Tuân Tử, tên Huống, còn gọi là Tuân Khanh. Có thể dùng một câu nói để tóm tắt cuộc đời ông: “Sinh tại Triệu, du học tại Tề, vào Tần một lần, làm quan tại Sở, chết và an táng tại Sở”. Trong đó phần lớn thời gian trong cuộc đời của ông đều trải qua trong Tắc Hạ học cung, trải qua những giai đoạn quan trọng từ thịnh đến suy, rồi từ phục thịnh đến dần dần diệt vong…
Khí thế lớn mạnh và cởi mở của nước Tề đã tạo nên khung cảnh phồn thịnh của Tắc Hạ học cung với những vì sao sáng chói. Vào thời kỳ nước Tề cường thịnh nhất, Tắc Hạ học cung tập hợp được đông đảo học giả ở khắp nơi đổ về, có mấy ngàn người theo học, Tắc Hạ là thánh địa văn hóa mà những giới sỹ phu khắp nơi muốn đặt chân đến nhất. Vào khoảng những năm cuối của Tề Tuyên Vương, có một thiếu niên 15 tuổi gian nan vất vả từ nước Triệu đi đến ngoài cửa Tắc Hạ học cung.
Nhờ vào chế độ quản lý giáo dục và hình thức chiêu sinh tự do của Tắc Hạ học cung, người thiếu niên này gần như được nghe qua hết thảy bài giảng của các vị tiên sinh, dường như học hết trước tác của mỗi môn mỗi phái. Cuối thời Chiến Quốc, cục diện quốc gia, các trường phái tư tưởng dần dần đi đến sự dung hòa, song song với nghiên cứu và học tập Nho giáo, thiếu niên này còn tiếp nhận những ưu điểm của các học phái khác, dung nạp triết lý và tư tưởng của mọi trường phái, cuối cùng tạo thành học thuyết đặc biệt của riêng mình. Dần dần, cậu từ một người học trò trở thành nhất đại tông sư, dùng tài học của bản thân để báo đáp Tắc Hạ học cung, thậm chí còn ảnh hưởng hướng đi của toàn bộ lịch sử.
Nước Tề từng bước đi vào thời đại suy yếu, vị thiếu niên này cũng trở thành bậc thầy cuối cùng của Tắc Hạ học cung. Ông chính là Tuân Tử, một bậc thầy Nho giáo sau thời của Mạnh Tử.
Tú tài trẻ tuổi du học Tắc Hạ
Tuân Tử, tên Huống, còn gọi là Tuân Khanh. Có thể dùng một câu nói để tóm tắt cuộc đời ông: “Sinh tại Triệu, du học tại Tề, vào Tần một lần, làm quan tại Sở, chết và an táng tại Sở”. Trong đó phần lớn thời gian trong cuộc đời của ông đều trải qua trong Tắc Hạ học cung, trải qua những giai đoạn quan trọng từ thịnh đến suy, rồi từ phục thịnh đến dần dần diệt vong. Ông ba lần du học nước Tề, ba lần vào Tắc Hạ, cuối đời ở Tắc Hạ ba lần làm Tế tửu, “tối vi lão sư” (người thầy gương mẫu), cuộc đời ông có mối duyên rất bền chặt với Tắc Hạ. Học thuyết của ông cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các vị Tắc Hạ tiên sinh và các nhà tư tưởng của thời kỳ Tiên Tần, thậm chí là một bộ tổng hợp của Bách gia chư tử trong thời kỳ Tiên Tần.

Trong “Phong tục thông nghĩa” nói: “Thời Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương, có tú tài Tôn Khanh (Tuân Tử), mười lăm tuổi bắt đầu đến du học”. Đây là lần đầu tiên Tuân Tử đến Tắc Hạ học cung, khi đó tại học cung tập hợp rất nhiều tiên sinh nổi tiếng trong thiên hạ, mỗi lần họ giảng bài và biện luận đều khiến ông mở mang tầm mắt. Khi đó nguyên lão Thuần Vu Khôn vẫn còn khỏe mạnh, ông đã thu hút được ba ngàn môn sinh bằng kiến thức uyên bác, nhớ lâu cùng với cách trò chuyện thú vị và trí tuệ của mình. Trâu Diễn khi đó đang ở độ tuổi cường tráng, ông tích cực tuyên giảng học thuyết âm dương ngũ hành của mình, nhiều lần làm chấn động tâm linh của người đời. Trâu Thích là người tiếp bước Trâu Diễn, ông tiếp tục thừa kế học thuyết của Trâu Diễn, lại càng có sở trường trau chuốt ngôn từ hơn, ông viết sách và đề xuất chủ trương của mình, đem học thuyết âm dương phát dương quang đại.
Khi người nước Tề bàn luận sôi nổi về sự tích của “đàm thiên Diễn, điêu long Thích, chích cốc quá Khôn” (tức Trâu Diễn, Trâu Thích và Thuần Vu Khôn), thì Tuân Tử đã chuyên tâm nghiên cứu và suy ngẫm về học vấn của họ rồi, thời gian Tuân Tử tiếp xúc với Thuần Vu Khôn tương đối dài, thường xuyên nhận được những lời chỉ điểm của Thuần Vu Khôn, gặt hái được rất nhiều lợi ích. Tuân Tử lúc trẻ vẫn chưa thành danh nhưng đã có tài hoa xuất chúng hơn người, đang ở độ tuổi tuyệt vời của tài hoa trác tuyệt và khao khát tìm cầu kiến thức. Người học trò đẳng cấp gặp được người thầy giáo đẳng cấp, sự nghiệp học vấn của Tuân Tử mỗi ngày đều có những đột phá vượt bậc. Chuyến du học lần này của Tuân Tử kéo dài hơn 20 năm, đặt một nền móng vững chắc cho thành tựu trong tương lai của ông.
Trong học thuyết của các trường phái tư tưởng, Tuân Tử tôn sùng nhất là Nho giáo, ông trở thành tín đồ trung thành của Khổng Tử. Tuy nhiên quan niệm nhân nghĩa của ông đã không còn là Nho giáo truyền thống mà Khổng Mạnh theo đuổi nữa, vì vậy nên ông bị hậu thế khiển trách là ‘dị đoan của Nho giáo’, bản thân học thuyết của ông cũng chịu rất nhiều ý kiến tranh luận trong lịch sử. Ông đề xuất tư tưởng “Thiên đạo tự nhiên”, từ đó phát triển ra quan niệm “Thiên hành hữu thường” (tự nhiên vận hành có quy luật của nó) và “Minh thiên nhân chi phân” (hiểu rõ sự khác biệt giữa tự nhiên và con người); ông còn đề xuất học thuyết tính ác đối lập với học thuyết tính thiện, cho rằng con người khi sinh ra đã có bản tính xấu ác, vì vậy cần phải giáo hóa bằng lễ nhạc để định hình lại đạo đức của con người. Còn về phương diện trị quốc, ông căn cứ vào hoàn cảnh xã hội hiện thực đề xuất long lễ trọng pháp (gia tăng chế độ lễ nghi), theo đuổi vương đạo, cũng theo đuổi bá đạo; ông đề xướng lễ nghi cũng phải chú trọng nội dung của Pháp gia. Những quan điểm này cũng được xem là sản vật từ sự tự do va chạm và tiếp xúc của các học phái trong Tắc Hạ.
Trong lúc Tuân Tử đang từng bước tự thành lập một môn học thuật của riêng mình, thì tình thế của nước Tề xuất hiện nguy cơ. Tề Mẫn Vương sử dụng cạn kiệt binh lực để phát động chiến tranh khiến quốc lực của nước Tề suy yếu, ông cự tuyệt lắng nghe những lời khuyên của thần tử, điều này càng khiến những nhân tài của nước Tề thất vọng và bỏ đi nước khác. “Tề Mẫn Vương tự phụ, chiến tranh không ngừng nghỉ, bá tánh bất kham. Các Nho sĩ khuyên ngăn không nghe, đều bỏ đi: Thận Đáo, Tiệp Tử vội vàng bỏ đi, Điền Biền bỏ chạy đến vùng Tiết, còn Tôn Khanh đi Sở”. Đoạn viết này trong Luận Nho của “Diêm Thiết Luận” là phản ánh chân thực nhất, trong đó “Tôn Khanh” tức là Tuân Tử.
Khi đó Tề Mẫn Vương diệt Tống nên kiêu ngạo, phát động chiến tranh ở khắp nơi, càng muốn thôn tính Chu vương thất, trở thành đối tượng chinh phạt của các chư hầu. Tuân Tử lúc này đã hơn bốn mươi tuổi, nhìn thấy nước Tề đang đối mặt với tình cảnh diệt vong, ông cùng các vị Tắc Hạ tiên sinh lần lượt bỏ Tề ra đi. Điền Biền đi đến Tiết Địa, Trâu Diễn du lịch nước Ngụy, nước Sở và nước Yên, còn Tuân Tử thì làm khách tại nước Sở.
Tuân Tử đứng đầu Tắc Hạ học cung trong giai đoạn phục hưng
Tuân Tử đi khỏi nước Tề chưa đầy một năm, thượng tướng quân Nhạc Nghị của nước Yên thống lĩnh liên quân sáu nước tấn công Tề, liên tiếp đánh chiếm 72 thành trì, Tề Mẫn Vương bại trận và chết. Trong chiến loạn, Tắc Hạ học cung cũng không thể may mắn thoát nạn, cuối cùng bị ép phải dừng mọi hoạt động. May mà khí số nước Tề vẫn chưa tận, chỉ có hai tòa thành trì là Tức Mặc và Cử vẫn còn kiên trì chiến đấu, đối kháng với liên quân suốt 5 năm.
Đang trong thời khắc nguy nan, Yên Chiêu Vương đột nhiên qua đời, mang đến một cơ may sống còn cho nước Tề, tướng lĩnh thủ thành của Tức Mặc là Điền Đan đã nắm bắt cơ hội này, lợi dụng đặc điểm thích nghi kỵ của Yên Huệ Vương mới lên ngôi để thực thi kế ly gián, tung tin đồn nói rằng Nhạc Nghị mãi không chịu công đánh hai tòa thành trì cuối cùng của nước Tề là vì bản thân muốn làm Tề vương nên cố tình kéo dài thời gian. Yến Huệ Vương vốn dĩ đã có mâu thuẫn với Nhạc Nghị từ trước, lại bị ly gián như vậy, nên ông lập tức phái người khác đi thay thế Nhạc Nghị.

Sau đó, Điền Đan lại tiếp tục tạo ra dự luận mê hoặc quân địch, phát minh ra “hỏa ngưu trận” có uy lực lớn mạnh, đánh một trận phản công rất đẹp mắt, sau đó nhanh chóng lấy lại những mảnh đất đã bị mất, xây dựng lại Lâm Tri, và nghênh đón vị quân vương kế tiếp là Tề Tương Vương, thành công khôi phục nước Tề. Tề Tương Vương mới lên ngôi gánh trên vai trọng trách phục hưng đất nước. Ông tổng kết lịch sử hưng thịnh và suy bại của nước Tề, nhận thức sâu sắc được ý nghĩa trọng đại của việc chiêu nạp nhân tài và lắng nghe lời khuyên của các thần tử. Vì vậy ông đem tầm nhìn xa xôi của mình phóng đến Tắc Hạ học cung đã bị hoang phế, ông quyết định tạo dựng lại truyền thống chiêu hiền đãi sĩ của tổ tiên, xây dựng lại Tắc Hạ học cung. Trong bối cảnh như vậy, Tuân Tử lại bỏ Sở quay về nước Tề, du học Tắc Hạ lần nữa, quay trở về ngôi vườn học giả đã mang lại sự nuôi dưỡng tinh thần vô hạn cho ông.
[Còn tiếp…]
- Xem trọn bộ Tắc Hạ phong vân
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch