Nhìn vào lịch sử Trung Hoa chúng ta sẽ thấy xuất hiện rất nhiều mỹ nữ, họ không chỉ là mỹ nhân có sắc đẹp khuynh nước khuynh thành mà còn là những nhân vật huyền thoại về phẩm hạnh và tài hoa. Chúng ta cùng mở sách sử để xem lại sự tao nhã truyền lưu thiên cổ về họ.
Vương Chiêu Quân “hòa hợp”

Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại.
Năm 51 trước Công Nguyên, Vương Chiêu Quân sinh ra bên bờ sông Hương Khê xinh đẹp dưới chân núi Kinh Sở. Tương truyền Vương phu nhân nằm mơ thấy vầng trăng sáng rơi vào bụng mình, không lâu sau thì bà hạ sinh Chiêu Quân, vì vậy lúc bé Vương Chiêu Quân còn được gọi là Hạo Nguyệt. Được non xanh nước biếc nuôi dưỡng, nàng trưởng thành trông càng ngày càng xinh đẹp thiện lương giống như tiên nữ trên cung trăng vậy. Cùng với sự hun đúc của văn hóa Sở Hán, mới 10 tuổi nàng đã có thể ngâm thơ đánh đàn, vẻ đẹp và trí tuệ của nàng đã truyền khắp các miền quê.
Năm 38 trước Công nguyên, Chiêu Quân được chọn làm cung nữ đưa vào cung, từ đất thiêng nảy sinh hiền tài bên bờ Trường Giang đi tới chốn phồn hoa Kim Phủ Trường An. Ngay lúc đó, hình vẽ chân dung của các cung nữ được dâng lên để Hoàng đế chọn lựa, Chiêu Quân giống như phượng hoàng cao thượng từ ái bay ra từ nơi non xanh nước biếc, nàng không muốn hối lộ họa sĩ Mao Diên Thọ, họa sĩ liền vẽ chân dung nàng xấu xí, vì thế mà nàng trở thành cung nữ sai hầu, vào làm tạp vụ trong cung đình. Lâm vào nghịch cảnh ghẻ lạnh cùng với lao dịch vất vả, đó lại đúng là hoàn cảnh nàng được ma luyện tinh thần và thể xác. Có lẽ trong u tối tự có Thiên ý, duyên phận của nàng còn chưa tới.
Năm 33 trước Công nguyên, triều đình nhà Hán trải qua hơn 100 năm chiến tranh với quân Hung Nô ở phương Bắc, đến thời Hán Nguyên đế, thực lực triều Hán ngày càng cường thịnh, tộc Hung Nô dần suy yếu, người dân cũng vô cùng mong mỏi được sống một ngày yên ổn. Vì vậy Thiền vu Hô Hàn Tà của Tộc Hung Nô đến Trường An triều kiến Hán Nguyên Đế, thỉnh kết duyên cầu hòa.
Lúc đó, Vương Chiêu Quân cũng được triệu kiến tới để tham dự tuyển chọn làm người kết duyên cầu hòa. Khi nàng mặc trang phục chỉnh tề xuất hiện trước đại điện thì vẻ đẹp đoan trang của nàng đã khiến hoàng đế, Thiền vu và các quan đại thần phải kinh ngạc rung động. Thiền Vu Hô Hàn Tà vô cùng vui mừng, bày tỏ nguyện vọng giữ cho biên cương được bình yên mãi mãi.
Theo chiếu chỉ, Vương Chiêu Quân được tôn là “Ninh Hồ Yên Thị” để hòa hiếu kết giao với Hung Nô. Ý tứ là vương hậu mang đến bình an cho dân tộc Hung Nô. Nàng trở thành người phụ nữ xinh đẹp gánh vác gìn giữ bình yên và hòa bình tại vùng biên cương Hán – Hung, mang theo sứ mệnh truyền bá văn hóa Đại Hán.
Hai ngàn năm trước, phía bắc sa mạc hoang vắng lạnh lẽo, lúc bấy giờ tộc Hung Nô lạc hậu hơn rất nhiều so với người Hán, họ sống cuộc sống du mục. Khi gió Bắc cuộn đất, cỏ cây trắng chết khô, cát bay che khuất mặt trời, cảnh tượng hoàn toàn khác với sự phồn hoa của thành Trường An thời Hán. Quê hương Kinh Sở và Hán cung Trường An cũng đã cách xa vạn dặm, điều này khiến nàng càng nhớ quê nhà và người thân của mình. Vì nước mà từ nay về sau nàng sống ở nơi cách xa nghìn dặm, giọng nói quê hương cũng chỉ có thể nghe thấy trong giấc mộng. Chiêu Quân cầm cây đàn tỳ bà gảy khúc bi thương cảm động lòng người, chim bay qua khi nghe tiếng đàn của nàng cũng không thể vỗ cánh mà rơi xuống, vì vậy mà Chiêu Quân mới có mỹ danh ‘Rơi nhạn’.
Đi tới dân tộc Hung Nô, đối diện với hoàn cảnh sinh tồn gian nan cùng với sự khác biệt rất nhiều về phong tục tập quán, Chiêu Quân lòng mang đại nghĩa, giữ vững sứ mệnh, buông xuống nỗi nhớ nhà nhớ người thân, lòng ôm dũng khí phi phàm, nghị lực mạnh mẽ cùng sự thiện lương, tiến nhập vào cuộc sống sinh hoạt của dân tộc Hung Nô. Từ một cung nữ thông thường của nhà Hán, nàng trở thành Vương hậu hiền thục thiện lương trong lòng người dân Hung Nô, trợ giúp cho hai đời Thiền Vu.
Nàng khuyên Thiền vu ngừng chiến tranh, còn muốn truyền thụ văn hóa lễ chế tiên tiến của nhà Hán cho người Hung Nô. Bà dạy người dân trồng kê, chăn nuôi 6 loại gia súc, dệt vải, đào giếng, vì thế nơi biên cương lúc bấy giờ không còn khói lửa chiến tranh mà là toàn cảnh là “gió thổi cây cỏ thấp thoáng thấy dê bò”, nhân dân an bình, kinh tế phồn vinh tường hòa.
Vương Chiêu Quân hòa hiếu kết thân với dân tộc Hung Nô, là hiện thân của văn hóa ‘hòa’ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Vương Chiêu Quân đẹp như tiên nữ, sống xứng với sự ủy thác của nhà Hán, gánh chịu tủi nhục, dẹp yên khói lửa biên cương, hóa giải chiến tranh Hán – Hung, truyền bá văn hóa Đại Hán, công lao và thành tích của nàng đã tỏa sáng thiên thu.
Chiêu Quân đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của Hung Nô, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho biên giới Hán-Hung trong nửa thế kỷ, vì vậy mà được hậu thế tôn kính yêu mến. Cũng vì thế người dân Hung Nô đã xây dựng “Lăng mộ xanh” cho nàng ở bờ Đại Hắc Hà. Còn ở sa mạc phía Bắc, nàng được coi là một nữ thần mà Trời phái xuống trợ giúp cho tộc Hung Nô. Tương truyền rằng, mỗi nơi nàng đi qua thì đồng cỏ tươi tốt và nước uống dồi dào.
Hoa Mộc Lan trung hiếu dũng cảm

Khoảng 1.500 năm trước, vào thời Bắc Ngụy, có một cô gái dũng cảm tên là Mộc Lan, nàng cải trang thành nam giới tòng quân thay cha, diễn dịch một đoạn truyền kỳ lịch sử lưu truyền thiên cổ.
Mộc Lan là một cô gái thông minh hoạt bát, từ nhỏ đã theo cha vào doanh trại quân đội học sử dụng thương kiếm cưỡi ngựa bắn cung và võ nghệ. Nàng chăm chỉ học tập khổ luyện, năm 16, 17 tuổi thì Mộc Lan đã là một người giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tinh thông các loại kỹ năng, đại cô nương mạnh mẽ tuấn mỹ, bình thường nàng ở nhà phụ giúp cha mẹ làm công việc thêu hoa.
Một mùa thu nọ, bộ tộc Nhu Nhiên ở phương Bắc lại xâm lấn biên giới Bắc Ngụy, biên cương lâm vào cảnh nguy cấp, triều đình đã hạ chỉ chiêu mộ nam nhân trong mỗi gia đình ra trận chống quân xâm lấn, ngựa đưa quân thư đến, cha của Mộc Lan đương nhiên cũng có tên trong danh sách trưng binh. Mộc Lan nhìn người cha tuổi đã cao, cầm thương đánh trận thì đã ở vào tuổi lực bất tòng tâm, dựa theo quy định của triều đình thì có thể đưa một người đàn ông khác trong nhà đi thay, thế nhưng em trai Mộc Lan còn nhỏ tuổi nên không thể ra chiến trường, nội tâm nàng vô cùng lo lắng u buồn. Sau nhiều lần tự hỏi, Mộc Lan quyết định nữ giả nam thay cha xuất chinh nơi sa trường, dưới sự kiên trì thuyết phục, cuối cùng cha mẹ cũng đồng ý với thỉnh cầu của Mộc Lan.
Mộc Lan đã mua con ngựa trắng và chiếc yên cương mới, và một bộ áo giáp. Nàng tháo xuống hoa tai và đồ trang sức, vén gọn mái tóc dài, mặc quân phục cưỡi con ngựa chiến màu trắng, tay cầm cây thương bạc sáng loáng, tư thế oai hùng bừng bừng khí thế, trông nàng giống hệt một người lính anh tuấn tràn đầy sức sống.
Trong gió thu hiu hiu, Mộc Lan quyến luyến từ biệt cha mẹ và người thân, cưỡi chiến mã dũng mãnh xông pha nơi tiền tuyến. Mộc Lan theo đại quân đến bờ sông Hoàng Hà, nhìn dòng sông cuồn cuộn gào thét nghẹn ngào chảy, đây là lần đầu tiên Mộc Lan xa nhà đi viễn chinh, trong lòng nàng cũng vô cùng nhớ nghĩ về cha mẹ và người thân. Nhưng vì để cho nước và nhà được bình an hòa bình, trái tim nàng trở nên dũng cảm và mạnh mẽ. Vượt qua Hoàng Hà và trèo qua Hắc sơn, quân đội của Bắc Ngụy đã ngày đêm đi đến chiến trường Sóc Bắc Yến Sơn, nơi gió lạnh gào thét.
Trong những năm chiến tranh liên tiếp giữa quân Bắc Ngụy và tộc Nhu Nhiên, Mộc Lan võ nghệ cao cường, dũng cảm thiện chiến, anh dũng giết địch, chưa từng bị chiến hữu bên cạnh mình phát hiện ra nàng là một nữ nhi. Chẳng mấy chốc, sự anh dũng và thông minh của nàng đã giành được sự yêu mến của những người bạn đồng hành, đồng thời nàng cũng được các tướng lĩnh cấp trên đánh giá cao, từng bước được tấn thăng làm tướng quân.
Mười hai năm chinh chiến nơi biên cương, Mộc Lan không chỉ dũng cảm thiện chiến mà nàng còn vận dụng binh pháp trảm tướng địch đoạt quan, công thành phá địch lập được công lớn. Cuối cùng Bắc Ngụy cũng thu lại được những phần đất đã mất, ổn định biên ải, giành được thắng lợi căn bản. Cờ chiến lay động, chiến mã hí, Mộc Lan cùng chiến hữu thắng trận trở về. Mộc Lan, người lập được nhiều chiến công đã cự tuyệt sự phong quan tấn tước của triều đình, mong muốn về nhà phụng dưỡng cha mẹ già.
Hoa Mộc Lan trở về quê hương, bước vào khuê phòng, cởi bỏ khôi giáp, thay trang phục phụ nữ, đeo châu ngọc, buông tóc dài, trang điểm nhẹ nhàng bước ra gặp chiến hữu cùng chinh chiến 10 năm. Họ đều không ngờ rằng Mộc Lan mười năm vào sinh ra tử nơi chiến trường, anh dũng thiện chiến lại là một cô nương xinh đẹp.
Theo Epoch Times
San San biên dịch