Gia Cát Lượng được an táng tại nơi nào thì không ai hay biết, đến nay vẫn là một câu đố không lời giải.

Đền thờ thừa tướng ở nơi nào?
Ngoài thành Cấm Quan bách lao xao.
Thềm sáng cỏ xanh xuân phơi phới,
Khóm lá oanh vàng vẫn hót cao.

“Tam cố mao lư” chia thiên hạ,
Lưỡng triều khai quốc lão công thần.
Xuất quân chưa thắng thân già chết,
Thiên hạ anh hùng lệ xót thương.

(“Thục tướng” – Đỗ Phủ)

Bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, nhà thơ đời Đường đã kể về sự tích “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” trong cuộc đời của Gia Cát Lượng. Hơn 1700 năm qua, những bậc đế vương, tể tướng, tài tử trong các triều đại đều không ngớt lời ca ngợi Gia Cát Lượng, cho rằng ông là hóa thân của trí tuệ, là tấm gương của một bậc trung thần.

Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy, báo đáp ân tình của Lưu Bị. (Ảnh: danviet.vn)

Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy, báo đáp ân tình của Lưu Bị và phò tá Lưu Thiền

Khi Lưu Bị sắp lâm chung tại thành Bạch Đế, ông đã ký thác tất cả hy vọng và sự tin tưởng chân thành vào Gia Cát Lượng: “Phiền tể tướng nói với Thái tử Thiền rằng, mệnh lệnh đừng ra quá nhiều mà nhiễu loạn. Phàm mọi việc đều nhờ tể tướng dạy dỗ!”.

Sau đó Lưu Bị một tay gạt nước mắt, một tay nắm chặt bàn tay Gia Cát Lượng mà rằng: “Tài năng của khanh hơn Tào Phi cả chục lần, ắt có thể an bang trị quốc, cuối cùng ắt thành đại sự”.

Lưu Bị thậm chí còn nguyện ý nhường lại ngôi vua cho Gia Cát Lượng: “Nếu thái tử có thể phò tá thì phò tá. Nếu y bất tài thì khanh tự mình có thể trở thành chủ của thành đô”.

Nhưng Gia Cát Lượng không dám nhận đại lễ này. Ông chỉ có thể tận trung tận lực báo đáp ân tình 3 lần Lưu Bị tới lều cỏ mời ông xuất sơn và cái nghĩa gửi gắm thái tử mà thôi. Dẫu Gia Cát Lượng sớm đã biết trước kết quả sẽ như thế nào, nhưng ông vẫn muốn kiên trì hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thành tựu đại nghĩa nghìn thu cho con cháu ngày sau.

Sau khi chết rốt cuộc ông được an táng tại nơi nào thì không ai hay biết, đến nay vẫn là một câu đố không lời giải. Vì sao lại như vậy?

Sau khi Gia Cát Lượng chết được an táng tại nơi nào thì không ai hay biết, đến nay vẫn là một câu đố không lời giải. (Ảnh: dkn.tv)

Trận đánh cuối cùng trước khi người anh hùng lui về thiên cổ

Tam Quốc Diễn Nghĩa đã miêu tả một cách sinh động trận đánh cuối cùng “Cuộc chiến Ngũ Trượng Nguyên” của Gia Cát Lượng tại nhân gian.

Khi đó quân Ngụy và quân Thục đã giành giật chiến tuyến hơn trăm ngày. Sau khi vào thu, Gia Cát Lượng đêm ngày vất vả lo nghĩ, hao tâm tổn trí mà ngã bệnh. Bệnh tình của ông ngày càng trầm trọng, phải nhờ thị vệ tả hữu dìu hai bên ông mới lê được cơ thể bệnh tật của mình đi tuần tra quanh doanh trại. Ngồi trên chiếc xe ngựa, Gia Cát Lượng gửi những lời thăm hỏi cuối cùng tới các binh sỹ ngoài chiến tuyến.

Ai nấy nước mắt giàn giụa. Mọi người đều biết rằng vị tể tướng được hàng nghìn hàng vạn quân dân nước Thục phó thác hy vọng sắp rời khỏi thế gian. Sau khi tiên đế Lưu Bị băng hà, một mình Gia Cát lượng gánh vác trọng trách phục hưng nhà Hán. Mọi việc ông đều phải tự mình lo liệu, ăn ít đi, việc nhiều hơn, nhiều lần vì quá nhọc tâm mà đổ bệnh. Những gì ông phải gánh vác quả thực là quá lớn.

Gia Cát Lượng nhìn theo lá cờ lớn bay phần phật trước gió, lặng nhìn bốn chữ lớn “Phục hưng Trung Nguyên” mà nỗi thương cảm trào dâng trong lòng. Gió thu thổi đến, mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt. Gia Cát Lượng bất giác ngửa mặt lên trời thở dài, than rằng: “Ta sẽ không bao giờ còn được lâm trận diệt địch phục hưng nhà Hán nữa rồi! Trời xanh lồng lộng sao lại bắt ta phải rời đi sớm như vậy? Ta thực chẳng cam lòng!” (Tái bất năng lâm trận thảo tặc hỹ! Du du thương thiên, hạt kỳ hữu cực!). Tiếng thở dài hòa cùng gió thu nơi Ngũ Trượng Nguyên dưới bóng hoàng hôn thành một dải, trời đất như cảm thương thay cho ông. Tướng tinh (ngôi sao ứng với tể tướng) rớt xuống, từ đây Gia Cát Lượng bước xuống vũ đài lịch sử.

Nỗi thương cảm trào dâng trong lòng của Gia Cát Lượng. (Ảnh: lichsuvn.net)

Vậy, những chuyện hậu sự được an bài như thế nào?

Trong cuốn chính sử Gia Cát Lượng chuyện – Tam Quốc Chí có ghi chép lại rằng: “Lượng di mệnh táng hán trung định quân sơn, nhân sơn vi phần, chủng túc dung quan, kiệm dĩ thời phục, bất tu khí vật”. Đại ý là phải chôn cất ông tại núi Định Quân, mảnh đất quân sự trọng yếu. Gia Cát Lượng muốn lấy chỗ áp núi làm mộ, kích thước huyệt mộ chỉ cần đủ lọt quan tài là được. Khi khâm liệm chỉ dùng quần áo, đồ đạc lúc sinh thời, không cần thêm bất kỳ vật gì.

Nhưng trải qua hơn 1000 năm, thế nhân đều biết rằng mộ phần của Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) chỉ là một nấm mộ giả, thân xác thực của ông không biết tung tích nơi nào. Vậy nên có nhiều truyền thuyết phức tạp xoay quanh nơi an táng nhục thân thực của Gia Cát Lượng. Dưới đây là hai trong số đó:

Truyền thuyết thứ nhất: Sợi dây trão khiêng quan tài đứt ở nơi nào thì an táng tại nơi đó

Trong Lương Châu Ký ghi chép rằng: Lúc đó tiền tuyến vô cùng nguy cấp. Tư Mã Ý phe quân Ngụy mắt hổ trừng trừng theo dõi trận địa. Nhằm tránh thông tin chủ soái qua đời bị lộ ra ngoài, 4 binh sỹ được lệnh khiêng chiếc quan tài gỗ lên núi Định Quân, rồi đi về phía Nam. Cứ đi mãi tới khi sợi dây trão khiêng quan tài bị đứt ở nơi nào thì an táng ở nơi ấy. Nhưng bốn binh sỹ này chỉ mong sớm xong việc nên sau khi khiêng một ngày thì nói dối rằng sợi dây trão đã bị nát và về bẩm báo hoàng thượng Lưu Thiền.

Nhưng Lưu Thiền nghe xong cảm thấy bốn người này cố ý che giấu điều gì đó khuất tất. Làm sao có thể chỉ trong một ngày mà đã đứt được sợi dây trão? Y bèn cho bắt 4 người kia lại thẩm vấn. Các binh sỹ đành phải cúi đầu nhận tội. Lưu Thiền nổi trận lôi đình ra lệnh xử tử bốn người này, vậy nên con người thế gian chẳng bao giờ biết được Gia Cát Lượng thực sự được mai táng ở đâu.

Ngôi mộ giả của Gia Cát Lượng trên núi Định Quân. (Ảnh: thoibao.today)

Vì sao bậc anh hùng thiên cổ lại muốn nhắm mắt nghìn thu trên núi Định Quân?

Trong ngôi mộ giả của Gia Cát Lượng trên núi Định Quân, có một vài câu đối đã nói nên nguyên do Gia Cát Lượng muốn được chôn cất trên núi Định Quân: “Cố quốc chẳng thể quay về, Chí sơn hà thu phục Trung Nguyên còn chưa toại. Hồn trung trinh vẫn soi cùng tuế nguyệt, Người người chen nhau bái mộ Tướng Hán. Sống chấn hưng tôn thất nhà Hán, Chết bảo hộ đất Thục an táng tại núi Định Quân”.

Truyền thuyết thứ 2: Gia Cát Lượng dùng kế giả chết “ve sầu thoát xác” nhằm che mắt thiên hạ

Giả thiết thứ hai cho rằng Gia Cát Lượng không hề chết thật, ông chỉ là mượn cách “chết” giả để lui về ở ẩn mà thôi. Ông sử dụng biện pháp “ve sầu thoát xác” trong Đạo gia, chỉ vật hóa ra thân mình, cho người thế gian mang đi an táng. Sau đó Gia Cát Lượng thu nhận hai tiểu đồng làm đệ tử và truyền dạy bộ sách nổi tiếng Mã Tiền Khóa, là tiền thân của cuốn dự ngôn Thôi Bối Đồ nổi tiếng sau này.

1. Những câu đầu tiên trong Mã Tiền Khóa là lời dự ngôn Gia Cát Lượng viết cho chính bản thân mình

“Mã Tiền Khóa” là một bộ kỳ thư dự ngôn, tổng cộng có 14 bài, mỗi bài là một đoạn thơ 4 chữ. Theo trật tự thời gian, mỗi bài đều dự ngôn một cách chính xác về những đại sự lịch sử sau thời đại Tam Quốc. Ba bài sau cùng còn tiên tri về thọ mệnh của chính quyền đương đại tại Trung Quốc và sự xuất hiện của bậc thánh nhân cứu đời.

Bài đầu tiên trong Mã Tiền Khóa viết như sau:

“Vô lực hồi thiên,
Cúc cung tận tụy.
Âm cư dương phất,
Bát thiên nữ hồn”.

Đây chính là lời dự ngôn mà Gia Cát Lượng nói về chính bản thân mình. Gia Cát Lượng sớm đã biết rằng mọi nỗ lực của mình đều chỉ là vô vọng, ông chỉ có thể bất lực trở về Trời (vô lực hồi thiên) mà thôi. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn dốc hết sức mình cúc cung tận tụy phò trợ nhà Hán, dẫu rằng khi ấy hoạn quan trong triều lộng hành, việc quốc sự rối ren, một mình ông phải đối mặt với “muôn trùng trở ngại” (âm cư dương phất).

Các chữ trong câu “Bát thiên nữ hồn” (lần lượt là 八千女鬼) ghép lại thành một chữ “Ngụy – 魏”. Sau khi Gia Cát Lượng tạ thế, Trung Hội – đại tướng Tào Ngụy đã tiến hành một cuộc trinh phạt quy mô lớn về hướng Nam. Thế trận như thế chẻ tre tiến vào thành đô. Lúc đó Lưu Thiền kế vị quyết định ra hàng, trang sử hào hùng một thời của nước Thục nhà Hán khép lại từ đây.

2. “Ve sầu thoát xác” và sứ mệnh đặt định văn hóa dự ngôn cho nhân loại

Sau này Gia Cát Lượng thu nhận hai tiểu đồng làm đồ đệ, ông dốc lòng truyền thụ kỹ năng cho học trò của mình. Một trong những cuốn sách giáo khoa mà ông dạy cho 2 đồ đệ này chính là Mã Tiền Khoá. Bộ sách dự ngôn nổi tiếng này từ sau thời Tam Quốc diễn biến tới ngày nay, đích thực là tác phẩm do chính Gia Cát Lượng tự tay viết.

Gia Cát Lượng tự tay viết Mã Tiền Khoá bộ sách dự ngôn nổi tiếng từ sau thời Tam Quốc diễn biến tới ngày nay. (Ảnh: bestchinanews.com)

Đồ đệ thứ hai của ông do tâm phàm chưa dứt nên tu hành không thành, sau này luân hồi chuyển thế, tu luyện đứt quãng. Nhưng trước sau vị đệ tử này vẫn không thể quên được Mã Tiền Khoá. Đời đời kiếp kiếp cả hai đệ tử của Gia Cát Lượng đều liên tục “không hẹn mà gặp” Mã Tiền Khoá. Mãi cho tới giữa những năm nhà Thanh thì Mã Tiền Khoá mới được truyền lại cho hoà thượng Thủ Nguyên tại nhân gian. Tương truyền đây chính là người do vị đồ đệ thứ hai của Gia Cát Lượng chuyển sinh.

