Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

… Thế là Cảnh Giám về nhà đem lời ấy nói cho Thương Ưởng. Lúc này Thương Ưởng mới nghiêm túc: “Cuối cùng tôi cũng biết quốc vương muốn gì rồi”.

Không được trọng dụng ở nước Ngụy

Năm 362 TCN, Tần Hiếu công lên ngôi. Khi đó nước Tần chưa được gọi là quốc gia văn minh. Tần Hiếu công nhận định nước Tần phải nhanh chóng chiêu mộ nhân tài, gấp rút khiến nước mạnh binh cường, thế là ông đã phái người dán cáo thị ghi rằng: “Những môn khách, quần thần, người nào có được kế hay khiến nước Tần hùng mạnh, trẫm sẽ cấp quan và phong đất cai trị”. Thương Ưởng sau khi nghe tin đó từ nước Ngụy sang nước Tần, nói ra con đường cải cách chính trị (biến pháp). Khi người đời sau suy nghĩ lại, đã không khỏi công nhận rằng biến pháp của Thương Ưởng là khởi điểm cho nước Tần hùng mạnh. Rốt cuộc Thương Ưởng là người như thế nào? Ông có ảnh hưởng gì đến nước Tần.

Ban đầu tên của ông không phải là Thương Ưởng, mà là Thứ Nghiệt – một vị công tử nước Vệ. Thứ Nghiệt công tử là con trai do vị phi tần của quân vương nước Vệ sinh ra, chứ không phải con của người vợ cả. Vì ông ở nước Vệ nên mọi người gọi ông là Vệ Ưởng. Ông còn có một tên khác là Công Tôn Ưởng, Công Tôn là họ. Vào triều Chu, con của Chư hầu gọi là Công tử, cháu của Chư hầu gọi là Công tôn. Do đó họ Công Tôn ấy thực chất là tượng trưng cho thân phận hoặc tượng trưng cho tước vị, sau này biến thành một họ, cho nên Vệ Ưởng cũng được gọi là Công Tôn Ưởng.

Công Tôn Ưởng từ nhỏ đặc biệt thích học pháp luật, nhưng ông cảm thấy nước Vệ quá nhỏ không đủ để khai triển tài năng của ông, cho nên ông đến nước Ngụy, chính là nước Ngụy sở tại của Ngụy Văn hầu.

Giáo sư Chương Thiên Lượng có đánh giá không tích cực lắm về Thương Ưởng. Giáo sư Chương cho rằng Thương Ưởng là người độc đoán hoành hành, hà khắc lạnh lùng, không biết tiến thoái, mua dây trói mình, cuối cùng chết không thanh thản. Trong “Sử ký – Thương quân (1) liệt truyện”, Tư Mã Thiên cũng nói rằng: “Thương Ưởng, tư chất bẩm sinh là con người khắc bạc”.

Vệ Ưởng sinh năm 395 TCN, tức là hai năm sau khi Ngụy Văn hầu tạ thế. Sau khi Ngụy Văn hầu mất, Thái tử Kích kế vị, chính là Ngụy Vũ hầu. Ngụy Vũ hầu tại vị 26 năm. Sau khi Ngụy Vũ hầu mất, vì chưa chỉ định người kế vị cho nên hai vị công tử lúc bấy giờ là Ngụy Anh và Ngụy Hoãn đã tranh giành vương vị và phát sinh một trận chiến. Trận chiến này suýt khiến nước Ngụy rơi vào diệt vong.

Sau này Ngụy Anh giành chiến thắng, ông lấy tên là Ngụy Huệ Văn vương. Mạnh Tử gọi ông là Lương Huệ vương, vì trong thời gian ông tại vị ông đã dời đô thành nước Ngụy từ An Ấp (huyện Hạ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay) về Đại Lương (thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay). Ông tại vị 50 năm. Còn trong “Sử ký” nói rằng ông tại vị 38 năm. Ông có ảnh hưởng rất lớn với nước Ngụy. Nhưng từ khi Ngụy Huệ Văn vương nắm quyền thì nước Ngụy bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.

Ngụy Huệ Văn vương có một đại thần làm Thừa tướng là Công Thúc Tọa. Sau khi Vệ Ưởng đến nước Ngụy, đầu tiên ông đến nương nhờ nhà Công Thúc Tọa. Công Thúc Tọa cho Vệ Ưởng làm “trung thứ tử” (中庶子) . “Trung thứ tử” là người phụ trách việc giáo dục con bậc khanh tướng, Đại phu. Do Vệ Ưởng thường giáo dục con của Công Thúc Tọa, nên Công Thúc Tọa tiếp xúc nhiều với Vệ Ưởng. Khi Vệ Ưởng đàm luận về quốc gia đại sự, thường có những kiến giải rất sắc sảo. Do đó Công Thúc Tọa cho rằng Vệ Ưởng là một người rất có tài năng thực lực.

Sau đó Công Thúc Tọa mắc trọng bệnh. Ngụy Huệ Văn vương đích thân đến nhà ông thăm viếng, ngồi ở đầu giường, nước mắt chảy dài nói: “Nếu ngày kia ông mắc bệnh không qua được, ta có thể giao chính trị quốc gia cho ai đây…?”. Công Thúc Tọa nói: “Thần có một người dạy học cho các con tên là Vệ Ưởng, tuy người ấy trẻ tuổi nhưng rất có thực tài. Thần hy vọng ngài có thể đem toàn bộ chính trị nước Ngụy giao phó cho cậu ta, tất cả quốc gia đại sự đều giao cho cậu ấy xử lý hết”. Khi đó Ngụy Huệ Văn vương không nói gì. Công Thúc Tọa lại nói thêm một câu nữa: “Nếu ngài không thể dùng cậu ta thì hãy giết cậu ta đi”.

Khi rời khỏi nhà Công Thúc Tọa, Ngụy Huệ Văn vương liền thầm nghĩ: “Thừa tướng bệnh đến mức hồ đồ rồi, đầu tiên bảo ta đem toàn bộ chính trị quốc gia giao phó cho một người trẻ tuổi chưa có tiếng tăm gì, đưa hết việc để cậu ta xử lý; sau đó lại nói nếu không dùng thì hãy giết cậu ta đi. Lý luận của ông ấy có vấn đề rồi”.

Sau khi Ngụy Huệ Văn vương rời đi, Công Thúc Tọa bảo Vệ Ưởng lại đầu giường ông đang nằm nói: “Vừa rồi ta tiến cử cậu với quốc vương, nhưng nếu không dùng cậu thì ta bảo ngài ấy hãy giết cậu đi. Với tư cách là một người bạn, ta khuyên cậu hãy rời khỏi nơi đây”. Sau khi nghe xong Vệ Ưởng nói: “Nếu quân vương không nghe lời ông mà sử dụng tôi, ngài ấy cũng không thể giết tôi vì ngài ấy không biết năng lực của tôi tới đâu”.

Tại sao Công Thúc Tọa nói những lời này với vua Ngụy? Đạo lý ở chỗ này, ông không muốn vua Ngụy giết Vệ Ưởng, ông chỉ sử dụng cách nói mang tính cực đoạn để làm rõ một thông điệp, chính là nếu vua dùng Công Tôn Ưởng có thể khiến nước Ngụy giàu mạnh, nhưng nếu Vệ Ưởng sang nước khác sẽ là mối họa lớn đối với nước Ngụy. Cho nên nếu không dùng thì phải giết, nhưng rốt cuộc Ngụy Huệ Văn vương đã không nghe lời của Công Thúc Tọa.

Sang Tần giảng về “nước giàu binh mạnh”

Một thời gian sau, Công Thúc Tọa bệnh chết. Sau đó lại có một vị Công tử là Công tử Ngang tiến cử Vệ Ưởng nhưng vua nước Ngụy vẫn không dùng.

Lúc này Vệ Ưởng cảm thấy nước Ngụy không có đất dụng võ, đồng thời ông cũng biết thông tin cáo thị của Tần Hiếu công. Vệ Ưởng biết rằng, nếu ai đến nước Tần giúp nước Tần thực hiện “nước giàu binh mạnh”, không chỉ được phú quý thiên đại, mà còn có được một vùng đất vô cùng rộng lớn. Do đó Vệ Ưởng đã rời nước Ngụy đến nước Tần.

Bình thường mà nói, sau khi Vệ Ưởng đến nước Tần thì nên tìm người phụ trách việc dán cáo thị, nói là vì cáo thị nên mới đến và làm thế nào mới có thể gặp được vua Tần; hoặc là nói đến tìm người chủ quản việc ngoại giao và tiếp đãi tân khách. Nhưng đằng này Vệ Ưởng lại đi nhờ vả Cảnh Giám – là hoạn quan được Tần Hiếu công sủng ái tin tưởng. Vệ Ưởng đến nhà Cảnh Giám thỉnh cầu Cảnh Giám tiến cử mình với Tần Hiếu công. Tần Hiếu công và Vệ Ưởng đã nói chuyện bàn bạc với nhau bốn lần. Ba lần trước có thể nói là không mấy vui vẻ.

Lần thứ nhất Vệ Ưởng đến gặp Tần Hiếu công, đã nói với vua Tần rất nhiều việc. Phản ứng của Tần Hiếu công ra sao? Trong “Sử ký” có viết như sau: “Hiếu công đã gặp Vệ Ưởng; Vệ Ưởng nói hồi lâu, Hiếu công một lúc lại ngủ gật, một lúc lại ngủ gật; hầu như không nghe được gì”. Điều này chứng tỏ lời nói của Vệ Ưởng không có sức hấp dẫn, khiến người ta buồn ngủ.

Nhưng tính tình Tần Hiếu công rất tốt, tuy ông gật gà gật gù nhưng đợi Vệ Ưởng nói xong, ông mới cho anh ta rời đi. Tần Hiếu công đợi Vệ Ưởng rời đi mới nói với Cảnh Giám: “Ngươi tiến cử cho ta một người mà chỉ nói những lời khoa khương, nói những lời trống rỗng không có gì dùng được, là người ‘ăn nói sằng bậy’. Sao ngươi có thể tiến cử những người như thế cho ta chứ?”. Tần Hiếu công cảm thấy rất không hài lòng.

Cảnh Giám về nhà mới trách cứ Vệ Ưởng nói: “Sao ông lại nói những lời không đúng trọng tâm cho quân vương vậy?”. Vệ Ưởng đáp: “Tôi chỉ sợ chí hướng của ngài ấy quá lớn, cho nên chỉ nói một chút về những vị Đế vương như: Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn trị quốc như thế nào thôi, nên Tần Hiếu công nghe không vào”.

Vệ Ưởng nói: “Tôi còn có phương án hai, phương án thứ nhất ngài ấy không nghe, không vấn đề gì. Hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa”. Cảnh Giám cũng là người tốt tính, lại đến nói với Tần Hiếu công: “Vị khách của thần còn nói chưa xong, mong bệ hạ cho vị ấy thêm một cơ hội nữa”. Tần Hiếu công đồng ý.

Lần thứ hai Vệ Ưởng vào cung. Vệ Ưởng bắt đầu nói về vua Thành Thang phạt Kiệt, Chu Vũ vương phạt Trụ, vua Đại Vũ trị thủy sau đó an định thiên hạ như thế nào… Những điều Vệ Ưởng nói ra đều là vương đạo (đạo dành cho vua). Kết quả Tần Hiếu công vẫn không nghe lọt tai, cho nên ông trách mắng Cảnh Giám, Cảnh Giám về nhà lại trách cứ Vệ Ưởng.

Vệ Ưởng nói:”Xem ra chí hướng Tần Hiếu công không phải như thế rồi. Lần thứ nhất tôi giảng cho ngài ấy về đạo làm Hoàng đế, nói về Nghiêu, Thuấn… ngài ấy không nghe. Lần thứ hai giảng về đạo làm vua, nói về vua Thành Thang, Chu Vũ vương… ngài ấy cũng không nghe. Được rồi, tôi còn có phương án thứ ba, tôi sẽ bàn về việc làm thế nào để tranh bá”. Cảnh Giám nói: “Ông nên nghỉ ngơi một lát, hiện tại tôi cũng không dám nói với Tần Hiếu công, bởi vì hai lần trước ông ấy đã không hài lòng rồi”.

Cho đến một ngày, Tần Hiếu công đang lúc ăn cơm đột nhiên buông đũa, thở dài nói: “Người sống ở đời, như bóng câu qua cửa (2), ngoảnh lại nhìn, mọi thứ đã là quá khứ. Ta dán cáo thị một thời gian dài như vậy, tại sao vẫn chưa tìm thấy bậc đại hiền?”.

Có thể Tần Hiếu công chưa thấu đạo lý này, trên đời thật khó để gặp bậc đại Thánh đại hiền, hơn nữa ông chỉ mới dán cáo thị có vài tháng thôi. Nhân thấy Tần Hiếu công đang suy tư, Cảnh Giám mới nói: “Vị khách của thần là Vệ Ưởng có tổng cộng ba cách thức trị quốc khác nhau. Đó là đạo trị quốc của ba bậc Đế, Vương, Bá. Lần thứ nhất nói về Đế, lần thứ hai nói về Vương. Ông ấy còn một bộ nói về cách thức làm sao để xưng bá”.

Tần Hiếu công sau khi nghe nói thế, tinh thần phấn chấn trở lại, nói: “Ta gặp ông ấy một lần nữa vậy”. Lần thứ ba, Vệ Ưởng nói về Ngũ bá thời Xuân Thu xưng bá như thế nào. Lần này Tần Hiếu công nghe lọt tai nhưng không cảm thấy hứng thú, bèn cảm thấy Vệ Ưởng tại sao không nói một chút làm sao giải quyết những vấn đề liên quan đến nước Tần, mà chỉ nói những điều chung chung xa xưa.

Đợi đến khi Vệ Ưởng rời đi Tần Hiếu công mới nói với Cảnh Giám câu này: “Vị khách của ngươi nói khiến ta cảm thấy có thể đàm luận với anh ta thêm chút nữa”. Thế là Cảnh Giám về nhà đem lời ấy nói cho Vệ Ưởng. Lúc này Vệ Ưởng mới nghiêm túc: “Cuối cùng tôi cũng biết quốc vương muốn gì rồi”.

Thế là Thương Ưởng đến gặp Tần Hiếu công lần thứ tư. Lần này Thương Ưởng toàn nói về việc khiến “nước giàu binh mạnh”. Thương Ưởng liệu có biết việc Tần Hiếu công không muốn nghe đạo trị quốc của bậc Đế, Vương? Thương Ưởng biết nhưng tại sao ông lại làm như vậy? Chính là vì Thiên tử nhà Chu còn đó nên Tần Hiếu công không muốn xưng Đế hay Vương. Cho nên Thương Ưởng nói những lời như vậy thì Tần Hiếu công không muốn nghe.

Khi đánh giá về Thương Ưởng, Tư Mã Thiên trong “Thương quân liệt truyện” có nói thế này, khi đó Thương Ưởng giảng về đạo Đế Vương, đó không phải là chủ tâm của Thương Ưởng. Lần thứ tư Thương Ưởng nói về “nước giàu binh mạnh” cho Tần Hiếu công thì phản ứng của Tần Hiếu công là: “Nghe Thương Ưởng nói, không ngừng kéo chiếu ngồi đến chỗ Thương Ưởng, nghe mấy ngày cũng không thấy chán”. Lần này Thương Ưởng đã ngãi đúng chỗ ngứa của Tần Hiếu công rồi.

Thương Ưởng đã bàn luận với Tần Hiếu công những gì? “Đông Chu liệt quốc chí” đã đưa ra tổng kết rất rõ ràng về Thương Ưởng. Trong đó nói về cách thức quản lý của Thương Ưởng như sau: “Muốn nước giàu, chi bằng khuyến khích nông dân tăng gia làm ruộng. Muốn binh mạnh, chi bằng cổ vũ bách tính nguyện ý chiến đấu, dám đánh trận, dám giết người. Trọng thưởng để dụ dỗ, dân biết làm tốt sẽ có thưởng lớn, từ đó mà cố gắng. Lấy hình phạt nặng để răn đe uy hiếp, dân biết làm sai sẽ bị phạt, từ đó kính sợ luật pháp”.

Học vấn cả đời của Thương Ưởng chỉ gói gọn vào hai chữ này, đó là “canh” (耕 – nông nghiệp) và “chiến” (戰 – chiến đấu). Làm thế nào để thực hiện nông nghiệp và chiến đấu? Chính là dựa vào “trọng thưởng để dỗ dành, trừng phạt để uy hiếp”. Rốt cuộc Thương Ưởng có làm nước Tần trở nên hùng mạnh bằng những cải cách của mình hay không, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Ghi chú:

(1) Thương quân là cách gọi khác của Thương Ưởng.

(2) Ngựa câu là ngựa non ngựa khỏe chạy rất nhanh, trong khi đó khe cửa lại rất hẹp. Bóng câu qua cửa ý chỉ thời gian trôi nhanh tựa như chớp mắt.