Khi nói đến văn tự ngục, nhiều người nghĩ đến triều đại nhà Thanh. Một số học giả nói rằng văn tự ngục thời nhà Thanh liên quan đến rất nhiều vụ án, quy mô lớn, liên quan đến cái chết của nhiều người, đây là điều chưa từng có tiền lệ trong thời đại phong kiến ​​​​của Trung Quốc. Tuy nhiên, so với triều đại nhà Thanh, văn tự ngục của ĐCSTQ thậm chí còn tàn ác hơn không biết bao nhiêu lần.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng tôi căn cứ theo thông tin được cung cấp trong “Hồ sơ vụ án tiểu thuyết ‘Lưu Chí Đan’ phản đảng” và các tài liệu khác, để kể cho các bạn về chuyện tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” liên lụy hơn 60.000 người, vậy rốt cuộc những gì đã xảy ra?

Mao Trạch Đông phát ngôn, “Lưu Chí Đan” đã trở thành “tiểu thuyết phản đảng”

Năm 1954, Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ yêu cầu Nhà xuất bản Công nhân xuất bản cuốn sách về “Liệt sĩ Trung Cộng” Lưu Chí Đan. Do đó, Nhà xuất bản Công nhân đã mời Lý Kiến Đồng, chị dâu của Lưu Chí Đan chấp bút.

Vào mùa hè năm 1962, cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” bắt đầu được đăng nhiều kỳ trên “Nhật báo Quang Minh”, “Nhật báo Công nhân” và “Nhật báo Thanh niên Trung Quốc” sau sáu lần sửa đổi bản thảo. Nhưng không mất nhiều thời gian để Diêm Hồng Ngạn, bí thư thứ nhất của Tỉnh ủy Vân Nam, tin rằng nguyên mẫu của một nhân vật chính diện trong tiểu thuyết là Cao Cương, cựu phó chủ tịch Chính phủ Trung ương ĐCSTQ đã bị đả đảo. Cuốn tiểu thuyết này là để lật ngược bản án của Cao Cương. Do đó, việc xuất bản nhiều kỳ lần lượt bị dừng lại, và Diêm Hồng Ngạn đã báo cáo ý kiến ​​​​của mình lên trung ương.

Tháng 9 năm 1962, Hội nghị toàn thể lần thứ mười của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VIII được tổ chức, tại hội nghị, Mao Trạch Đông đã nhắc đi nhắc lại về đấu tranh giai cấp và phê phán “lật ngược án”. Mà quan điểm của Diêm Hồng Ngạn về cuốn sách “Lưu Chí Đan” hoàn toàn phù hợp với tâm ý của Mao.

Mao nói tại hội nghị: “Lợi dụng tiểu thuyết để tiến hành các hoạt động phản đảng là một phát minh vĩ đại. Phàm là muốn lật đổ một chính quyền, trước tiên phải tạo thành dư luận, trước tiên phải làm công tác về phương diện hình thái ý thức. Giai cấp cách mạng là thế này, và giai cấp phản cách mạng là thế kia.”

Ngay sau khi phát ngôn này được đưa ra, “Lưu Chí Đan” ngay lập tức bị xếp vào loại “tiểu thuyết phản đảng”. Kể từ đó, vì một cuốn tiểu thuyết, một đại oan án kéo dài 17 năm và liên lụy hơn 60.000 người đã được chế tạo ra.

Xung quanh “Lưu Chí Đan”, ĐCSTQ lần đầu tiên tấn công một “tập đoàn phản đảng” gồm Tập Trọng Huân, Cổ Thác Phu và Lưu Cảnh Phạm. Sau khi Cổ Thác Phu bị chỉnh đến chết, Mã Văn Thụy, khi đó là Bộ trưởng Bộ Lao động, người được tác giả cuốn sách phỏng vấn, đã bị lôi vào cuộc, và một “tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân, Lưu Cảnh Phạm, Ma Văn Thụy” khác đã bị đập. Sau đó, họ đưa Cao Cương, người bị đả đảo năm 1954, và Bành Đức Hoài, người bị đả đảo năm 1959, thành một “tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài, Cao Cương và Tập Trọng Huân.” Sau đó, lại đập tiếp “tập đoàn phản đảng Tây Bắc”.

Những người nào bị liên lụy đến cuốn tiểu thuyết này?

Không còn nghi ngờ gì nữa, người đầu tiên gánh chịu hậu quả là Tập Trọng Huân, cha ruột của Tập Cận Bình.

Giống như Lưu Chí Đan, Tập Trọng Huân là người sáng kiến căn cứ Bắc Thiểm Tây, và khi cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” được sáng tác, trong số những người sáng lập căn cứ này, ông ta có quan chức cao nhất – giữ chức phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bí thư trưởng Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ. Trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết, Lý Kiến Đồng cũng yêu cầu Tập Trọng Huân xem xét bản thảo.

Do đó, sau khi tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” được phê duyệt, Tập Trọng Huân ngay lập tức bị coi là thủ lĩnh của “tập đoàn phản đảng”, và cuốn tiểu thuyết này được nhận định là “yếu lĩnh đoạt đảng đoạt nước” của ông ta. Tập Trọng Huân bị chụp mũ là “kẻ dã tâm” và “kẻ âm mưu”, và bị đình chức hơn ba năm để thẩm tra, sau đó bị chuyển đến Nhà máy Cơ khí Khai thác Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam.

Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, ông bị đưa trở lại Bắc Kinh giam 8 năm; Tháng 5 năm 1975 ông được chuyển đến Nhà máy Vật liệu chịu lửa Lạc Dương và không trở lại Bắc Kinh cho đến năm 1978.

Toàn bộ quá trình này là 16 năm.

Lý Kiến Đồng, tác giả của “Lưu Chí Đan”, cũng chịu đại kiếp nạn. Bà bị đình chỉ công tác vào mùa đông năm 1962, bị cầm tù vào tháng 1 năm 1968, và bị đưa đến làm việc tại “Trường cán bộ 7 tháng 5” ở huyện Hạ Giang, tỉnh Giang Tây vào năm 1970. Mặc dù cuối năm 1972 bà được trở về Bắc Kinh vì bệnh tật, nhưng mãi đến tháng 8 năm 1979, bà mới được bình phản. Toàn bộ thời gian bị chỉnh đốn dài 16 năm.

Chồng của Lý Kiến Đồng, Lưu Cảnh Phạm, em trai của Lưu Chí Đann, tất nhiên cũng không cách nào được miễn nạn.

Lưu Cảnh Phạm là Thứ trưởng Bộ Địa chất của ĐCSTQ. Sau khi Lý Kiến Đồng viết “Lưu Chí Đan”, Lưu Cảnh Phạm đã giúp hiệu chỉnh nó, vì vậy ông ta cũng bị đả thành thành viên của tập đoàn phản đảng, bị đình chức kiểm tra. Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, Lưu Cảnh Phạm liên tục bị phê đấu, đến năm 1968, ông bị quy kết là “phản cách mạng hiện hành”, bị còng tay, bắt giữ nhập ngục, ngồi tù 7 năm.

Chúng tôi từng đề cập rằng Cổ Thác Phu là người đầu tiên bị đả thành thành viên của “tập đoàn phản đảng” vì cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”.

Cổ Thác Phu là quan chức ĐCSTQ duy nhất đã công tác từ Bắc Thiểm Tây đến “Khu Xô viết Trung tâm” ở Giang Tây, rồi từ Giang Tây “trường chinh” đến bắc Thiểm Tây, ông là “người mở đường cho Mao Trạch Đông đến Diên An”.

Sau khi thành lập ĐCSTQ, Cổ Thác Phu trở thành phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia. Tại Hội nghị Lư Sơn năm 1959, cùng với việc đả đảo Nguyên soái ĐCSTQ Bành Đức Hoài, ông cũng bị đả thành “phần tử phản đảng chủ nghĩa cơ hội cánh hữu”. Sau khi bị cách chức, ông được cử đến Nhà máy điện Phủ Thuận ở Liêu Ninh. Năm 1962, Cổ Thác Phu được bình phản tại cuộc họp của 7.000 đảng viên ĐCSTQ, và sau đó được chuyển trở lại Bắc Kinh. Nhưng còn chưa kịp sắp xếp công việc mới thì đã phát sinh biến cố của tiểu thuyết Lưu Chí Đan.

Lý Kiến Đồng từng gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết cho Cổ Thác Phu để xem xét, và bản thảo nằm trong tay thư ký Trương Trí Tường của Cổ. Trương Trí Tường còn chưa kịp đưa Cổ xem, thì cuốn tiểu thuyết đã trở thành một “tiểu thuyết phản đảng”. Dù không làm gì, Cổ Thác Phu vẫn bị liên lụy.

Vì thực sự không liên quan gì đến cuốn tiểu thuyết, nên sau đó Cổ Thác Phu được bố trí đi học Trường Đảng Trung ương trong ba năm, đến năm 1965, ông được phân công làm phó giám đốc Công ty Gang thép Thủ đô.

Nhưng sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Khương Sinh, một cố vấn của tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, đã phát biểu tại một hội nghị: “Cổ Thác Phu ở Bắc Thiểm Tây là một phần tử phản đảng cũ”. Từ đó, cuộc tranh đấu đối với Cổ Thác Phu không ngừng leo thang.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, Cổ Thác Phu được tìm thấy đã chết trong một nhà trẻ ở Thủ Cương. Ông ấy rốt cuộc chết thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Sau khi thi thể ông được hỏa táng, lọ đựng tro cốt có dòng chữ: “Sợ tội tự sát, phản cách mạng”.

Ngoài quan chức trung ương, vụ án này còn liên lụy đến các quan chức cấp tỉnh, cấp cơ sở và thậm chí cả người dân thường.

Lý Kiến Đồng trong “Hồ sơ vụ án tiểu thuyết phản đảng ‘Lưu Chí Đan’” đã kể lại một câu chuyện như thế này. Vào tháng 1 năm 1962, ĐCSTQ đã tổ chức một đại hội gồm 7.000 người. Thời gian hội nghị, Lưu Cảnh Phạm đã yêu cầu một vài dân làng Bắc Thiểm Tây ăn mì kiều mạch ở nhà, nhưng không ngờ lại gây ra đại họa.

Những người đến ăn sau đó đều bị “nhận định” là đã tham gia viết tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”. La Thành Đức, phó chủ tịch Khu tự trị Ninh Hạ Hồi, Đàm Sanh Bân, bí thư Ban Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải, Trương Bằng Đồ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc, Vương Diệu Hoa, Bí thư Thành ủy Lan Châu, Mao Ứng Thời, chuyên viên địa khu Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, v.v. đều bị tổ chuyên án điều tra, bị đả thành thành viên “tập đoàn phản đảng Tây Bắc”.

Lý Kiến Đồng cũng đề cập rằng vào năm 1963, hơn 20 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ được chuyển từ năm tỉnh Tây Bắc đến học tại Trường Đảng Trung ương đều được xác định là thành viên của “tập đoàn phản đảng Tây Bắc” vì họ đã tham gia vào “tiểu thuyết phản đảng”. Nhiều người trong số họ bà hoàn toàn không biết, hoặc thậm chí còn chưa gặp bao giờ.

Cuốn sách cũng ghi lại, rằng hàng chục nghìn cán bộ cơ sở và người dân ở các khu vực cũ Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ đã bị coi là “tay sai đen” của “tập đoàn phản đảng Bành, Cao, Tập”. Thậm chí những quần chúng dẫn Lý Kiến Đồng đi phỏng vấn ở Bắc Thiểm Tây cũng bị đánh đến chết vài người.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Công nhân đã xuất bản tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, từ chủ nhiệm đến người biên tập chịu trách nhiệm, cũng không được tha.

Chủ nhiệm Cao Lệ Sinh bị đánh đòn độc, tra tấn đến chết. Tổng biên tập Lã Ninh bị đánh chết đi sống lại, sau đó lưu lạc mất tích. Phụ trách biên tập Hà Gia Đống và cả gia đình bị đuổi về nông thôn, mẹ và hai con trai ông vì nghèo đói và bệnh tật mà chết, bản thân ông bị đánh đập tàn tệ đến mức hai mắt gần như mù lòa.

Mã Thuần Cổ, phó chủ tịch Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc, và Trương Tu Trúc, bí thư Ban Bí thư, cũng bị phê phán.

Một cuốn tiểu thuyết mà dẫn đến bao nhiều người bị phê đấu, bị bắt, thậm chí bị tước đoạt sinh mạng. Tại sao có người chỉ vì văn chương mà muốn ra tay tàn độc như vậy?

Diêm Hồng Ngạn, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Vân Nam, vì sao lại phản đối cuốn tiểu thuyết này?

Diêm Hồng Ngạn, Lưu Chí Đan, Cao Cương, Tập Trọng Huân, Tạ Tử Trường đều là những người sáng lập căn cứ Bắc Thiểm Tây.

Lưu Chí Đan tử trận năm 1936; Tạ Tử Trường chết vì bệnh năm 1935. Trong ba người còn lại, Cao Cương là được trọng dụng nhất, tiếp theo là Tập Trọng Huân, còn Diêm Hồng Ngạn thời gian lâu vẫn không được trọng dụng.

Vì vậy, Diêm Hồng Ngạn luôn hận Cao Cương. Từ năm 1954 đến năm 1955, Cao Cương sau khi bị đã thành “liên minh phản đảng Cao – Nhiêu” đã tự sát, lòng căm hận lớn của Diêm Hồng Ngạn đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, Tập Trọng Huân lại tiếp tục thăng tiến, trở thành phó thủ tướng kiêm Bí thư trưởng Quốc vụ viện, do vậy Tập đã trở thành đối tượng đố kị của Diêm Hồng Ngạn.

Khi Diêm Hồng Ngạn đọc cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, ông ta đã rất tức giận. Bởi vì nó không chỉ ca ngợi Lưu Chí Đan, người có xung đột với ông ta, mà còn ca ngợi Cao Cương, người mà ông ta đã căm hận trong một thời gian dài. Hơn nữa, việc sáng tác cuốn tiểu thuyết này được hỗ trợ bởi Tập Trọng Huân.

Cao Cương đã chết, lợi dụng “Lưu Chí Đan” để hạ bệ Tập Trọng Huân là then chốt khiến Diêm Hồng Ngạn phản đối cuốn tiểu thuyết này. Vì vậy, khi phản ánh ý kiến ​​​​của mình lên trung ương, ông ta đã trực tiếp gọi Tập Trọng Huân là tác giả số 1 của tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”.

Mao Trạch Đông nói “Lưu Chí Đan” là tiểu thuyết phản đảng

Bởi vì Mao tự nhận mình là “chính thống” của cuộc cách mạng ĐCSTQ. ĐCSTQ chỉ có một lãnh tụ tối cao, đó là Mao Trạch Đông; ĐCSTQ chỉ có một tư tưởng, đó là tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuốn tiểu thuyết tuyên truyền cho Lưu Chí Đan, Cao Cương, Tập Trọng Huân, vậy ném Mao đi đâu?

Năm đó, sau khi Cao Cương từ Tây Bắc chuyển đến Đông Bắc, trở thành “Vua của Đông Bắc”. Năm 1954, trong khi đồng thời chỉnh đốn Cao Cương, Mao đã san bằng “ngọn núi Đông Bắc” trong nội bộ ĐCSTQ.

Mao dùng tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” nhân cơ hội san phẳng “ngọn núi Tây Bắc” trong nội bộ ĐCSTQ, đồng thời cảnh báo những “ngọn núi” khác.

Cao Cương, Bành Đức Hoài, Tập Trọng Huân đều từng là bí thư Cục Tây Bắc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và họ có ảnh hưởng lớn trong giới chức cấp cao ở Tây Bắc. Cao Cương bị lật đổ năm 1954, Bành Đức Hoài bị lật đổ năm 1959. Đến năm 1962, Tập Trọng Huân trở thành mục tiêu nhắm tới của Mao Trạch Đông.

Ngay khi Diêm Hồng Ngạn nêu vấn đề về “Lưu Chí Đan”, Mao ngay lập tức sử dụng cuốn tiểu thuyết này như một cái cớ phản đảng để lật đổ Tập Trọng Huân.

Sau khi ĐCSTQ kiến chính, Mao luôn niệm niệm không quên đấu tranh giai cấp. Chỉnh đốn Cao Cương, Bành Đức Hoài, Tập Trọng Huân, v.v., tuy biểu hiện bề ngoài vì những lý do khác nhau, nhưng xét về bản chất, chúng đều là một bộ đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch