Mục lục bài viết
Lịch sử đã ban tặng cho chúng ta một thiên tài vĩ đại, và có tầm ảnh hưởng đến nhiều thế kỷ về sau. Khoảng 2500 năm trước, ở Athens Hy Lạp, Socrates xuất hiện và trở thành một danh nhân vĩ đại như vậy. Những gì chúng ta biết về Socrates chủ yếu thông qua Plato, một trong những học trò của ông.
Socrates là một danh nhân gây được nhiều sự chú ý, cả chính diện và phản diện. Mặc dù có nhiều người khi tiếp xúc với ông thì không thể kìm lại sự ngưỡng mộ và tôn kính ông, nhưng về mặt chính trị mà nói thì ông lại bị ghét bỏ và cuối cùng bị kết án tử hình. Vậy ông là ai, và cuộc đời của ông liệu tiết lộ bài học gì cho hậu thế hôm nay?
Socrates, nhà thông thái của thời đại
Sau khi đánh bại Ba Tư, Athens trở thành thành bang hùng mạnh nhất Hy Lạp. Dưới sự lãnh đạo của Pericles, Athens bắt đầu vượt trội về mặt quân sự, chính trị và văn hóa. Trong một thời gian rất ngắn, Athens đã tạo ra một nền văn hoá hoành tráng và đồ sộ, và trong nhiều thiên niên kỷ vẫn được người đời ca tụng.
Được Pericles hậu thuẫn, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Athens trong thời gian này là hệ tư tưởng tự do, và về cơ bản đó là hệ tư tưởng tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận bấy giờ có thể được coi là một bước đệm cho các nhà tư tưởng; Socrates cũng không là một ngoại lệ, vì điều đó khiến ông có thể đàm luận với những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại đó, và cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn để ông có thể giáo huấn người dân Athens giúp họ cũng có được trí tuệ.
Phẩm chất đạo đức là điều rất được Socrates coi trọng. Ông cho rằng cuộc sống mà thiếu đi sự ham học hỏi thì thực sự không đáng sống, những vấn đề đạo đức quả thực là khởi nguồn cho trí tuệ của nhân loại. Mặc dù Socrates cho rằng bản thân là một người hồ đồ, nhưng điều này lại khiến cho Nhà tiên tri vùng Delphi nhận định rằng Socrates là người thông thái nhất ở Athens. Nhận định này đã thôi thúc Socrates bắt đầu cuộc sống của một nhà hiền triết.
Socrates cũng đề cập rằng sự thông thái của mình một phần là được ban tặng từ “daimonion” – Cicero gọi đó là “một vị Thần” – luôn ở bên ông từ nhỏ. Trong tác phẩm “Lời xin lỗi” của Plato, Socrates cho hay vị Thần đó như trò chuyện, khích lệ tinh thần ông, và không bao giờ áp đảo hay xô đẩy ông; cũng luôn hướng ông đến các chuẩn mực đạo đức và ngăn ông phạm những điều tà ác.
Việc vân du của Socrates trên khắp Athens thu hút sự chú ý của mọi người với những cuộc đối thoại đầy trí huệ; các câu hỏi như “Tự do là gì?”, “Công lý là gì?”, “Dũng cảm là gì?”, thường thì mọi người sẽ thay đổi các câu trả lời của mình vì cách đặt vấn đề của nhà hiền triết này khiến người ta lĩnh hội được tri thức và được khai thị.
Socrates và sự tha hóa của giới trẻ
Rất nhiều người trẻ và thuộc tầng lớp quý tộc thích đàm thoại với Socrates. Một trong số đó là Alcibiades, cháu trai của Pericles – một thanh niên đầy triển vọng, vừa đẹp trai vừa giàu có, lại tham vọng chính trị và là một trong những vị tướng của Athens. Biết được Alcibiades có tham vọng chính trị mạnh mẽ, Socrates đã tìm cách biện giải với anh. Socrates muốn răn một điều rằng chỉ khi nào Alcibiades thực sự thấu triệt bản chất của công lý thì anh mới có thể thực hiện tốt trọng trách và vai trò chính trị của mình.
Năm 1776, nghệ sĩ người Pháp François-André Vincent đã vẽ bức tranh Socrates răn dạy Alcibiades. Ở phía bên phải của bố cục, Vincent mô tả hình ảnh một Socrates trung niên đi cùng với daimonion của mình. Socrates nói chuyện với Alcibiades ở bên trái bức tranh. Mặc trang phục của một vị tướng thanh lịch, Alcibiades chăm chú lắng nghe và nhìn vào mắt Socrates – nhưng phần cơ thể anh ta lại quay đi.

Nếu như hậu cảnh là chiếc khiên của Alcibiades được treo trên tường, thì bàn tay trái của chàng lại như có vẻ che giấu thanh kiếm của mình. Hành động này không dễ mà có thể hiểu được, liệu đó là hành động quả quyết sẽ nhìn nhận thấu triệt công lý trong khi theo đuổi tham vọng chính trị; hay ngược lại là một sự thờ ơ và bất chấp công lý trong vai trò chính trị của chàng?
Quả thực Alcibiades đã hoàn toàn bất chấp công lý khi chàng theo đuổi sự nghiệp chính trị của mình. Ngay khi chàng khởi hành chinh phục Sicily, thì một điềm xấu đã xảy ra: những bức tượng của các vị Thần bị hư hại. Vì những sự cố này, những chính trị gia đối lập đã yêu cầu chàng ra hầu toà. Tuy nhiên với tính cách của mình, Alcibiades đã chọn không trở lại Athens, và đứng về phía Sparta.
Sau khi bị lên án vì có quan hệ bất chính với nữ hoàng Sparta, Alcibiades đã bỏ trốn đến Ba Tư, và đầu quân cho họ với vai trò là kẻ thù đối với Athens, Hy Lạp. Trước khi bị ám sát ở Ba Tư, Alcibiades đã chiến đấu ở cả ba phe trong cùng một cuộc chiến. Alcibiades dường như không quan tâm đến công lý, mà chỉ quan tâm đến quyền lực chính trị.
Đây có phải là lý do tại sao bức tranh mô tả cơ thể của anh quay lưng lại với Socrates? Ngôn ngữ cơ thể này cho thấy Alcibiades không thực sự quan tâm? Về sau Socrates bị đổ lỗi vì sự tha hoá của giới trẻ ở Athens và bất kính đối với thần. Dù không được nêu đích danh, nhưng Alcibiades được cho là một ví dụ điển hình cho sự tha hoá này. Cuối cùng Socrates bị đem ra xét xử và kết án tử hình vì những tội danh này.
Thử thách đối với Socrates
Người Athens tự hào về lý tưởng tự do ngôn luận của chính họ. Quyền tự do bày tỏ và trao đổi ý tưởng là điều tối quan trọng đối với những thành tựu và văn hóa của Athens. Tuy nhiên, sau khi đội quân Sparta đánh bại Athens, nhiều người Athens bắt đầu nghiêng về tư tưởng thống trị và chủ chiến của Sparta.
Socrates bị triệu tập ngay sau khi người Sparta đánh bại Athens trong Chiến tranh Peloponnesian. Ông bị buộc tội không thừa nhận các vị Thần truyền thống của Athens, và đã thuyết giáo về các vị Thần mới, và tất nhiên đã làm tha hóa giới trẻ. Những người phản đối ông đã đưa ra một lập luận rằng daimonion của ông, không phải là một trong những vị Thần được thừa nhận của Athens, và chỉ ra rằng nhiều người lên án nền dân chủ Athens ít nhiều là những người có liên hệ với Socrates.
Socrates đã lên tiếng tự bảo vệ mình, nói rằng những lời buộc tội này là bịa đặt. Vậy tại sao rất nhiều người Athens tin rằng chúng là sự thật? Tại sao rất nhiều người Athens lại căm ghét ông? Socrates đã nêu ra một lý do tại sao người Athens coi thường ông mặc dù ông đã cố gắng hết sức để đối đãi và giúp đỡ họ: là vì những tuyên truyền vu khống. Chẳng hạn, vở kịch “Những đám mây” của Aristophanes đã tạo dựng hình ảnh Socrates như một kẻ ăn chơi trác táng, người đã khiến đạo đức của giới trẻ đi xuống và là một kẻ vô liêm sỉ.
Socrates thừa nhận rằng ông theo đuổi sự thông thái qua việc lắng nghe và răn dạy người dân – hầu hết là những người thanh niên giàu có, những người này cũng theo đuổi trí tuệ như thế. Ông cho rằng thực tế điều này không làm băng hoại mà trái lại mang đến lợi ích cho nền dân chủ của Athens.
Với tư cách là một nền dân chủ, những nhà cầm quyền đều cho rằng cả những phẩm chất đạo đức tốt đẹp và các tệ nạn xã hội đều xuất hiện từ trong dân chúng. Những nhà cầm quyền này giao trách nhiệm cho số ít những bậc hiền triết giáo huấn và dẫn dắt các thế hệ tương lai. Vì vậy, khi những tệ nạn xã hội đặc thù xuất hiện thì việc tra hỏi được xem là điều tất nhiên cần phải làm.
Socrates cũng lập luận rằng ông không hề làm trái đạo đức; ông đã luôn cống hiến cuộc đời mình để thực hiện theo chỉ dẫn của các vị Thần ở Delphi và của cả daimonion, vị Thần mà đã luôn hướng dẫn ông về các chuẩn mực đạo đức khi ông cố gắng phục vụ công chúng Athens. Ông muốn những người dân, cũng như chính ông, hiểu thấu triệt các phẩm chất đức hạnh để Athens có thể phát huy hết tiềm năng và ngày một phát triển lớn mạnh.
Việc xét xử Socrates là một trường hợp điển hình đại biểu cho việc một người dân Athens có thể bị truy tố vì đã thoải mái trao đổi và tuyên truyền ý tưởng – dưới danh nghĩa tự do ngôn luận. Thời mà người dân Athens coi trọng tự do ngôn luận đã qua rồi, còn giờ đây chính họ đang yêu cầu Socrates hoặc phải từ bỏ đức tin của mình hoặc phải đối mặt với cái chết bằng thuốc độc. Và tất nhiên ông đi theo lựa chọn thứ hai.
Socrates hồi thiên
Bức tranh Cái chết của Socrates được vẽ vào năm 1787 do nghệ sĩ tân cổ điển Jacques-Louis David (1748–1825) thực hiện. Đó là khoảnh khắc Socrates được gia đình, và người quen bao quanh; ông được trao một chén rượu cần để uống — ông cũng đã sẵn sàng chấp nhận, và vì daimonion cũng không cố gắng ngăn cản ông. Socrates không chỉ chấp nhận điều này mà còn chỉ tay lên thiên đường và bắt đầu thuyết giáo về sự bất tử của linh hồn. Chiếc áo choàng màu trắng cùng với thân hình cơ bắp như một thanh niên được khắc họa làm gợi lên nhân cách trong sáng và tính cách mạnh mẽ của ông. Bức tranh được thể hiện với ánh sáng và điểm nhấn đều nằm trên toàn bộ phần mô tả thân thể của Socrates.
Socrates đã chỉ ra cho người đời thấy rằng có một chân lý cao hơn ẩn sau những thứ hình thức bề mặt của xã hội thường ngày. Ông thuyết rằng có một chân lý vĩ đại hơn, cao siêu hơn đang chiếu sáng tất cả những thứ khác, và chỉ có các bậc hiền triết lỗi lạc mới có thể tiếp cận chân lý này – và nhất định họ cần phải thực hành một cuộc đời sao cho phù hợp những tiêu chuẩn cao hơn đó.
Trong tuyển tập “Cộng hòa” của Plato thì “Câu chuyện ngụ ngôn về hang động” đã làm sáng tỏ ý tưởng của Socrates, theo ông, nhân loại thực sự như đang bị xiềng xích và giam cầm trong một hang động tối đen, và đang dẫn động cũng như quan sát những cái bóng trên tường hang được phản chiếu từ ngọn lửa sau lưng. Tất cả đều nhầm tưởng và cho rằng những cái bóng đó là thật, mà không nhận ra rằng ngọn lửa mới chính là thứ chứa đựng sự chân thực; và hoàn toàn không nhận biết rằng có một thế giới chân thật hơn bên ngoài thế giới này.
Các bậc hiền triết lỗi lạc đều giải thoát bản thân khỏi cái hang động đó, nhìn thấy được bản chất của cái bóng, và nhận thức được thế giới siêu việt hơn. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu tù nhân thực sự nhận thức được sự thật ngay cả khi vẫn còn bị xiềng xích ở bên trong?
Trong bức tranh, Socrates đã được lột tả là một bậc hiền triết như vậy. Chúng ta có thể nhìn thấy xiềng xích ngổn ngang trên mặt đất. Ông đã nhận biết được chân lý, vừa đang cố gắng giảng thuyết về chân lý đó, song vẫn bị trừng phạt bằng ly thuốc độc.
Ở góc trên bên trái của bố cục, có một ngọn đèn dầu gần như đã tắt; một ngọn đèn dầu tắt thường được sử dụng trong nghệ thuật như một biểu tượng của sự phù du của cuộc sống và cái chết đang cận kề. David đã miêu tả ngọn đèn như một vật thể duy nhất phủ bóng lên bức tường — phù hợp với bài diễn văn cuối cùng của Socrates, trong đó ông nói rằng linh hồn là bất tử và cái chết là một ảo tưởng.
Không phải ngẫu nhiên người ta lại nhìn thấy một cây đàn lia ở trên giường ngay bên cạnh Socrates. Mặc dù là một nhân vật mẫu mực của logic và lý trí, nhưng ông có một giấc mơ lặp lại nhiều lần, điều xảy ra như thể khuyến khích ông sáng tác nhạc. Ông cho rằng giấc mơ này ám chỉ âm nhạc của triết lý, nhưng chỉ cho đến sau phiên tòa Socrates mới thực sự cố gắng lĩnh hội được một giai điệu.
Âm nhạc được làm nổi bật vào giai đoạn cuối cuộc đời của Socrates ngầm nhận định rằng logic và lý trí không phải là tuyệt đối và chỉ có thể đưa chúng ta đi xa hơn trong việc hiểu ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Kinh nghiệm hoàn chỉnh của nhân loại đòi hỏi cả khoa học và nghệ thuật cũng như quyền tự do ngôn luận thì mới khám phá được chân lý tột cùng.
Theo Eric Bess, The Epoch Times
Văn Sơn biên dịch