Vào những năm 1930, Diên An là đại bản doanh của ĐCSTQ. Tuyên truyền “lý tưởng chủ nghĩa” của ĐCSTQ đã dụ dỗ và thu hút rất nhiều nam nữ thanh niên gia nhập Diên An. Tuy nhiên, theo Lý Duệ, người sau này là thư ký của Mao Trạch Đông, có tới 15 ngàn người bị gán là gián điệp trong chiến dịch chỉnh phong Diên An do Mao khởi xướng.

Xin chào tất cả các bạn khán giả, chào mừng bạn đến với chuyên mục “Trăm năm chân tướng”. Hôm nay, tôi muốn kể với các bạn về chuyện bắt giữ gián điệp quy mô lớn của Mao Trạch Đông trong thời kỳ Diên An.

“Côn đồ chính trị” Khương Sinh

Từ năm 1942 đến năm 1945, trong giai đoạn gian khổ nhất của cuộc Kháng chiến chống Nhật, Trùng Khánh, thủ đô lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc, đã bị máy bay quân Nhật oanh tạc. Trong khi đó, Diên An, đại bản doanh của ĐCSTQ, lại cực hiếm khi bị máy bay Nhật ném bom.

Điều này cho phép Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, phát động vận động chỉnh phong kéo dài ba năm ở Diên An. Mục đích của nó là để thanh trừng các lực lượng bất đồng chính kiến ​​trong đảng và thiết lập quyền uy tuyệt đối của Mao Trạch Đông. Vào thời kỳ này, Khương Sinh và những thủ hạ của ông ta không từ thủ đoạn, mà theo cuốn sách “Hồ Kiều Mộc hồi ức về Mao Trạch Đông” xuất bản năm 1994 tiết lộ, đương thời có 15 ngàn “đặc vụ” bị thanh trừng trong cuộc chỉnh phong ở Diên An.

“Côn đồ chính trị” trọng yếu nhất của cuộc chỉnh phong Diên An của Mao Trạch Đông là Khương Sinh. Tháng 2/1942, khi cuộc cải chính Diên An bắt đầu, Khương Sinh kiêm nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, thư ký Ban Bí thư Trung ương, hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, bộ trưởng Bộ Xã hội Trung ương, bộ trưởng Bộ Tình báo, và phó giám đốc của Ủy ban Nghiên cứu Trung ương, phó chủ tịch Học viện Trung ương.

Khương Sinh trở về Trung Quốc từ Liên Xô vào cuối tháng 11/1937. Ông ta được Mao tin tưởng vì ba lý do: Thứ nhất, ông ta nhiệt tình chăm sóc hai con trai của Mao ở Liên Xô – Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh; Thứ hai, vào năm 1938, khi Mao Trạch Đông 45 tuổi, muốn kết hôn với Giang Thanh, một cô gái 24 tuổi, không ít người vì Giang Thanh tại Thượng Hải từng có quan hệ nam nữ hỗn loạn nên biểu thị sự phản đối, nhưng Khương Sinh kiên quyết ủng hộ; Thứ ba, Khương Sinh ở Liên Xô đã hơn bốn năm, chứng kiến cuộc vận động đại thanh trừng do Stalin phát động, đích thân tham gia hàng loạt sự kiện chỉnh nhân, có rất nhiều “kinh nghiệm” chỉnh nhân, chính là thứ mà Mao cần dùng.

Vương Thực Vị bị bí mật sát hại

Thời kỳ chỉnh phong Diên An, nhân vật nổi tiếng nhất bị thanh trừng như một “gián điệp” phải đề cập chính là Vương Thực Vị. Vương bị buộc tội “là gián điệp và mật vụ ẩn tàng của Quốc Dân đảng”, và bị khai trừ khỏi đảng, bị bắt và giam giữ trong một thời gian dài. Tháng 7/1947, ông ta bị Khương Sinh hạ lệnh bắn chết ở huyện Hưng, Sơn Tây.

Vương Thực Vị là sinh viên xuất sắc của Đại học Bắc Kinh, đã bắt đầu xuất bản tiểu thuyết từ khi còn là sinh viên. Đầu những năm 1930, ông xuất bản một tuyển tập tiểu thuyết ở Thượng Hải và phiên dịch 5 tác phẩm văn học phương Tây. Trước khi đến Diên An năm 1937, ông đã là một tác gia và dịch giả có tiếng. Trong 4 năm đầu tiên ở Diên An, ông đã phiên dịch hàng triệu từ từ các tác phẩm chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tại sao Vương Thực Vị lại bị thanh trừng? Bởi vì ông đã xuất bản “Dã bách hợp hoa” và các bài tản văn khác trong tờ “Nhật báo Giải phóng”. Ông tin rằng rất nhiều thanh niên nhiệt huyết đến Diên An để truy cầu “vẻ đẹp và sự ấm áp”, tuy nhiên, tại Diên An, họ đã gặp phải những thứ “xú ác và lãnh đạm”. Ông vì nhẫn không nổi, nên muốn “phàn nàn”.

Ông thấy rất phản cảm khi quốc gia đang lâm đại nạn, nhưng Diên An thường cử hành vũ hội, nào là “Ca chuyển ngọc đường xuân, vũ hồi kim liên bộ”, toàn những cảnh tượng thái bình. Ông phản đối các đặc quyền của các quan chức ĐCSTQ, “Thức ăn đủ 5 loại, quần áo đủ ba màu”. Ông tin rằng công việc quan trọng hơn của một nghệ thuật gia là “mạnh dạn nhưng thích đáng phơi bày tất cả những thứ rác rưởi và hắc ám”. Ông chủ trương làm người nên phải có “xương cứng như thép” và “tuyệt không thể cho những kẻ mang tà khí giành quyền lực”.

Theo hồi ức của thư ký Hồ Kiểu Mộc của Mao Trạch Đông, khi Mao nhìn thấy bài “Dã bách hội hoa” của Vương Thực Vị đăng trên tờ “Nhật báo giải phóng”, ông ta tức giận “đập tờ báo trên bàn” và nghiêm mặt hỏi: “Thế này là Vương Thực Vi chỉ huy, hay là Marx chỉ huy?” Mao tức khắc gọi cho“ Nhật báo Giải phóng” và “yêu cầu tờ báo kiểm điểm sâu sắc”.

Sau đó, Mao triệu tập một hội nghị của các cán bộ cấp cao và quyết định ném Vương Thực Vị ra làm mục tiêu nhằm triệt để đả hạ cái gọi là “tự do hóa” trong các nhà văn hóa Diên An.

Truy bắt “gián điệp” được đẩy lên cao trào

Sau khi Vương Thực Vị bị lật đổ, sự đàn áp của ĐCSTQ đối với những văn hóa nhân ở Diên An đã hình thành một cao trào. Ngày 15/7/1943, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ triệu khai đại hội động viên “chỉnh đốn phần tử biến chất”, và Khương Sinh đã đưa ra báo cáo, tuyên bố rằng Diên An đã bắt hơn 200 “đặc vụ”. Ông ta yêu cầu tất cả các đảng viên ở Diên An đều phải bắt đầu hành động “thanh trừ đặc vụ, chỉnh đốn đặc khu”.

Các cơ quan trực thuộc trung ương trở thành tâm điểm của cuộc “chỉnh đốn”. Khi đó, trong Văn phòng Trung ương có hơn 60 nhân viên công tác, những người được điều nhập Văn phòng Trung ương đều đã chịu sự thẩm tra gắt gao, tuy nhiên, trong “chiến dịch chỉnh đốn”, vẫn có hơn chục người vẫn bị gán là “đặc vụ”. Tổng cộng có hơn 100 nhân viên của Nhật báo Giải phóng và Tân Hoa xã, 70% trong số họ bị buộc phải thừa nhận rằng họ là “đặc vụ”. Trong số 200 thành viên của Trường Viễn thông thuộc Cục 3 Quân ủy Trung ương, 170 người bị gán cho là “đặc vụ”.

Từ Hướng Tiền, hiệu trưởng trường Đại học Chính trị và Quân sự kháng Nhật Diên An đương thời, sau này đã viết trong hồi ký của mình về việc Khương Sinh và những người khác bắt giữ “đặc vụ” như sau: 

“Nào là ‘biểu tình đòi thú tội’, ‘quyền nói của tập thể’, ‘năm phút thuyết phục’, ’cá nhân không có quyền nói’, ‘báo cáo đại hội’, ‘tóm củ cải đỏ’, ‘ngoại hồng nội bạch’,… bừa phứa thích nói gì là nói. Thứ càng nực cười hơn là cái gọi là ‘chiếu tướng’. Khi mở đại hội, họ kêu mọi người đứng trên sân khấu theo từng đợt, và họ sẽ ‘chiếu tướng’ mọi người. Nếu mặt không biến sắc, thì minh chứng là không có vấn đề gì; còn nếu mặt biến sắc ắt là phần tử đáng nghi, là đối tượng thẩm tra. Họ dùng cái gọi là ‘bức cung tín’, ‘xa luân chiến’… nó thực sự khiến người ta nghe thấy đã kinh hoàng.”

Trường Đại học Chính trị – Quân sự Tổng hợp có 6.000 người, trong số 1.052 cán bộ cấp trên thì họ “khai quật” được 602 “phần tử nghi can”, “phần tử đặc vụ”, chiếm 57,2% tổng số. Trường đảng Trung ương –  đệ tam bộ – tập trung gần như tất cả những phần tử trí thức tương đối nổi tiếng hơn ở Diên An lúc bấy giờ, được coi là trọng yếu nhất, “cứu cánh” của đảng, do phó hiệu trưởng Bành Chân phụ trách và trực tiếp báo cáo cho chủ tịch Mao Trạch Đông. Cuối cùng, chỉnh thể đã bị đả nhập thành một nhóm riêng. Ngoại trừ một người trong Khoa Hành chính, tất cả các giảng viên và nhân viên đều bị dán nhãn là “đặc vụ”; hơn một nửa số sinh viên cũng bị dán nhãn là “đặc vụ”.

Mỗi đêm đến sáng sớm đều có người, quỷ và sói tru

Khương Sinh có logic của mình: “Phải có tài liệu mới có thể thẩm vấn sao? Hãy bắt hắn trước rồi hãy nói, chính là bởi vì không rõ ràng nên mới nhốt hắn để thẩm vấn, thẩm vấn chính là để làm rõ vấn đề!” Trước là tróc nã người, sau là bức cung, đó là trò diễn khiến đối thủ không lối thoát của Khương Sinh. Những người bị nhốt trong giam ngục, ngoài việc bị bức cung liên tục vào ban đêm, còn bị trấn áp bằng bạo lực. Những thanh niên nhất tâm khao khát cách mạng, bỗng nhiên bị tuyên bố là đặc vụ, khiến họ bị tổn thương quá lớn về mặt tinh thần, hơn cả sự tra tấn về thể xác. Người tự sát, kẻ phát điên, khóc lóc, đủ loại tình huống đều có.

Bạc Nhất Ba, nguyên lão của ĐCSTQ, đã viết trong “Hồi ức và suy nghĩ về bảy mươi năm trước”: 

“Có một quá khứ không thể nào quên, những tình cảnh đó thỉnh thoảng lại tái hiện trong tâm trí tôi trong những năm qua… Khi đó, mẹ tôi và tôi cùng đến Diên An, tôi để bà cư ngụ trong một hang động ở dưới cống. Có một ngày, tôi đến gặp bà, bà nói: ‘Không dễ ngụ ở đây. Mỗi đêm đến sáng sớm quỷ khóc sói tru, không biết là chuyện gì.’ Tôi không biết bèn vào động kiểm tra, sau khi kiểm tra thì có không dưới 6, 7 cái hang đang giam giữ hơn trăm người, có rất nhiều người thần kinh thất thường. Hỏi họ vì sao vậy? Có người cười lớn, có người khóc lóc…. cuối cùng người quản họ không còn cách nào khác bèn kể với tôi: Họ đều là phần tử trí thức bị ‘chỉnh đốn’, là đến Diên An học tập mà gặp phải ‘chỉnh đốn’.”

Lý Duệ, cựu thư ký của Mao, từng bị giam một năm hai tháng

Lý Duệ từng làm công tác thanh niên và tuyên truyền trong các khu vực do Quốc dân đảng cai trị trong một thời gian dài. Nguyên nhân ông bị bắt là, có hai hoặc ba người trong quá trình bị hành hình bức cung, buộc phải thừa nhận mình là đặc vụ, sau đó đành bịa đặt rằng Lý Duệ là thượng cấp của họ. Khương Sinh từng hùng hồn nói rằng cha của Lý Duệ bị hồng quân giết, rằng Lý Duệ căm thù ĐCSTQ đã giết cha ông ta.

Thực tế là cha của Lý Duệ đã qua đời vào năm 1922, khi chưa có hồng quân. Lý Duệ nhớ lại: 

“Ở Tảo Viên, Bảo An và những nơi khác đã giam giữ hàng trăm hàng ngàn người… Đương thời, việc bức cung rất nghiêm trọng, tôi đã từng trải qua năm ngày năm đêm không được phép chợp mắt, không được chớp mắt. Họ cho rằng làm cách này chính là có khả năng làm mất kiểm soát mà khai ra sự thật. Lúc đó tôi đã trụ vững, không nói nhảm. Biện pháp này có thể kéo dài đến nửa tháng.” 

“Khi chịu thẩm tra, thông thường là phải đứng thẳng trong thời gian dài (ngay cả khi chân sưng phù) và ngồi trên ghế băng thấp; có lúc hai tay bị còng, thời gian dài ngắn bất định. Những vết sẹo vẫn còn trên tay tôi, vài năm mới tiêu đi. Tôi cũng phải chịu đựng những cái tát nảy đom đóm.”

Tiểu đặc vụ của Đại học Sư phạm Tùy Đức

Theo hồ sơ nội bộ của ĐCSTQ, vào tháng 9/1943, Tùy Sư liên tục triệu khai đại hội tự thú kéo dài 9 ngày. Tại đại hội, hơn 280 người đã tự động thú tội và hơn 190 người bị “vạch trần”. Một cô gái 14 tuổi, Lưu Cẩm Mai, bước lên sân khấu, chỉ cao hơn bàn một chút và “thú nhận” rằng cô đã tham gia “Phục hưng Xã” của Quốc dân đảng. Một cậu bé 16 tuổi, Mã Phùng Thần, cầm trên tay một túi đá lớn, “thú nhận” rằng mình là người phụ trách “Biệt đội Đá”. Túi đá này là vũ khí mà cậu ta dùng để giết người dưới sự xúi giục của tổ chức đặc vụ.

Tiểu tổ lãnh đạo chỉnh phong Tùy Sư cũng đã “phá tan” một tổ chức “đặc vụ mỹ nhân kế”. Các nữ sinh này đã thụ nhận khẩu hiệu của đặc vụ: “Cương vị của chúng tôi là trên giường của kẻ thù”, và họ được phân tổ theo lớp. Lớp năm nhất được gọi là “Mỹ nhân đội”, lớp năm thứ hai được gọi là “Mỹ nhân kế”, và lớp năm thứ ba được gọi là “Xuân sắc đội”. Cuối cùng, Tùy Sư đã khai quật được 230 “đặc vụ”, chiếm 73% tổng số người của trường.

Một nữ sinh viết trong cuốn “Lịch sử đọa lạc của tôi”: “Đặc vụ đã phát triển từ học sinh trung học cơ sở đến học sinh tiểu học, 12 tuổi, 11 tuổi và 10 tuổi, một mạch phát triển đến tiểu đặc vụ.”

Vương Minh, nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của ĐCSTQ, người sau đó đã trốn sang Liên Xô, từng nói trong cuốn sách “50 năm ĐCSTQ” rằng, cuộc chỉnh đốn Diên An là một cuộc “diễn tập” của “Cách mạng Văn hóa”. Có một số đạo lý nhất định cho tuyên bố này. Hàng chục chiến dịch vận động chính trị đẫm máu và tàn bạo được phát động kể từ khi ĐCSTQ thiết lập chính quyền vào năm 1949, đặc biệt về các loại thủ pháp dàn dựng và hãm hại, đều có thể bắt nguồn từ sự kiện 15 ngàn người bị biến thành “đặc vụ” trong cuộc chỉnh đốn ở Diên An. 

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch