Kiền Liên hỏi, bản thân liệu có thể dùng thần thông làm một cái lồng che toàn bộ thành lại. Phật Thích Ca vẫn không đáp ứng.
Sau này Mục Kiền Liên vẫn tự mình làm. Ông chọn 4000-5000 người trong thành mà mình cho rằng đáng để lưu lại như: thiện tri thức (tri thức giỏi), đàn việt (thí chủ)… ông đặt họ vào trong cái bát, sau đó đưa cái bát đến bầu trời sao.
Quân đội Lưu Ly Vương nhanh chóng tiến vào thành, nhưng người tộc họ Thích không phản kháng, cho nên toàn bộ thành bị công phá. Lưu Ly Vương bắt đầu ‘đồ thành’ (屠城: đồ sát/thảm sát người trong thành), đem toàn bộ người trong thành giết hết.
Sau đó Mục Kiền Liên nói với Phật Thích Ca rằng: ‘Con đã bảo hộ được 4000-5000 người rồi’. Phật Thích Ca nói: ‘Con đã xem cái bát chưa?’. Mục Kiền Liên nói: ‘Vẫn chưa’. Phật Thích Ca nói: ‘Vậy con hãy xem một chút đi’. Mục Kiền Liên mở cái bát, phát hiện rằng 4000-5000 người trong cái bát đã chết rồi.
Trên thực tế Phật Thích Ca Mâu Ni biết rằng những người này khó thoát khỏi kiếp nạn, họ nhất định sẽ lâm cảnh như vậy bởi vì họ vẫn chưa hoàn trả nghiệp lực của họ. Phật Thích Ca nói thêm rằng trong vòng 7 ngày, kẻ đồ sát là Lưu Ly Vương nhất định sẽ chết. 7 ngày sau Lưu Ly Vương quả thật chết vì đại hồng thuỷ.
Sau khi sự việc kết thúc, rất nhiều tỳ kheo (hoà thượng) không hiểu vì sao phát sinh sự việc như vậy, bởi vì Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật lẽ nào không bảo hộ được gia tộc của mình. Các tỳ kheo thỉnh Phật Thích Ca giải thích.
Khi đã tạo nghiệp thì phải hoàn trả
Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể một câu chuyện như sau. Cách đây rất nhiều năm về trước (có thể là kiếp trước), địa phương này có một toà thành là thành La Dạ, nơi đó có một cái ao lớn, trong có rất nhiều cá. Có một năm khí hậu không tốt, nông nghiệp bị mất mùa, cho nên con người không có gì ăn đành phải ăn cỏ. Nhưng những người đó thấy trong ao có rất nhiều cá, nên họ muốn ăn cá. Thế là những người dân thôn bắt đầu bắt cá trong cái ao này, bắt toàn bộ cá ăn sạch.
Khi đó trong ao có 2 con cá dường như biết nói chuyện thương lượng với nhau rằng: ‘Chúng ta không làm điều gì sai cả, hiện nay lại gặp tai hoạ, cho nên tương lai nhất định báo thù’. Sau đó 2 con cá cũng bị người trong thôn ăn.
Lúc đó còn có một đứa trẻ 8 tuổi đi ngang qua. Bản thân đứa bé này không tham gia bắt và ăn cá, nhưng khi thấy cảnh người dân thôn làng bắt cá, nó lại khởi lên tâm hoan hỉ (vui vẻ).
Phật Thích Ca Mâu Ni giảng cho các tỳ kheo rằng: ‘Toàn bộ gia tộc Thích Ca tức những người bị Lưu Ly Vương giết chết chính là người dân trong thôn. Khi Lưu Ly Vương lãnh binh kỳ thực có mang theo một người phạm chí, hai người này chính là 2 con cá cuối cùng. Những người binh lính mà 2 người ấy mang theo chính là những con cá trong ao. Còn đứa bé 8 tuổi đi qua ao chính là ta (Phật Thích Ca Mâu Ni). Tuy rằng ta không tham dự bắt cá và ăn cá, nhưng khi thấy sự việc đó, ta đã sinh tâm hoan hỷ, nên vì việc này mà hiện nay ta bị đau đầu tựa như núi Tu Di đè lên’.
Giáo sư Chương kể câu chuyện này chính là muốn nói rằng: một người sau khi làm điều xấu, dù cho trải qua thời gian dài bao nhiêu, đến cuối cùng phải hoàn trả. Điều này là đạo lý ‘thiện ác hữu báo’ mà chúng ta thường hay giảng. Mà loại báo ứng này dùng thần thông căn bản không có cách nào giải quyết vấn đề.
Do đó, tuy rằng Mục Kiền Liên dùng thần thông nhưng vẫn không bảo hộ được người đang trong kiếp nạn; những người ấy nhất định phải chết, gồm cả bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni. Dù khi ấy ngài đã khai ngộ, nhưng vì vẫn còn nhục thân ở thế gian nên vẫn phải gánh chịu, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni nói lúc ấy ngài bị đau đầu trong thời gian rất dài.
Câu chuyện lúc lâm chung của tôn giả Mục Kiền Liên: ‘Thần thông không thắng được nghiệp lực’
Những chuyện về nghiệp lực luân báo được giảng rất nhiều. Nhân đây Giáo sư Chương cũng muốn kể một câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên.
Phật Thích Ca Mâu Ni có 10 đại đệ tử, người nào cũng là ‘đệ nhất’ về cái gì đó, ví như Xá Lợi Phất là ‘trí huệ đệ nhất’, còn Mục Kiền Liên là ‘thần thông đệ nhất’.
Mục Kiền Liên ‘thần thông đệ nhất’ đã chết như thế nào?
Thời ấy có rất nhiều ‘ngoại đạo’ không thích Phật giáo, họ nghĩ rằng nếu có thể đánh chết Mục Kiền Liên sẽ tạo thành tổn hại rất lớn cho Phật giáo. Bởi vì Mục Kiền Liên là ‘thần thông đệ nhất’, nên nếu đánh chết được người nổi tiếng như thế thì mọi người sẽ không tin Phật giáo nữa.
Do đó những người ngoại đạo này đến bao vây Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên dùng thần thông cản họ ở bên ngoài nên không hề hấn gì. Nhưng sau này Mục Kiền Liên đột nhiên nghĩ rằng, trên thực tế bởi vì mình đã mắc nợ người ta nên phải hoàn trả, vì vậy Mục Kiền Liên đã không dùng thần thông nữa.
Sau khi không dùng thần thông, Mục Kiền Liên bị những ngoại đạo xô đá xuống như thác khiến ông bị thương trầm trọng. Sau đó ông đến trước Phật Thích Ca Mâu Ni trần tình sự việc rồi mới mất.
Lúc ấy các tỳ kheo hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: ‘Mục Kiền Liên có thần thông lớn như vậy, tại sao cuối cùng không bảo hộ được mình?’. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng một câu đại ý là: Thần thông không thắng được nghiệp lực. Đối diện với luân hồi báo ứng, thì dù có thần thông, người ta cũng không thể tránh được.
Thần không giáng tai hoạ một cách vô duyên vô cớ
Quay trở lại với chủ đề mà tín đồ Cơ Đốc giáo đề cập, Giáo sư Chương nhìn nhận: việc tai hoạ có phải do Thần làm hay không trên thực tế không quan trọng, bởi vì Thần không làm bất cứ sự việc gì một cách vô duyên vô cớ. Thần làm việc nếu không có cái ‘nhân’ trước, sẽ không để cho con người cái ‘quả’ ở sau.
Chúng ta có thể nói rằng Thần cũng phải tuân thủ một điều là ‘Phật Pháp’, Đạo gia gọi là ‘Đạo’, hoặc gọi là ‘quy luật vũ trụ’ cũng được. Nhưng dù thế nào đi nữa, kỳ thực đều là do con người tích nghiệp nên mới mang đến một loại báo ứng như vậy.
Trong quá trình nghiệp báo luân hồi, mỗi người ở thế gian có thể làm việc tốt hoặc việc xấu. Rốt cuộc đó là việc tốt hay xấu thì con người không biết, nhưng dù biết hay không thì chỉ cần làm điều xấu thì phải gánh chịu hậu quả. Giống như năm đó Thích Ca Mâu Ni đi qua ao thấy có người bắt cá, ông không biết rằng sinh tâm hoan hỷ là một việc xấu, nên ông cũng phải gặp báo ứng đau đầu.
Giáo sư Chương kể những câu chuyện trên đây là muốn nói rằng, sau khi một người làm việc xấu sẽ gặp phải báo ứng. Còn nếu nhiều người ở khu vực lớn đều làm việc xấu, thì loại báo ứng này sẽ có biểu hiện dưới các hình thức khác nhau. Ví như nói chiến tranh, giống như nước Ca-tỳ-la-vệ bị ‘đồ thành’ (đồ sát người trong thành), thì việc đó là để những người trong gia tộc họ Thích trả sạch nghiệp lực hoặc những nợ đã thiếu trước đây. Cũng có thể là nạn đói, châu chấu, hồng thuỷ, ôn dịch (dịch bệnh) v.v.
Vậy nếu có một người không làm việc xấu nhưng ở trong hoàn cảnh đối mặt với tai nạn phạm vi lớn thì như ôn dịch, hồng thuỷ thì có bị sao không?
Là một người có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương nhìn nhận, nếu bạn thật sự là một người tốt không làm việc xấu, thì những sự việc kiểu vậy sẽ không ảnh hưởng đến bạn. Một ví dụ rất đơn giản là Noah.
Trong ‘Sáng thế ký’, Thượng Đế thấy con người biến thành xấu nên đã giáng hồng thuỷ huỷ diệt thiên hạ; Noah dù ở địa phương ấy lại không nằm trong kiếp số ấy. Thượng Đế đã khải thị cho Noah làm một con thuyền để đem gia đình vào trong đó. Vì sao Noah không ở trong kiếp số? Bởi vì Noah là một người công chính, ông không có nghiệp lực ấy, nên cũng không có nạn ấy. Tuy rằng có sự việc kiểu như thế, nhưng người tốt không ở trong kiếp nạn.
***
Tiếp đến, Giáo sư Chương có kể câu chuyện La Mã bức hại tín đồ Cơ Đốc giáo 300 năm, sau đó bị 3 lần ôn dịch khiến đế quốc diệt vong. Giáo sư Chương chia sẻ thêm rằng: bức hại tín đồ chính giáo hoặc Phật Pháp là tội ác to lớn nhất, bởi vì điều đó ngăn cản con người nghe theo lời Giác Giả để làm người tốt.
Nhưng có một vấn đề thật sự đáng lưu tâm chính là: trong việc phân định thiệc ác, hoặc đứng trước một cuộc bức hại tín ngưỡng chân chính, thì người đứng trung lập vẫn tính là có tội. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