Trải qua 400 năm đặt định sau thời Tam quốc, vào thời khắc đỉnh cao của lịch sử là thời nhà Đường, Lý Thuần Phong cũng đã đẩy nền văn hoá dự ngôn lên tới đỉnh điểm huy hoàng. Những ai đã từng đọc Mã Tiền Khoá Thôi Bối Đồ đều sẽ phát hiện thấy hai cuốn sách này rất giống nhau. Chỉ là Mã Tiền Khoá vô cùng giản lược, còn Thôi Bối Đồ (Tranh Đẩy Lưng) lại mở rộng, kéo dài Mã Tiền Khoá ra thêm mà thôi.

Thôi Bối Đồ là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường. Tổng cộng gồm 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ.

Vào thời Ngũ Đại, dự ngôn Thôi Bối Đồ thời Đường đã phổ biến khắp Hoa Hạ. Sách lúc đó đều là con người tự ý sao chép. Khi Thôi Bối Đồ thật còn chưa bị đánh tráo, làm giả, bộ dự ngôn này đều được sắp theo thứ tự thời gian. Bởi vì cuốn dự ngôn này cực kỳ chuẩn xác, cho nên càng truyền càng thịnh hành, đến mức nhà nhà đọc Thôi Bối Đồ, người người đọc Thôi Bối Đồ.

Thời loạn Ngũ Đại, rất nhiều người đặt tên cho con theo chữ trong Thôi Bối Đồ, hy vọng đứa con có thể ứng với lời sấm mà thành đạt. Rất nhiều người có dã tâm cũng nghiên cứu Thôi Bối Đồ, xem xem thiên mệnh tương lai có phải là mình không, rồi mới quyết định xem có tạo phản không.

Cuốn dự ngôn này chuẩn xác tới mức người thống trị sợ tính chuẩn xác của nó nên cố ý xáo trộn thứ tự các tượng và sao chép ra hơn 100 cuốn Thôi Bối Đồ giả trà trộn vào nhân gian.

Thôi Bối Đồ khép lại với quẻ tượng số 60. Tượng này cũng là lời kết của toàn bộ cuốn dự ngôn. Trong bức họa, hai vị Lý, Viên làm động tác đẩy lưng (Thôi: đẩy, bối: lưng), miêu tả một thời thái bình thịnh trị: Người người đều tu tâm dưỡng tính, nhân tâm hướng thiện, đồng hóa với đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ.

Kỳ thực tất cả dự ngôn từ Đông Tây kim cổ đều nói về thời kỳ lịch sử vô cùng đặc biệt ngày nay. Như Chu Dịch nêu ra thuyết Âm Dương đảo chiều, hàm ý là vật cực tất phản, thiên hạ ắt sẽ có biến động lớn. Hay dự ngôn người Maya, dự ngôn thổ dân Hopi ở Bắc Mỹ cũng đều cho rằng hiện nay là thời kỳ tẩy tịnh, cái tốt lưu lại cái xấu bỏ đi.

Sự lựa chọn giữa thiện và ác, chính và tà được bày ra trước mắt con người. Tương lai của họ tốt đẹp hay khổ đau chỉ do giây phút này quyết định mà thôi. Những người và vật bất hảo hết thảy sẽ bị đào thải theo hình thức như thiên tai nhân họa. Sau đó trang sử mới tươi đẹp mới có thể bắt đầu.

Gia Cát Lượng đã dùng cả cuộc đời mình góp phần đặt định nền văn hóa Thần truyền phương Đông giữ gìn đạo lý cho nhân gian. Ngay cả cái chết của ông cũng vô cùng huyền bí, khiến thế nhân nửa tin nửa ngờ. Nhưng văn hóa dự ngôn mà ông đặt định đã tiết lộ cho con người những “thiên cơ bất khả lộ”, chỉ là con người có tin hay không và có đưa ra lựa chọn đúng đắn hay không mà thôi.

Nhã Văn