Hẳn nhiều người đều biết đến điển cố “nhập mộc tam phân”, nhân vật chính của điển cố này chính là Vương Hy Chi, một nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử [Trung Quốc], chữ của ông đẹp mà khỏe khoắn, tuy uyển chuyển nhưng lại cứng cáp, khiến người ta xem xong không khỏi sửng sốt, ngợi khen.

“Lan Đình Tự” do ông viết càng là bảo vật được Đường Thái Tông Lý Thế Dân cất giữ cẩn thận. Là một nhà thư pháp, được nhiều người, từ dân thường cho đến bậc đế vương, yêu mến và kính trọng như vậy thì cũng coi như đã công thành danh toại. Ngoài ra, con trai của ông là Vương Hiến Chi cũng được thừa hưởng y bát của ông và trở thành một nhà thư pháp nổi tiếng gần xa, tuy nhiên, đứa con trai này của Vương Hy Chi lại không có được cuộc sống an nhiên tự tại giống như ông, không chỉ nếm trải nhiều cay đắng, về sau còn bị hoàng đế ép hôn, vì để từ chối làm phò mà, ông thà tự phế đi đôi chân của mình, nhưng không ngờ, công chúa lại kiên quyết nói rằng: “Dẫu chàng có bị què thiếp cũng gả cho chàng”. Vậy rốt cuộc đây là chuyện thế nào? 

Vương Hiến Chi, sinh năm 344, là con trai thứ bảy của “thư thánh” Vương Hy Chi. Từ nhỏ ông đã được thừa hưởng gen tốt của cha mẹ, thông minh hơn người, thư pháp của ông càng xuất sắc hơn, ông cùng phụ thân là Vương Hy Chi được người đời xưng là “nhị vương”. Vương Hiến Chi còn có tướng mạo anh tuấn hơn người, các cô gái trong thành mỗi  khi trông thấy chàng đều e thẹn đỏ mặt, nhưng trong lòng Vương Hiến Chi từ sớm đã có bóng hồng của đời mình, chính là nàng Hy Đạo Mậu.

Vương Hiến Chi cùng phụ thân là Vương Hy Chi được người đời xưng là “nhị vương” (Ảnh trên Internet).

Phụ thân của Hy Đạo Mậu là Hy Đàm, con trai thứ hai của Hy Giám – quan đại thần nổi tiếng nhà Đông Tấn. Đương thời, nhà họ Vương và nhà họ Hy đều là danh môn vọng tộc có ảnh hưởng lớn, cộng thêm Vương Hiến Chi và Hy Đạo Mậu lớn lên cùng nhau, tình cảm ngày một sâu đậm. Khi cả hai đến tuổi kết hôn, Vương Hy Chi đã ngỏ ý kết thông gia với nhà họ Hy, phụ mẫu hai bên đều vui vẻ đồng ý. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận.

Nhưng, “trời có mưa gió không đoán trước, người có họa phúc sớm chiều’, vợ chồng Vương Hiến Chi và Hy Đạo Mậu cưới nhau mới được nửa năm thì phụ thân của hai người lần lượt qua đời, về sau con gái của hai người cũng chết yểu. Đối mặt với cái chết liên tiếp của người thân ruột thịt, hai vợ chồng đều chịu đả kích sâu sắc, may thay hai người cùng nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn, khiến tình cảm cả hai ngày càng gắn bó hơn. Có điều, sóng gió vẫn chưa đặt dấu chấm hết với đôi uyên ương khổ mệnh này. Khi này, con gái của Tấn Giản Văn Đế là Tư Mã Đạo Phúc, còn được gọi là công chúa Tân An, xuất hiện, nàng ta nhất quyết muốn chia rẽ hai vợ chồng họ. 

Vương Hiến Chi và Hy Đạo Mậu (Ảnh trên Internet).

Công chúa Tân An từ lâu đã đem lòng ái mộ Vương Hiến Chi và tìm đủ mọi cách để kết thân với chàng. Lúc này, nhìn thấy  gia tộc họ Vương đã dần lụn bại, công chúa lập tức yêu cầu phụ thân gả nàng cho Vương Hiến Chi. Giản Văn Đế biết Vương Hiến Chi là một nhân tài, liền vui vẻ nhận lời thỉnh cầu của con gái. Nhưng Vương Hiến Chi đã có vợ, mà công chúa thân phận cao quý là vậy sao có thể làm tiểu thiếp được? Giản Văn Đế bèn lấy “phu nhân Vương Hiến Chi chưa sinh được con trai” làm lý do, hạ chiếu bắt Vương Hiến Chi thôi vợ và tuyên bố gả công chúa Tân An cho chàng. Nhận được chiếu chỉ của vua ban, Vương Hiến Chi và Hy Đạo Mậu vô cùng đau khổ. 

Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, hai người họ không đủ năng lực từ chối hôn sự này. Vương Hiến Chi căm phẫn châm lửa cỏ ngải đốt vào hai chân, đốt đến da thịt cháy bỏng, hai chân tàn phế, hy vọng nhờ vậy mà khiến công chúa chủ động thoái hôn. Nào ngờ, công chúa Tân An càng thêm cương quyết rằng “dẫu chàng có bị què, thiếp cũng gả cho chàng”. Vương Hiến Chi vạn bất đắc dĩ, đành phải thôi vợ nghênh đón công chúa, hai người sau khi thành hôn đã sinh được cô con gái, bé gái này về sau trở thành hoàng hậu. 

Sau khi Hy Đạo Mậu lặng lẽ rời đi, nàng quyết định ở vậy cả đời, cuối cùng buồn bã lìa trần, Vương Hiến Chi hay tin đau khổ khóc ngất, “tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”. Không lâu sau, Vương Hiến Chi ngã bệnh, sức khỏe không thể hồi phục, rất mau đã rời khỏi nhân thế, hưởng thọ 43 tuổi. Trước khi ông mất, có một đạo sĩ đã đến đuổi tà trị bệnh cho ông, và hỏi ông có di ngôn gì không. Vương Hiến Chi cười khổ nói: “Không có gì phải bàn giao cả, duy chỉ có nỗi ân hận về chuyện ly hôn với Hy Đạo Mậu là không thể nào quên được”.

“Thế nhân là giống tình si, hận này đâu phải tại vì gió trăng”. Bi kịch tình yêu giữa Vương Hiến Chi và Hy Đạo Mậu khiến người đời không khỏi thổn thức xót xa. Dù Vương Hiến Chi có phong thái thanh cao của một văn nhân, nhưng khi đứng trước hoàng quyền cũng phải bất lực, khiến hôn nhân của mình trở thành vật hy sinh, để lại sự hối tiếc và ân hận sâu sắc không thôi.

Chú giải:

– Nhập mộc tam phân: Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Thư đoạn” của Trương Hoài Quán triều nhà Đường.

Vương Hi Chi người Hội Khê triều nhà Tấn là một nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử TQ. Chữ của ông đẹp mà khỏe khoắn, tuy uyển chuyển nhưng lại cứng cáp, có khá nhiều nhà thư pháp nổi tiếng sau này đều lấy chữ ông làm mẫu. Thư thiếp nổi tiếng của ông còn lại hiện nay có “Lan đình tập tự” và “Hoàng đình kinh” …

Chữ của Vương Hi Chi sở dĩ đẹp, một phần là do trời phú, nhưng điều quan trọng hơn là ông rất chịu khó tập viết. Để viết được một chữ vừa ý, ngay trong lúc nằm nghỉ hay đi đường, ông đều ngẫm nghĩ về kết cấu thể chữ, suy tưởng về khí thế của nó, hơn nữa còn thường xuyên dùng ngón tay mô phỏng trên vạt áo, lâu rồi vạt áo cũng bị rách bươm.

Trong khi luyện bút, mỗi khi viết xong, ông thường ra bờ ao rửa nghiên bút, khiến ao nước trở thành màu đen.

Một hôm, khi Hoàng đế đi giỗ tổ ở ngoại ô phía bắc, đã bảo Vương Hi Chi viết chúc từ trên một tấm ván rồi sai thợ điêu khắc. Trong khi khắc, người thợ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, vì nét bút của Vương Hi Chi rất khỏe khoắn đã khắc sâu vào gỗ đến ba phân, mới than rằng: “Chữ viết của hữu tướng quân Vương Hi Chi quả thật là Nhập mộc tam phân”.

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch

Từ Khóa: