“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Lại nói về Trụ Vương, sáng hôm sau ra lệnh thiết triều từ rất sớm. Đợi sau khi chúng thần toàn triều hành lễ xong, vua truyền cho tất cả bình thân rồi dõng dạc tuyên ‎ý:

“Nay trẫm muốn ra chỉ dụ cho bốn trấn chư hầu lớn kén chọn mỗi trấn năm trăm mỹ nữ, chẳng luận giàu sang, qúy tộc, miễn là dung nhan đẹp đẽ, cốt cách dịu dàng, ăn nói khuôn phép để sung vào cung tiện bề sai khiến”.

Quan Tể tướng Thương Dung quỳ tấu:

“Xưa nay, hễ vua phải đạo thì muôn dân noi gương, không cần dạy dỗ nước vẫn yên vui, dân vẫn phục tùng. Hiện trong cung bệ hạ đã có dư ngàn cung nữ, hậu phi lại hiền đức không ai bằng, nếu bệ hạ còn kén thêm nữa, thần e rằng dân gian không phục. Thần có nghe nói, đạo làm vua nên vui cái vui của dân, nên lo cái lo của dân. Hiện nay trời đang hạn hán, bệ hạ không lo cái khổ của dân, lại chọn nữ sắc, hạ thần thấy không phải lẽ. Ðời Nghiêu, Thuấn xưa cai trị thiên hạ không cần khí giới, không dùng hình pháp, khiến cho trời xuống điềm lành, sao Kiêu chiếu sáng trời, chim phụng đỗ rợp sân, cỏ thơm mọc đầy nội, người đi lại đầy đường, chó không tiếng sủa đêm, lúa trổ đều hai gié, ấy là điềm thịnh trị”.

Trụ Vương nói:

“Ta kế vị nhà Thương mấy năm nay, tuy không được như đời Nghiêu, Thuấn, nhưng trăm họ yên vui, bốn phương quy thuận, há không phải là điềm thịnh trị sao?”.

Tể tướng Thương Dung tâu:

“Nay phương Bắc đang có giặc, mọi miền dân chúng đang khốn đốn vì nạn binh đao. Thái sư Văn Trọng phải bỏ việc triều đình đi dẹp loạn. Nếu bệ hạ lo cái lo của dân thì phải dùng người hiền, đuổi kẻ nịnh, lấy nhân đức làm đầu, tự nhiên thiên hạ thái bình, an yên bốn cõi… Còn bệ hạ nay ham mê tửu sắc, thích tiếng vuốt ve, săn tìm dục thú chỉ e không tránh khỏi loạn ly. Theo ý hạ thần, bệ hạ không nên tuyển mỹ nữ vào cung trong lúc này. Cúi xin bệ hạ minh xét”.

Trụ Vương giận tím tâm can, nhưng biết nếu buông lời trách phạt Thương Dung sẽ trái ý quần thần bèn lập tức truyền chỉ bãi triều.

Trụ Vương giận tím tâm can, nhưng biết nếu buông lời trách phạt Thương Dung sẽ trái ý quần thần bèn lập tức truyền chỉ bãi triều. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Thời gian thấm thoắt trôi đi, sang năm tiếp theo, vào tiết tháng tư, bốn trấn chư hầu lớn đưa mấy trăm chư hầu nhỏ về Triều Ca để chầu nhà Thương theo thể thức hàng năm.

Bấy giờ các chư hầu đều biết Thái sư Văn Trọng đi dẹp loạn chưa về, quyền bính trong triều đều do hai quan nịnh thần là Bí Trọng và Vưu Hồn thao túng. Vì muốn mượn lời nịnh thần lấy lòng Trụ Vương, các chư hầu lớn nhỏ ai ai cũng đem ít nhiều lễ vật hối lộ nơi tư dinh của hai tên gian thần ấy.

Duy có một mình Tô Hộ, làm Ký Châu Hầu, tính tình cương trực không chịu dua mị ai, việc phải trái đều nói thẳng trước mặt, nên không đem lễ vật riêng đút lót cho Bí Trọng và Vưu Hồn.

Hai tên gian thần này đem lòng oán trách Tô Hộ, chờ dịp để trả thù.

Ðến ngày mồng một năm ấy là ngày lành. Trụ Vương lâm triều, các quan ứng hầu đủ mặt. Quan Huỳnh Môn vào bẩm tấu:

“Năm nay nhằm lễ chung, chư hầu lớn nhỏ đều tề tựu đến chầu bệ hạ để nghe truyền dạy. Tất cả đang đứng ở ngoài chờ lệnh…”.

Trụ Vương hỏi Thương Dung:

“Thừa Tướng định tiếp đón chư hầu như thế nào cho tiện?”.

Thương Dung tâu:

“Bệ hạ chỉ cần gọi vương của bốn trấn chư hầu lớn vào chầu để hỏi thăm dân tình mọi nơi và nếp sống ra sao thôi. Bệ hạ nên dùng lời thiện đãi mà trả ơn họ. Còn hơn bảy trăm trấn chư hầu nhỏ thì để họ chầu ngoài Ngọ môn đợi ban thưởng sau cũng được”.

Trụ Vương nghe theo, liền sai Huỳnh Môn quan cho gọi Vương của các trấn chư hầu lớn vào đại điện yết kiến.

Bốn trấn chư hầu vâng mệnh, qua khỏi cửa Cửu Long, đến quỳ trước thềm rồng. Vua Trụ bước xuống ngai, đứng giữa đại điện truyền khẩu dụ:

“Các khanh giúp trẫm vỗ an trăm dân, trấn ải dẹp loạn, đánh xa trị gần, có công khó nhọc như vậy trẫm rất hài lòng”.

Ðông Bá Hầu – Khương Hoàng Sở thay mặt cả bốn trấn chư hầu lớn tâu trình:

“Khải bẩm Hoàng thượng, chúng thần đội ơn trên ban chức tổng trấn, hằng ngày ráng lo nhiệm vụ, sợ không tròn trách nhiệm bệ hạ giao phó, nếu có nhọc sức ngựa trâu đôi chút bất quá cũng chỉ mong đền bổn phận làm tôi. Nay được bệ hạ ra ơn vỗ về, chúng thần thấy muôn phần vạn hạnh!”.

Vương bốn trấn chư hầu đều tung hô: “Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”.

Trụ Vương rất lấy làm đẹp lòng, truyền Thừa tướng Thương Dung và Á tướng Tỉ Can sai người bày tiệc tại cung Hiển Thánh, hậu đãi bốn vị tổng trấn và hết thảy tùy tùng cho thật linh đình.

Bốn trấn chư hầu lạy tạ rồi theo Thương Dung và Tỉ Can đến Hiển Thánh cung dự tiệc. Trụ Vương cho bãi triều rồi lập tức rời về hậu cung cho gọi Bí Trọng và Vưu Hồn đến hỏi:

“Năm ngoái các khanh khuyên ta xuống chiếu nhờ bốn trấn chư hầu kén chọn mỹ nữ, nhưng bị Tể tướng Thương Dung cản ngăn. Năm nay sẵn dịp bốn trấn chư hầu về đủ mặt, trẫm có nên phán truyền lệnh ấy hay không?”.

Biết thời cơ trả thù Tô Hộ đã tới lại tiện bề làm đẹp ý vua, Bí Trọng và Vưu Hồn cùng liếc mắt nhìn nhau bẩm tấu:

“Thừa tướng trước kia can ngăn việc tuyển thêm mỹ nữ, bệ hạ đã nghe theo. Bây giờ lại truyền kén nữa, chúng thần e các chư hầu mà biết được sẽ làm mất uy tín của bệ hạ chăng? Vừa hay chúng thần có nghe đồn con gái của Ký Châu Hầu – Tô Hộ có tên là Đát Kỷ quốc sắc khuynh thành, hoa nhường nguyệt thẹn, nếu bệ hạ chọn vào cung cấm chắc chắn là được toại nguyện. Vả lại cho đòi một người vào cung thì không làm cho dân chúng xôn xao, hai bề vẹn đẹp”.

Hai tên gian thần Bí Trọng và Vưu Hồn biết thời cơ trả thù Tô Hộ đã tới lại tiện bề làm đẹp ý vua cùng liếc mắt nhìn nhau bẩm tấu. (Ảnh: dkn.tv)

Vua Trụ khen:

“Các khanh thật là đa mưu túc trí, lại luôn hiểu lòng trẫm, thật đáng mặt trung thần!”.

Nói rồi lập tức truyền chỉ quan nội thị ra ngoài cho gọi Tô Hộ vào ra mắt.

Nội thị tuân lệnh ra gặp Tô Hộ truyền: “Thiên tử cho mời Ký Châu Hầu vào thương nghị việc nước”.

Tô Hộ theo nội thị vào thẳng điện Long Ðức, làm lễ tung hô vạn tuế rồi quỳ xuống nghe lệnh. Trụ Vương hỏi:

“Trẫm nghe nói khanh có một người con gái nết na dịu dàng, tính tình thuần hậu, trẫm muốn chọn vào hậu cung để được gần trẫm. Nếu được vậy khanh sẽ là quốc thích, ăn lộc trời hưởng ngôi lớn, yên trấn nơi Ký Châu, danh vang lừng bốn biển. Ðời người được vinh hiển giàu sang như vậy ai lại không thích, chẳng biết ý khanh như thế nào?”.

Tô Hộ nghe Trụ Vương nói xong, mặt biến sắc quỳ tâu:

“Bệ hạ có tam cung lục viện, cung nữ hơn ngàn người đâu thiếu gì mặt liễu mày hoa, Bệ hạ còn chưa thỏa mãn sao? Xin Bệ hạ chớ nghe lời dua mị của kẻ dưới. Vả lại ái nữ của thần còn thơ dại, chưa hiểu phép tắc trong cung, đức hạnh và nhan sắc đều thiếu… Cúi xin bệ hạ chớ nhọc lòng tưởng đến làm chi…”.

Vua Trụ cười lớn nói:

“Xưa nay ai cũng muốn cho con gái mình làm rạng rỡ tông môn, đáp đền hiếu thảo. Nay cho ái nữ của khanh vào làm phi hậu sánh vai với trẫm, còn khanh thì lên hàng quốc thích, vinh hiển nhất đời còn gì hơn? Sao khanh không nghĩ chuyện ấy, cố chấp làm gì?”.

Tô Hộ đoán biết việc này thảy đều do Vưu Hồn, Bí Trọng vì không được mình đút lót mà bày chuyện trả thù, nên uất hận mà nói lớn:

“Thần nghe nói: Vua làm điều có đức thì muôn dân mến phục, bốn phương quy thuận, muôn dân kính vì, lộc trời trọn hưởng. Xưa vua Kiệt nhà Hạ vì đam mê sắc dục, làm lắm điều ác mà sớm ngày mất nước. Còn các vị Tiên vương nhà Thương thì không màng của lợi, đức lớn ân nhiều nên thiên hạ theo về, dựng lên đại nghiệp. Nay Bệ hạ không bắt chước tổ tông, lại noi theo gương nhà Hạ, dẫm chân lên bước đường vong quốc, hạ thần lấy làm tiếc. Hễ Hoàng đế ham sắc thì mất xã tắc, đại phu ham sắc thì mất cơ nghiệp, thứ dân tham sắc thì lụy tấm thân. Vua là tấm gương của bầy tôi, hễ vua lỗi đạo thì tôi lăng loàn, lập phe tụ đảng, mối nước rối ren. Thần chỉ sợ cơ nghiệp nhà Thương gây dựng sáu trăm năm nay, vì bệ hạ mà sụp đổ”.

Trụ Vương nghe Tô Hộ nói lời phạm thượng, giận đến tím mặt. (Ảnh: dkn.tv)

Trụ Vương nghe Tô Hộ nói lời phạm thượng, giận đến tím mặt, mắng:

“Xưa nay hễ đạo làm tôi phải gìn lòng trung nghĩa, vua cho hầu thì lật đật đến hầu chẳng dám đợi xe, vua khiến chết cũng chẳng dám chối từ. Nay trẫm chỉ cần kén một đức con gái vào làm hậu phi mà ngươi dám buông lời chống trả, mắng nhiếc trẫm, lại so sánh trẫm với vua Kiệt là một ông vua mất nước. Có ai dám vô lễ như thế không?”.

Liền truyền cho nội thị bắt Tô Hộ đem đến tòa Pháp Ty kết tội khi quân. Nội thị tuân lệnh toan bắt Tô Hộ trói lại…

Vưu Hồn, Bí Trọng vội quỳ tâu:

“Tội khi quân của của Tô Hộ đáng xử phạt lắm, nhưng vì Bệ hạ muốn kén con gái của Tô Hộ rồi lại khép tội ông ta, e thiên hạ không hiểu sự tình nghĩ lầm rằng Bệ hạ trọng sắc khinh hiền. Xin Bệ hạ ra ân tha tội cho Tô Hộ về nước. Ông ta sẽ cảm đức bệ hạ, một lòng đem ái nữ dâng vào cung. Như vậy Bệ hạ sẽ tránh được tiếng thị phi, mà còn tỏ mình có lòng nhân nữa”.

Vua Trụ nghe nói bớt giận, truyền tha tội cho Tô Hộ, bảo phải về nước, gia hạn đúng ngày này tháng sau phải đưa ái nữ vào cung, từ khi nhận mệnh tuyệt đối không được nấn ná ở Triều Ca thêm ngày nào nữa…

(Còn nữa)

Đường Phong