Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Năm 496 TCN, Ngô vương Hạp Lư chinh phạt nước Việt, gặp cảnh binh bại thân vong. Sau khi Phù Sai kế vị, chuẩn bị binh lực trong ba năm rồi đánh bại nước Việt báo thù rửa nhục. Việt vương Câu Tiễn và Đại phu Phạm Lãi phải đến nước Ngô nuôi ngựa trong ba năm mới được thả về nước Việt. Câu Tiễn nếm mật nằm gai, khổ tâm mưu tính, dốc sức chuẩn bị lực lượng để diệt Ngô. Ông đút lót Thái tể Bá Bĩ để mê hoặc Phù Sai, cống thân cây 80m cho Ngô vương xây cung điện làm cạn kiệt tiền tài nước Ngô, dâng mỹ nữ Tây Thi để mê hoặc tâm trí Ngô vương, đồng thời ở trong nước tích tiền luyện binh, chờ đợi thời cơ báo thù. Việc Câu Tiễn huấn luyện quân đội đã làm Ngô vương nghi ngờ. Nhưng khi Phù Sai chuẩn bị chinh phạt nước Việt thì đã phát sinh một chuyện ngoài dự liệu…

Phía bắc nước Ngô là nước Tề, đô thành ở Lâm Truy, nay gần thành phố Truy Bác tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Phía tây nam nước Tề là nước Lỗ, đô thành ở Khúc Phụ, chính là quê hương của Khổng Tử. Vậy là nước Tề ở phía trên (phía bắc) của bản đồ so với nước Ngô và nước Lỗ. Năm 485 TCN, nước Ngô cùng nước Lỗ liên quân phạt Tề do đó năm 484 TCN, nước Tề chuẩn bị phát binh đánh Lỗ. Nhưng phục thù việc 2 nước Ngô – Lỗ đánh Tề chỉ là một cái cớ. Điều quan trọng hơn là, ở nước Tề có một Đại phu tên Điền Thường nắm quyền đã lâu. Trong nước Tề còn có vài Đại phu khác, thực lực của họ cũng rất mạnh, như nhà họ Cao, nhà họ Quốc, nhà họ Bào, nhà họ Yến. Thế là Đại phu Điền Thường nhân lúc phạt nước Lỗ để làm suy yếu thực lực các nhà kia.

Từ nước Tề, đại quân đã xuất phát, khi đó Khổng Tử vừa mới chu du các nước rồi về nước Lỗ. Ông nghe nói nước mẹ bị đánh, nhất định muốn cứu. Ông bèn hỏi các đệ tử đang ngồi dưới ông có ai muốn đi sứ nước Tề nhằm ngăn chặn cuộc chiến này. Lúc này Tử Lộ, Tử Trương, Tử Thạch đều đứng lên thỉnh cầu xin đi nhưng Khổng Tử không cho phép. Tử Cống đứng lên hỏi Khổng Tử: “Phu Tử, Tứ (1) này có thể đi không?”, Khổng Tử đã đồng ý.

Tử Cống là một trong 72 cao đồ của Khổng Tử, chuyện của ông cũng được ghi chép trong “Sử Ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện“. Trong chương này của “Sử ký“, số trang ghi chép về ông là dài nhất. Khổng Tử đánh giá Tử Cống là một người rất giỏi du thuyết.

Theo đánh giá của giáo sư Chương Thiên Lượng, Tử Cống là Nho thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ông không chỉ là Nho sinh mà còn là người kinh doanh buôn bán. Ông giao dịch rất nhiều của cải, tích lũy được sản nghiệp nghìn vàng, rất là giàu có. Ông chu du các nước bằng cỗ xe bốn ngựa (phương tiện di chuyển cao cấp thời đó), qua lại giao tiếp với rất nhiều quân chủ các nước nên nhận được sự tôn trọng của họ.

Nếu ta so sánh Tử Cống với Nhan Hồi sẽ thấy hai người đó khác nhau một trời một vực. Nhan Hồi rất nghèo, trong “Luận ngữ“, Khổng Tử nói một câu: “Một cái bát ăn cơm, một cái gáo uống nước, sống nơi nghèo khổ, người khác sẽ không chịu được nỗi buồn đó, nhưng Hồi luôn vui vẻ, Hồi là người hiền minh vậy”. Đây chính là người quân tử tâm an ổn trong nghèo khó, đồng thời vui vẻ trong Đạo.

Trong “Luận ngữ – Tiên tiến” có ghi lại lời của Khổng Tử: “Hồi thường không có gì để ăn, hay bị đói. Tứ thì không giống vậy. Tứ có tài đoán thị trường rất chuẩn, hễ đoán là trúng”. Chúng ta biết để đoán giá cả thị trường rất chuẩn thì điều kiện tiên quyết là người này phải hiểu rõ tâm lý đại chúng, cũng chính là nói anh ta rất giỏi tâm lý học. Vậy thì người hiểu tâm lý các nhân vật như vậy, dưới sự chỉ dạy của Khổng Tử thì lời nói càng thêm sắc bén. Cho nên về phương diện du thuyết, Tử Cống rất vượt trội.

Thế là Tử Cống nhận lệnh của Phu Tử đến nước Tề. Điền Thường nghe nói Tử Cống từ nước Lỗ đến thì thể hiện bộ dạng kiêu ngạo, hỏi Tử Cống rằng: “Ngươi đến đây làm du thuyết đúng không?”.

Tử Cống nói: “Không phải. Lần này tôi đến vì nước Tề chứ không phải vì nước Lỗ. Đại phu muốn tấn công nước Lỗ, tôi muốn nói với ngài nước Lỗ rất khó đánh. Vì sao? Vì tường thành nước Lỗ vừa thấp vừa mỏng, đại thần u mê yếu nhược, quốc vương vô năng, binh lính không quen chiến đấu, vũ khí tồi tàn, hào vừa cạn vừa hẹp cho nên rất khó đánh. Tôi đề xuất chi bằng ngài hãy đánh hạ nước Ngô. Nơi đó thành vừa cao vừa dày, quân vương thiện chiến, vũ khí tinh xảo, sĩ tốt quen chiến trận, hào vừa rộng vừa sâu, cho nên rất dễ đánh”.

Điền Thường nói: “Ngươi nói linh tinh cái gì vậy?”. Bởi vì điều Tử Cống nói là khó, thì người bình thường cho là dễ, còn điều ông nói dễ thì người thường cho là khó. Tử Cống dùng cách thức như thế này làm Điền Thường tò mò lắm.

Tử Cống nói với Điền Thường: “Cũng không có gì khó lý giải. Nếu ông có thể cho tả hữu lui ra, tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho ông”. Điền Thường cũng biết Tử Cống là cao đồ của Khổng Tử, trong tâm cũng muốn xem kiến giải độc đáo của ông, bèn cho tả hữu ra ngoài, dịch tấm chiếu lót về phía trước để thỉnh giáo. Quá khứ người xưa quỳ gối trên chiếu lót, sau thời nhà Tống mới có ghế ngồi, ghế dựa. Cho nên trong trường hợp này thì Điền Thường dịch tấm chiếu của mình tới gần Tử Cống và muốn ông nói rõ thêm đôi chút.

Tử Cống nói: “Tôi nghe rằng một quốc gia nếu có vấn đề lục đục nội bộ thì nên tìm nước mạnh mà tấn công, còn nếu có vấn đề ngoại xâm hoặc đối ngoại thì nên tìm nước yếu. Hiện tại nước Lỗ rất yếu, nếu ông muốn Đại phu khác đánh nước Lỗ, rất nhanh sẽ xong thôi và họ lập được chiến công. Họ thắng thì thanh danh nổi lên, mà xem ra Đại phu như ông cũng không muốn hợp tác với họ. Còn nước Ngô thì rất mạnh, những vị ấy mà đánh Ngô sẽ không dễ thắng, mà cho dù giành thắng lợi đi chăng nữa thì cũng ‘sứt đầu mẻ trán’. Thế thì Đại phu như ông sẽ không ngừng gia tăng thực lực, những vị kia sẽ yếu đi”. Tử Cống nói vậy Điền Thường lập tức hiểu ra vấn đề.

Điền Thường hỏi Tử Cống: “Nếu hiện tại tôi muốn tấn công nước Ngô, không có cớ gì thì phải làm sao?”. Tử Cống nói: “Không vấn đề. Hiện tại ông nên án binh bất động, tôi đến nước Ngô du thuyết, họ sẽ phát binh cứu nước Lỗ, như thế ông muốn đánh Ngô chẳng phải đã có lý do rồi sao!”.

Tử Cống rời nước nước Tề, sau đó đến nước Ngô diện kiến Phù Sai. Ông lợi dụng cái tâm tranh bá của Phù Sai để nói rằng: “Hiện nay nước Tề đang phát binh đánh Lỗ, hạ xong Lỗ sẽ đánh sang Ngô, vậy nên vì sao không nhân lúc nước Tề còn chưa phái binh mà cứu nước Lỗ? Như thế đại vương ngài sẽ đả bại 100 vạn quân (2) nước Tề, lại thu phục 1000 cỗ xe nước Lỗ, công trạng sự nghiệp như thế ngay cả nước Tấn rộng lớn hùng mạnh cũng không thể làm được, đại vương có thể xưng bá Trung Nguyên rồi”.

Phù Sai nói: “Ông nói rất có đạo lý, tôi vẫn luôn căm giận nước Tề, đang muốn đánh nó, nhưng tôi có lo lắng là nước Việt ở phía sau… Nếu xuất binh cứu Lỗ, nước Việt tập kích hậu phương thì tình thế của tôi sẽ rất đáng lo. Cho nên hiện tại tôi muốn diệt nước Việt trước, sau quay lại đánh hạ nước Tề”.

Tử Cống nói: “Nếu ngài lo lắng nước Việt, vấn đề đấy cũng dễ giải quyết thôi. Tôi sẽ đến nước Việt bảo Việt vương Câu Tiễn dẫn theo toàn bộ binh lực, thêm vào đó Việt vương Câu Tiễn mang ngựa và cung tiễn thân chinh làm quân tiên phong, như thế sẽ không còn nỗi lo nào nữa”. Ngô vương nói: “Nếu Việt vương phái binh cùng ta công hạ nước Tề, ta đương nhiên an tâm rồi”.

Sau đó Tử Cống lại rời Ngô đến Việt. Việt vương Câu Tiễn nghe Tử Cống đến liền nghênh đón ông từ rất xa. Câu Tiễn hỏi: “Tiên sinh đến nước tôi có việc gì chỉ giáo?”. Tử Cống nói: “Nếu ngài không có cái tâm đánh hạ nước Ngô nhưng lại bị Ngô vương nghi ngờ, sớm muộn gì Ngô vương cũng diệt ngài. Nếu có cái tâm tấn công nước Ngô lại bị nước Ngô biết, điều này nói rõ ngài hành sự thiếu cẩn trọng rồi. Dù thế nào thì rất nguy hiểm đối với nước Việt. Tôi vừa từ nước Ngô về, hiện tại Ngô vương muốn đánh nước Tề, nhưng ông ấy lo lắng ngài đánh úp hậu phương, cho nên tôi kiến nghị với ông ấy, hy vọng nước Việt phái binh cùng liên minh với Ngô tác chiến, Ngô vương đã đồng ý rồi”.

Việt vương nghe mấy lời của Tử Cống, lo lắng Phù Sai sẽ tiến đánh ông, bèn đồng ý với kiến nghị của Tử Cống. Sau khi Việt vương đồng ý, Tử Cống lại quay về nước Ngô nói với Phù Sai rằng, Việt vương đã đồng ý làm quân tiên phong cho Ngô vương.

Phù Sai hỏi: “Như thế hợp lý chăng?”. Tử Cống đáp: “Dùng quân đội của họ đã là quá phận lắm rồi, không thể lại dùng thêm quốc vương của nước Việt. Có thể dùng quân đội của họ, nhưng Câu Tiễn có thể sẽ không muốn đến làm tiên phong…”. Nghe nói vậy, Phù Sai đồng ý với đề nghị của Tử Cống.

Tử Cống rời nước Ngô lại đi tới nước Tấn. Ông nói với Tấn vương: “Hiện tại sẽ nhanh chóng xảy ra cuộc chiến giữa nước Tề với nước Ngô. Ngô vương hễ đánh thắng nước Tề xong ắt muốn tranh bá với nước Tấn, hy vọng Tấn quốc có sự chuẩn bị”. Sau đó Tử Cống quay về nước Lỗ.

Tử Cống một lần du thuyết đã thay đổi vận mệnh của 5 quốc gia. Trong “Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện” có chép như sau: “Tử Cống một lần đi sứ, bảo tồn được nước Lỗ, gây nhiễu loạn nước Tề, tiêu diệt nước Ngô, làm mạnh nước Tấn, khiến nước Việt xưng bá. Tử Cống một lần đi sứ, khiến cho hình thế chính trị và thực lực quân sự của 5 nước phát sinh biến hóa trong 10 năm. Nếu dùng một câu trong “Tam quốc diễn nghĩa” để miêu tả lần đi sứ này và tài du thuyết của Tử Cống, thì có một câu thích hợp: “Lời đầu lưỡi khua cơn sấm gió, mẹo trong lòng sáng tỏ trăng cao”.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV