Người Việt đi lễ để cầu xin

Người Việt ngày nay thích đi lễ, sôi động nhất là vào đầu Xuân.

Đền, chùa, miếu, phủ… vì vậy mà sôi động, tấp nập. Nhưng với nhiều người, lễ ở đâu dường như không quan trọng bằng việc nó có “thiêng” hay không. Ngày nay miễn là chốn “thiêng” thì sẽ có người đến lễ, thậm chí đó là một mô đất.

“Thiêng” là gì? “Thiêng” với nhiều người là cầu được ước thấy, xin gì có nấy; lễ vật càng hậu, báo đáp càng dày. Nhưng vấn đề là xin ai và ai cho?

Thần Phật nhìn lễ vật hay nhìn nhân tâm

Hãy lấy ví dụ về đi lễ chùa. Ta biết rằng vào chùa thì lạy tượng. Tượng sau khi được sản xuất ra, đem đặt vào chùa, trước hết phải làm lễ “hô Thần nhập tượng” hay lễ “khai quang”.

Khai quang chân chính là người hành lễ mời được một Pháp thân của Thần, Phật hay một vị Giác Giả đến ngự trên tượng, thì mới linh thiêng thật sự, nhưng không phải theo cái nghĩa cầu được ước thấy. Vấn đề là ai đủ khả năng mời được một Pháp thân các vị ấy? Hãy nói về đạo hạnh của người hành lễ khai quang.

Muốn có đạo hạnh, trước hết phải có đức hạnh, muốn đức hạnh càng sâu dày, thì càng phải dày công tu dưỡng. Nên đạo hạnh chính là công phu tu vi, nhấn mạnh vào sự tu tâm dưỡng tính, chứ không phải phụ phẩm của nó là phép thuật.

Người có đạo hạnh, phẩm cách trong sáng, lực lượng tinh thần lớn mạnh và thuần khiết, mới có khả năng khai quang. Mà khi đạo hạnh đã có, thì lo buông bỏ chưa hết, ai còn ham cầu khấn gì nữa. Pháp thân trên tượng Phật chỉ là giúp họ trong việc tu luyện mà thôi.

Nếu thế, đạo hạnh thực là điều kiện khó đạt được ở những chốn “sì sụp” ngày nay. Thử hỏi, còn Pháp thân nào ngự trên tượng Thần, Phật nữa?

Như vậy, Thần Phật còn quản chốn nhân gian nữa hay không là còn phải xem ở cái tâm con người đang đặt vào đâu. Điều này, con người nên tự hỏi mình.

Cứ tạm cho rằng Pháp thân của Phật, Thần còn ở trên tượng, thì lẽ nào các ngài lại động lòng trước những sính lễ nhỏ mọn của tục nhân, để đổi lại cho họ những thứ họ truy cầu? Năm xưa vì sao thái tử Tất Đạt Đa có thể tu thành Phật? Vì ngài đã buông bỏ hết thảy những danh – lợi – tình mà con người coi trọng, cả ngai vàng ngài cũng xem như bùn đất, cha mẹ vợ con ngài cũng thành chúng sinh bình đẳng như bao chúng sinh khác, không được ưu tiên hơn gì… Mà nay ta nghĩ rằng cầu được ở Phật những thứ Ngài coi là đáng vứt bỏ thì chẳng là chuyện tức cười cũng là sự bất kính.

Vậy thì ai cho? Nhiều người bảo rằng “hữu cầu tất ứng” hoặc “có thờ có thiêng” đấy thôi. Thực tế là nhiều người đi cầu cúng vẫn được.

Chỗ này mới thực rợn người.

Ai hữu cầu và ai tất ứng?

Trong tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dư có câu chuyện tên là “chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều”.

Tóm tắt như sau: đời Trần cũng có dạo chùa, sư rất nhiều, lẫn lộn hỗn tạp. Người dân cúng vái nhộn nhịp, nhiều người cho là linh ứng lạ thường. Quả là có thờ có thiêng.

Một thời gian sau vì họa binh lửa chiến chinh, nên hương lạnh khói tàn, người cúng thưa thớt, nhưng người dân thấy rất nhiều đồ ăn thức uống bị mất cắp, nhiều người bị trêu ghẹo. Mãi về sau họ mới phát hiện ra là Phật giả, Thần giả trên tượng gây ra.

Chuyện Phật giả, tà ma, phụ thể ấy là có thật. Sự xuất hiện của chúng, nói cho đúng, chính là do con người chiêu mời đến. Khi tâm con người không trong sáng, không cầu sự tu dưỡng đạo đức, mà chỉ cầu danh lợi, tài lộc, và những thứ tự tư tự lợi khác thì Pháp thân trên tượng Phật sẽ bỏ đi, tà ma, phụ thể sẽ thế chỗ. Thậm chí có nhiều tượng Phật chưa bao giờ có Pháp thân Phật, ngay từ đầu đã bị những năng lượng xấu thao túng. Người Việt có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, người Hoa có câu “Vật cùng chủng loại mà tập hợp, người chung chí hướng mà hội tụ”. Liệu cảnh giới cao vời của các Thần Phật có thể chung đụng giao dịch với người nặng tâm phàm hay không? Phật không cho thì ai đã cho? Hỏi cũng chính là trả lời vậy.

Có người bảo rằng: chả sao, tôi cứ cầu được là tốt. Nhưng thế gian này liệu có gì miễn phí? “Không mất thì không được, được thì phải mất”, đó là luật Trời không sai chệch mảy may. Xã hội con người cũng có những kẻ chuyên lấy việc gia ơn để gieo món nợ, chẳng hạn như nhân vật Bố Già Vito Corleone với phát ngôn nổi tiếng: “có thể sẽ đến một ngày, tôi tìm đến anh, lúc ấy thì anh không thể từ chối tôi được.” có thể coi là điển hình của luật đời vay trả, trả vay vậy.

Chẳng qua con nợ tự trấn an mình rằng mai vẫn chưa phải là ngày đáo hạn, vẫn còn có thể hưởng thụ được ít lâu.

Tà ma, phụ thể nhắm tới điều gì?

Vậy tà ma phụ thể đáp ứng truy cầu danh lợi của người cầu cúng để đổi lại điều gì?

Thân thể con người chúng ta là một tác phẩm tuyệt xảo, không phải theo cái nghĩa vẻ đẹp của dáng vóc, da thịt, mà vì nó có những vật chất mà các giống loài khác không có được, nhờ đó mà có thể tu luyện thành Thần, Phật. Phụ thể nhắm vào điều ấy, còn bản thân người truy cầu vì được đáp ứng nên khá thỏa mãn và ngày càng sùng tín, nhưng không biết rằng sớm muộn cũng vì điều này mà thân bại danh liệt.

Chuyện này đâu phải chỉ có trong văn hóa phương Đông, phương Tây cũng có.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, phần Ma-thi-ơ 8:28-34; Mác 5:1-20; Lu-ca 8:26-39… có kể chuyện chúa Jesus đuổi những con quỷ bám trên người. Mục Mac 5:1-20 mô tả chi tiết về việc Chúa Jesus đã đánh rớt tà linh bám trên người của một người đàn ông chuyên sống ở nơi nghĩa địa. Người đàn ông này “đã nhiều lần bị cùm, bị xích, song hắn bẻ xích phá cùm, chẳng ai trị nổi. Suốt ngày đêm hắn lang thang nơi nghĩa địa và trên đồi hoang, la hét và lấy đá rạch mình.” Những con tà linh này có cả một bầy đông đảo, chúng biết rằng khi chúa Jesus đến thì chúng không còn có thể bám trên thân người ta được nữa nên xin phép chúa Jesus để nhập vào một đàn lợn. Cuối cùng đàn lợn khoảng 2000 con lao đầu qua bờ đá, rơi xuống biển và chết.

Có ai từng thắc mắc vì sao yêu quái trong Tây Du Ký cứ chực hút khí nguyên dương của Đường Tam Tạng? Hoặc trong những câu chuyện cổ hay nhắc đến việc hồ ly tinh, cáo, chồn, trăn rắn thành tinh rất muốn tiếp cận con người để ám nhập. Thủ đoạn của chúng là dùng sắc đẹp, hay tài lộc, danh vọng để chiêu dụ con người. Chúng biết rằng đó là những thứ hấp dẫn con người nhất và có thể khiến họ mê mờ, từ đó dễ dàng tiếp cận, đeo bám và điều khiển con người.

Trong xã hội ngày nay, những nạn nhân ấy cũng là không ít. Có người còn tình nguyện để tà linh bám lên cơ thể mình, gọi là chiêu vong, để cầu chút thông tin trần gian không có. Hoặc ở trong những đám lễ, người chủ lễ nhảy múa như bị nhập tràng, xong việc thì mê man, rũ rượi, thần khí hoảng hốt… đó cũng một dạng bị tà ma phụ thể ám nhập. Mặt khác, những thủ tục rườm rà, hoang đường mà họ thực hiện và gọi là “lễ” thực chất đã cách quá xa với ý nghĩa ban đầu của chữ “lễ”. Lễ đã không còn là lễ, người chủ lễ cũng không còn đạt được yêu cầu về cảnh giới như xưa.

Lễ thời xưa và yêu cầu với người chủ lễ

Sách Lễ Ký miêu tả Lễ Nhạc rằng: “Nhạc là sự hài hòa của trời đất. Lễ là trật tự trong trời đất. Do hài hòa nên muôn vật đều sinh sôi nảy nở tốt tươi. Do trật tự nên các loài vật mới có khác biệt“.

Nói về luân lý, để không tổn hại thì đó là tình ý của Nhạc. Để mọi người vui vẻ yêu thích thì đó là chức phận của Nhạc. Trung dung, ngay chính, không tà vạy, đó là bản chất của Lễ. Khiến mọi người trang trọng, cung kính, hòa thuận thì đó là chức năng của Lễ“.

Như vậy, Lễ là quy định về cách ứng xử của con người trong xã hội sao cho có trật tự, có trên có dưới. Lễ – Nhạc khiến cho các mối quan hệ của con người vừa hài hòa, vừa ngăn nắp, là thuận theo đạo của tự nhiên, vì vốn dĩ vạn sự vạn vật trong tự nhiên đều có khác biệt và trật tự riêng của nó.

Khổng Tử nói: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, tạm hiểu là: Không hợp lễ không nhìn, không hợp lễ không nghe, không hợp lễ không nói, không hợp lễ không làm.

Lễ vì vậy chính là điều chỉnh 3 mối quan hệ quan trọng nhất: quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với Thần linh hay là ông Trời. Lễ của con người với Thần linh là quan trọng nhất, chính là tế lễ.

Tế lễ thời xưa là thể hiện lòng thành kính và thể hiện sự cảm ân của con người với Thần linh. Nó còn là hoạt động giao tiếp giữa con người với Thần linh, thông qua tế lễ mà con người nhận được ý chỉ của Thần và hiểu rằng phải làm gì để thực hiện nó.

Đã là hoạt động giao tiếp của con người với Thần linh, thì người chủ lễ ắt phải là người có đạo đức cao vời, trí huệ cao siêu mới xứng đáng để đảm trách và nhận được khải thị của Thần. Yêu cầu với người chủ lễ cũng tương tự như với người khai quang tượng Phật, song có chút khác biệt ở chỗ, tế lễ là việc của cả cộng đồng hoặc quốc gia, không phải việc cá nhân, thường phải do người đứng đầu cộng đồng đó làm chủ lễ, như tộc trưởng một bộ tộc, hay quân vương một nước.

Địa vị cao, đạo đức lớn, trí tuệ lớn đó là yêu cầu dành cho người chủ tế lễ; nghi thức trang nghiêm, long trọng, thành kính là yêu cầu cho tinh thần của buổi lễ; hỏi việc đại sự, quốc kế dân sinh là mục đích của buổi tế lễ.

Rõ ràng, nó hoàn toàn khác biệt với hoạt động cúng bái hay đồng cốt ngày nay.

Nếu đi lễ chẳng cầu cúng thì nên tìm kiếm điều gì?

Nếu đã hiểu rằng Thần Phật không đáp ứng những ham muốn tự tư tự lợi, cũng chẳng xem trọng lễ vật hậu hĩnh hay sơ sài, trong khi đó, chỉ có tà linh, phụ thể mới làm thỏa mãn tâm truy cầu của người ta nhưng với một cái giá không nhỏ… thì có nên đi lễ để cầu tài cầu lộc, địa vị công danh, sức khỏe may mắn, tình duyên hạnh phúc… nữa hay không?

Có người thắc mắc rằng: nếu đi lễ mà không cầu thì lễ để làm gì? Đấy là lựa chọn của mỗi cá nhân, và lựa chọn này không nên bị hạn cuộc vào một mục tiêu duy nhất. Không cầu cúng thì có thể du xuân, vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa, hoặc đơn giản chỉ là để mượn một nơi thanh tịnh để suy niệm về những điều thanh cao, từ đó có được tâm cảnh cao thượng và tích cực. Nhưng nơi thanh tịnh giờ này ở đâu?

Nhà Phật nói: “Phật tại tâm”. Nơi thanh tịnh nhất chính là trong tâm Phật của mỗi người, vốn đã sẵn có, nhưng ít nhiều đã bị che mờ, chỉ có tu dưỡng theo tiêu chuẩn của chính Đạo mới ngày càng trong sáng ra, mới ngày càng chân thật, lương thiện, nhẫn nại… thì ắt mọi sự viên mãn, sao phải cầu khấn lễ bái ở đâu?

Hồi Hương